Sao Thổ chính thức có thêm 128 mặt trăng mới

Sao Thổ vừa được công nhận thêm 128 mặt trăng mới, nâng tổng số mặt trăng của nó lên con số kỷ lục 274.

Được biết đến là hành tinh nổi bật với vành đai đẹp mắt, số lượng mặt trăng được ghi nhận trên hành tinh này khiến cho con số 95 mặt trăng của Sao Mộc trở nên nhỏ bé hơn. Trong khi đó, Trái Đất vẫn chỉ có một mặt trăng duy nhất, mặc dù có những khoảnh khắc có thêm mặt trăng thứ hai tồn tại trong thời gian ngắn.

Sao Thổ chính thức có thêm 128 mặt trăng mới - 1

Sao Thổ tiếp tục xác lập kỷ lục mới về số mặt trăng tồn tại xung quanh.

Những mặt trăng mới của Sao Mộc được phát hiện bởi một nhóm các nhà thiên văn học từ Đài Loan, Canada, Mỹ và Pháp bằng Kính viễn vọng Canada-Pháp-Hawaii (CFHT) vào năm 2023. Tuy nhiên, Liên minh thiên văn quốc tế, cơ quan có thẩm quyền trong việc công nhận các thiên thể, chỉ chính thức công nhận các mặt trăng này vào ngày 11/3.

Hầu hết các mặt trăng mới đều nhỏ và không đều, chỉ có đường kính vài kilomet (km). Để so sánh, mặt trăng của chúng ta có đường kính lên tới 3.475 km. Dù nhỏ bé, những mặt trăng này đã được xác nhận có quỹ đạo ổn định quanh Sao Thổ - điều kiện cần thiết để được công nhận là mặt trăng chính thức.

Tiến sĩ Brett Gladman, giáo sư tại Đại học British Columbia, cho biết: “Những mặt trăng này có kích thước vài km và có thể là các mảnh vỡ của những mặt trăng lớn hơn đã bị phá hủy do va chạm với các mặt trăng khác hoặc sao chổi”.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên nhóm nghiên cứu này bổ sung thêm số lượng mặt trăng của Sao Thổ. Từ năm 2019 đến 2021, họ đã phát hiện thêm 62 mặt trăng mới. Tiến sĩ Edward Ashton, nghiên cứu sinh tại Viện Thiên văn học và Vật lý thiên văn tại Academia Sinica, cho biết: “Chúng tôi đã quay lại cùng một khu vực bầu trời trong ba tháng liên tiếp vào năm 2023 và đã tìm thấy 128 mặt trăng mới”.

Sao Thổ chính thức có thêm 128 mặt trăng mới - 2

Khả năng phát hiện số lượng mặt trăng mới đã đạt đến giới hạn?

Mặt trăng đầu tiên của Sao Thổ có tên Titan được phát hiện bởi nhà thiên văn học Christiaan Huygens vào năm 1655. Trong những thập kỷ tiếp theo, Jean-Dominique Cassini đã phát hiện ra nhiều mặt trăng khác như Iapetus, Rhea, Dione và Tethys. Phải mất thêm khoảng một thế kỷ để William Herschel phát hiện ra Mimas và Enceladus vào năm 1789.

Trong 200 năm qua, nhờ những tiến bộ công nghệ, bao gồm nhiếp ảnh, kính thiên văn lớn và các tàu thăm dò không gian như Voyager 1, Voyager 2 và Cassini, đã giúp chúng ta khám phá nhiều hơn về các mặt trăng của Sao Thổ. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu hiện nghi ngờ rằng chúng ta có thể đã đạt đến giới hạn trong việc phát hiện thêm mặt trăng mới. Tiến sĩ Ashton cho biết: “Với công nghệ hiện tại, tôi không nghĩ chúng ta có thể làm tốt hơn những gì đã đạt được với việc đếm số lượng mặt trăng quanh Sao Thổ, Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương”.

Khôi Nguyễn - BGR

Tin liên quan

Tin mới nhất