Ca mắc mới, tử vong do ung thư tăng cao
Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng, với hơn 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong mỗi năm.
Tại Hội thảo "Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024", do Bệnh viện K và Hội Ung thư Việt Nam tổ chức ngày 31/10, các chuyên gia đã nêu bật gánh nặng ung thư và những tiến bộ trong điều trị căn bệnh này.
Phó Giáo sư Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, cho biết, theo số liệu của Glocoban năm 2022, Việt Nam có khoảng 180.480 ca ung thư mới và 120.184 ca tử vong. Việt Nam đứng thứ 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ suất mắc ung thư mới, với tỷ lệ 150,8 ca/100.000 dân; đứng đầu là Australia với tỷ lệ 426,5 ca/100.000 dân.
Phó Giáo sư Phạm Văn Bình – Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K.
Theo thống kê năm 2023, Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) đã chi trả 7.521 tỷ đồng (khoảng 303,7 triệu đô la Mỹ) cho các loại thuốc điều trị ung thư, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuốc điều trị mà BHYT chi trả. Năm 2022, con số này là hơn 6.600 tỷ đồng (chiếm 14,5%). Cả Việt Nam và thế giới đều có xu hướng gia tăng số ca mắc và tử vong do ung thư.
Hiện nay, đa số bệnh nhân phát hiện ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Các chương trình tầm soát sớm ung thư ít được triển khai rộng rãi trong cộng đồng, và chi phí điều trị bằng các phương pháp tiên tiến thường rất cao, khiến bệnh nhân khó tiếp cận. Việc chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân giai đoạn cuối, đặc biệt là thuốc giảm đau như morphin, cũng gặp nhiều trở ngại.
Trước gánh nặng do ung thư, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của điều trị đa mô thức, bao gồm sự kết hợp các phương pháp phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát bệnh.
Bên lề hội thảo, Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, chia sẻ rằng ung thư là bệnh lý đặc biệt, với quá trình điều trị phức tạp và tỷ lệ tái phát cao, tạo ra áp lực tâm lý lớn cho cả bệnh nhân lẫn gia đình. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, việc điều trị ung thư tại Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ, tiệm cận với các phương pháp và kỹ thuật của thế giới. Bệnh nhân được cá thể hóa phác đồ điều trị, giúp nâng cao khả năng chữa trị.
Giáo sư Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K
Về thuốc điều trị, ông Quảng cho biết, các loại thuốc đích và liệu pháp miễn dịch hiện vẫn rất đắt đỏ, BHYT chưa hỗ trợ thanh toán nhiều, khiến phần lớn chi phí là do bệnh nhân tự trả. Mỗi tháng, chi phí cho liệu pháp đích hoặc miễn dịch có thể dao động từ 120-150 triệu đồng. Bệnh viện K đã đề xuất đưa một số loại thuốc vào danh mục thanh toán của BHYT và hiện đã có một số thuốc được hỗ trợ một phần, bệnh nhân vẫn phải đồng chi trả.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhấn mạnh cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ về phòng chống và khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Ông khẳng định, ung thư nếu được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi sẽ cao hơn. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị người dân tích cực tham gia BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, vì đây là biện pháp bảo vệ hiệu quả nếu không may mắc các bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư.
Bình luận