Kỷ niệm gặp gỡ đầu xuân với nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện
Trong buổi khai xuân đầu năm Ất Tỵ của một trong những Câu lạc bộ thơ văn có tiếng giữa lòng Thủ đô - Thi nhân Miền cổ tích, một niềm vui bất ngờ đến với tôi khi được gặp gỡ một nhà văn gạo cội mà tôi ngưỡng mộ từ lâu, đó là PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.
Thật đáng kinh ngạc! Khác hẳn với quan niệm về những người cao tuổi đã ở ngưỡng “bát thập”, PGS.TS Ngọc Thiện vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát tinh tường với phong thái tự tin, uyên bác. Ông tặng chúng tôi mỗi người một bức ảnh chụp vị Thần Rắn, đằng sau “vị thần” là tượng ba ông tam đa Phúc - Lộc - Thọ tươi cười đón xuân.
Ông giải thích: “Biểu tượng con rắn chứa đựng giá trị tinh thần độc đáo, góp phần tạo nên sắc màu đặc trưng cho tâm linh Đông Phương, nói lên thông điệp sâu sắc về biểu tượng cho sức mạnh, cho sự tái sinh kiếp luân hồi. Rắn còn là thể hiện sự liên kết giữa con người và thiên nhiên, như dòng chảy năng lượng vươn tới đỉnh cao của sự thịnh vượng. Vì vậy mà phía sau “Thần Rắn” có ba vị thần: “Phúc” biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, đông con nhiều cháu, “Lộc” biểu tượng cho sự may mắn phát tài lộc, “Thọ” biểu tượng cho sự trường thọ “bách niên giai lão” của con người…
Năm rắn nói chuyện rắn với một con người uyên bác như PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện thật thú vị. Ông đã mang đến một không khí an nhiên với món quà tặng độc đáo, ước muốn mang lại may mắn cho mọi người.
Tác giả Thu Lâm và nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện.
Buổi gặp mặt khai xuân đầu năm diễn ra thật vui và sôi nổi, nhất là khi Ban tổ chức vinh danh một số các nhà văn, nhà thơ đã có những thành tích đóng góp cho nền văn học nước nhà. Người đầu tiên được giới thiệu là PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.
Thông thường theo quy luật cuộc đời, sau khi nghỉ hưu, con người ta trở về tâm trạng nghỉ ngơi hoặc không còn nhiều sức lực, cảm xúc để làm việc nhưng PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện thì ngược lại. Dù phải trải qua những mất mát to lớn về tình cảm. Đó là sự ra đi vĩnh viễn của người bạn đời, người vợ thân yêu đã đồng hành cùng ông, chăm sóc ông suốt cuộc đời cống hiến cho văn chương mà thành công của ông hôm nay đã có sự giúp sức không nhỏ của bà. Nén buồn đau, ông đã tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, lấy công việc văn chương cân bằng cuộc sống.
Sau nghỉ hưu, ông đã dành toàn bộ thời gian cho việc viết, đặc biệt trong lĩnh vực rất khó là nghiên cứu lý luận và phê bình văn học.
Năm 2018, kỷ niệm 70 năm tuổi, ông đã cho xuất bản Tuyển tập tác phẩm (1974 - 2017) nhan đề Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương, tuyển chọn các bài tiểu luận - phê bình, chân dung văn học mà ông đã viết và cho công bố trong hơn 40 năm qua, từ tác phẩm đầu tay 1974 đến 2017, gồm 138 bài với 832 trang in khổ lớn. Các bài nói trên trước đó đều đã được in riêng trong 6 tập sách của ông xuất bản trong vòng 20 năm, từ 1995 - 2015, tổng cộng 2000 trang in.
Cuốn sách trên, năm 2020, đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tái bản phần Tiểu luận phê bình với 86 bài trong 1228 trang in khổ vừa, 2000 bản.
Năm 2020, ông cho xuất bản cuốn chuyên khảo công phu về Đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng và lý luận thực tiễn nghệ thuật - một chuyên luận khoa học thoát thai từ đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mà ông đồng chủ trì do Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương đặt hàng. Sau khi nghiệm thu thành công đề tài, phần chủ yếu của đề tài do ông viết đã đã được xuất bản thành sách, sau đó sách được tặng thưởng năm 2021 của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương.
Năm 2021, ông cho xuất bản cuốn sách của nhiều tác giả viết về Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời. Cuốn sách do ông và môn sinh tập hợp, chọn lọc 121 bài của các tác giả là đồng nghiệp, bạn bè, bạn đọc và môn sinh của ông viết về hơn 30 đầu sách tiêu biểu (in riêng và chủ biên) ông đã cho xuất bản từ năm 1995 đến năm 2020 hoặc viết về con người và sự nghiệp sưu tầm, nghiên cứu khoa học, giảng dạy sau đại học, quản lý báo chí của ông trong hơn 50 năm sau khi ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Văn (1967), gia nhập làng nghiên cứu văn học tại Viện Văn học.
Đồng thời cuốn sách còn có phần ông viết về truyền thống quê hương và gia đình, về các người thầy, bậc đàn anh đã sát cánh trên các bước lập nghiệp, trưởng thành trong nghề cầm bút nghiên cứu - phê bình văn chương của ông.
Tập sách là một hồ sơ tư liệu quý, một tác phẩm mẫu mực giúp vào việc nghiên cứu về một tác giả, trên các phương diện sự nghiệp học thuật, bản lĩnh nghề nghiệp và quan hệ xã hội.
Gần đây nhất, năm 2023, ông cho xuất bản tập tiểu luận - phê bình Khúc hợp đàn Văn. Đó là một khúc vĩ thanh nối tiếp vào bộ Tuyển tập ông đã cho xuất bản 5 năm trước và tập chuyên khảo ông cho in 3 năm trước, làm thành một chỉnh thể toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu văn chương - nghệ thuật của ông trong vòng nửa thế kỷ cầm bút theo quan điểm mỹ học Mác - Lênin và tư tưởng văn hóa, văn nghệ Hồ Chí Minh, 6 thập kỷ đời văn, 45 năm tuổi Đảng. Đồng thời cũng là khúc hoan ca bạn bè đã dành cho ông, tiếp vào cuốn Nguyễn Ngọc Thiện - Văn và Đời, cho thấy chân dung học thuật và đời thường của một cây bút lý luận - phê bình văn chương kỳ cựu, tuổi cao nhưng bút lực vẫn còn sung mãn.
Cũng trong năm 2023, tháng 6, Nguyễn Ngọc Thiện vinh dự nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn thư - Lưu trữ" do Bộ Nội vụ trao tặng, ghi nhận công lao của ông trong việc "giữ gìn, bảo quản và hiến tặng tài liệu lưu trữ có giá trị, góp phần làm phong phú phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam". Bởi ông đã xây dựng và sở hữu một thư viện nghiên cứu chuyên ngành lý luận - phê bình quý báu với hàng vạn đầu sách, báo, phát huy hiệu quả vào việc nghiên cứu phê bình văn chương của mình và đào tạo các thế hệ môn sinh kế cận suốt 60 năm trong nghề. Ông thuộc loại học giả “Trước tác đẳng thân” bởi với số lượng sách in riêng và chủ biên xếp lại cao quá đầu người.
Những tác phẩm chính của ông đã được các thư viện lớn trong nước và nước ngoài lưu trữ từ năm 1995, phục vụ cho việc nghiên cứu của bạn đọc trong và ngoài nước. Và trong năm 2022, ông đã hoàn thành việc hiến tặng 77 đơn vị tác phẩm và tài liệu lưu trữ liên quan đến sự nghiệp cầm bút nghiên cứu khoa học văn chương do ông bền bỉ, tâm huyết thực thi suốt nửa thế kỷ qua.
Không thể hình dung được sức làm việc và sáng tạo ở độ tuổi của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện. Trong sâu thẳm tâm hồn văn nhân này còn có cả niềm đam mê khác, đó là hội họa âm nhạc, nhiếp ảnh, điêu khắc. Tất cả đã thể hiện một con người có nội tâm phong phú, là dữ liệu hình thành những trang văn học để đời.
Ông còn như một người thầy dẫn dắt những nhà văn mới chạm ngõ văn chương, bằng những kinh nghiệm và lời khuyên dí dỏm sâu sắc khó quên. “Văn chương không chấp nhận “đồng phục” mà đòi hỏi phải để lại dấu ấn riêng, có cá tính sáng tạo nghệ thuật độc đáo gọi là “duyên ngầm” khiến độc giả nhớ mãi không quên”.
Ông đã từng viết: “Trong văn chương nếu ỷ vào tích lũy vốn sống và tài năng thiên bẩm là chưa đủ. Nó luôn đòi hỏi sự huy động hết mình nỗ lực và những năng lực tiềm ẩn, sự thăng hoa và hứng khởi bất chợt v.v. Văn chương một vùng bí ẩn, âu cũng là duyên phận con người”…
Tất cả những đam mê văn chương và tính cách độc đáo của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện được trân trọng ghi nhận dưới ngòi bút của nhà văn Ngô Khiêm viết trong cuốn Nguyễn Ngọc Thiện Văn và Đời những dòng mà tôi tâm đắc:
… “Nguyễn Ngọc Thiện là sự kết hợp hài hòa của tâm hồn nghệ sĩ, tư duy khoa học và trái tim nhân hậu. Con người Nguyễn Ngọc Thiện là vậy đó, ông cháy hết mình với những đam mê bằng tinh thần, thái độ làm việc nghiêm túc, chỉn chu và giàu lòng nhân ái ...”
*
Buổi gặp gỡ đầu năm đến thời điểm cao trào khi Ban tổ chức mời lên sân khấu các nhà thơ, nhà văn đạt thành tích văn chương, đồng thời chúc mừng anh chị em vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Những tràng pháo tay vang lên giòn giã, nhất là khi PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu đề xuất một số ý kiến rất trúng và đúng, hợp lòng hội viên. Kết thúc bài phát biểu của mình, ông xin trích một phần giá trị bằng tiền nhuận bút tái bản chục đầu sách của mình vừa được nhận, tặng tao đàn văn chương Miền Cổ tích. Cho dù mức thù lao nhà văn nhận được còn rất khiêm tốn, nhưng dù sao cũng đã thể hiện sự trân trọng đánh giá đúng đắn về tài năng của một nhà văn gạo cội, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp văn học nước nhà.
Kết thúc buổi gặp mặt đầu xuân hôm ấy, chắc rằng mọi người cũng như tôi ra về với một tâm trạng phấn khởi, yêu đời. Yêu những con người đang giao hòa với nhau trong niềm đam mê lớn lao, đó là văn chương và PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã là một trong những tác nhân gieo nguồn động lực sáng tạo. Ông đã mang đến cho tôi và bạn bè cảm xúc tươi mới.
Bình luận