Nhà văn Thạch Lam, mỏng manh mà sáng chói

Tài hoa mệnh yểu, như một ngôi sao lóe sáng 10 năm (1932-1942) trên bầu trời văn học nước nhà, rồi tắt lịm. Nhưng ánh sáng từ những trang sách của ông vẫn ấm áp từng trang sách giáo khoa ngày nay. Đấy là nhà văn Thạch Lam - một trong những nhân vật trụ cột của văn chương Tự Lực văn đoàn từ những năm 30-40 của thế kỷ trước.

Tuổi thơ ga xép Cẩm Giàng

Thạch Lam là con thứ sáu gia đình họ Nguyễn Tường ở phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thế kỷ trước. Người cha là thông phán Nguyễn Tường Nhu, con trai viên tri huyện Cẩm Giàng. Mẹ là Lê Thị Sâm, con gái viên quan võ cùng huyện. Nhà có bảy anh chị em, thì ba người là nhà văn trong Tự Lực văn đoàn. Đó là Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) và Thạch Lam.

Chào đời năm 1910, lúc còn nhỏ có tên là Sáu, đi học lấy tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Sau này muốn thi nhảy cấp nên khai tăng tuổi và đổi là Nguyễn Tường Lân. Đi làm báo với các anh, mới đặt bút danh: Thạch Lam, giản dị màu đá xanh!

Thạch Lam mồ côi cha khi 8 tuổi, chủ yếu sống bằng tình thương của người mẹ và các anh chị  ở ga xép Cẩm Giàng. Sau khi đỗ tú tài phần nhất, chàng bỏ ngang đi làm báo với các anh. Năm tháng ở Cẩm Giàng khó nghèo, túng thiếu, nhưng cảnh vật, con người ở đây đã in đậm trong ký ức và  trở thành máu thịt sống động trong văn chương sau này của Thạch Lam.

Nhà văn Thạch Lam, mỏng manh mà sáng chói - 1

Ngôi nhà của nhà văn Thạch Lam

Truyện Hai đứa trẻ là hồi ức của ông, hình ảnh đứa chị chính là bà chị Nguyễn Thị Thế, tức cô Năm, và đứa em là Thạch Lam thời thơ ấu. Trong Hồi ký họ Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế cũng khẳng định điều này: “Tôi không ngờ em Sáu (Thạch Lam) có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tầu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám mà tối đến mẹ đã giao cho hai chị em phải ngủ lại để trông hàng…”.

Ngày ấy bà thông Nhu có một chõng hàng ở trước cửa ga xép Cẩm Giàng. Gọi là cửa hàng cho sang chứ thực ra chỉ bán dăm cút rượu, vài phong bánh khảo, vài gói thuốc lào… Cũng là hoạ hoằn có ông khách lỡ tàu ngủ lại, hoặc là ông lý, ông chánh ở các làng xa lên huyện có việc không về kịp. Nhưng cũng chỉ ào lên được ít ngày vào vụ thu thuế. Thời ấy từ thuế người, thuế ruộng đều phải đem nộp quan, rồi quan huyện lại phải đem ra tỉnh nộp cho công sứ… Còn những ngày thường khách vắng teo.

Văn chương nhã nhặn, bình dân

Thạch Lam vào nghề văn muộn hơn các anh trai (Nhất Linh, Hoàng Đạo), nhưng năm 1937 ông cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Gió đầu mùa gây ấn tượng. Trong lời nói đầu đã bộc lộ quan niệm của mình: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác. Vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn… Thiên chức của nhà văn là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng thương yêu hơn”.

Để ý kỹ mới thấy rằng, nhân vật trong tác phẩm Thạch Lam không có những ông hàn, ông tham… những thành phần trung, thượng lưu có đời sống sinh hoạt khá giả, lời ăn tiếng nói cao sang hoặc giả dối như các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn khác trong nhóm. Người đọc gặp nhân vật trong truyện thấy có đủ lai lịch xuất xứ, mà Thạch Lam lấy nguyên mẫu trong phố huyện nghèo.

Giới nghiên cứu văn học cho rằng, mỗi nhà văn đều có vùng quê thông thuộc của mình, chứa nhiều kỷ niệm. Thạch Lam đi tìm cái đẹp giản dị trong tâm hồn, thân phận nhân vật; cách ứng xử, mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Văn ông hài hoà giữa lãng mạn và chân thực, nồng nàn tình quê, nặng lòng với dân tộc. Ông tả nội tâm nhân vật nhuần nhị tinh tế, tả cảnh vùng quê dân dã, không ồn ào, bụi bặm, cả trận gió lạnh đầu mùa vẫn vương vấn hơi ấm của tình người.

Thạch Lam viết truyện không có xung đột, giật gân, tình tiết éo le, mùi mẫn, trang viết của ông mang chất thơ, cảm xúc như thơ. Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan có nhiều câu văn đẹp như thơ: “Thanh tiễn Nga ra cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoàng lan thoang thoảng bay trong gió ngát... Mỗi mùa lại giắt hoàng lan trong mái tóc để nhớ mùi hương”.

Thạch Lam không thi vị hoá cuộc sống. Ông chân thực vẽ lên cảnh khó nghèo, trớ trêu số phận, mà không bi quan, cực đoan, tàn lụi, vẫn phả vào hồn nhân vật một niềm tin, ước mơ cháy bỏng, vẫn gây một lòng trân trọng yêu thương của người đọc vào một niềm tin về ngày mai tốt đẹp, vẫn thấy phía trước ấm áp ngọn lửa hồng, xoá đi những góc tối của tâm hồn con người trong cảnh cùng cực.

Nhà văn Thạch Lam, mỏng manh mà sáng chói - 2

Bà Nguyễn Tường Nhung, con gái Thạch Lam về thăm nhà cũ của cha (gần ga xép Cẩm Giàng)

Người đọc thương cảnh nhà bác Lê với mười một đứa con, sống trong đói khổ; thương cảm đôi bạn gái Liên và Huệ sống trong nỗi tủi nhục không có cái bát hương để cúng tổ tiên đúng vào ngày tất niên (Tối ba mươi).

Độc giả bâng khuâng nghĩ về cảnh hai chị em Liên và An nghe lời mẹ dặn phải thức khuya chờ tàu Hà Nội về để bán ấm trà hay khúc mía kiếm tiền. Nhưng con tàu dửng dưng đi qua, để lại phía sau một phố nhỏ tẻ buồn, trống vắng. Nhưng ấm lòng khi bắt gặp ngọn đèn chị Tý, dù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, không bị tắt lụi, cứ lung linh đón đợi niềm tin.

Thạch Lam không chỉ nổi tiếng về truyện ngắn, ông còn rất thành công trong thể bút ký. Hà Nội ba mươi sáu phố phường là tập bút ký gồm nhiều mẩu ngắn mà sinh động. Ông luận đàm các món ăn. Không dài dòng, chỉ cần chấm phá đôi nét, thì các loại quà rong, đặc sản có cả mùi vị, màu sắc hiện trên trang viết  như có phép thần, và kỳ thay, sản vật quê hương như có tâm hồn quyến rũ con người.

Tỷ như tả về bánh cốm: “Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ, cái dây lạt đỏ như sợi tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân”… Đến cô hàng bán nước chè dưới ngòi bút Thạch Lam cũng trở nên ý vị: “Cô hàng nước Việt Nam - dù ở dưới bóng đa, bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên của thành phố, ở đâu cũng vậy, miệng cười tươi của cô hàng là dây liên lạc khắp cả mọi người…”.

Ngôi nhà cây liễu

Khoảng năm 1935 khi đã 25 tuổi, Thạch Lam lấy vợ. Chị ruột là Nguyễn Thị Thế để lại ngôi nhà ven Hồ Tây cho em tìm nơi khác. Nhiều người vẫn gọi ngôi nhà Thạch Lam là “nhà cây liễu”. Vì trong sân sát hồ có cây liễu lớn. Nhà thơ Huyền Kiêu có bài thơ:

“Tây Hồ có danh sĩ

Nhà thì ở nhà tranh

Cửa trúc cài phên gió

Trước thềm bóng liễu xanh"…

Ngôi nhà đơn sơ nhưng sáng sủa, ngăn nắp, sạch sẽ, nhà có cổng gỗ ra vào. Bên trong bày một bộ bàn ghế bằng mây, trên đặt vài cái bát da lươn uống chè xanh; trên tường thấp thoáng mấy bức tranh tĩnh vật. Yên Phụ thời ấy là một làng ngoại ô sạch sẽ, thoáng đãng êm đềm và thơ mộng.

Ngôi nhà Thạch Lam xinh xắn, ở ngay đẩu làng Yên Phụ. Tuy nhà rạ, vách gỗ nhưng ông rất tự hào tìm thấy nguồn vui từ hoàn cảnh thực của mình. Đây là nơi gửi gắm nhiều kỷ niệm với bè bạn văn chương như Khái Hưng, Trần Tiêu, vợ chồng Song Kim - Thế Lữ, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân… lui tới đàm đạo, uống rượu thưởng trà. Có người bạn văn chương bảo “nhà cây liễu” là ngôi nhà lịch sử, bởi nó chứng kiến vui buồn của những văn nghệ sĩ trong khoảnh khắc giao thời.

Bẵng đi một dạo, một hôm nhà văn Đinh Hùng tới thăm bạn. Nhà cây liễu cổng không cài then. Bên trong nhà le lói ngọn đèn dầu hoả vàng vọt. Góc trong nhà một cánh màn buông kín giường, Thạch Lam mặt trắng bệch nằm thoi thóp. Bên cạnh Thạch Lam chỉ có bà mẹ già, anh cả Nguyễn Tường Thụỵ, chị gái Nguyễn Thị Thế, bác sĩ Nguyễn Tường Bách.

Nhà văn âu yếm nhìn đứa con thứ ba mới sinh, khen nó khoẻ mạnh (sau này là Nguyễn Tường Giang) và những người thân yêu, rồi lịm đi. Căn bệnh lao phổi đã xé ngang tiếng thở đời ông. Đó là ngày 27/6/1942.   

Bây giờ khách về ga Cẩm Giàng, hỏi nhà cũ Thạch Lam, trại văn chương Tự Lực văn đoàn sẽ được bà con nhiệt tình chỉ dẫn. Một con đường nhỏ đi vào trang trại được gắn biển tên Thạch Lam.

Khách đi tuyến xe lửa Hà Nội - Hải Phòng qua đây, ngồi trong toa vẫn nhìn thấy cả một khu vườn xanh mát. Và khi mùa xuân về lại gợi nhớ ngày mồng ba tết Nhâm Ngọ (1942), Thạch Lam còn tiếp bạn văn chương Thế Lữ, Song Kim, Khái Hưng, Trần Tiêu, Huyền Kiêu, Đinh Hùng… từ Hà Nội về thăm nhà, cùng nhau uống rượu đào lê mỹ tửu.

Nhiều đoàn khách văn chương trong Nam ngoài Bắc, vẫn về thăm Trại văn chương Tự Lực văn đoàn, muốn tìm lại dấu xưa. Những năm gần đây người con gáicủa Thạch Lam (bà Nguyễn Tường Nhung) trở lại phố huyện Cẩm Giàng,  thăm lại ngôi nhà của cha từng sống. Bà càng xúc động hơn khi bước chân chậm chậm trên con đường về khuôn viên nhà cũ từng gọi là trại văn chương Tự Lực văn đoàn, bây giờ mang tên Thạch Lam.

Khúc Hà Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học nghệ thuật góp phần tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc

Văn học nghệ thuật góp phần tạo khí thế mới, sức vươn mới của dân tộc

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ  một  góc nhìn

Văn học Nghệ An từ năm 1975 đến nay từ một góc nhìn

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, để đánh giá thành tựu văn học của tỉnh miền Trung quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 50 năm (từ 1975 đến nay), Thời báo Văn học nghệ thuật giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Đình Anh - Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An - Biên tập viên phụ trách miền Trung của Thời báo Văn h