Kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học
Cho đến nay, đối với văn học nghệ thuật, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động, nó hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và cả trong văn chương. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” đã nhấn mạnh sự hiện diện của Hà Nội trong dòng chảy của văn chương đương đại.
Tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” do nhà xuất bản Trẻ tổ chức tại Hội trường Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sáng 14/11.
Hà Nội cùng những biến chuyển
Tại tọa đàm, các diễn giả đã mở rộng vấn đề định danh “Hà Nội”, kể những biến chuyển của nó trong chiều dài lịch sử của thành phố, căn tính của những lớp người Hà Nội ở nhiều thế hệ.
Tọa đàm có sự tham gia của Họa sĩ - Nhà văn Đỗ Phấn, Nhà Nghiên cứu văn học Phạm Xuân Thạch, Nhà văn Nguyễn Việt Hà và Nhà văn Nguyễn Trương Quý.
Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, đã có rất nhiều đổi thay ở Hà Nội hiện nay từ không gian sống, môi trường sống cho đến nền nếp, cách sinh hoạt của con người. Có những thay đổi nhỏ nhưng cũng có những thay đổi lớn, có những thay đổi có lợi và cũng có nhiều thay đổi không hay, tất cả đều trở thành tiền đề cho những người cầm bút.
Theo nhà văn, tuy Hà Nội thay đổi nhiều nhưng có những thứ không thay đổi, đó là nề nếp, tác phong, cách ứng xử của người Hà Nội. Dù bây giờ, nhiều người Hà Nội cũ đã đi khỏi vùng lõi để sống ở vùng ngoại vi thành phố nhưng tính cách, ứng xử của họ dù nhỏ, dù chỉ như giọt mực nhỏ vào Hồ Tây nhưng lại luôn tồn tại những giọt mực như thế.
Nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh: Nó bền bỉ hết năm này đến tháng khác, nó cứ nhỏ vào Hồ Tây như thế và đến một lúc nào đó tính cách ấy sẽ được lan tỏa. Và chúng ta không sợ Hà Nội mất đi đâu cả vì nó vẫn sẽ đọng lại trong mỗi người của chúng ta những tính cách như vậy.
Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ về những thay đổi của Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận thấy rằng, trong những thay đổi của Hà Nội có cái được và cái mất, anh thấy những người thị dân bây giờ không có kiểu sinh hoạt như người thị dân ngày xưa và sinh viên bây giờ ít làm thơ hơn sinh viên thời xưa.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà tại tọa đàm.
Đưa ra nhận định “có lẽ sự thay đổi là định mệnh của Hà Nội”, PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho biết, Hà Nội thời mở cửa biến đổi cả về cảnh quan và dân cư. Ông đưa ra dẫn chứng, nếu ở những năm 1980, đứng ở trên tầng cao nhất của Cung Thiếu nhi Hà Nội có thể nhìn thấy sông Hồng thì bây giờ là không thể.
Theo PGS. TS Phạm Xuân Thạch, Hà Nội có phố cổ, phố tây và có làng, Hà Nội có những ngôi nhà, công trình khác biệt đứng cạnh nhau và nguyên nhân sự hỗn loạn của Hà Nội là do không quản trị được sự thay đổi của nó, đặc biệt là trong việc quy hoạch và quản lý đô thị.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt lại nhìn thấy sự hỗn loạn ở trong những con người Hà Nội, bởi họ vẫn giữ nhiều nét tính cách rất riêng và họ rất dễ chịu với sự hỗn loạn đó. Có thể hôm nay họ càu nhàu sự hỗn loạn nhưng ngày mai họ vẫn sẽ hỗn loạn.
Hà Nội là một thành phố hỗn loạn nhưng thế mới là Hà Nội. Tôi không ủng hộ sự hỗn loạn nhưng tôi phải chấp nhận điều đó, theo tôi, đó là cái chất riêng của Hà Nội mà nó không bị mất đi, họa sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ.
Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt chia sẻ tại tọa đàm.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng cho rằng, Hà Nội có thể nhốn nháo, lộn xộn, bề bộn và rất khó có thể nói đây là một thành phố đẹp nhưng đôi khi cái sự lộn xộn lại trở thành nét gợi cảm ở một mặt nào đó, khiến cho nhiều người ở vùng khác đến và thích thú với nó, bên cạnh việc đến đây để lập nghiệp và mưu sinh.
Nhiều người nước ngoài cũng cảm thấy Hà Nội thú vị, họ say mê khung cảnh nơi đây, và theo nhà văn, có thể Hà Nội đã cho họ cảm giác rằng họ không thể gặp được ở một nơi nào khác.
So với nhiều thành phố khác trên thế giới, thành phố của chúng ta sống động và cuồn cuộn năng lượng sống, mang đến nhiều động lực để đi tiếp, nhà văn Nguyễn Trương Quý nhận định.
Tại tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã đưa ra nhiều nhận định về văn chương viết về Hà Nội.
Hà Nội luôn phải “mang vác” những vẻ đẹp huyền thoại như người Hà Nội phải hào hoa, thanh lịch, duyên dáng, tinh tế hay hoa sữa thì phải thơm và mùa thu phải đẹp nhưng truyền thông cũng đưa ra những câu chuyện như “bún mắng, cháo chửi” và nhiều hình ảnh không đẹp về Hà Nội.
Trước những mâu thuẫn đó, nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng, Hà Nội là một đối tượng phức hợp, nó đa dạng, đa chiều và đa nguyên, có tồn tại những thứ thách thức với diễn ngôn về Hà Nội. Và theo anh, hình ảnh Hà Nội cũng là một câu chuyện chế tạo vĩ đại của truyền thông, là đối tượng tham chiếu, “mổ xẻ” theo nhiều cách khác nhau ở những góc nhìn khác nhau.
Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại
Hà Nội đã luôn là chủ đề lớn trong văn chương Việt Nam từ những nghiên cứu của Nguyễn Bá Đang, Trần Quốc Vượng, Philippe Papin; những khảo cứu của Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Uẩn, Chu Thiên, Giang Quân,…; cho đến những truyện ký, tùy bút, tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài… Các diễn giả tại tọa đàm cho rằng, sự tiếp nối và trình bày những diễn ngôn về Hà Nội có sự thay đổi qua các thế hệ người viết.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho biết, Hà Nội là một thành phố trong số ít thành phố ở Việt Nam có được những tác giả kiên định với nó. Chính vì là một đô thị lâu đời và bền vững, Hà Nội thu hút được sự quan tâm lớn của văn chương và dần dần hình thành nên một yếu tố tích lũy về mặt văn hóa. Và ở mỗi thời đại, văn chương về Hà Nội sẽ kể về những câu chuyện khác nhau.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho rằng, cột mốc để đánh dấu văn chương đương đại về Hà Nội là nhà văn Thạch Lam, bởi văn chương của ông cho thấy được ý thức về một đô thị và trong đó chứa đựng những giá trị mà chúng ta sẽ phải tìm lại, ấn định lại trong hiện nay.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho rằng Hà Nội có được những tác giả kiên định với nó.
Theo nhà văn Đỗ Phấn, văn chương đương đại về Hà Nội chia thành hai giai đoạn quan trọng: ở thời kỳ hiện thực xã hội chủ nghĩa, nó phản ánh hiện thực ở xu thế đi lên, bức tranh vui tươi, phấn khởi, tiến bộ; ở giai đoạn sau thời kỳ đổi mới, với nhiều phương pháp sáng tác mới, nó có ưu điểm là đề cao sự tự do trong sáng tác, tuy nhiên, người sáng tác luôn bị đặt trong một trạng thái hoang mang vì có quá nhiều phương pháp.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý thì nhận xét: Văn chương viết về Hà Nội có ngoa, có ghê gớm nhưng không ác, nó khá lành và cảm giác mang lại những cái thuần hậu, đáng mến.
Sự kiện giúp khán giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn tiêu biểu viết về Hà Nội hiện nay.
Tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” đã góp phần kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học-nghệ thuật của các tác giả Hà Nội đương đại và giúp khán giả, độc giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, tác giả tiêu biểu ở những thế hệ có tính tiếp nối và tiếp biến của văn chương về Hà Nội.
Chữ quốc ngữ - tiếng Việt với một nền văn học hiện đại - văn học mới Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ từ...
Bình luận