Văn học nghệ thuật Lai Châu trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
Lai Châu với bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số đa dạng luôn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự say mê khám phá, sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn không chỉ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ mà còn có sức hút đặc biệt đối với công chúng.
Sắc thái văn hóa đa dạng biểu hiện rõ nét qua kho tàng văn học truyền miệng, qua các loại hình nghệ thuật thể hiện ở các lễ hội như Xòe chiêng, Áp hô chiêng, Nàng Han, Kin lẩu khẩu mẩu, Then Kin Pang, Lễ hội Hạn cuống… của dân tộc Thái; Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông; Lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao; Lễ hội Tú tỉ của dân tộc Giáy và nhiều lễ hội của các dân tộc khác.
Cùng với đó, việc lưu giữ, phát huy các nghề truyền thống của các dân tộc bản địa như đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, chế tác các nhạc cụ truyền thống… các lễ hội đặc sắc như mừng cơm mới, cúng bến nước, hội đua thuyền,… nền âm nhạc truyền thống với nhạc cụ đàn môi, khèn, sáo, tính tẩu… cùng các loại hình văn hóa dân gian, sinh hoạt cộng đồng và kho tàng văn học nghệ thuật dân gian đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã tạo được vốn văn hóa khá đồ sộ, đa dạng và phong phú.
Đoàn văn nghệ sĩ Lai Châu về cơ sở tìm hiểu văn hoá dân tộc. Ảnh: Hà Minh Hưng.
Được thành lập từ ngày 20/7/1981 theo Nghị quyết số 125-NQ/TU của Tỉnh uỷ Lai Châu (cũ), trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, lực lượng văn nghệ sỹ của tỉnh luôn xác định rõ nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Với sự cố gắng nỗ lực vượt bậc, Hội VHNT tỉnh Lai Châu đã có bước trưởng thành và lớn mạnh không ngừng, đã phát hiện và bồi dưỡng, tạo nên các tác giả có tên tuổi như: Vi Văn Phủ, Mào Ết, Mùa A Sấu, rồi tiếp đó là các tác giả Xuân Thậm, Trọng Mậu, Huỳnh Nguyên, Trương Hữu Thiêm và những năm gần đây là những tác giả Bùi Từ Thiện, Vương Khon, Tẩn Quí Dao, Tô Hợp, Chu Thùy Liên, Lê Hải Yến, Vùi Tâm Anh, Tao Hải Yến…
Từ việc nghiên cứu, sưu tầm, khai thác các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Lai Châu, số lượng tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề này ra mắt công chúng trong những năm qua ngày một tăng, chất lượng được nâng lên rõ rệt, sức lan tỏa ngày càng sâu rộng.
Điều đó được thể hiện rõ nét qua hoạt động xuất bản, từ khi thành lập phát hành tập Sáng tác Lai Châu, sau đó là Sáng tác Sông Đà, Biên giới lòng người, Biên giới là quê hương, rồi đến Văn nghệ Lai Châu. Từ nhiệm kỳ II, Hội VHNT Lai Châu mới chỉ xuất bản từ 1-4 số/năm, song từ năm 2016 tới nay, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đã duy trì phát hành 12 số/năm với số lượng 1300 cuốn trên 400 địa chỉ trong tỉnh và 84 địa chỉ ngoài tỉnh, đã thực sự trở thành cơ quan ngôn luận của Hội, là nơi phổ biến, giới thiệu tác phẩm cho hội viên, cộng tác viên, nghệ nhân.
Tạp chí Văn nghệ Lai Châu có các chuyên mục để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số như: Chuyên mục Hương sắc bản Mường; Thơ song ngữ… Trong đó, nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, đạt giải cao tại các cuộc thi trong tỉnh, khu vực, bên cạnh sáng tác của lực lượng hội viên, phong trào sáng tác quần chúng, các câu lạc bộ cũng được đẩy mạnh, góp phần làm cho hoạt động VHNT tỉnh Lai Châu thêm phong phú, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nói chung, văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng. Các tác phẩm vừa phản ánh được sự phát triển của miền đất, con người, vừa chắt lọc tinh hoa văn hóa 20 dân tộc, góp phần bảo tồn, quảng bá văn hoá các dân tộc ở Lai Châu.
Những năm qua, hội viên của Hội đã xuất bản được 103 đầu sách: các tuyển tập, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, nhạc, nghiên cứu, phê bình, tranh, ảnh... tổ chức đoàn tham gia và tổ chức 18 cuộc triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; gần 80 trại sáng tác chuyên đề và tổng hợp; 7 hội thảo chuyên đề quy mô cấp tỉnh. Các tác phẩm VHNT được phát hành đã tập trung thể hiện chủ đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số: Ở chuyên ngành văn nghệ dân gian có các nhà nghiên cứu văn hóa như: Đỗ Thị Tấc, Lò Văn Chiến, Điêu Văn Thuyển, Hù Cố Xuân…; chuyên ngành văn học có tác giả: Huỳnh Nguyên, Thanh Luận, Đào Chính, Bùi Thị Sơn, Phùng Hải Yến, Đinh Hồng Nhung, Phạm Đào…; chuyên ngành nhiếp ảnh có tác giả Ngọc Thắng, Tùng Giang, Bùi Tiến Dũng…; Chuyên ngành mỹ thuật có tác giả: Nguyễn Hùng Cường, Hà Minh Hưng, Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Thế Trúc, Nguyễn Văn Điệu, Huỳnh Nghĩa Bình… Chuyên ngành âm nhạc có NSƯT Minh Cừ, nhạc sĩ Vương Khon, Tô Văn, Thành Chung… Chuyên ngành múa có nghệ sĩ Pờ Nhù Nu, Cà Thị Thắm…
Với sự tích cực trong hoạt động sáng tác, nhiều tác giả, tác phẩm đã đạt những giải thưởng cao quý trong hoạt động nghệ thuật. Tiêu biểu như: Nhà văn Đỗ Thị Tấc đạt giải thưởng nhà văn nữ ấn tượng năm 2024 của Hội Nhà văn Việt Nam; Nhạc sĩ Vương Khon - hội viên Hội VHNT tỉnh Lai Châu có ca khúc đạt giải thưởng tác phẩm xuất sắc; Nhạc sĩ Minh Cừ đạt Huy chương Bạc Liên hoan Âm nhạc ASEAN, đạt Giải A tại Giải thưởng sáng tác VHNT, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 (giai đoạn 2021-2023); Tác giả Nguyễn Văn Quang đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật Khu vực Miền núi phía Bắc năm 2022; Tác giả Phùng Hải Yến đạt giải A cuộc thi truyện ngắn của Bộ Công an; tác giả Đặng Thùy Tiên đạt giải tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam;…
Duy trì hoạt động câu lạc bộ văn hoá ở cơ sở là nhiệm vụ thường xuyên của Hội VHNT. Ảnh: Hà Minh Hưng.
Để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, Hội VHNT tỉnh đã phối hợp với Phòng Văn hóa và thông tin các huyện, thành phố xây dựng và duy trì hoạt động của 16 CLB bảo tồn văn hóa trên địa bàn các xã trong giai đoạn 2023-2025; phối hợp mở lớp truyền dạy tiếng và chữ, nhạc cụ một số dân tộc tại các xã, phường, thị trấn; phối hợp hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng và thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học đạt nhiều kết quả sáng tạo trong hoạt động của câu lạc bộ...
Bên cạnh những kết quả đạt được, nền văn học nghệ thuật Lai Châu còn tồn tại một số hạn chế và đối diện với các thách thức cơ bản đó là: Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiều ở Lai Châu nhìn chung còn nhiều hạn chế, khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp Nhân dân khá xa. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật còn hạn chế, không gian sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số dẫn đến nguy cơ mai một giá trị văn hoá, từ đó ảnh hưởng đến “nguồn tài nguyên” sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đội ngũ sáng tác kế cận chưa thực sự đông đảo, đặc biệt là đội ngũ người viết tâm huyết với đề tài miền núi, văn hóa dân tộc thiểu số; chưa có nhiều tác phẩm hay, xứng tầm về miền đất, con người và văn hóa dân tộc ở Lai Châu; các tác phẩm đạt giải chuyên ngành chưa được tôn vinh trong tỉnh, chưa có đông đảo tác giả trẻ đủ điều kiện để trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học thiểu số Việt Nam.
Trước những thực tế trên, văn học nghệ thuật Lai Châu đặt ra mục tiêu đó là cùng với hệ thống chính trị, văn hóa nỗ lực khôi phục những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại Lai Châu thông qua các lĩnh vực nghệ thuật của mình. Từng bước đưa văn học nghệ thuật sáng tác về dân tộc và vùng đất Lai Châu về với cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tiếp tục tham mưu, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về văn học nghệ thuật. Tập trung khơi dậy đam mê, sáng tạo trong đội ngũ văn nghệ sĩ; chủ động tổ chức các trại sáng tác cho hội viên…tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu đề xuất các chủ trương, chính sách đối với đội ngũ văn nghệ sĩ để văn học, nghệ thuật Lai Châu thực sự phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, quảng bá hình ảnh miền đất, con người Lai Châu đến với bạn bè trong và ngoài nước thông qua những hoạt động nghệ thuật thế mạnh của các chi hội và của Hội.

Đã từ lâu người ta gọi huyện Thường Tín - Hà Nội là miền đất Danh Hương. Cái tên Danh Hương được khởi nguồn từ...
Bình luận