Bài ca thống nhất

Trong quá khứ, đấu tranh thống nhất nước nhà đã từng là đề tài lớn của nền văn nghệ nước ta một thời khiến trái tim giới văn nghệ sĩ có nhiều tư duy, trăn trở. Bao bài thơ, bài hát, tập truyện, vở kịch, bộ phim đã in đậm dấu ấn giai đoạn này.

Những Câu hò bên bến Hiền Lương (Hoàng Hiệp và Đằng Giao), Bạn ơi, lắng nghe Bến Hải tâm tình (Vĩnh Cát), Quê hương ơi, ta sẽ về (Trần Kiết Tường), Quê tôi miền Nam (Phan Huỳnh Điểu)... Và rất nhiều bài hát khác từng biểu hiện nỗi đau đáu thương nhớ quê hương, mong mỏi ngày Bắc Nam sum họp của giới nhạc sỹ.

Nhưng đó là những sáng tác ở thời kỳ đất nước còn bị chia cắt. Mọi nỗi niềm là sự hướng tới ngày đoàn viên trong tương lai: “Huế cầm tay Sài Gòn, Hà Nội, bên dãy Trường Sơn ngời sáng tin yêu”. Còn từ sau ngày 30/4/1975, mơ ước mấy chục năm, ý nguyện của hơn 30 triệu người khi ấy đã thành hiện thực. Giờ phút để mỗi người dân Việt Nam có thể thư thái ngắm nhìn, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ diệu của Tổ quốc, của giang sơn gấm vóc đã đến.

Bài ca thống nhất - 1

Nhạc sĩ Võ Văn Di

Nhạc sĩ Võ Văn Di (1933 -2005) đã rất nhạy cảm nắm bắt được tâm lý ấy của mọi người con đất Việt. Ông hình thành bài hát từ việc vẽ nên một bức tranh toàn cảnh thật mỹ lệ về Tổ quốc với nét nhạc khá dàn trải nhưng lại được hát hơi nhanh với tiết tấu của nhịp 2/2: “Biển trời bao la đẹp như gấm hoa. Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam...”.

Quả là “Thi trung hữu họa”, “Thi trung hữu nhạc”. Nhạc sĩ đã như là được đứng ở một điểm nào rất cao, phóng tầm mắt vừa xa, vừa rộng để bao quát được cả núi sông bờ cõi. Và ông đã dùng hình ảnh “gấm hoa” với “nước mây muôn màu” để miêu tả đất nước. Không có gì có thể đẹp hơn - một vẻ đẹp trang trọng, thanh khiết. Tình yêu Tổ quốc ở đây còn được hoà trộn với niềm tự hào, kiêu hãnh của người đang được làm chủ giang sơn của mình - một giang sơn vừa mới thoát khỏi sự dày xéo của ngoại bang.

Liền sau đó, tác giả đã rất khéo léo nói đến “những con tàu ra Bắc vào Nam” giữa một “biển trời rộn vang tiếng ca” rồi “Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan”. Vẫn là bức tranh Tổ quốc biểu hiện sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng có lẽ không có hình ảnh nào giàu sức biểu cảm hơn là hình ảnh những con tàu, bởi đây chính là một phương tiện giao thông phổ biến nhất mà bất cứ ai cũng dễ dàng sử dụng. Hơn thế, “những con tàu” này lại đi qua tất cả mọi miền, suốt chiều dài đất nước, không bỏ qua một địa danh nào.

Cái độc đáo, đặc biệt của bài hát này là có một giọng điệu khác hẳn những ca khúc khác ra đời vào cùng thời điểm. Âm điệu chung lúc đó là bài nào cũng sôi động, hào sảng mang tính tráng ca, anh hùng ca. Cũng dễ hiểu bởi đó là không khí chiến thắng, là ngày hội non sông. Hàng loạt ca khúc của những nhạc sĩ nổi tiếng đã chung một âm hưởng này.

Riêng Bài ca thống nhất của Võ Văn Di khác hẳn. Với tiết tấu dàn trải, âm điệu thâm trầm, ngọt ngào, bài hát như lời tâm sự của những con người vừa trải qua nhiều hy sinh gian khổ, mất mát và đau thương nay mới có được niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn. Bên cạnh vị ngọt ngào của niềm tự hào quá lớn đã có chút bùi ngùi, se sắt khi nghĩ đến những hy sinh, mất mát không nhỏ của cả một dân tộc. Trong loạt bài hát ra đời ngay sau ngày toàn thắng, đất nước được thống nhất, đây là bài hát có dáng vẻ rất riêng biệt với một ngôn ngữ âm nhạc hết sức độc đáo được xây dựng từ chất liệu dân ca miền Trung nhưng chỉ thoang thoảng chứ tác giả không lấy hẳn một làn điệu cụ thể nào. 

Lúc chưa qua đời, có lần Võ Văn Di kể cho tôi nghe nguyên cớ xui khiến ông viết nên ca khúc này. Đó là một dịp sau ngày 30/4/1975, khi ấy ông đang là nhạc công chơi đàn violon ở Đoàn Giao hưởng hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam cùng anh chị em vào biểu diễn trong TP Hồ Chí Minh. Nhưng không hiểu sao lần ấy Đoàn lại đi bằng tàu thuỷ mà không bằng ô-tô. Thời tiết thật đẹp, không nắng, lại lộng gió mát. Các nghệ sĩ ùa hết cả lên boong tàu. Ông ngắm trời mây, biển cả thấy vô cùng khoan khoái giữa trời nước mênh mang, nhất là trong lòng lại vô cùng phấn chấn vì đang cùng cả dân tộc đón mừng ngày thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Dạt dào cảm hứng, ông bật ngay ra những nét nhạc đầu tiên với lời ca: “Biển trời bao la đẹp như gấm hoa. Nước mây muôn màu, những con tàu ra Bắc vào Nam. Biển trời quê ta rộn vang tiếng ca. Bắc Nam một nhà, vui một nhà vang tiếng hò khoan...”.

Như là cảm thông và thấu hiểu nỗi niềm sung sướng, phấn chấn của khách trên tàu trong đó có các nghệ sỹ âm nhạc, người lái tầu bữa ấy cố ý cho tàu chạy chậm để mọi người có dịp thỏa sức ngắm cảnh, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ của biển trời tổ quốc. Chính vì vậy mà ta thấy bài hát của Võ Văn Di có tiết tấu dàn trải, mang rõ dáng dấp một ca khúc du lịch. Đúng vậy, ca khúc như một bức tranh thuỷ mặc tuyệt đẹp bằng âm thanh. Âm hưởng gợi nên cảnh tượng thật mỹ lệ, lung linh của thiên nhiên, biển trời với vẻ êm đềm, yên tĩnh, thơ mộng mặc dù cũng có những lúc sóng to khiến tàu có chút chòng chành, tung bọt nước trắng xóa.

Bài ca thống nhất là bài ca của cuộc hội ngộ toàn dân tộc - một sự gặp gỡ tự nhiên mà nghẹn ngào như là có hẹn trước của lịch sử. Tính chất tự do trong cách phát triển giai điệu tạo một cảm giác hơi lê thê, dài dòng cho bài hát thông thường dễ hạn chế hiệu quả. Nhưng ở bài này lại như một sự cố ý và rất phù hợp với nội dung bài hát cần biểu hiện: Thống nhất, sum họp, ai nấy đều mừng mừng tủi tủi, pha trộn vui buồn. Hạnh phúc đấy, vui mừng đấy nhưng cũng không thiếu phong vị bùi ngùi, nghẹn ngào. Tuy có ít nhiều tản mạn về kết cấu nhưng tác giả lại triệt để củng cố một chủ đề âm nhạc rất ấn tượng - là những ô nhịp được kéo dài với 2 nốt tròn - nên người nghe luôn được tô đậm âm điệu chủ đạo. Chút bâng khuâng, bồi hồi pha trộn giữa tình cảm yêu thương, trọn niềm vui sum họp của cả một dân tộc với nhiều cảnh ngộ khác nhau khiến cho bài hát cứ in đậm vào ấn tượng người nghe, thật khó phai nhoà.

Người đầu tiên hát bài này là NSND Thu Hiền. Bằng chất giọng rất ngọt ngào, giàu màu sắc dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, chị đã diễn tả được hết ý tình tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Sau đó, hầu như nữ ca sĩ nào cũng tìm đến bài này nhưng vẫn chưa có ai vượt qua được cái bóng của chị.

Bài ca thống nhất - 2

Bằng chất giọng rất ngọt ngào, giàu màu sắc dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, NSND Thu Hiền đã diễn tả được hết ý tình tác giả gửi gắm trong tác phẩm.

Tôi nhớ lại một kỷ niệm: Trong lần tiếp xúc với một số Việt kiều về nước ăn Tết năm 1976, bà con đã cùng đồng thanh hát bài này trong phần vui văn nghệ. Đây là bài hát tác giả viết cho hát đơn ca, do có nhiều chỗ ngân dài và luyến láy nên rất khó cho việc hát tập thể. Nhưng bà con vẫn cố gắng hát. Họ nói đây là bài đặc biệt ưa thích vì đã gợi nên những tình cảm về quê hương nồng ấm, giản dị, rất đỗi Việt Nam. Nghe hát bài này, họ chỉ muốn hồi hương, trở về gắn bó với đất mẹ.

Mùa hè năm 2023, trong một lần sang Mỹ, đến thăm một người quen đang định cư ở quận Cam thuộc bang California, tình cờ tôi có tiếp xúc với một người trước đây là trung tá quân lực Việt Nam cộng hoà. Sau mấy năm đi học tập cải tạo, đến năm 1980, ông ta sang định cư ở Mỹ theo diện HO. Sau ít phút ban đầu có phần mặc cảm khi thấy tôi là người miền Bắc, qua người quen kia, dần dần ông ta cũng trở nên tự nhiên hơn.

Biết tôi là nhạc sĩ, ông càng cởi mở bộc lộ như sau: Riêng về âm nhạc, ông thích nhạc ở miền Bắc hơn trong Nam (trước đây). Tôi hỏi vì sao, ông nói nhạc miền Bắc trong sáng, lành mạnh, không não nề, buồn thảm. Còn thì ông không để ý phần ca từ mang nội dung chính trị, tuyên truyền. Có một bài khiến ông rất thích nghe phần âm nhạc nhưng phần ca từ thì khiến ông chạnh buồn khi nghĩ lại thân phận của mình trong bối cảnh chiến tranh ngày trước. Bởi ông quê gốc ở Nghệ An, dễ dàng thấy chất liệu bài hát có âm điệu dân ca ở đây. Đó là Bài ca thống nhất. Ông chơi được đàn dương cầm, rất hay đánh giai điệu bài này mỗi khi nhớ về quê hương mình mà không thể trở lại khi đã ở tuổi 80.

Thật tiếc là Võ Văn Di đã qua đời từ năm 2005 nên không thể biết câu chuyện trên. Nếu còn đến hôm nay, hẳn là ông sẽ rất hạnh phúc khi nghe tôi kể lại.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất