Ôn lại những ký ức hào hùng trong chương trình “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”
Chương trình “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” không chỉ là dịp để ôn lại những ký ức lịch sử đáng nhớ mà còn là dịp để bày tỏ lòng biết ơn đến thế hệ cha, anh đã hi sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên trung, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng thông qua những chia sẻ chân thực từ nhân chứng lịch sử.
Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), được sự chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, sáng 9/4, tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng”.
Chương trình Tọa đàm – Gặp mặt nhân chứng lịch sử “Hà Nội - Ý chí và niềm tin quyết thắng” diễn ra sáng 9/4 tại Bảo tàng Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, chương trình như một lời tri ân của thế hệ hôm nay với các thế hệ cha anh đã một thời oanh liệt, hào hùng, không tiếc tuổi Xuân, hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.
“Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước, mang trong mình trọng trách lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Luôn là điểm tựa, là niềm tin, là hậu phương vững chắc, luôn hướng về miền Nam với tình cảm thân thương nhất với tinh thần ‘tất cả vì miền Nam ruột thịt’, hết lòng, hết sức cùng cả nước động viên cổ vũ cuộc đấu tranh kiên cường của đồng bào, chiến sĩ miền Nam, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đi đến thắng lợi cuối cùng”, bà Bạch Liên Hương khẳng định.
Dưới sự dẫn dắt của nhà báo Tạ Bích Loan, chương trình tọa đàm “Hà Nội- Ý chí và niềm tin quyết thắng” có nội dung xuyên suốt từ năm 1954 đến năm 1975 với 3 chủ đề: Miền Bắc- hậu phương vững chắc; Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 - thống nhất đất nước.
Chương trình đã mang đến cho khán giả những câu chuyện chân thực, đầy cảm xúc về một thời bom đạn của các nhân chứng lịch sử, những người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến các sự kiện quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Các nhân chứng chia sẻ tại chương trình.
Họ là những con người đã góp phần vào mạch đập từ trái tim Hà Nội: Bà Đặng Thị Ty vẫn không thể quên những ngày tháng hòa mình trong Phong trào “Ba đảm đang” và tham gia Trung đội pháo 12 ly 7 tham gia trận chiến bảo vệ đập Phùng; Ký ức khi cháy kho xăng dầu Đức giang của bà Nguyễn Thị Sang - nguyên Trưởng tàu, phụ trách tổ tàu “Ba đảm đang” ngành Đường sắt Việt Nam; Lá đơn bằng máu xung phong vào miền Nam chiến đấu của ông Nguyễn Tài Triệu - Cựu chiến binh nhà tù Phú Quốc.
Những câu chuyện về 81 ngày đêm giữ thành cổ Quảng Trị hay 12 ngày đêm B52 không chỉ là những trận chiến gian khổ mà còn là biểu tượng của lòng quả cảm, ý chí kiên cường, của khát vọng hoà bình và độc lập.
Nhập ngũ năm 1971, tham gia chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị năm 1972, ông Nguyễn Xuân Thuần đã viết nhật ký từ những ngày đầu tham gia chiến dịch Quảng Trị. Ông kể, cuốn nhật ký được viết hết sức ngẫu nhiên, không biết được mình có thể hy sinh hoặc rơi vào tay kẻ thù nên ông viết bằng nhiều mật mã, ký hiệu đặc biệt, ghi cả ngày âm lịch, dương lịch và dùng phép tính cộng để ra ngày tháng mà chỉ mình ông có thể giải mã được. Ông chia sẻ thêm, cuốn nhật ký được viết xuôi rồi viết ngược đến trang cuối cùng thì đúng lúc kết thúc chiến dịch.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Đinh Thế Văn là người đã tham gia hai cuộc chiến Điện Biên Phủ năm 1954 và Điện Biên Phủ trên không năm 1972. Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77, Trung đoàn 257, Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không – Không quân), ông đã chỉ huy Tiểu đoàn lập công xuất sắc, là một trong những đơn vị bắn rơi nhiều B-52 nhất, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại trong cuộc chiến 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972.
Những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng ngày 30/4/1975 chia sẻ tại chương trình.
Chương trình cũng có sự tham dự của những nhân chứng lịch sử, những người lính xe tăng, bộ binh, đặc công đã trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng, đặt chân vào dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975: Ông Phạm Duy Đô (Phạm Nghi Đô), Nguyên là đại đội trưởng của Trung đoàn đặc công 116, người đã phất cờ chiến thắng trên tầng hai Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975; Ông Vũ Đăng Toàn, Đại úy, nguyên Chính trị viên, chỉ huy xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975; Ông Nguyễn Văn Tập - Người lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập;…
Ông Nguyễn Văn Tập chia sẻ: "Khúc cua đưa xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập trưa 30/4/1975 là khúc cua đẹp nhất của đời tôi”.
KTS Nguyễn Hữu Thái, chủ tịch đầu tiên của Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963 – 1964) là nhân chứng lịch sử thời khắc Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và lời chấp nhận đầu hàng của Trung tá Chính ủy Bùi Văn Tùng. Ông và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người lên tiếng sớm nhất trên đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng. Tại chương trình, ông đã kể lại những cảm xúc, tấm lòng của người dân miền Nam hướng về Bác Hồ, hướng về Hà Nội trong ngày chiến thắng ấy.
Khán giả cũng được lắng nghe những chia sẻ của nhạc sĩ Vĩnh Cát- anh trai nhạc sĩ, Anh hùng LLVT Vĩnh Bảo và hồi ức về ngày toàn thắng của Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho.
Các ca sĩ Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long thể hiện ca khúc "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" của nhạc sĩ Doãn Nho.
Trong khuôn khổ chương trình, Bảo tàng Hà Nội đã công bố những tài liệu, hình ảnh, hiện vật gồm các đồ dùng, trang thiết bị quân sự, thư từ, tài liệu hành chính, nhật ký,… từ thời kỳ chiến tranh để minh chứng cho “một thời đạn bom, một thời hòa bình” của Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.
Không gian trưng bày những tài liệu, hiện vật.
Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi câu chuyện được giới thiệu thành tổ hợp trưng bày giúp người xem hiểu hơn về những hy sinh, sự đấu tranh bền bỉ, ý chí kiên cường của thế hệ cha ông đi trước. Từ đó thấy rằng, dù trong bom đạn hay gian khó, họ vẫn giữ vững tinh thần chân trần, chí thép, đóng góp vào chiến thắng chung của dân tộc.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa công bố mẫu biểu trưng (logo) cũng như quy chuẩn kích cỡ để các cơ quan, đơn vị...
Bình luận