Dạ cổ hoài lang và sự ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật

Như chúng ta đã biết, vào đúng 100 năm trước, tại Bạc Liêu - một vùng đất địa linh của Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ, vào một đêm rằm trăng sáng, nghệ sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang. Một trăm năm tồn tại trên đời, với sức mạnh nghệ thuật của mình, Dạ cổ hoài lang trở thành một viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc dân tộc, với tư cách là làn điệu lớn nhất, là bài ca vua trong tất cả các bài bản cổ nhạc góp phần thúc đẩy, quyết định cho Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ hình thành và phát triển rực rỡ như hôm nay.

Dạ cổ hoài lang không chỉ góp phần làm vinh dự cho nền âm nhạc dân tộc mà nó còn góp phần tạo ra bản sắc Bạc Liêu, làm sâu sắc và bề thế thêm nền văn hóa Bạc Liêu. Chính vì vậy hôm nay Dạ cổ hoài lang tiếp tục phát huy tác dụng là động lực cho văn hóa nghệ thuật phát triển cũng như làm động lực cho du lịch phát triển.

Để có được sự hữu ích lớn lao cho cuộc đời, một vai trò âm nhạc đặc biệt như thế, hẳn rằng, trong quá trình vận động phát triển Dạ cổ hoài lang cần có những yếu tố cần và đủ. Ngoài yếu tố nội lực là giá trị nghệ thuật đỉnh cao, luôn hút hồn hút vía người ta qua một trăm năm thì ta vẫn thấy có yếu tố ngoại lực khi nó sống trong lòng Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ.

Một điều dễ thấy nhất là khi nghệ sĩ Năm Nghĩa chuyển giai điệu Dạ cổ hoài lang thành Vọng cổ Bạc Liêu và các thế hệ nghệ sĩ tiếp sau biến nó thành Vọng cổ thì Dạ cổ hoài lang thích nghi hơn, vạm vỡ hơn trong lòng Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ để làm say đắm cuộc đời.

Dạ cổ hoài lang và báo chí

Yếu tố ngoại lực góp phần cùng Dạ cổ hoài lang không chỉ có trong nội bộ nghệ thuật sân khấu mà còn có sự chăm chút vun bón của cuộc đời này. Trong Tuần lễ Văn hóa và Du lịch của Bạc Liêu năm 2019, Hội Nhà báo Việt Nam đã chủ động, chủ trương phối hợp với tỉnh Bạc Liêu hai chương trình: Một là, giao cho báo Nhà báo và Công luận phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi tọa đàm có tiêu đề: “Giá trị bản Dạ cổ hoài lang qua góc nhìn nhà báo”.

Hai là, tại nhà hát Cao Văn Lầu sẽ diễn ra một đêm giao lưu biểu diễn nghệ thuật nhằm tôn vinh bản Dạ cổ hoài lang qua những ca khúc của nhạc sĩ - nhà báo Vũ Đức Sao Biển, do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương. Và mới đây, vào cuối tháng 11/2022, Hội Nhà báo Việt Nam lại mở cuộc thi tiếng hát người làm báo bằng các giai điệu vọng cổ để ủng hộ Tuần lễ Văn hóa Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội “Dạ cổ hoài lang” của tỉnh Bạc Liêu.

Đây là một tình cảm đặc biệt của báo giới với Bạc Liêu, với Dạ cổ hoài lang và cũng là một động thái tham gia phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Hội Nhà báo Việt Nam.

Dạ cổ hoài lang và sự ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa nghệ thuật - 1

Cũng không phải bây giờ mà trong lịch sử phát triển 100 năm của Dạ cổ hoài lang đã thấy có bàn tay chăm sóc ân cần của báo chí. Tôi xin lấy một thí dụ: Nhà văn Vũ Trọng Phụng, một nhà văn trác tuyệt của Việt Nam và ông còn được phong tặng danh hiệu là  “Ông vua phóng sự Đất Bắc”. Khi được mệnh danh là ông vua phóng sự thì Vũ Trọng Phụng nghiễm nhiên có tư cách nhà báo. Vào năm 1930, nhà báo Vũ Trọng Phụng đã đặt lời cho hai bài ca. Bài thứ nhất có tựa đề: “Người đi”, theo điệu Vọng cổ hoài lang (Dạ cổ hoài lang).

Tiếng đàn canh khuya thánh thót.

Khiến cho khách phiêu lưu xúc cảm bao tình.

Từ khi cách biệt chốn gia đình.

Trải bao phen vượt thác trèo ghềnh,

Mà nay danh phận vẫn chưa chút thành…

Bài thứ hai có tựa đề “Kẻ ở”, viết theo điệu Tây Thi. Xin được trích mấy câu:

Năm canh với ngọn đèn âm u

Một nỗi tâm tư nát tan tâm đoan

Thêm bận lòng dạ cho ai…

Khi Vũ Trọng Phụng viết xong hai bài hát này, lập tức có một tờ báo lớn của Nam Kỳ lúc bấy giờ là tờ Phụ Nữ Tân Văn in liền cả hai bài hát này trong số báo 62 ra ngày 24/7/1930. Và gây nên một tiếng vang lớn.

Với sự kiện này, tôi có mấy điều suy nghĩ. Bài hát thứ nhất Vũ Trọng Phụng đặt lời trên cái nền nhạc Vọng cổ Bạc Liêu, tức Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu thì rõ rồi. Nhưng bài hát thứ hai, theo điệu Tây Thi thì sao?

Điệu thức Tây Thi nằm trong 20 bài bản Tổ cổ nhạc Bạc Liêu. 20 bản tổ này chiếm gần như toàn bộ nhạc nền cho Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ. Chỉ sau Dạ cổ hoài lang, vị trí của điệu thức Tây Thi đứng ở tốp đầu bản. Đây là một bài nhạc khuyết danh do nghệ nhân Nhạc Khị, người Bạc Liêu sưu tầm sửa chữa. Nhạc Khị là thầy dạy nhạc cho Cao Văn Lầu, một người mà sau này được giới nghệ thuật sân khấu suy tôn là hậu tổ cổ nhạc. Ông bị mù nhưng tài hoa xuất chúng, một mình, một lúc có thể sử dụng 4 -5 nhạc cụ, người nghe cứ tưởng một ban nhạc đang chơi.

Vì sao một người ở tận đất Bắc Kỳ xa xôi lại chú ý và sáng tác theo hai bài nhạc được sinh ra ở một nơi tận cuối trời đất nước và người đó lại là một nhà văn, nhà báo lớn của Việt Nam, muốn chinh phục được trái tim ông không phải là điều dễ dàng. Tôi trộm nghĩ, vào thập niên 30 của thế kỷ 20, với giá trị nghệ thuật đỉnh cao của mình hai bài cổ nhạc ấy đã có sức lan tỏa rộng và khi nó gặp Vũ Trọng Phụng - một trí tuệ lớn là lập tức xuất hiện mối duyên kỳ ngộ giữa những đỉnh cao nghệ thuật. Nghĩa là Dạ cổ hoài lang và Tây Thi có sức thuyết phục Vũ Trọng Phụng và ông cũng nhận ra đây là những tác phẩm văn nghệ lớn của dân tộc.

Và một điều chúng ta nhận thấy nữa là ngay từ đầu thế kỷ XX, đã có bàn tay của một bậc thầy báo chí chăm sóc Dạ cổ hoài lang và cổ nhạc Bạc Liêu.

Không dừng lại ở đó, trải qua 100 năm Dạ cổ hoài lang sống trong lòng cuộc đời, trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, nhiều biến cố lịch sử, dù chính thể này hay chính thể khác chúng ta vẫn thấy sự đồng hành một cách giản dị mà chan chứa tình cảm của báo chí dành cho Dạ cổ hoài lang.

Ngay từ thời chính quyền Sài Gòn, chúng ta vẫn thấy các nghiệp đoàn báo chí tổ chức giải Thanh Tâm, tham gia tổ chức giỗ tổ cổ nhạc. Trên các tờ báo, đặc biệt là các chuyên san sân khấu kịch trường luôn thông tin về sân khấu cải lương mà Dạ cổ hoài lang sống giữa lòng của nó.

Những năm gần đây, Bạc Liêu đẩy mạnh phát triển văn hóa để huy động lịch sử văn hóa làm nguồn lực cho phát triển du lịch thì báo chí đã đồng hành bằng một mật độ tuyên truyền rất cao, các báo tỉnh, đài phát thanh truyền hình, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, tạp chí của Hội Nhà báo tỉnh đã mở trang chuyên mục, đào sâu giá trị nghệ thuật bản Dạ cổ hoài lang, Bạc Liêu - chiếc nôi của Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ.

Ngoài ra báo chí ngoài tỉnh, Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước cũng tuyên truyền về đề tài này, đặc biệt là vào thời điểm Festival Đờn ca tài tử Nam bộ - Bạc Liêu 2014 và UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Qua kênh báo chí giá trị nghệ thuật của bản Dạ cổ hoài lang được làm rõ, Bạc Liêu - chiếc nôi của Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ được làm rõ. Đó là quá trình báo chí góp phần cho Dạ cổ hoài lang kết tinh thành văn hóa, góp phần làm nên bản sắc Bạc Liêu. 

Dạ cổ hoài lang đi và sống

Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tạo ra cũng từ trong cảm hứng của phong trào đờn ca tài tử lúc bấy giờ với những làn điệu như: tứ đại cảnh, hành vân… làm say mê và rung động hàng hiệu trái tim người mộ điệu từ đồng ruộng rẫy bái đến phố thị, làng quê khắp Nam Bộ.

Đã đành việc ông Sáu Lầu gặp cảnh trái ngang với người vợ “hiếm muộn con”, vì đạo lý gia phong, gia đình có phiền trách ông. Song, không chỉ vì một lý do đó, mà hẳn điều kỳ diệu đã xuất hiện trong con người được dạy dỗ từ đạo pháp của nhà Phật, hình thành nên nhân cách sống hiền từ, khoan dung độ lượng, với một trái tim nhạy cảm giữa nhân tình thế thái của thời cuộc.

Dạ cổ hoài lang ra đời mau chóng nhập cuộc cùng đờn ca tài tử, thú chơi tao nhã của người dân Nam Bộ. Lúc đầu, người chơi nhạc tài tử cốt là để đờn ca giải trí cho vơi bớt nỗi phiền muộn lòng mình, hoặc cùng với vài ba người bạn tri âm đờn ca vui chơi lúc nhàn rỗi. Nhạc đã có tác dụng cùng nhau tâm tấu, hòa điệu tri kỷ, tri âm, cũng là để dưỡng tánh tình và để thỏa thú phong lưu “cầm - kỳ - thi - họa”, chứ không ai nghĩ chơi nhạc để kiếm tiền.

Về sau, đờn ca tài tử cũng dần xuất hiện trong các cuộc hội hè, đình đám… Khi những tuồng tích cổ có nhân vật và những lớp đối thoại nhau rất hấp dẫn thì hình thức “Ca ra bộ” xuất hiện trên sân “khấu sân” vườn, sàn gỗ hay những bộ ván gõ trong các gia đình khá giả mê đờn ca.

Sân khấu cải lương những năm đầu mới khai sinh, thì trong hệ thống bài bản lúc bấy giờ thì bài Tứ Đại và Hành Vân là chủ lực. Đến khi bản Dạ cổ hoài lang ra đời, dần được hình thành và lan truyền trong giới sân khấu cải lương thì bản nhạc này lập tức được sân khấu và công chúng mộ điệu tán thưởng, sau đó được tôn vinh là bài ca “vua” trong các tuồng tích của các soạn giả viết ra.

Đồng thời, cũng trong năm 1920, hãng đĩa Pathe của ông Châu Văn Tú ( thầy Năm Tú) ở Mỹ Tho cũng ra đời và sản xuất hàng loạt những tuồng tích mà trong đó Dạ cổ hoài lang được các soạn giả viết lời mới cho nhân vật ca, phát triển từ nhịp 2 qua nhịp 4 rồi nhịp 8, nhịp 16. Đến đây thì sứ mệnh của bản Dạ cổ hoài lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác đã thật sự tỏa sáng, đã định hình bài ca vọng cổ độc đáo không thể thiếu trên sân khấu cải lương cả hai miền Nam - Bắc.

Bài vọng cổ này đã gắn liền với một loạt tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng như: Năm Phỉ, Phùng Há, Năm Châu, Tư Chơi, Năm Nghĩa, Tư Bé, Tư Sạng, Bảy Nhiêu… và đặc biệt, đỉnh cao là Nguyễn Thành Út  - Nghệ sĩ Nhân dân Út Trà Ôn - “Đệ Nhất Danh ca vọng cổ” của miền Nam. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng “đứa con tinh thần” của mình là bản Dạ cổ hoài lang đàng hoàng bước lên sân khấu cải lương với tư cách là một nghệ sĩ đã có công sáng tạo ra và cùng các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ làm rạng rỡ cho ngành sân khấu ca kịch cải lương miền Nam những thập niên đầu thế kỷ XX.

Rồi từ những thập niên khoảng giữa thế kỷ XX, bài ca vọng cổ được các tác giả viết lời ca sáng tạo ra một cách thể hiện rất lạ mà đến nay vẫn đang được tràn lan trong các chương trình dân ca -  cổ nhạc của đài phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương, hình thức ấy gọi là “Tân cổ giao duyên”. Những ca khúc do các nhạc sĩ sáng tác âm hưởng dân ca, gần với giai điệu bài Vọng cổ đã nhanh chóng được khai thác làm khúc nhạc “gối đầu” cho các nghệ sĩ biểu diễn vọng cổ.

Thậm chí, khúc nhạc sáng tác nào đó trong ca khúc cũng được các tác giả đưa vào lòng câu vọng cổ của bài ca. Chứng tỏ mối quan hệ giữa các tác giả viết lời cho bài ca vọng cổ và các nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới đã có chung tư duy sáng tác từ trong âm giai, điệu thức của bản Dạ cổ hoài lang.

Nhiều ca khúc trữ tình (nhịp 4/4 bolero) của các nhạc sĩ miền Nam trong các vùng đô thị bị tạm chiếm trước đây, chúng ta dễ dàng nhận ra âm hưởng bóng dáng của Dạ cổ hoài lang, của dân ca Nam Bộ trong rất nhiều, rất nhiều tác phẩm đã đi sâu vào trong công chúng một cách tự nhiên, gần gũi biết bao.

Như vậy, để chúng ta càng thấy rõ hơn sức sống và tính hấp dẫn kỳ diệu từ trong âm hưởng chủ đạo của bản nhạc Dạ cổ hoài lang, rất dễ thích nghi với nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhạc sĩ sáng tác ca khúc mới. Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn lầu đã góp phần xứng đáng vào sự phát triển rực rỡ dòngvòng âm nhạc truyền thống lãng mạn của Nam Bộ.

Lê Văn Tiếp (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển bảo tồn văn hóa nghệ thuật Đông Nam Á

Tin liên quan

Tin mới nhất