Rung động đầu đời của người lính trẻ Đình Quang

Đó là những ngày đầu chống Pháp, đạo diễn - NSND Đình Quang là một anh lính vệ quốc quân làm nhiệm vụ địch vận. Lúc này ở mặt trận miền Tây có nhiều đồn địch, cho nên anh được cử lên huấn luyện anh em ở đây về công tác tuyên truyền lính địch. Nhưng khi lên tới nơi, thì anh em đi chiến dịch cả, cho nên Quang đành phải lủi thủi quay về…

Rung động đầu đời của người lính trẻ Đình Quang - 1

Đạo diễn - NSND Đình Quang

Con đường từ Hồi Xuân - La Hán về xuôi thật hoang vắng. Bởi thế nên thấy ai cũng ngồi đợi xe với mình thì mừng vô kể. Lại cũng là một cô gái Mường khá xinh đẹp, cùng ngồi với bà mẹ. Có lẽ vì thấy anh quần dạ, áo pô-pơ-lin xanh, mũ ca lô đội lệch, biết là bộ đội, cho nên cô gái bắt chuyện rất vui vẻ.

Chỉ ngặt một nỗi, là cô ta không sõi tiếng Kinh, mà anh thì tiếng Mường cũng chưa thạo, nên không phải điều gì cũng bày tỏ được… Nhưng nhìn cô gái đáng mến quá, anh sực nhớ tới món quà của một anh lính người Hoa dưới xuôi tặng anh trước ngày lên công tác ở đây. Đó là những bọc kim thêu. "Người Mường quý kim thêu số hai lắm, anh tặng họ là rất quý đấy"… Người lính ấy lúc trao kim cho anh đã dặn như vậy.

Thế là, anh liền lấy ra hai chiếc kim tặng cho cô gái. Không chỉ cô ta, mà cả bà mẹ đón nhận hết sức xúc động. Thấy thế, một lúc sau, bởi "chàng" không nói thêm được gì, cho nên lại đưa ra tặng cho cô gái hai chiếc kim nữa. Rồi một lúc sau lại thêm hai chiếc nữa…

Cho tới lúc xe đò tới, mọi người cùng bước lên xe, và cô gái chọn chỗ ngồi… ngay bên cạnh Quang. Rồi cô thì thầm: "Lát nữa tới bản em, mời anh vào chơi nhé".

Phần vì liếc sang không thấy bà mẹ cô có ý kiến gì, phần vì thấy xung quanh còn có lái xe, và một số hành khách là người đi buôn khác, cho nên Quang đành phải giữ ý, nhất là giữ uy tín cho bộ đội ngày đầu ấy (Sợ "chê" rằng bộ đội gì mà lang thang, mới thấy con gái mời đã vội đi theo), cho nên bụng thì rất muốn, mà miệng thì cứ phải chối từ, kể cả lúc bà mẹ quay sang anh nói thêm: "Em nó rất quý anh, mong anh nể lòng tôi về bản chơi với em…".

Đến lúc xe đỗ trước đường vào bản, cửa xe vừa mở, cô gái lôi tuột Quang xuống một cách rất hồn nhiên, thẳng thắn, làm mọi người trong xe cùng cười ồ lên. Họ càng cười, Quang lại càng ngượng, lừa lúc tay cô nắm hơi lỏng, anh vội rút ra và chạy ù lên xe một cách rất con nít. Xe nổ máy. Cô gái không nói thêm một câu nào, quay phắt lại và chạy vun vút lên một quả đồi.

Quang hỏi bác tài: "Cô ta giận hay sao thế?", thì bác tài trả lời: "Cô ta chạy lên đồi cao để có thể nhìn theo anh được lâu đấy". Quả thật là khi xe chạy, ngoái nhìn lại sau, anh thấy bóng hình cô cứ đứng trên đỉnh đồi, tay vẫy mãi theo…

Một nỗi buồn mênh mông bỗng ập đến. Thoáng một chút ân hận nữa. Người ta đã quý mình thế mà sao mình cứ khăng khăng chối từ? Mà thật sự mình cũng có bận rộn gì đâu cho cam. Chẳng qua là còn trẻ nên hay ngượng và… sĩ "dởm" mà thôi…

Cũng trên đường về ấy, những người cùng xe cho anh hay cô gái ấy tên gọi là "Nàng Ba, em gái của Lang Bản, Nàng Ba có tiếng xinh đẹp ở vùng này…”

(Ít ngày sau)

Tuy biết đơn vị chưa về, nhưng vì nỗi nhớ Nàng Ba, anh ra bến xe để quyết chí sớm ngược miền sơn cước tìm nàng. Thế nào lại gặp đúng "bác tài" hôm trước. Thấy anh, bác tủm tỉm: "Anh lên thăm Nàng Ba đấy à?".  Anh chống chế: "Không, tôi lên đơn vị gần đây thôi". Nghe trả lời thế, bác tài biết thừa là anh nói dối, nên chỉ cười rất hóm.

Và khi đến đúng cái bến xe của bản Nàng Ba, bác từ từ đỗ xe lại cho anh xuống. Đã trót nói dối rồi, cho nên lẽ ra phải rẽ phải vào bản, anh lại rẽ trái vào rừng, giả như đi tìm một đơn vị trong đó. Cho đến khi xe đi thật xa, mới dám quay lộn lại đường cũ…

Vào tới bản, anh hỏi thăm lên nhà Lang và rất tình cờ đang có mặt cả quan Tri châu ở đây. Vừa thấy anh, quan Tri châu đã tay bắt mặt mừng: "Chào anh Quang, nghe tiếng anh đã lâu mà hôm nay mới gặp". Nghe nói vậy, anh biết ngay quan Tri châu đã nhầm anh với anh Thế Quang - một tiểu đoàn trưởng của ta đánh giặc rất nổi tiếng lúc bấy giờ, anh vội cải chính: "Không, tôi là Đình Quang, chứ không phải Thế Quang", nhưng lời nói gió bay, chẳng ai để ý tới, vì quan Tri châu đã ghé tai Lang Bản thì thầm, ra ý bảo chính anh là Thế Quang, nhưng vì khiêm tốn mà muốn giấu đấy thôi.

Rung động đầu đời của người lính trẻ Đình Quang - 2

NSND Đình Quang sau này là Đạo diễn nghệ thuật, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)

Sau khi nghe anh nói, tôi lên chơi theo lời mời của bà mẹ và Nàng Ba, Lang Bản cho gọi người mẹ và Nàng Ba ra chào. Cùng xuất hiện, có thêm cả một gái Mường khác nữa. Nhưng hai bên chỉ kịp chào nhau, thì bà mẹ và Nàng Ba đã vội lui vào. Tiệc rượu được dọn lên, chỉ duy nhất có một cô gái đứng hầu, lại là cô gái Mường kia. Cầm chai rượu trên tay mà lòng anh thẫn thờ. Anh lên đây vì Nàng Ba chứ có phải vì cái gì khác đâu…

Cho đến lúc tan tiệc, anh đi ra suối cố ý tìm kiếm Nàng Ba, thì thật ngạc nhiên là lại thấy cô gái kia đi theo. Mới hỏi Nàng Ba đâu thì cô ta trả lời: "Em mới là Nàng Ba thật, còn Nàng Ba kia chỉ là con bà lẽ thôi", và rồi cô ta huyên thuyên đủ thứ chuyện mà chẳng buông tha.

Đêm hôm ấy, Lang Bản và Tri châu quá nhiệt tình ép Quang ngồi chuyện đến khuya. Bởi lòng anh chỉ nghĩ đến Nàng Ba, cho nên càng chuyện lại càng thấy nhạt nhẽo, đành phải xin phép đi nằm. Càng ngao ngán hơn vì phải thao thức suốt một đêm nghe suối reo, vượn hú, của một miền ngàn mà chẳng có gió, trăng…

Sáng hôm sau, Tri châu và Lang Bản đi săn, và lấy cớ chiều về nên anh không phải cùng đi. Tưởng rằng không có "ông anh" thì sẽ tự do gặp được "cô em", nhưng vẫn bặt tăm hơi, chỉ có cô chị… vây bủa. Đến bữa cơm trưa, cũng chỉ thấy cô chị, mắt lóng lánh cố ý rót rượu cho tràn ra cả ly. Anh mới hỏi: "Sao Nàng Ba rót đầy thế?", thì cô uốn éo nghe "sốt cả ruột": "Là bởi lòng em cũng như chén rượu đầy".

Đến cả nước ấy, thì… buồn quá, anh xách vội ba lô chào cô chị ra về, dù là tới chiều mới có xe đò, và dù là chưa gặp lại được Nàng Ba em mà mình thương nhớ. Nhưng quả chẳng còn cách nào khác được, để thoát khỏi cái ám ảnh khó chịu của cô chị này…

May thay, vừa ra tới ngõ, đã thấy Nàng Ba thật trốn chị chạy theo. Vừa thấy anh , nàng ôm choàng lấy nức nở: "Anh hãy bỏ qua cho em, em cũng là Nàng Ba, nhưng là con vợ lẽ. Mời anh lên chơi, nhưng em lại không dám ra vì anh, chị em không cho phép".

Quang chẳng biết nói gì được, chỉ biết đứng im và cảm nhận những dòng nước mắt đang thấm dần qua áo vào ngực . Một lúc Nàng Ba lại tiếp: "Em rất quý anh. Anh cho em đi theo anh về xuôi với, anh bỏ về. Em khổ lắm". "Được. Em có thể về thăm gia đình anh dưới xuôi ít ngày rồi trở lên cũng được". Nhưng Nàng Ba lại khóc nhiều hơn: "Không, em phải đi luôn thôi. Nếu em quay lại thì anh Lang đánh em chết".

Làm sao anh có thể cầm được nước mắt, nhưng hoàn cảnh một người lính chiến trận lúc ấy không cho phép, nên anh đành phải nói thật: "Nhưng anh là bộ đội, phải đi đánh giặc chưa biết đến bao giờ. Nghe anh nói vậy, Nàng Ba lặng đi hồi lâu, rồi bất chợt ngước lên nói: "Thôi được, trước khi anh đi, hãy chờ em một chút". Nàng vào một bụi cây gần đó, hái ra một trái cây tựa như trái bứa, bóc đôi ra có lòng đỏ như son, rồi xát vào tay áo anh thành một vệt đỏ chạy dài:

"Cái quả này người miền núi chúng em dùng nhuộm tơ để dệt phá mang ngang người. Cái màu này không bao giờ phai được đâu. Chỉ khi nào nó phai thì anh hãy quên em". Và thêm một lần, nàng ôm chầm lấy anh và bằng tất cả sự xúc động mạnh mẽ của tâm hồn tuổi trẻ, anh trao cho nàng nụ hôn đầu tiên của đời mình …

Đáng tiếc là cuộc đời người lính, với những năm tháng kháng chiến kéo dài, về sau, Quang đã không có dịp trở lại với Nàng Ba của bản Mường ấy - dù là suốt đời không bao giờ anh quên được một thuở "gió trăng ngàn" của tuổi trẻ hồn nhiên, lãng mạn của mình…

Nhóm kịch lửa trại và cô gái Mường Phủ Na

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.