Văn học về Thăng Long - Hà Nội trong thời hiện đại

Chữ quốc ngữ - tiếng Việt với một nền văn học hiện đại - văn học mới Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ từ đầu thế kỷ XIX. Văn học thời 1930- 1945 là một minh chứng hùng hồn thời kỳ phát triển rực rỡ buổi đầu như “Một thời đại mới trong thi ca” (Hoài Thanh). Văn học về Thăng Long - Hà Nội cũng từ truyền thống bước vào thời kỳ phát triển mới.

Về thơ ca

Từ rất sớm, sau Cách mạng thành công năm 1945, đã có nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng viết về Thăng Long - Hà Nội của Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…

Có lẽ, sớm nhất là Nguyễn Đình Thi với thơ và ca từ về Hà Nội ngay những ngày đầu, và trong kháng chiến chống Pháp.

Hà Nội hiện trong sáng tác của Nguyễn Đình Thi như một dấu ấn đặc sắc: Người Hà Nội, Hồ Tây, Hà Nội hồng, Chia tay trong đêm Hà Nội, Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Nguyễn Đình Thi đặc biệt tôn vinh Hà Nội - một địa điểm hội tụ hiền tài quốc gia: “Đấy là nơi quy tụ và đào tạo hiền tài văn võ cho đất nước đời này qua đời khác. Bóng nước Hồ Gươm, Hồ Tây in dấu trí tuệ và nghệ thuật sống Việt Nam” (Nguyễn Đình Thi – Tuyển tác phẩm văn học, tiểu luận, bút ký, NXB Văn học, 2001).

Trong thơ Chế Lan Viên có ít bài viết trực diện về Hà Nội, nhưng hình ảnh Thủ đô vẫn ẩn hiện qua nhiều sáng tác: Đi ra ngoại ô, Tùy bút một mùa xuân đánh giặc. Rồi cả các bài có biểu trưng cây lá Hà Nội: Sau cơn mưa, Hoa sữa, Lá bàng rơi, Cây bàng, Bàng năm khác, hoặc cảnh sông nước… các tác phẩm Đi ra ngoại ô, Chim lượn trăm vòng, Người đi tìm hình của nước, Tuỳ bút một mùa xuân đánh giặc, Nhớ Việt Bắc... Thơ về Hà Nội của Chế Lan Viên là chùm hoa đẹp trong văn thơ Thủ đô. 

Hà Nội dường như là quê hương thứ hai sau Huế của nhà thơ Tố Hữu, ông đã dành cả một đời công tác và sinh hoạt ở đây. Tố Hữu là một trong những nhà thơ tại chiến khu về tiếp quản Hà Nội trong niềm hân hoan và xúc động khó tả. Lại về nói hộ tình cảm ấy. Qua vần thơ là vẻ đẹp truyền thống Hà Nội, cảm hứng lịch sử thấm đượm trong vần thơ Tố Hữu về Hà Nội: Hà Nội với đất nước, Việt Nam máu và hoa, Vui thế hôm nay. Hà Nội đẹp lung linh trong xây dựng hoà bình và thời đổi mới, hội nhập qua Đêm Xuân 85, Duyên thầm.

Người ta thường nhắc tới Huỳnh Văn Nghệ với Nhớ Bắc có những câu thơ tuyệt vời: “Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”.

Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ đều có nhiều bài thơ về Hà Nội từ khá sớm. Thơ Xuân Quỳnh giàu nữ tính thiên về trữ tình tình yêu, Lưu Quang Vũ lại đậm chất hiện thực, hào hùng bi tráng.

Phan Vũ với trường ca như bản tình ca tráng lệ Em ơi Hà Nội phố (1972) với 24 khúc, gần 500 dòng  thơ được nhạc sĩ danh tiếng Phú Quang phổ nhạc.

Sau 1975 có thể nhắc tới Nguyễn Hùng Vỹ, Thanh Tùng, Tô Như Châu, Bùi Thanh Tuấn cũng có thơ về Hà Nội được phổ nhạc trở thành ca khúc có độ phủ sóng đặc biệt.

Đáng lưu ý có nhà thơ mặc áo lính Đỗ Trung Lai (sinh 1950) có Thăng Long. Hào hùng và lãng mạn sóng đôi suốt bài thơ… gợi cảm giác cuốn hút. Nguyễn Việt Chiến (sinh 1952) có trường ca Thăng Long sử thi viết dịp chào mừng 1000 năm Thăng Long được trao giải thưởng thơ 2010.

Văn học về Thăng Long - Hà Nội trong thời hiện đại - 1

Ảnh minh họa

Về văn xuôi

Thời kỳ 1930 - 1945 có Thạch Lam (1910-1942) là thành viên tiêu biểu của nhóm Tự lực văn đoàn nổi tiếng với cuốn Hà Nội 36 phố phường (bút ký, phóng sự) do Đời Nay xuất bản năm 1943, một năm sau khi Thạch Lam qua đời. Tác phẩm giúp chúng ta thấy rõ vóc dáng và tâm hồn Hà Nội. Sách viết về chuyện phố, chuyện phường, chuyện đời sống dân sinh, nét văn hóa ẩm thực tinh tế qua những thứ quà đặc sản. Sách nói lên được vẻ đẹp tinh hoa của Hà Nội một thời và tình yêu thiết tha, đằm thắm của nhà văn.

Sau này sách được nhiều nhà xuất bản uy tín ấn hành như Văn hóa Thông tin, Hội Nhà văn... Riêng Nhà xuất bản Văn học tái bản nhiều lần, gần đây nhất là tái bản vào các năm 2005, 2017, 2020, 2022, 2024.

Thạch Lam với thiên bút ký này đã đưa ta đi qua các nẻo đường phố cổ để tìm lại vóc dáng của Thăng Long - Hà Nội xưa, một đóng góp vô giá cho văn sản Hà Nội - Việt Nam. 

Nguyễn Huy Tưởng - một người Hà Nội, nhà văn cách mạng tiên phong tài năng đã có một cảm quan lịch sử rất mạnh mẽ, rất nặng lòng với lịch sử dân tộc. Sáng tác về đề tài lịch sử như một cảm trong đời viết của ông.

Trước Cách mạng, sáng tác về lịch sử của nhà văn kết tụ ở các tiểu thuyết, và kịch lịch sử. Cùng với Nguyễn Triệu Luật, Chu Thiên, ông đã “biết thổi vào đống tro lịch sử cho sáng lên những đốm than hồng của tinh thần Đại Việt” – như một nhà bình luận đã viết.

Hai cuốn tiểu thuyết An Tư công chúa cùng Đêm hội Long Trì mang đậm cảm quan và ý thức lịch sử ấy. Đây là các tác phẩm phê phán sự suy thoái của triều đại phong kiến thời đó - Thăng Long thời Trần, và thời Lê - Trịnh. Kịch Vũ Như Tô đăng trên Tri Tân, đến năm 1946 được Hội Văn hoá Cứu quốc in thành sách.

Nguyễn Huy Tưởng trong dòng sáng tác kịch đã viết Bắc Sơn như khởi đầu cho kịch về đề tài cách mạng. Cũng ngay từ kháng chiến toàn quốc năm 1946, ông viết kịch Những người ở lại như cuộc đấu tranh cho ý thức của con người kháng chiến đã thắng thế.

Năm 1946, tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô được ông dựng, cùng với Luỹ hoa - kịch bản phim của tiểu thuyết nói về ngày đầu kháng chiến.

Nguyễn Huy Tưởng đã mất như một chiến sĩ của Hà Nội. Tiễn đưa và vĩnh biệt ông, có những người chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô hào hùng trong Sống mãi với Thủ đô năm nào.

Sống mãi với Thủ đô là bản hùng ca sử thi về chiến đấu của quân và dân Hà Nội. Ông cũng Sống mãi với Thủ đô trong lòng mọi người, như trong lòng nhân dân và đất nước. Nhà văn như một đại diện xuất sắc của văn học về Thăng Long - Hà Nội.

Nguyễn Tuân là nhà văn sinh trưởng ở Hà Nội. Quê gốc ở làng Nhân Mục (tức Mọc), Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông là con của một nhà nho thời Hán học buổi suy tàn. ông nổi tiếng nhất là từ năm 1939 với các truyện ngắn, tuỳ bút, bút ký có tình hoài cổ như Vang bóng một thời, Tóc chị Hoài, Nguyễn,…

Nguyễn Tuân là một nhà văn Hà Nội tài hoa. Riêng những tác phẩm viết về Hà Nội của ông, có những nét đặc sắc do cái nhìn hoài niệm về quá khứ. Tình yêu Hà Nội - đất Kinh kỳ nghìn năm văn hiến đã tạo nên sức mạnh của ngòi bút Nguyễn Tuân.

Truyện Hương cuội phản ánh nề nếp, gia phong, là cách uống rượu, ngâm thơ, thưởng hoa rất cầu kỳ, kiểu cách của các nhà nho thanh lịch và hào hoa thời xưa. Những chiếc ấm đất, Chén trà trong sương sớm là hai tác phẩm nói tới chuyện uống trà như một thú đạo. “Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có mùi thơ, và một triết lý. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể ngồi cùng nhau bên một ấm trà”.

Đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân tìm hiểu và thể hiện qua văn hoá ẩm thực. Năm 1957, đi công tác ở Phần Lan, với tâm thức của người xa xứ nhớ quê, nhà văn đã viết thiên tuyệt bút Phở, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Chữ người tử tù cũng ca ngợi nét văn hoá truyền thống của bậc hiền nhân quân tử, trong việc “cho chữ” của ông Huấn Cao. Thư pháp hiện được khôi phục, chính là nét đẹp văn hoá đọc.

Nguyễn Tuân có cảm quan lịch sử mạnh mẽ, khi viết về hùng khí đất Hà Thành. Tuỳ bút Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi để lại dấu ấn đặc sắc thời chống Mỹ. Thời ấy, những con người Hà Nội đã tự nguyện tham gia chiến đấu, trong trận chiến ác liệt với không quân Mỹ. Quân và dân Thủ đô đã tạo nên lưới lửa phòng không vững chắc và kiên cường, bám trụ tại Hà Nội.

Nhà văn dành sự ngưỡng mộ cho người dân Hà Nội, nhất là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Họ lao động giỏi, chiến đấu kiên cường. Nhất là những cô gái trẻ, có thể sử dụng thuần thục máy cày, súng trường, trung liên, đại liên. Họ cũng là những người chiến đấu gan dạ, đồng thời là người nghệ sĩ lãng mạn, tài hoa.

Ngay ở nơi ác liệt ấy, trên nóc cầu Long Biên, đơn vị chiến đấu còn trồng cả hoa mười giờ. Ánh sắc lung linh của hoa thắm hoà nhịp với vũ điệu ánh bạc của những cánh bay, nghiêng cánh chào mừng Thủ đô thân mến vừa chiến thắng trong ngày: “Hồ Gươm mùa thu càng lộng đẹp. tấm gương sáng hắt lên những cánh én bạc của một binh chủng không quân đang ra đời”.

Cái đẹp của những con người nổi lên trên khung cảnh chiến đấu ác liệt.

Trong Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi, nhân vật không có tên gọi xuất hiện dày đặc: anh chiến sĩ cao xạ, đơn vị pháo, bác xích lô, anh biệt động cũ của Hà Nội, em nhỏ 12 – 13 tuổi, thanh niên, chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô. Họ đại diện cho hình ảnh lớp lớp con người đang sống và chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Đó là những con người hào hùng, nhưng hào hoa của Hà Nội. Có thể ví họ là những người nghệ sĩ, những anh hùng vô danh thầm lặng rất đáng được ca ngợi.

Nguyễn Khải là người quê gốc Hà Nội, là nhà văn thế hệ kế cận với bậc đàn anh, xứng đáng vào bộ “ngũ tử văn chương” viết về Hà Nội (Thạch Lam, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Khải). Hai tác phẩm tiêu biểu là tập truyện ngắn Một người Hà Nội (1990), và Hà Nội trong mắt tôi (1995).

Nguyễn Khải viết 2 tập truyện về Hà Nội khi ông đã vào sinh sống và hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy sống ở quê hương mới, nhưng Nguyễn Khải vẫn để lòng lưu luyến đất Hà Thành. Ông sống và viết với hoài niệm day dứt, thiết tha trong tình yêu đất nước như chỉ một dòng máu thắm chảy qua tim.

Qua truyện, nhà văn đã thể hiện tấm lòng thương nhớ nơi chôn rau cắt rốn với niềm tự hào và tôn vinh cao đẹp. Tình yêu Hà Nội như càng xa càng thắm thiết mặn nồng với ông. Vùng quê sinh thành trở nên vùng quê sáng tác. Hà Nội hiện ra với bao “cảnh xưa, người cũ”.

Nguyễn Khải viết về Hà Nội với những con người mang cốt cách tinh hoa Hà Nội văn hiến - Hà Nội có truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp. Nguyễn Khải viết về Hà Nội thật hay. Rất thời sự - thời đại, mà mang nét truyền thống, bóng dáng của một thời. 

*

Từ những năm 1960 - 1975, văn học về Thăng Long - Hà Nội viết bằng Quốc ngữ - Tiếng Việt được phổ biến rộng rãi qua sách báo và cả trong sách giáo khoa các cấp.

Vào đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ngoài Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn tiên phong với các tác phẩm, thì còn có một số tác phẩm đáng lưu ý khác: Trong lòng Hà Nội (tiểu thuyết của Hà Minh Tuân, Quân đội nhân dân, 1957) và  Hai trận tuyến (tiểu thuyết của Hà Minh Tuân, NXB Văn học, 1960). 

Hai tác phẩm đầu tay của tác giả Hà Minh Tuân đã ca ngợi tinh thần chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ xung phong thành Hoàng Diệu, nhằm bảo vệ Tổ quốc. Cuốn Trong lòng Hà Nội viết về thời kỳ tiền cách mạng, cuốn Hai trận tuyến viết về hoạt động sau cách mạng thành công. Đó là hai cuốn tiểu thuyết viết theo khuynh hướng sử thi.

Sau năm 1975, dòng văn học về chiến tranh vẫn được tiếp diễn. Những tầm cao của Hồ Phương là tiểu thuyết 2 tập (1975, 1977), được Giải thưởng Văn học Thủ đô năm 1983. Tác phẩm được tái bản do Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2014, và trở thành một trong số các tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước năm 2001.

Hồ Phương từ năm 1946 đã gia nhập lực lượng tự vệ thành Hoàng Diệu, gia nhập quân đội, trở thành “Chiến sĩ Quyết tử” của Thủ đô 60 ngày đêm khói lửa. Và từ đó, đời quân ngũ của ông kéo dài qua  hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã tạo nên những trang viết hào hùng về chiến tranh cách mạng.

Những tầm cao là dấu ấn đặc sắc đầu đời viết, đã tạo nên danh hiệu nhà văn – chiến sĩ Hồ Phương.

Hữu Mai là nhà văn quân đội, cũng có lý lịch tương tự. Thời Kháng chiến toàn quốc năm 1946, Hữu Mai đã tham gia tự vệ Thành, chiến đấu ở Hà Nội, rồi vào bộ đội. Từ đây chính là sự nghiệp cầm súng và cầm bút của ông. Hữu Mai có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội. Nổi bật là Vùng trời (tiểu thuyết 3 tập – 1971, 1975, 1980), rồi Hà Nội 12 ngày đêm (ký sự, 1973).

Vùng trời là bộ tiểu thuyết công phu, dày dặn nhất về đề tài bộ đội không quân trong chiến tranh phá hoại của nhà văn Hữu Mai. Hình ảnh nổi bật là người chiến sĩ - cũng là con người dân tộc trong chiến tranh khắc nghiệt vào bậc nhất. Trong bộ tiểu thuyết đồ sộ này, ta thấy hiện lên rõ rệt cuộc chiến đầu tiên trên vùng trời Thủ đô, và đất nước, cũng như những con người Hà Nội quả cảm anh hùng.

Cuộc sống chiến đấu của các chiến sĩ không quân trên bầu trời gắn liền với đất mẹ, với tình thương yêu và đùm bọc của nhân dân với toàn bộ cuộc chiến đấu anh hùng chống xâm lược, và thống nhất đất nước trong những năm chống Mỹ đầy gian lao, vất vả, hiểm nguy, nhưng cũng đầy kiêu hãnh và tự hào.

Để viết nên Vùng trời, hầu như Hữu Mai đã phải gắn bó chặt chẽ với các chiến sĩ đoàn không quân ở sân bay Gia Lâm.

Sau đó, là một tác phẩm cũng xuất hiện khá sớm - từ năm 1976 (sau thống nhất đất nước năm 1975) - bộ sách của Chu Thiên, tiểu thuyết lịch sử 2 tập Bóng nước Hồ Gươm của nhà xuất bản Văn học. Tác phẩm được in ở nhà in Thanh niên, thành phố Hồ Chí Minh (in lần thứ 2 vào năm 1999, và in lần thứ 3 vào năm 2014).

Bóng nước Hồ Gươm của nhà văn Chu Thiên tài hoa không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, mà là một tác phẩm hùng tráng, khắc hoạ cuộc đấu tranh và lòng yêu nước của những con người dũng cảm”. Sách được tái bản năm 1999, do nhà xuất bản Văn học ấn hành, với lời nhấn mạnh: “Tiểu thuyết dựng lại giai đoạn đầu chống Pháp của các nho gia chí sĩ Bắc Hà xưa, đan xen những lo toan, những buồn vui thế sự là những khung cảnh Hà Nội xưa trong như ngọc…”.

Thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành từ sau năm 1975, Trung Trung Đỉnh là nhà văn mặc áo lính từng có những tác phẩm hay về chiến trận, lại chuyển ngòi bút viết về người lính thời hậu chiến với cuộc sống lo toan, vất vả của đời sống, cùng những chuyện về nhân tình, thế thái.

Lạc rừng, Ngược chiều cái chết, Tiễn biệt những ngày buồn đều do NXB Thanh niên ấn hành, là các tác phẩm miêu tả người lính trong trận mạc và trong thời bình.

Tiểu thuyết Trung Trung Đỉnh đáng chú ý sau năm 1975 có Chuyện tình ngõ lỗ thủng, và Tiễn biệt những ngày buồn. Đó là hai cuốn tiểu thuyết đình đám của ông, đều xuất hiện vào năm 1990.

Chuyện tình ngõ lỗ thủng đã tạo ra một sức hút đáng kể với độc giả khi ra đời. Đó là cuốn tiểu thuyết xuất sắc, viết về thời bao cấp đầy khó khăn, vất vả. Đối tượng phản ánh là những công dân – người dân thường của một ngõ phố nhỏ ở Hà Nội. Họ đục tường thành một lỗ thủng, để “chui” vào công viên Thống Nhất. Đó chính là “lỗ thủng” nhân cách cần bịt lại trong hồn người - như tình ý của truyện!

Tiễn biệt những ngày buồn là tác phẩm xuất hiện đồng thời, và cũng viết về thời bao cấp của các nhân vật là người lính bước ra từ cuộc chiến tranh. Họ phải bươn chải vật vã để sống với đời sống hàng ngày, gặp không ít khó khăn, cơ cực, nhưng vẫn chịu đựng để vươn lên với tư cách của con người chiến đấu. Đây là một tác phẩm đã có khuynh hướng về thế sự, và có cái nhìn sắc sảo, tinh tế với hiện thực mới. Vì vậy, Tiễn biệt những ngày buồn đã được tuyển vào Tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới (tác phẩm của Nhà xuất bản Hội Nhà văn). 

Đồng đội - nhà văn khoác áo lính Chu Lai cũng là người sáng tác đồng cảnh, đồng tình cùng thế hệ. Tuy xuất hiện chậm hơn, nhưng Phố của Chu Lai (NXB Thanh niên, 2019) lại dày dặn hơn, và có vẻ phồn tạp hơn.

Chu Lai từng thành công với đề tài chiến tranh. Nhưng ông cũng có thành tựu mới qua những trang viết về thời bình. Có cả hình ảnh của người lính ở cả hai giai đoạn trong và sau chiến tranh. Tuy nhiên, khi đi vào khuynh hướng thế sự, trang viết của nhà văn vẫn giàu tính nhân bản, và tính chiến đấu cho giá trị cao quý của con người.

Phố nói về cuộc sống của những người Hà Nội giai đoạn đầu Đổi mới, cũng mang yếu tố đổi mới trên bút pháp.

Cũng thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành và nổi danh ở thế hệ sau năm 1975, là bậc cao niên Ma Văn Kháng. Nhà văn trẻ thời Phố cụt xưa kia, nay đã vào tuổi thượng thọ, tiến tới đại thọ (U90) với nhiều thành tựu văn chương đặc sắc.

Tác phẩm nổi bật trong thời kỳ chuyển giai đoạn này, chính là Mùa lá rụng trong vườn. Đây là tiểu thuyết đã hoàn thành vào tháng 12/1982, nhưng phải tới ba năm sau mới được xuất bản - xuất bản lần đầu năm 1985. Đây cũng là một tác phẩm tiêu biểu của tác giả Ma Văn Kháng dẫn đầu cho văn học hiện đại đổi mới của giai đoạn cuối thế kỷ XX.

Một cái mới đáng lưu ý: Ma Văn Kháng là một trong những người đầu tiên đề cập tới “mô hình gia đình” - tế bào xã hội. Xây dựng gia đình trở thành một trung tâm của giáo dục đạo đức truyền thống, và là điểm tựa cho sự phát triển và trưởng thành của con người.

Từ đó, truyện phổ biến một triết lý nhân văn: Hãy gìn giữ và phát huy văn hoá gia đình, cũng là văn hoá dân tộc trong sự giao thoa, chao đảo của thời kỳ xã hội chuyển mình, giữa những cái giá trị cao quý đời thường với cái mới, cái táo bạo, phá cách.

Quan hệ gia đình vào thời kỳ xã hội có nhiều biến động đã làm nổi bật “sự thiêng liêng và tầm quan trọng” của gia đình trong sự phát triển của con người.

Về văn xuôi, nổi bật dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long có bộ sách quý của nhà xuất bản Kim Đồng (2021). Bộ đôi tiểu thuyết lịch sử Người Thăng Long, và Khúc khải hoàn dang dở của nhà văn Hà Ân (2021) kể về những vị anh hùng của đất Thăng Long văn hiến, được viết từ năm 1980, là bản trường ca hào sảng về các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống Nguyên -– Mông lần thứ hai. Nhân vật trung tâm là Trần Nhật Duật, người con thứ sáu của vua Trần Thái Tông.

Qua đó, là không khí náo nức của buổi Hội thề, không khí trang nghiêm của Hội nghị Bình Than, và không khí hừng hực ý chí chiến đấu của Hội nghị Diên Hồng cùng nhiều vẻ đẹp văn hoá dân gian xưa. Khúc khải hoàn dang dở viết về nhà tình báo chiến lược tài ba của nhà Trần là Đỗ Vĩ, với chiến công được ghi vào lịch sử… Đó là mấy cuốn tiểu thuyết khắc hoạ thành công hình ảnh về một Thăng Long anh hùng xưa.

Bộ ba tiểu thuyết lịch sử về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài cũng được nhà xuất bản Kim Đồng phát hành là Quê người, Mười năm và Quê nhà. Đây là ba mảnh ghép tạo nên cái nhìn xuyên suốt về Hà Nội, vùng quê nhà văn - vào những năm đầu thế kỷ XX đến khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi.

Văn học viết về Thăng Long - Hà Nội là một dòng chảy lớn, xuyên suốt lịch sử từ xưa tới nay. Thời hiện đại, tác phẩm tiếng Việt nở rộ, với nhiều nhà văn có quê gốc và ở xa hoặc hội tụ về Hà Nội. Về tác giả nổi bật là thế hệ viết từ trước cách mạng, và kế cận là thời chống Pháp và chống Mỹ, thời Đổi mới tới nay.

Những dịp kỷ niệm lịch sử, là sáng tác lại bung nở, nhất là những năm kỷ niệm 1000 năm, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Khuynh hướng nổi rõ là cảm hứng lịch sử và tác phẩm nghiêng về sử thi hào hùng, khai thác truyền thống chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do. Qua đó, nhất là khuynh hướng thế sự sau này, còn là sự phát hiện rõ nét hào hoa cùng với hào hùng của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Trong tương lai, dòng chảy văn chương vẫn tiếp tục như dòng văn học đương đại, mang đậm nét bản sắc dân tộc.

Đoàn Trọng Huy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm

Đọc “Tiếng Khèn” của Trần Đàm

Vì tôi không biết đây là tập thơ thứ năm của Trần Đàm, nên “Tiếng Khèn” cứ đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tại sao một người rất giỏi về nhiếp ảnh lại làm thơ khá thế? Ấn tượng nhất là mảng thơ viết về miền núi. Vẫn những cảnh người ta thường bắt gặp trong thơ của các cây bút khác, nhưng trong “Tiếng Khèn”, nó hoàn toàn khác, đó là những gì rất ri