Lễ hội truyền thống Bông Sòng – sự tiếp nối mạch nguồn quá khứ và hiện tại
Hàng năm, cứ mỗi độ xuân về, tiết trời ấm áp, là lúc cây cỏ tốt tươi đâm chồi nảy lộc, trăm hoa đua nở, tỏa ngát hương thơm. Đó là lúc sắc xuân tỏa rạng khắp đất trời, cho thấy sức xuân đang vào độ căng tràn nhựa sống. Làng quê Phú Thị như được khoác lên mình sức sống mới, đánh thức những ước mơ, khát vọng đang ươm mầm trong mỗi người. Những ngày này nhân dân trong làng tưng bừng khai xuân mở hội, những lễ hội cổ truyền của quê hương.
Thanh minh lễ hội quê mình,
Cây đa che mái Đình, Đền nắng mưa.
Mái chùa hồn nước vọng đưa,
Tiếng chuông cảnh tỉnh ngàn xưa ấm lòng.
Tương truyền rằng, hơn một ngàn năm về trước, làng Sủi là một trong những ngôi làng cổ kính nổi danh vùng Kinh Bắc (nay thuộc làng Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội). Là nơi ghi dấu ấn một chuyện tình đẹp của vị vua triều Lý - Lý Thánh Tông và người con gái mang tên Ỷ Lan thôn nữ. Khi ấy vua tuổi đã cao nhưng chưa có con trai kế nghiệp. Ỷ Lan bèn xin phép vua cho nàng về quê cầu tự chùa Sủi quê hương của bà.
Bấy giờ có một viên nội quan theo hầu bà tên là Nguyễn Bông, được một nhà sư tiên đoán là người có vận mệnh khác thường, tướng mạo đế vương nên sư đã bày kế cho Nguyễn Bông cách đầu thai làm vua vì sơn hà xã tắc. Nghe lời nhà sư, Nguyễn Bông lọt vào nơi Ỷ Lan đang tắm. Sự việc bị phát giác, Nguyễn Bông bị xử chém đầu. Nhà sư khi ấy đã dùng son viết lên hai vai thi thể Nguyễn Bông chữ vương và vẽ bảy nốt ruồi trên đùi trái. Năm sau, quả nhiên Nguyên phi Ỷ Lan sinh hạ được một người con trai, trên vai có chữ vương và đùi trái có bảy nốt ruồi y như Nguyễn Bông. Từ đó Nguyễn Bông được triều đình minh oan. Nhân dân làng Sủi vui mừng chào đón sứ giả về làng minh oan cho ông và gọi tên ông là Bông Sòng: Bông nghĩa là tên ông, Sòng nghĩa là sòng phẳng, ngay thẳng.
Lễ hội làng Sủi diễn ra từ ngày 1-3/3 Âm lịch hàng năm (tức ngày 9-11/4/2024), tại đình - đền Sủi, thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh tourism
Từ đó đến nay cứ vào dịp tháng ba âm lịch hàng năm, nhân dân làng Phú Thị lại long trọng tổ chức lễ hội Bông Sòng, không chỉ mừng cho người được giải oan, mà còn hoan hỷ vì triều đình phân minh, sáng tỏ. Lễ hội còn nhằm tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống và giá trị tinh thần của dân tộc, là dịp để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân xưa đã có công lao đóng góp cho dân tộc, tôn vinh những nhân vật lịch sử, những danh nhân văn hóa của đất nước. Cùng với đó là sự tôn vinh truyền thống hiếu học, như khen thưởng học sinh thi đỗ vào các trường Đại học. Trong những năm gần đây, lễ hội cũng là dịp chào mừng Câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát đã thu hút đông đảo các bạn yêu thơ trong vùng tham gia hưởng ứng.
Lễ hội cũng là dịp cầu may, vì nơi đây đã tạo tác ra mối duyên đẹp nổi tiếng trong lịch sử, là sự sắp đặt của trời đất cho người con gái thôn quê làng Sủi được gặp gỡ và nên duyên vợ chồng với vua Lý Thánh Tông và cũng chính nơi đây là nơi Nguyên phi Ỷ Lan cầu tự sinh ra Thái tử Càn Đức, sau này là vua Lý Nhân Tông, người đã nối nghiệp vẻ vang tiên tổ, làm rạng rỡ non sông đất nước, tạo ra điểm sáng trong dòng chảy lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Những hoạt động văn hóa ở lễ hội Bông Sòng mang giá trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thu hút du khách thập phương tiếp cận, hiểu rõ hơn quá khứ vàng son, giáo dục tư tưởng yêu nước và tự hào dân tộc, nêu gương những con người tài đức để mỗi người có ý thức tu dưỡng bản thân, hoàn thiện nhân cách, kế tục sự nghiệp cha ông để lại. Từ đó khích lệ, động viên nhân dân địa phương nguyện gắng sức phấn đấu, góp phần tô thắm thêm trang lịch sử quê nhà, là nền tảng để xây dựng quê hương đất nước ngày càng vững mạnh, giàu đẹp, văn minh.
Như thường lệ, mở đầu là lễ rước được tổ chức trọng thể, đi đầu là lễ rước kiệu Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát, tiếp theo là Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan được nhân dân ca tụng là nữ quan âm. Đi sau kiệu rước Quan Thế Âm Bồ Tát là kiệu rước đức Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Bà được các nhà sư và dân làng làm lễ thỉnh lên kiệu mời về thăm làng xóm quê hương và ban phước lành cho con cháu.
Sau lễ rước là lễ khai mạc lễ hội Bông Sòng là lễ minh oan, ca ngợi sự công minh chính trực của Nguyễn Bông.
Quê hương làng Sủi không chỉ sinh ra người phụ nữ tài sắc vẹn toàn Nguyên phi Ỷ Lan mà còn là vùng đất địa linh, sinh nhân kiệt với nhiều danh gia khoa bảng, nhiều người đỗ đạt cao, nhiều vị được vinh danh tại Văn bia Quốc Tử Giám.
Đến với quê hương làng Sủi vào dịp lễ hội, chúng tôi có cơ duyên được gặp gỡ giao lưu với những người con trong dòng họ Cao, hậu duệ của cụ Cao Bá Quát và tham quan di tích đền thờ cụ - một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Nguyễn. Đứng trước cụ, trong mỗi người không khỏi niềm xúc động khi những hồi ức xưa trở về, tự hào pha lẫn xót xa về quá khứ của cha ông.
Ngược dòng lịch sử, Cao Bá Quát sinh năm 1809, mất năm 1855, quê ở làng Sủi huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội. Ông được người đời suy tôn là “Thánh Quát”, được ví giỏi như thần đồng, thiên tài về văn chương, thi phú đương thời, là bạn chí thân của cụ Phó bảng Nguyễn Văn Siêu. Họ là đôi bạn văn tài một thuở dậy sóng ở đất Kinh kì.
Danh thần Cao Bá Quát thuở xưa từng lẫy lừng một dòng họ bởi sự thông minh, ham học hỏi, tài năng và khí phách hơn người, bởi sự học rộng tài cao, nổi danh vùng Kinh Bắc. Ông từng lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa đòi công lý, chính nghĩa cho dân. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến tài danh của cụ, tôi vẫn nhớ đến hai câu thơ người xưa để lại:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Nghĩa là: Văn của ông Siêu (tức Nguyễn Siêu), ông Quát khiến thời tiền Hán phải chịu; Thơ của Tùng Công, Tuy Công thì thời Thịnh Đường phải nhường.
Câu lạc bộ thơ Cao Bá Quát tại Hội truyền thống Bông Sòng làng Sủi
Văn chương, chữ nghĩa một thời của cụ khiến người ta phải nể phục là vậy. Người ta nhớ đến cụ là nhớ đến cái tài văn chương thi phú hơn người của cụ, nhớ đến cái khí phách của cụ trước bạo lực, cường quyền vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu, sau này dù khởi nghĩa thất bại, cụ vẫn giữ vững chí khí của một con người ngay thẳng, chính trực. Hình ảnh của cụ là tiêu biểu cho khí phách của những người đương thời làm quan nhưng không thỏa hiệp với những áp bức bất công của xã hội cũ, sẵn sàng rũ áo từ quan để giữ gìn khí tiết thanh cao của mình.
Đến nay, trải qua nhiều thăng trầm biến thiên của lịch sử, dòng họ Cao qua nhiều đời vẫn giữ gìn và duy trì truyền thống hiếu học của cha ông. Trong dòng họ có nhiều con cháu đỗ đạt, giữ các vị trí cao trong xã hội như: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát, Chánh văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, và một số người là nhà văn, nhà thơ, nhà giáo dục…
Đến đây xin mượn hai câu thơ khép lại một chút cảm nhận về lễ hội văn hoá truyền thống Bông Sòng và truyền thống hiếu học của cha ông như một thông điệp tri ân quá khứ đối với độc giả:
Lễ hội ngàn năm còn ghi nhớ
Đất trời một thuở đã khai sinh.

Trong đời, chắc hẳn với mỗi chúng ta đều có những chuyến đi đáng nhớ. Nhưng với riêng tôi, chuyến thăm Trường Sa không...
Bình luận