“Bác đang cùng chúng cháu hành quân”- một hành khúc đặc sắc

Ngày 3/9/1969, một tấm khăn tang lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã choàng lên tất thảy mọi người Việt Nam. Ngày ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Nhớ lại những ngày “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” đó, thơ và nhạc đã cùng tấu lên những âm hưởng rất buồn để tưởng niệm vị lãnh tụ vĩ đại vô vàn kính yêu.

Qua đi cơn sốc lớn, lòng người Việt lắng lại và đã biến niềm tiếc thương vô hạn thành hành động, thành việc thực hiện bằng được lời di chúc của Bác mà nội dung lớn lao bao trùm nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nam Bắc sum họp một nhà. Mỗi tầng lớp nhân dân đều thấm thía lời dặn cuả Người để có những việc làm thiết thực ở cương vị, hoàn cảnh của mình.

Là một nhạc sĩ quân đội, Huy Thục xác định vị trí người lính của mình trong đội ngũ cách mạng. Và người lính tức là luôn đồng nghĩa với cầm súng, hành quân. Đội ngũ những người lính cách mạng ngày càng hùng hậu đặc biệt là ở những ngày cuối cùng của thập kỷ 60 thế kỷ trước đã rất trùng điệp.

“Bác đang cùng chúng cháu hành quân”- một hành khúc đặc sắc - 1

Nhạc sĩ Huy Thục.

Và đội ngũ ấy sẽ ngày càng được nhân sức mạnh gấp bội, sẽ nhấn chìm bất cứ kẻ thù nào nếu mỗi chiến sĩ đều hình dung có Bác trong hàng quân, cùng nhịp bước băng lên phía trước. Đó chính là tứ, là chủ đề mà Huy Thục đã nảy ra. Ông nhanh chóng hình thành những nét nhạc đầu tiên không mấy khó khăn: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường cuả Bác. Nở ngàn hoa chiến công dâng lên Người, dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời…”

Để mô phỏng những bước chân hành quân, tác giả sử dụng thể hành khúc với nhịp 2/4 và một tiết tấu chắc khoẻ. Những nốt móc đơn có chấm giật liên tiếp đến móc kép đã diễn tả những bước chân chiến sĩ thật vững vàng, dứt khoát, bước đi trong một tư thế tự tin, yêu đời, lạc quan ở vị thế của người làm chủ đang thực thi sứ mạng bảo vệ non sông Tổ quốc.

“Bác đang cùng chúng cháu hành quân”- một hành khúc đặc sắc - 2

Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Ảnh minh họa).

Hình ảnh Bác luôn xuất hiện trong cả 3 lời của bài hành khúc như là trung tâm cảm xúc để tạo nên tác phẩm, đồng thời là trung tâm tình cảm của các chiến sĩ được biểu hiện trong bài hát này.

Việc tác giả nhắc lại: “Năm xưa Bác cùng đàn con đi chiến dịch, núi rừng vẫn nhớ suối vẫn trong in hình bóng Bác. Cả đoàn quân tiến theo Người như thác đổ. Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào…” đã làm sáng tỏ, đã giải thích được vì sao người ta gọi các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt nam là Bộ đội Cụ Hồ, bởi Người là linh hồn cuả quân đội và quân đội chiến đấu theo lý tưởng độc lập tự do yêu nước thương nòi cuả Người.

“Bác đang cùng chúng cháu hành quân”- một hành khúc đặc sắc - 3

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê. 

“Bác đang cùng chúng cháu hành quân” khẳng định rõ một kỹ thuật sáng tác bài hát điêu luyện - đặc bịêt là trong thể hành khúc - một dạng bài hát dễ viết nhưng khó hay, chỉ cần non tay một chút sẽ rất khô cứng, vô hồn hoặc lủng củng, rườm rà, khó thuyết phục.

Huy Thục đã hoàn toàn chiếm lĩnh được trái tim người nghe bởi những đường nét giai điệu rất đậm đà màu sắc dân tộc, giàu hình tượng, một bố cục chặt chẽ khúc chiết với việc phát triển những mô típ âm nhạc rất hợp, đặc biệt bài hát được khống chế âm vực chung, tạo sự dễ dàng cho mọi đối tựơng công chúng có thể tiếp cận tác phẩm.

Đối với đời sống tinh thần cuả bộ đội, âm nhạc là một món ăn không thể thiếu. Bài hát tập thể, hành khúc luôn rất cần cho sinh hoạt ca hát của anh em. Nhưng có một sự thật đang diễn ra: Những hình thức bài hát trên đã không được giới sáng tác chú ý nên ngày càng ít dần. Số lượng hành khúc dành cho hát tập thể để vừa đi vừa hát - đúng nghĩa hành khúc - chiếm một tỷ lệ rất ít trong kho tàng ca khúc Việt Nam hiện nay.

Sau bài hát đang bàn, đã hơn 50 năm qua không thấy có bài hành khúc nào có giá trị vượt qua được bài của Huy Thục. Tuy nhiên, khi trình diễn bài này người hát cần chú ý: Không vì hát hành khúc mà quá nhấn vào các nốt móc đơn có chấm dôi, tạo cảm giác giật cục nặng nề, mà vẫn cần thể hiện nhẹ nhàng, thanh thoát, thậm chí có chỗ cần hát legato (liền mạch) nhất là ở những âm khu cao. Bởi tình cảm của mọi người dân trong đó có các chiến sỹ với Bác luôn tự nhiên, sâu sắc mà nhẹ nhàng, thoải mái giống như tình cảm của những người ruột thịt trong gia đình.

Từ khi ra đời, bài hát được đông đảo công chúng đón nhận, đặc biệt là những người lính. Tác phẩm này có mặt trong mọi hội diễn ca nhạc ở cả hai khu vực chuyên và không chuyên nghiệp. Có những hội diễn, hàng chục đơn vị đã cùng dàn dựng, đưa lên sân khấu bài này. Đủ thấy sức thuyết phục tự nhiên của ca khúc.

Có thể nói “Bác đang cũng chúng cháu hành quân” là một bài quân ca đặc sắc, ngang hàng với những “Vì nhân dân quên mình” (Doãn Quang Khải), “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận), “Tiến bước dưới quân kỳ” (Doãn Nho), “Hát mãi khúc quân hành” (Diệp Minh Tuyền), “Quân đội ta quân đội anh hùng” (Văn An).

Một bài hát hay, đi vào lòng người thì bất cứ ai cũng thích nghe, thích hát dù có viết về nội dung gì, miền quê, đối tượng cụ thể nào. Thật thú vị khi có lần tôi được mời làm giám khảo một hội diễn giành cho học sinh phổ thông ở Hà Nội đã thấy một dàn đồng ca mấy chục em hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” trên sân khấu.

Sau đó tôi hỏi có rất nhiều bài hát giành cho thiếu nhi hay, sao các em lại tập bài này của ngời lớn. Các em đã trả lời là thấy hay và thích thì tập và dự hội diễn. Sức thuyết phục tự nhiên của một tác phẩm văn nghệ là như thế.

Với ý nghĩa khái quát sâu sắc được chuyển tải trong một bản hành khúc mang tính nghệ thụât cao, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” góp phần tạo nên sự phong phú đầy sức hấp dẫn cuả nền âm nhạc Cách mạng Việt Nam. Từ khi ra đời, bài hát đã chiếm trọn cảm tình của đông đảo chiến sĩ và nhân dân. Thời gian càng trôi đi, giá trị của bài hát càng đựơc khẳng định. Đó là phần thưởng vô giá không gì có thể so sánh dành cho tác giả./.

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày