Vì sao Liên hoan phim Việt Nam vẫn bị thờ ơ, thiếu tầm ảnh hưởng?

Sáng 29/7 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam”. Câu hỏi làm thế nào để đưa sự kiện trở thành thương hiệu quốc gia được đặt ra.

Nên tổ chức ở một địa phương hay nhiều địa phương?

Theo Cục Điện ảnh, tính đến nay, Liên hoan phim Việt Nam (LHP Việt Nam) đã trải qua 21 lần tổ chức. Nhiều năm trở lại đây, sự kiện này đã được tổ chức định kỳ 2 năm/lần tại nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Tuy nhiên, LHP Việt Nam vẫn chưa thực sự trở thành một thương hiệu mang tầm quốc gia, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.

Vì sao Liên hoan phim Việt Nam vẫn bị thờ ơ, thiếu tầm ảnh hưởng? - 1 Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại hội thảo.

NSND Như Quỳnh cho rằng, LHP Việt Nam nên tổ chức cố định ở một tỉnh/thành vì nó sẽ tạo nên tính thống nhất và ổn định. Nữ nghệ sĩ nhấn mạnh, sự kiện này nên tổ chức ở một nơi có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và có lượng người hâm mộ điện ảnh đông đảo.

“Năm nay tổ chức nơi này, năm sau tổ chức nơi khác... cái đó chỉ đáp ứng được nhu cầu thụ hưởng của một số người dân chứ không tạo ra được tính thống nhất và chuyên nghiệp. Bản thân đội ngũ làm công tác tổ chức cũng sẽ bị động rất nhiều bởi mỗi tỉnh/thành có những đặc điểm riêng về địa lý, khí hậu, văn hoá, lịch sử...”, NSND Như Quỳnh nói.Đồng tình với ý kiến trên, NSND Lê Khanh cũng cho rằng, trên thế giới có rất nhiều liên hoan phim nổi tiếng có lịch sử lâu đời, được tổ chức cố định ở một địa điểm như: LHP Busan, LHP Venice, LHP Locarno, LHP Berlin, LHP Cannes... Vì thế, không có lí gì LHP Việt Nam phải mỗi kỳ lại tổ chức ở một nơi. Làm như thế sẽ tạo nên sự tản mát và thiếu tính ổn định để tạo nên một thương hiệu quốc gia.

“Cứ nhìn bài học thành công của các liên hoan phim đã có thương hiệu thì sẽ thấy đẳng cấp quốc tế luôn luôn gắn liền với một địa danh cố định. Chọn một địa danh có nhiều ưu thế về kinh tế, giao thông, du lịch và hạ tầng xã hội để tổ chức không đến nỗi khó. Cá nhân tôi đã nhiều lần đưa ra ý kiến nên chọn Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhất Việt Nam để tổ chức. Đây là thành phố nằm giữa hai miền Nam - Bắc, việc đi lại hết sức thuận lợi, nơi đây còn là một thành phố xinh đẹp, đang có tốc độ phát triển mạnh mẽ thì việc tổ chức LHP Việt Nam ở đó là rất phù hợp”, NSND Lê Khanh bày tỏ.

Trái ngược với ý kiến đó, ông Đỗ Duy Anh - nguyên Cục Phó Cục Điện ảnh lại cho rằng, LHP Việt Nam nên được tổ chức luân phiên tại các địa phương khác nhau. Đó cũng sẽ là đặc điểm khác biệt của LHP Việt Nam đối với các liên hoan phim khác trên thế giới.

“Việc tổ chức các kỳ LHP Việt Nam tại các địa phương khác nhau sẽ mang điện ảnh đến với công chúng từ các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau trên cả nước. Từ đó, phát huy được tầm ảnh hưởng thương hiệu quốc gia của sự kiện này, tạo nên sự phong phú - đa dạng trong cách tổ chức, quảng bá. Đồng thời, sẽ thu hút được thêm nguồn lực để tổ chức sự kiện từ các địa phương đăng cai”, ông Đỗ Duy Anh nói.

Muốn xây dựng được thương hiệu phải có phim hay

Đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng cho rằng, có những kỳ LHP Việt Nam không có phim để trao giải cao nhất, đồng nghĩa với việc lượng phim tham gia thiếu phong phú, mất ổn định. Đó là một vấn đề lớn của thương hiệu này, cho thấy chúng ta không có nhiều phim tốt, mà phim mới chính là cốt lõi của một liên hoan phim.

Vì sao Liên hoan phim Việt Nam vẫn bị thờ ơ, thiếu tầm ảnh hưởng? - 2 Toàn cảnh hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam”.

“Phim được giải của LHP Việt Nam phải là một bộ phim được chứng tỏ và là niềm tự hào của liên hoan cũng như của chính Ban giám khảo khi họ quyết định trao giải cho nó. Tự hào hơn khi bộ phim được lựa chọn trao giải đó tiếp tục tham dự ở nước ngoài và tiếp tục đạt được thành tích cao.

Nếu chúng ta coi LHP Việt Nam là nơi hội tụ, quảng bá, tạo tiền đề cho các bộ phim không chỉ của nhà làm phim Việt Nam mà cả các nhà làm phim quốc tế thì chúng ta phải có nhiều phim hay và đa dạng. Tôi nghĩ nên mời các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế đến tham gia chấm giải cùng với các nhà làm phim Việt Nam. Nếu làm được điều này thì LHP Việt Nam cũng nhanh chóng được quảng bá tốt thông qua họ và thu hút sự chú ý của các nhà làm phim trên thế giới”, đạo diễn “Cha cõng con” nói.

Theo đạo diễn Hồng Ánh, nếu coi LHP Việt Nam như một thương hiệu quốc gia thì ngoài việc quảng bá cho công tác tổ chức còn phải chú trọng đến những sản phẩm dự giải phải chất lượng và có tính ổn định theo hiệu ứng đi lên. Làm sao để cá nhân nhận giải cảm thấy tự hào và lấy đó làm động lực để cống hiến. Cục Điện ảnh cần tạo đầu ra cho những cá nhân đạt giải trong các kỳ liên hoan, nói một cách khác là LHP Việt Nam cần có bệ phóng cho tài năng, cần có sự đột phá để nâng cao chất lượng.

Nhà sản xuất Dung Bình Dương cũng thừa nhận, các bộ phim giành giải thưởng lớn đa số đều nhận được sự đón nhận của khán giả trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, những nhà làm phim vẫn chưa làm được những điều đó. Những phim đạt giải chỉ gói gọn nhận bằng khen và cũng chỉ có những người trong giới biết được giải thưởng của phim đó, còn đối với khán giả thì họ không hề quan tâm đến phim nào đoạt giải thưởng nào.

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cho rằng, là người từng tham dự nhiều kỳ LHP Việt Nam với tư cách nhà sản xuất, anh thấy khâu quảng bá cho liên hoàn còn rất nhiều hạn chế. Nó cũng giống như những bộ phim Nhà nước dù có chất lượng tốt nhưng khâu truyền thông gần như không có nên cứ nhắc tới phim Nhà nước là khán giả lại mặc định “phim tuyên truyền, khô cứng hay thậm chí giáo điều”.

“Khi chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 thì công tác truyền thông của LHP Việt Nam vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Nó cũng như một bộ phim chỉ được truyền thông trước khi chiếu vài tuần sẽ khó có thể có doanh thu tốt như một bộ phim được truyền thông bài bản từ khi bắt đầu hình thành dự án.

Muốn LHP Việt Nam được đông đảo tầng lớp trong xã hội quan tâm phải có những chiến lược hiệu quả, tận dụng tối đa những thành tựu 4.0 trong việc đưa cái thương hiệu này tới gần nhất với khán giả.

Trong 21 kỳ liên hoan, có biết bao bộ phim đã đoạt giải nhưng nếu chúng ta có những kênh quảng bá riêng, có những nhóm làm nội dung riêng để đưa những bộ phim cả cũ cả mới tới khán giả theo những hình thức mới mẻ nhất thì cái tên LHP Việt Nam sẽ dần dần trở nên thân quen với tất cả người dân”, Đinh Tuấn Vũ nhấn mạnh thêm.

Theo dantri.com.vn

None

Tin liên quan

Tin mới nhất