Ma Văn Kháng - Người thầy, người anh, người bạn chí thiết

Say mê nên đọc tác phẩm của anh nhiều lắm. Nhưng, thời tôi còn là “cuối cán đầu binh” (ở Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội), ngẫu nhiên anh đến có việc. Sững người, chỉ kính cẩn cúi đầu chào. Vừa tiếc vừa tự trách không biết nắm lấy cơ hội làm quen nên không sớm được học anh.

Hai tác phẩm của tôi: tiểu thuyết “Luật đời & Cha con” - một hiện tượng văn học. Báo Văn nghệ tọa đàm, VTV1 chuyển thể, được người xem chọn là phim hay nhất 2007; “Lửa đắng” (2008) dám mổ xẻ cơ chế, dám đề xuất nhất thể hóa (Bí thư kiêm Chủ tịch), lần đầu tiên các nhân vật trong tiểu thuyết có chức danh: Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Tổng Bí thư. Tác phẩm được giải Ba cuộc thi tiểu thuyết, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm về tác phẩm. Cả hai lần anh đều không dự.

Thình lình, trên báo Văn nghệ (12/5/2012), anh có bài “Lửa đắng - Bức toàn cảnh hôm nay”. Trong bài viết, 1 - Anh dẫn ra  ra một định nghĩa về tiểu thuyết và khẳng định “Lửa đắng” là tiểu thuyết cổ điển theo định nghĩa đó. 2 - Bao tình huống, sự kiện nối tiếp, dồn nén khiến người đọc cũng phải sôi lên theo. 3 - “Vốn sống tác giả là bách khoa, cả mặt trái của xã hội, thậm chí đạt tới độ quái kiệt”. 4 - “Các trang văn của tác giả tuy chưa đạt đến trình độ đẹp toàn bích, dù tạt ngang tạt ngửa cũng thấy sự gia công đáng kể từ kiến văn đến diễn đạt”, “Chương 1 đạt tới độ chuẩn”. 4 - “Trần Kiên là nhân vật thành công ấn tượng”. 5 - “Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật có chỗ đạt đến mức tinh diệu.”

Khi ấy mới dám làm quen anh. Trong câu chuyện anh bảo “ốm đau, đến thăm là quý lắm. Thành công của bạn văn mà khen chân thành còn quý hơn”. Bởi ai cũng biết có lối “khen… đểu, “khen cho chết đi!”. Lại nói: “Giả Bình Ao (Trung Quốc) bảo, “Nhà văn không chỉ chết một lần như người bình thường mà là ba lần. Chết trong sự lãng quên của bạn đọc và chết trong sự đố kỵ của bạn đồng nghiệp”. Thời mới từ Lào Cai về Hà Nội, anh đã từng bị như thế còn tôi, khi 8 nhà xuất bản từ chối Lửa đắng, tôi đã thấu hiểu điều đó. Có những chuyện anh chỉ chia sẻ như một người bạn thân thiết mà biết chắc không tiện nói với ai. Anh bảo “Trái đất thừa đất sống cho tám tỉ người kể cả người tài, việc gì phải đố kỵ với ai”.

Ma Văn Kháng - Người thầy, người anh, người bạn chí thiết - 1

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn (trái) và nhà văn Ma Văn Kháng.

Ngồi với nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, tôi kể chuyện tầm phào ở cơ quan. Bạn ngạc nhiên hỏi, sao những chuyện ấy không đưa vào tiểu thuyết? Nhờ thế mà tôi mới có tự truyện Gã Tép Riu! Những chuyện đấu khẩu, đấu trí với “thiên hạ” đều là chuyện thật 90%. Chỉ 10% là bịa: Gã Xuân Tùng ngoài đời thật không ly hôn với cô vợ Thứ trưởng Diệu Thủy để lấy cô nguyên là ca ve Dự.

Thình lình, anh có bài “Xung đột gia đình, xung đột nhân cách” đăng trên báo Văn nghệ 22/3/2014). Anh khen: “Chuyện tan vỡ gia đình được trần thuật bằng giọng văn tươi ròng sự sống hiển nhiên là một ưu thế vượt trội của cuốn sách.” Là nhà tiểu thuyết số một Việt Nam, anh đi sâu vào bếp núc nghề nghiệp: …“Một anh cán bộ quản lý báo chí xuất bản chỉ đọc báo. Chuyện đọc báo chỉ là chuyện của thông tin chữ nghĩa mà anh lại thạo chữ nghĩa nên được dịp phát huy sở trường trong công việc. Trong khi các vị công chức thường chỉ để chú ý đến những đại sự nên hay bỏ qua. Tự coi mình là “Gã Tép Riu”, một con tốt hỉn trên bàn cờ tướng với mặc định nếu thấy đúng, chỉ tiến chứ không lùi nên không sợ bất cứ trở lực nào nên trong nhiều việc, làm cho đối phương phải lấm lưng ngửa bụng”.

Anh còn viết… “Sự tan vỡ hôn nhân thường do một bên ngoại tình. Cái tài và cái khó đã vượt qua được của nhà tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn là ở chỗ này. Đây là vấn đề nhân cách. Là người có nghề nên đã tạo ra nhân tố ngẫu nhiên để giải quyết xung đột nọ. Dự đã được cài cắm sẵn, xuất hiện tham gia vào câu chuyện như giọt nước tràn ly. Xuân Tùng đến với Dự là hiển nhiên. Xét về nghệ thuật tiểu thuyết. Người có tay nghề già dặn nên những trang viết về cặp vợ chồng này rất có kịch tính, không xa lạ với con người”.

Anh đặc biệt khen: “Giọng văn mang tính xã hội được viết bằng một ngôn ngữ hàn lâm đầy kịch tính và một phẩm chất hiếm hoi nữa: Một giọng kể đậm chất hoạt kê hóm hỉnh. Chúng tạo ra một không gian nghệ thuật mới mẻ không nhàm chán. Đó là của hiếm”.

Song, anh che. “Nó cuốn hút bạn đọc ở những chiếu nghỉ, mặt thoáng, nhờ yếu tố sắc dục (có chỗ hơi quá đà). Rằng, cú đá song phi của Diệu Thủy với chồng trước tòa là không cần thiết”. Dù hai nhà phê bình Nguyên An và Bùi Việt Thắng rất khen.

Đã có ít nhiều kinh nghiệm nên bộ thứ ba tôi viết về người mẹ đơn thân. Nhưng có người không hiểu tác giả. Anh cũng chê cái tên tập hai khi đọc bản thảo nên khi tôi thay bằng tên tác phẩm ấy thành “Cuộc vuông tròn”, (tập 1 là Vỡ vụn) thì anh ưng ngay và viết luôn lời giới thiệu: “Cuộc vuông tròn tính làm sao đây?”. Lần này vợ chồng ly thân không phải vì nhân cách mà là vì chính kiến: Chồng, ngoài Đảng, dạy ngữ văn đại học, vô cùng hiểu biết. Vợ, Phó giáo sư, tiến sĩ, chủ nhiệm khoa một trường ai cũng phải học qua”. Cái gì bà cũng biết nhưng thật ra không biết cái gì ra đầu ra đũa. Anh khen: “Sử dụng ngôn ngữ khá linh hoạt và chuyên nghiệp. Thạo ngôn ngữ chính luận có bài bản, tinh tế, chuẩn xác. Lại khéo léo kết hợp với nói khẩu ngữ dân gian hóm hỉnh, nghịch ngợm đời thường, một phẩm chất không phải nhà văn nào cũng có”.

Tranh luận việc gì vợ chồng cũng thường lệch pha. Anh khen: “…Cái méo mó đã được bàn tay nhân thế tài tình nhào nặn thành hình hài vuông vức tròn trặn. Cuộc sống dù bức bách khúc mắc thế nào cũng có thể mở ra một lối thoát… Đấy là cái lí thú, cái đặc sắc của Nguyễn Bắc Sơn, một vấn đề nóng bỏng xã hội trong “Lửa đắng” tác giả đã đề cập như một lát cắt ngang”.

Hồi ký “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” anh đề tặng tôi: “Để nhớ mãi Nguyễn Bắc Sơn, một người bạn cùng trang lứa rất thân yêu”. Mình vào đại học, còn là con chim chưa vỡ bọng cứt thì anh đã là cánh chim bay cao, đang sải cánh bay xa. Cùng trang lứa thế nào? Theo gót anh, tôi viết hồi ký “Bảy nổi ba chìm” sau khi hoàn thành lập tức đến tặng anh.

Thình lình, chỉ hơn tháng sau, anh viết bài Một đời văn, một vùng trời kỷ niệm đăng trên báo Văn nghệ Công an (10/11/2022) : “Tôi sinh năm 1936, Bắc Sơn sinh 1941, cách nhau những 5 tuổi nhưng chúng tôi là bạn bè rất gần nhau. 9 tuổi, Bắc Sơn theo anh trai gia nhập Đoàn Thiếu nhi Nghệ thuật Lưu Hữu Phước.

Tôi cũng gia nhập đoàn năm 12 tuổi… anh vào Sư phạm Hà Nội trước tôi một năm… Được tặng sách, tôi đọc không dứt ra được… Một vùng trời kỷ niệm của một trí nhớ khác thường, một tâm hồn nhạy cảm, một đời sống nội tâm phong phú. Những bẩm sinh đặc trưng từ thời niên thiếu báo hiệu một năng lực văn chương… Cứ như đọc một cuốn tiểu thuyết với rất nhiều chi tiết ngóc ngách cuộc sống. Đọc một đoạn, có tứ lạ, có câu văn hay, gập sách lại ngẫm nghĩ một mình, rồi lại mở sách đọc tiếp. Và thế là hiểu thêm một điều. Anh là một nhà văn… Nhà văn kết thúc đời mình bằng một câu giản dị có màu sắc cảm khái lạ lùng: “Người ta có hàng tỉ, trăm tỷ trong ngân hàng quốc gia, tớ chỉ có 25 cuốn sách trong Thư viện Quốc gia thôi!” Nhà văn là thế đó”.

Anh kể, đã sửa đi sửa lại bài viết 16 lần. Tôi chỉ cảm thấy nên hỏi thật: “Ngoài em, anh có viết cho ai đến 4 bài không ạ?” - “Không có ai ngoài Bắc Sơn!”. Chả thế mà “Mùa lá rụng trong vườn” (tái bản) anh viết: “Rất yêu quý tặng Bắc Sơn, bạn văn chương một đời và mãi mãi! Hà Nội, mùa thu 2023. Ma Văn Kháng”.

Nguyễn Bắc Sơn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi