Giá trị của nghệ thuật đỉnh cao

Câu chuyện bình dị này được bắt đầu từ bạn văn Lý Kim Lân: Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Mặc dù đất nước đã hòa bình thống nhất từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng một số cơ quan của Hà Nội sơ tán về vùng quê tôi từ những năm chống chiến tranh phá hoại, nay vẫn chưa chuyển về hoặc chuyển về chưa hết. Trong đó có một bộ phận nhỏ thuộc bưu điện Hà Nội vẫn còn một số máy móc, thiết bị, gửi trong đình làng, nên bác Lê (người mà Lân thường gọi) vẫn phải ở lại trông giữ.

Thời gian này bác Lê nhàn lắm, chẳng phải làm gì ngoài việc lâu lâu mới ra đình mở khóa kiểm tra nên ông thường xuyên ở nhà, nếu không nằm võng dưới gốc cây vối già để đọc sách thì ngồi nhẵn đất bờ ao để câu cá. Thấy con ông chủ nhà siêng năng chịu khó ban ngày thì quần quật cày cuốc ngoài đồng, tối khuya vẫn chong đèn dầu (ngày ấy chưa có điện) đọc sách rồi hì hục viết văn.

Một hôm ông Lê hỏi:

- “Lân yêu văn chương đến thế, vậy có biết Văn Cao là ai không?”

– “Cháu biết những hai ông Cao, một ông sừng sững với Núi Đôi, một ông oai hùng với Tiến Quân Ca”.

– “Đấy đấy Văn Cao quốc ca đấy. Thế cháu có muốn gặp Văn Cao không?”

– “ Muốn thì muốn lắm, nhưng cháu sợ mình chưa đủ tuổi”

- “Được mà!” bác Lê hạ giọng thân mật: “Tớ là anh vợ Văn Cao đây. Này chai rượu Lân cho hôm nọ tớ uống có một nửa còn một nửa mang về cho cậu, cậu khen ngon lắm, bảo hôm nào anh dẫn cháu ra chơi”.

Và thế là qua cây cầu bác Lê, nhà văn trẻ Lý Kim Lân nhanh chóng trở thành người quen với gia đình nhạc sĩ Văn Cao.

Vài tháng sau đó nữa Lân rủ tôi cùng đi, đang sẵn máu muốn tầm sư học đạo tôi nhận lời ngay, nhưng lại nghĩ hay là để thêm một thời gian mình viết được cái gì tử tế mang theo nhờ ông góp ý thì hay hơn. Như đoán được bụng tôi Lân quả quyết: “Đừng ngại ông Văn Cao dễ gần lắm. Ông ít tuổi hơn bố mình, nên ông cho phép được gọi bằng chú cho thân tình. Có điều quan trọng là phải chuẩn bị một ít rượu thật ngon để làm quà”.

Giá trị của nghệ thuật đỉnh cao - 1

Nhạc sĩ Văn Cao

Chúng tôi chọn rượu quà từ người nấu khéo nhất làng, loại rượu khi mới mở nút chai đã tỏa mùi thơm, rót ra chén tăm quả mây phải nở tròn mắt cóc. Những năm ấy chuyện mang rượu vẫn còn phải giấu giếm. Vì thế chị Bay (vợ Lý Kim Lân) cứ dặn với theo rằng: “Đến Cầu Chui là hai ông phải tách xa nhau, chứ phòng thuế trạm Cầu Chui là không thể khinh suất được”. 

Mỗi người một xe đạp, chúng tôi thong thả lướt trên cầu Long Biên. Hà Nội đã vào thu gió heo may từ sông Hồng phóng túng tràn qua cầu đã nghe màu se lạnh. Đường phố khá vắng vẻ, lá cây rụng từ đêm trước xào xạc đầy lòng đường cuốn theo bánh xe lăn ràn rạt. Tôi cảm thấy Hà Nội yên tĩnh, hiền hòa và cổ kính quá, trong lòng chợt vang vọng câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”...

Giữa lúc tôi còn đang bâng khuâng dõi mắt tìm kiếm dư âm dấu chân trên hè phố nào mà nhân vật thơ đã ra đi thì Lân chợt reo to: “Kia rồi!”. Cả hai dừng bước trước căn gác nhỏ gắn biển số 108 Yết Kiêu. Lân cất tiếng gọi, tức thì một khuôn mặt đàn bà phúc hậu hiện ra: “Lân à, lên đi cháu, chú đang đợi trên gác!”.

Tôi tự tin bước lên tầng hai bằng cầu thang ngoài trời.

Khác với trí tưởng tượng trước đó, tôi cho Văn Cao là người hào hoa đài các lắm. Nhưng thật không ngờ, đối diện tôi lúc này lại là một ông già gầy gò, râu thưa, tóc bạc phủ dài chấm vai, lưng hơi còng và có phần khắc khổ, duy chỉ đôi mắt là rất sáng, sáng long lanh đầy thiện cảm. Ông chỉ ghế cho tôi rồi thong thả pha trà. Cùng lúc đó Lân đưa tay phía gác hai căn nhà đối diện bên kia đường nói nhỏ: “Cánh mình là hạng tép riu, vô danh tiểu tốt, chứ mấy năm trước ấy à thường xuyên có công an mặc thường phục ngồi đúng chỗ cửa kia để theo dõi xem ai hay đến đây”.

Lòng tôi chợt chùng xuống mang mang một cảm xúc khó tả vơi chẳng vơi, đầy chẳng đầy.

Ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao được khoảng bảy, tám phút gì đó thì dưới sân có tiếng gậy dận xuống nền xi măng cạch cạch cạch, nhạc sĩ liền gọi với xuống: “Băng ơi, mau dìu bác Hưng lên đi, cẩn thận bác mới ra viện đấy”. Đoạn quay sang chúng tôi: “Bác Đặng Đình Hưng đến chơi”.

Chính giữa cửa là một người đàn ông mặc quần soóc, có khuôn mặt trái xoan rất đẹp, cái mũ phớt chụp hờ trên mái đầu húi cua ngắn ngủn gần như trọc, ông nâng ngang cây ba toong lên trước mặt trịnh trọng chào.

Nhạc sĩ Văn Cao chỉ tay vào chúng tôi: “Các cháu vừa mang quốc túy ra cho cánh ta đây”. Rồi tự tay mình, Văn Cao rót một chén ân cần đưa cho Đặng Đình Hưng. Hai ông đắm đuối nhìn nhau, đồng thời cùng vòng tay che kín chén rượu nâng cao ngang mặt, mời (Văn hóa rượu này tôi chỉ gặp trong phim cổ trang về các bậc văn nhân tài tử của Tàu). Rồi đồng thanh cười khà khà: “Thật tuyệt”. Văn Cao nói bằng tiếng Pháp. Đặng Đình Hưng cũng tiếp bằng tiếng Pháp. Chúng tôi ngây người ngắm nhìn hai ông như ngắm nhìn hai đấng đồng tiên đạo cốt đang đối ẩm. Bỗng cả hai cùng nhắc tới Nguyễn Tuân với chuyện Đoan Tây bắt rượu lậu (sự này về sau tôi mới biết đó là truyện ngắn Một vụ bắt rượu lậu của Nguyễn Tuân đăng trên Đông Dương tạp chí số 29 ra ngày 27 tháng 11 năm 1937).

Rượu làm các ông phấn khích, nhưng vẫn không quên bảo nhau phải gửi cho Phùng Quán với Hoàng Cầm mỗi người một chai để hai tay ấy biết thế nào là quốc lủi nút lá chuối.

Còn chúng tôi cũng cảm thấy nở hoa trong lòng vì đã đem đến một niềm vui nho nhỏ cho hai nghệ sĩ lớn. Riêng tôi càng thêm kính trọng nhạc sĩ Văn Cao khi biết ông Đặng Đình Hưng còn kém ông một tuổi, vậy mà suốt buổi rượu Văn Cao cứ một điều bác Hưng, hai điều bác Hưng.

*

Sau buổi gặp tình cờ và duy nhất ấy, do phải lặn lội mưu sinh nên tôi không có điều kiện ra Hà Nội thăm các ông được. Mãi tới năm chín mốt, chín hai gì đó tôi mới có dịp được nhìn Văn Cao. Năm 1991, Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô), Người anh cả của phe xã hội chủ nghĩa đã thay đổi thể chế chính trị. Sự kiện quan trọng này đương nhiên ảnh hưởng rất lớn tới cả phe xã hội chủ nghĩa, trong đó có nước ta. Một Việt Nam hậu chiến vẫn ngổn ngang biết bao công việc, lại đang bị Mỹ cấm vận nên càng tăng áp lực sống còn.

Giá trị của nghệ thuật đỉnh cao - 2

Cùng quãng trước thời gian ấy, Nhà nước có tổ chức một cuộc thi âm nhạc lớn, với chủ đề sáng tác ca khúc để chọn quốc ca mới, thu hút hàng trăm nhạc sĩ tham gia, sau hai năm đã có hàng chục tác phẩm lọt vào vòng chung khảo, nhưng mãi không thấy công bố bản nhạc nào đoạt giải nhất để thay quốc ca mới ... 

Trở lại câu chuyện tôi được ngắm nhạc sĩ Văn Cao qua cánh cổng sắt của nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hải Hưng (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên). Ngày ấy Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Hưng tổ chức một đợt học chính trị kéo dài cả tuần. Một buổi sáng sau khi xuống tàu từ ga Hải Dương đang trên đường Hồng Quang về Ngã Sáu tôi bỗng giật mình sững lại khi nhìn thấy một ông già đang thu lu ngồi trên tam cấp, đầu để trần, cái mũ phớt cùng cây gậy ba toong nằm sõng soài bên cạnh. Tôi thầm reo lên đúng nhạc sĩ Văn Cao rồi! Toan chạy vào nhưng nhìn thấy hai cánh cửa chính đã khóa chặt, dù một bên cửa nách chỉ khép hờ nhưng lòng vẫn ngài ngại, lại thôi. Đành đứng lặng ngoài đường ngắm ông như ngắm một trái núi thu nhỏ.

Lạ thay sáng hôm sau cùng thời khắc ấy (ngày đó tàu chạy khá đúng giờ). Tôi lại bắt gặp cảnh tượng như hôm trước nên lòng càng đong đầy trắc ẩn.

Vào lớp học tôi dò hỏi, nhiều người lắc đầu. Mãi sau, anh Đồng Bằng (người có chân trong Thường vụ Hội Văn nghệ) mới ghé vào tai tôi thì thầm: “Đúng ông Văn Cao đấy. Ông được lãnh đạo tỉnh mời về để viết một ca khúc dạng như: Quảng Bình quê ta ơi để làm tỉnh ca. Nhưng cậu cũng chỉ nên biết đến thế thôi”.

Lại nói trước thời gian ấy tỉnh Hải Hưng đã có bài hát: Quê ta từ đất dấy lên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) người con của đất Hải Hưng). Bài hát lần đầu được tài tử Ngọc Bảo và Ngọc Bé thể hiện, giọng nữ Ngọc Bé nghe quen quá, da diết, xúc động quá. Rồi sau đó là ca sĩ Anh Thơ trình bày rất truyền cảm trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khiến nhân dân lao động ai cũng tự hào và ấn tượng với ca từ: Chí lớn chiến thắng cả trời ...

*

Theo nhà thơ, họa sĩ Văn Thao (con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao) thì ban đầu bố ông không có ý định viết Quốc caTiến quân ca ra đời là chỉ viết theo lời khuyên của cán bộ trường Quân Chính kháng Nhật để làm tiếng kèn hiệu triệu, động viên quân, dân đứng lên cướp chính quyền, đơn giản có vậy thôi.

Nói về tài năng của nhạc sĩ Văn Cao thì đã có hàng trăm bài báo lớn, nhỏ ca ngợi rồi. Chúng tôi không dám nói thêm gì nữa, chỉ xin nhắc lại lời của nhạc sĩ Phạm Duy: “Sửng sốt mê đắm trước những gót hài khai hoa đẹp tới mê hồn mà những cô lái đò, cô hái mơ, cô hàng nước cùng thời không bén gót nổi”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì: “Trong âm nhạc Văn Cao sang trọng như một ông hoàng và gần đây nhà thơ phê bình văn học Trần Mạnh Hảo thì coi Mùa xuân đầu tiên là tác phẩm hay nhất trong lịch sử hơn 80 năm tân nhạc Việt Nam.

Còn tôi kẻ viết bài này có chết cũng không thể quên được giọt nước mắt hạnh phúc tới vô biên của ca sĩ Ánh Tuyết khi thể hiện xong tuyệt phẩm Trương Chi. Chị nghẹn ngào: “Trương Chi là tôi đó”. Ôi cái tôi nhân bản ở đây là ba: Văn Cao, Trương Chi, Ánh Tuyết trong một là nghệ thuật đỉnh cao.

Nguyễn Thành

Tin liên quan

Tin mới nhất