Nhà thơ Trần Đăng Khoa - người chuyển động
Tôi được gặp mặt nhà thơ Trần Đăng Khoa từ trại viết Văn nghệ quân đội tại Đồ Sơn năm 1996. Tiếp đó anh Khoa nổi như cồn với “Chân dung và đối thoại” gây bão khắp nơi. Văn học sau Đổi mới 1986, “Chân dung và đối thoại” góp một tiếng nói sôi động, đặc sắc và lan tỏa ghê gớm. Mọi người nhìn Trần Đăng Khoa bằng rất nhiều con mắt khác nhau. Tung hô ngút trời như thần đồng tái sinh rất nhiều mà phản biện, thậm chí là phản đối, coi Trần Đăng Khoa như kẻ đốt đền, xét lại, thậm chí là phản động trong giới văn chương càng không ít. Thiên hạ chia ra làm nhiều phe sôi sùng sục quanh “Chân dung và đối thoại”. Người thắng lợi nhất hóa ra lại chính là Trần Đăng Khoa, bởi cứ thế sách nối bản, tái bản vô hồi kỳ trận không kém gì ở bên Mỹ ngày trước và cả ở Việt Nam nữa xúm nhau đi mua băng cát sét nhà văn Lê Lựu kể chuyện nước Mỹ bán tận nơi thôn cùng xóm vắng. Nước ta lúc nào cũng có hàng triệu cựu chiến binh chính là những tín đồ của văn chương, băng cát sét Lê Lựu thì cũng vô số người trong ngoài giới văn bút mê mẩn Trần Đăng Khoa, nhất là sau các kỳ cọ bút của văn giới về đúng, sai, hay, dở của “Chân dung và đối thoại”.
Trần Đăng Khoa và Lê Lựu là một cặp trời sinh không thể thiếu nhau như hai tiền đạo trên sân cỏ luân chuyển bóng cho nhau rất tinh quái. Tinh quái đến mức bóng vào lưới từ lâu rồi trọng tài cứ ớ ra không biết họ đưa bóng vào từ đâu trước sự chưng hửng của cầu thủ đối phương và sự phấn khích tột độ của khán giả. Ở cơ quan Văn nghệ quân đội khi đó, không ít người rất nghi ngờ Khoa, bởi anh trong một số bài viết đã có lúc chừng như chạm quá sát “lằn ranh đỏ”. Trần Đăng Khoa viết hay đến mức không biết đâu là thật, đâu là bịa. Vô số chỗ bịa còn hay hơn thật khiến bạn đọc tuy thích thật đấy nhưng các nhà phê bình cũng chỉ ra những điều phi lý ỏm tỏi cả lên. Mà ngày đó Trần Đăng Khoa nổi tiếng lắm, nên giới phê bình cũng không dễ “động thủ” với anh. Các bậc đại lão trong làng văn Trần Đăng Khoa đều sẵn sàng hầu chuyện, đối thoại tận cùng bờ sát góc. Những câu anh viết ra cũng là chữ đấy mà có khi kinh thiên động địa khiến người đọc như không tin vào mắt mình. Có cảm giác như thần quỷ viết văn trò chuyện với những bậc cao xanh trên chín tầng trời chứ người trần mắt thịt động vào tôi chắc.
Chân dung Trần Đăng Khoa
Thế rồi nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về văn chương Trần Đăng Khoa, nhất là mổ “Chân dung và đối thoại”, quyết hạ nốc ao những khiếm khuyết của họ Trần. Song rút cục, văn chương như quả bóng chạm chân người lăn lóc khắp nơi, thủng lưới bên này bên kia là do các người chứ văn chương nào có lỗi? Trần Đăng Khoa càng như vậy. Sau “Chân dung và đối thoại”, anh Khoa lấy một cô vợ xinh đẹp mỹ miều đẻ liền một cặp công chúa cũng là thực hiện việc của con người đời thường trong cõi nhân gian.
Trần Đăng Khoa thường không chấp ai và cũng chẳng ai chấp anh làm gì. Mọi người hay bảo hẹn công việc với anh khó khăn chập chờn, tôi lại thấy hoàn toàn khác. Tôi nhiều kỳ cuộc làm việc với Trần Đăng Khoa, nhất là mời anh đi các cuộc giao lưu, trò chuyện, phỏng vấn trên truyền hình anh đều rất khoái và vô cùng đúng hẹn. Có lẽ do tôi luôn lấy dẫn chương trình xinh đẹp Tùng Lâm làm mồi dẫn chăng? Hoặc có vẻ anh cả nể cánh đàn em “miệng còn hơi sữa” biết quái gì văn chương nghệ thuật nên muốn nói gì thì nói bèn nhận lời? Bọn tôi cũng không phải loại vừa, vì Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Chu Lai ngày đó đang rất ăn khách truyền hình, chỉ cần ba ông râu ria hầm hố này lên sóng tất nhà đài lãi lớn. Chưa kể các ngài tôi nhắm đều thuộc diện đồng hương nên mọi sự cứ thế trôi chảy hanh thông.
Trần Đăng Khoa là một kẻ rất tinh quái trên sóng truyền hình. Các dịp lễ, Tết, nhất là buổi tối giao thừa không thấy Trần Đăng Khoa thiết tha trên sóng y như rằng nhạt hẳn, như cỗ Tết đĩa giò lụa thiếu hạt tiêu. Trần Đăng Khoa nói điều gì cũng tha thiết. Về văn chương tha thiết đã đành. Còn như về xuất khẩu gạo, bán cà phê, xuất khẩu trí tuệ ra thế giới... anh Khoa cũng đều tha thiết. Thậm chí Trần Đăng Khoa còn tự phân tích, xét xử các vụ án oan theo tư duy của anh cũng thiết tha trầm bổng lắm. Mọi người không hiểu thấy thế nào, chứ tôi thấy anh rất thật bụng và thiết tha đem kiến thức, tâm thức, thậm chí cả hình thức chum vại của mình ra để làm việc ích nước lợi dân. Ích nước lợi dân còn phải xem xét theo Hiến pháp và luật pháp, chứ riêng Trần Đăng Khoa đã nhiều lần bị vu vạ là phản động, bị tung hỏa mù bêu xấu, thậm chí còn bị bọn lưu manh lếu láo dọa sẽ cho “ăn bánh ô tô” đều là chuyện có thật.
Tôi luôn thấy Trần Đăng Khoa là một người chuyển động không ngừng. Đừng tưởng đầu óc thần đồng hay vượt ngưỡng, tư duy phi thực tế. Không! Trần Đăng Khoa làm gì cũng tính toán rất cẩn thận. Câu mở đầu nếu anh Khoa tả về cây lúa vần vũ mưa bão muôn trùng nhất định câu cuối trong bài sẽ là cảnh bà con ta có được mùa vàng hạt mẩy. Trần Đăng Khoa biết giá trị của từng hạt thóc, thậm chí từng hạt tấm đều thấm đẫm mồ hôi nước mắt của ông bà ta mẹ cha ta. Ngay như hạt cỏ may cũng có phần cơm gạo. Những ruộng đồng, bến bãi, trâu bò, gà vịt lon ton đều rất thân thiết với Trần Đăng Khoa. Cơ mà anh không đứng im ở đó. Trần Đăng Khoa còn luôn đau đáu biên cương sóng gió, biển đảo trùng khơi. “Đảo chìm” là một vẻ đẹp cũng là tài năng của Trần Đăng Khoa. Văn chương đến độ “Đảo chìm” là loại văn người thường như tôi không viết nổi.
Là người luôn chuyển động, Trần Đăng Khoa trước tiên không hãi sợ chính mình. Bởi vậy, anh luôn là người xông vào chỗ khó, thậm chí là khó nhất như các vấn đề nóng về biển đảo, về tham nhũng, về những vụ đại án luôn thấy Trần Đăng Khoa ở tuyến đầu. Mỗi dòng anh viết ra tôi đều giật mình thon thót. Thon thót như xem phim “Người vận chuyển” với những xen kinh hãi chín chết một sống mà vẫn sống. Lẽ phải luôn cứ phải chênh vênh nguy hiểm vậy sao? Lòng tốt luôn cứ bị lợi dụng đến cùng vậy sao? Đạo đức luôn bị truy bức, vây bủa không còn lối ra nữa? Cứ thế, Trần Đăng Khoa tự mình nhận lãnh những thương vụ đánh thức, khơi dẫn lương tri, liên thông sự tử tế của con người một cách đơn thương độc mã trong bóng đao ánh kiếm. Những lúc như thế, chúng tôi rất lo cho anh. Đời nào Trần Đăng Khoa là phản động, song tri thức của anh không phải vô cùng tận và sự sai sẩm nếu xảy đến với anh chắc chắn sẽ hậu họa khôn lường.
Song, cũng như người vận chuyển, đã nhận nhiệm vụ không thể từ nan. Đã đánh cược tính mạng và nhất là nhân cách của mình vào những chuyến hàng sống còn bởi lương tri, lương tâm và lương năng, cái mà cụ Tản Đà gọi là thiên lương, thì Trần Đăng Khoa quyết không thể khác. Lúc này đây, có bảo anh phải từ bỏ mọi sở thích, mọi vinh hoa, thậm chí phải chặt đi một cánh tay của mình để cái thiên lương kia tới với người lương thiện Trần Đăng Khoa cũng chặt. Dường như đây chính là lựa chọn có tính nguyên tắc sống còn trong cuộc sống, cuộc văn bút của Trần Đăng Khoa.
Nhiều năm gần đây, tôi lại thấy Trần Đăng Khoa chín chắn hơn, lão luyện hơn và cũng cứng xương hơn trong ứng phó với tất cả những mũi nhọn chĩa vào anh. Cuộc đời là như vậy. Chẳng ai mong muốn người đời dùi những lỗ thủng lên mình. Trái tim Trần Đăng Khoa cũng bằng gân bằng thịt. Anh đã bao nhiêu năm phải trần lưng ra, dùng đầu mình, vai mình khiêng vác vô vàn công việc như người lính, người đồng đội của anh nắng mưa bão lũ khiêng vác đá kê cao các đảo nổi, đảo chìm. Trần Đăng Khoa chính là một người lính cứng cựa nhất, bền gan vững chí nhất, ít dao động nhất trước vô vàn thử thách gian nan.
Trần Đăng Khoa - người chuyển động, người luôn sẵn sàng va đập, thậm chí có không ít cú va đập xây xẩm mặt mày, người thường nếu chỉ nhận một cú như anh đã tan xương nát thịt, thì anh vẫn vững vàng như chum sành vò vại đồng đất châu thổ sông Hồng. Trí tuệ và niềm tin của Trần Đăng Khoa lại có vẻ càng như tinh tấn. Anh vẫn phát biểu tha thiết như xưa, luôn dám nói điều người đời còn không dám nghĩ. Luôn xông thẳng vào các vùng khó như một con quay bầm dập vết thương trong vòng cương tỏa cứ thế xoay tít lẫm liệt mặc các đối thủ bổ liên tiếp từng đòn chí mạng xuống hai vai. Đối với thế hệ đàn em chúng tôi, lứa sau anh, thật là xấu hổ thấy mình chưa già mà đã nhút nhát, lửng lơ, sợ hãi, khôn vặt, an phận thủ thường.
Nhưng Trần Đăng Khoa trước hết là một nhà thơ.
Đã có quá nhiều người viết về thơ Trần Đăng Khoa, song phải đến PGS.TS.Phùng Minh Hiến trong tập sách “Những nẻo đường sáng tạo thơ ở một số thi sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại” mới thực sự chỉ ra một cách toàn diện, sâu sắc, đầy đủ các cung bậc thẩm mỹ về thơ Trần Đăng Khoa. Thơ Trần Đăng Khoa với các biên độ thẩm mỹ rất rộng, luôn có sự khác biệt đã được so sánh công phu, khoa học với hai nhà thơ lớp trước là Hàn Mặc Tử và Huy Cận. Đặt thơ Trần Đăng Khoa trong một đối sánh ấy càng làm nổi bật lên phẩm chất ngôn ngữ và những giá trị nghệ thuật của thơ Trần Đăng Khoa.
Trần Đăng Khoa có những tứ thơ với nhiều điểm nhìn khai nghệ thuật độc đáo:
Bỏ lại phố phường bon chen
Ta về thung thăng với núi
Có màu lính giữa đại ngàn
Núi bỗng quên mình ngàn tuổi
...
Và thế là mùa xuân tới
Trong từng vó ngựa tuần tra
Nòng súng chán nàng sắt thép
Muốn thành cây để trổ hoa
...
Đất trời bồng bềnh men rượu
Em từ mây trắng bước ra
Ôi chao nàng tiên xuống chợ
Váy áo thông thênh nõn nà
(Tây Bắc)
Thơ Trần Đăng Khoa luôn có sự tươi tắn, tinh nghịch, thậm chí là ỡm ờ nhưng thường người đọc đều cảm nhận rất rõ đó chính là những xử lý nghệ thuật mang tính chất thần đồng. Ví dụ như: Nằm khểnh trong mây nõn / Chạnh lòng thương cõi người (Trên đỉnh Phan - xi - păng).
Dấu vết thần đồng trong thơ Trần Đăng Khoa luôn khiến bạn đọc phải kinh ngạc. Trần Đăng Khoa luôn biết cách tạo ra những sự ngộ nghĩnh gây ấn tượng để khiến bạn đọc xúc động:
Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà
...
Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kì
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
...
Trăng ơi... từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Bạn nào đá lên trời
(Trăng ơi... Từ đâu đến)
Trần Đăng Khoa rất sành chữ và làm chủ chữ nghĩa mà anh sử dụng. Có những cú tưởng như “giỡn chơi” một cách ngây thơ mà lại tạo dấu ấn sâu trong lòng bạn đọc. Ví dụ như: Ông trăng cười những lợi/ Răng chẳng chiếc nào còn/ Chú ơi, trăng già thế/ Sao bà bảo trăng non. (Trăng đầu tháng). Câu thơ tuy mô tả đứa bé ngây thơ hỏi người chú về ông trăng như vậy song thực tế chính là sự ngây thơ của thần đồng khiến người lớn “đứng hình”. Đó chính là sự cao cường trong thơ Trần Đăng Khoa.
Thơ Trần Đăng Khoa càng về sau càng mở ra những biên độ rộng dài với những cung bậc cảm xúc lớn nhưng vẫn nhất quán một phong vị của riêng anh. Cái cách anh nhập cuộc cũng đa dạng lắm:
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên
Cuộc dạo chơi của đôi trai gái có vẻ vừa háo hức vừa bịn rịn mà vẫn rất trang nghiêm như đang hướng tới điều gì cao rộng thì đã ở một bước chuyển của điểm nhìn khác về nghệ thuật một cách đầy thi vị:
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
Tâm sự đang ở gam màu ấy, chàng lính biển xuống tàu đang lâng lâng ấy, tác giả thậm chí còn ỡm ờ đến mức để cho chàng trai không nghe rõ lời cô gái, tức là rất ám ảnh người ra khơi thì bỗng đâu lại là một điểm nhìn khác:
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên.
Và tiếp đó, tác giả đã đẩy đến một điểm nhìn còn lẫm liệt hơn nhiều:
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên
Đó chính là sự khai thác nghệ thuật độc đáo của Trần Đăng Khoa trong “Thơ tình người lính biển” ở chỗ đã gợi được những cảm xúc lắng sâu, chứa chan với người yêu với tình yêu Tổ quốc rộng dài.
Quay trở lại chuyện nhà thơ Trần Đăng Khoa và nhà văn Lê Lựu.
Khi nhà văn Lê Lựu mất, trên chuyến xe cùng về với anh viếng đám tang nhà văn ở Khoái Châu, Hưng Yên, Trần Đăng Khoa bảo với tôi phải sớm thực hiện một tập sách của anh em văn nghệ sĩ, báo chí quê hương và cả nước viết về nhà văn Lê Lựu. Lê Lựu là lớn lắm đấy! Nhiều người yêu mến và phục văn tài Lê Lựu. Chỉ tính riêng các luận văn, luận án thạc sĩ và tiến sĩ về các tác phẩm văn chương của Lê Lựu đã lên tới hàng chục, các chuyên luận, bài báo viết về ông là hàng trăm, nhưng chúng ta vẫn chưa đánh giá hết tài năng và những đóng góp nhiều khu vực chứ không riêng chỉ văn chương ở bác Lựu đâu? Mà việc này chỉ giao cho chú ta mới yên tâm! Chú là học trò của Lê Lựu thì phải cáng đáng việc này chứ bắt bò ai vào đây được?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (thứ 2 từ phải qua) cùng các nhà văn Quân đội tại Lễ ra mắt - trao tặng sách "Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận".
Nghe ông anh nói vậy, lại có vẻ nâng tôi lên tầm học trò Lê Lựu tôi đã chân thành nhận và lập tức bắt tay vào thực hiện tập sách “Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận” mà tên sách chính là Trần Đăng Khoa đặt. Công việc dần dần ổn thỏa. Số người yêu mến Lê Lựu quả thực rất đông. Ai cũng muốn có bài trong tập sách nhưng Ban Biên soạn chúng tôi đã phải chọn lọc cẩn thận, cùng với những người thân trong gia đình cố gắng gạn đục khơi trong để tập sách đúng với những tiêu chí đặt ra từ đầu. Trần Đăng Khoa sốt sắng chuyển những bài viết của anh đã được chỉnh sửa cẩn thận đồng thời giới thiệu tôi phải gặp người này, lấy bài của người kia khẩn trương, khoa học. Làm việc với Trần Đăng Khoa rất thích vì anh rất tinh ý, có ý kiến mang tính thần đồng như sách đã ra phải làm Lễ ra mắt và trao tặng Thư viện Quốc gia, để từ Thư viện Quốc gia chuyển tới các tỉnh thành trên cả nước mới mang lại giá trị lớn, mới xứng đáng với tầm vóc nhà văn Lê Lựu, người anh khả kính của Trần Đăng Khoa.
Tôi cùng với nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn và các cộng sự của anh Tuấn thực hiện các ý kiến của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã lập tức nhận được sự đồng thuận, đồng hành của Hội Nhà văn Việt Nam, các Chi hội Nhà văn Công an và Quân đội và nhất là Thư viện Quốc gia. Buổi Lễ ra mắt và trao tặng sách “Nhà văn Lê Lựu - Văn chương và số phận” đã diễn ra trang trọng, đông đủ gia đình, giới nghiên cứu phê bình, các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đã tới dự và đưa tin đúng như một sự kiện văn hóa, văn học nghệ thuật khang trang, giàu ý nghĩa.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đối với tôi luôn là người anh lớn, người lao động nghiêm túc trong những chuyển động mạnh mẽ của thời cuộc, nhất là những chuyển động liên quan tới đời sống văn học nghệ thuật, đời sống xã hội toàn diện hôm nay.
Lời mở Những năm gần đây, hoạt động văn hóa - giáo dục của nước ta nói chung và chất lượng sách giáo khoa (SGK) nói...
Bình luận