Bài hát “Hành quân xa” đã ra đời như thế nào?

Đầu năm 1954, Đoàn văn công Tổng cục chính trị đã cử Đỗ Nhuận cùng các nhạc sĩ Trần Ngọc Xương, Nguyễn Tiếu trong một tốp xung kích tham gia chiến dịch Trần Đình" Một chiến dịch lớn, rất lớn" anh thầm hiểu thế. Có thể là một bước ngoặt lớn chiến lược. Trước đó nữa, sau ngày nghỉ phép về Ấp Cầu Đen, anh đã từ Đại Từ - Thái Nguyên về nhận nhiệm vụ đi chiến dịch. Anh và nhà thơ Trần Dần được biên chế vào đại đội 267, thuộc Đại đoàn 308. Trước khi xuất phát, các anh được ban chỉ huy đơn vị chia cho một khúc dồi do lính ta tự chế, nửa cân thịt để mang theo làm thức ăn dọc đường.

Các anh cùng bộ đội hành quân bộ từ Đèo Khế về xứ Tuyên. “Rét Thái Nguyên rét về Yên Thế/ Gió qua rừng đèo khế gió sang”. Vai cõng gạo, toòng teng hai quả lựu đạn chày buộc ở thắt lưng, lại lỉnh kỉnh thêm cây đàn violon, hai cây sáo và một ống sơn ta để gắn mặt đàn, phòng khi khí hậu ẩm ướt làm bât ra. Lại tay xách cái đèn tự chế làm bằng vỏ hộp thuốc đánh răng, nhồi bông tẩm dầu hỏa, vì bóng đèn dễ vỡ nên phải cầm tay...

Bài hát “Hành quân xa” đã ra đời như thế nào? - 1

Ảnh minh họa

Qua bến phà Bình Ca, tới bến sông Hồng. “Hồng Hà mênh mông trôi cát tới chân làng quê? Ϲuối sông nhiều bến ai về có thấу làn gió xanh rì/ bát ngát đồng lúa ven bờ đê”. Đêm xuống, máy bay bà già của địch vè vè trên đầu. Nhưng chúng có mắt mà như mù, không phát hiện được lính ta đang hành quân. Pháo sáng chúng thả cũng bị sương mù che khuất, nên chúng không còn nhìn thấy gì. Đến Thượng Bằng La thuộc tỉnh Yên Bái. Đã đêm. Bộ đội đóng quân nghỉ lại, nghe cán bộ phổ biến ý nghĩa và mục đích cuộc hành quân lên Trần Đình. Lính ta thì thào với nhau mà Đỗ Nhuận nghe được: “Trần Đình là chỗ nào nhỉ?”. Có anh lính to nhỏ: “Có khi quân ta hành quân nghi binh lên Nghĩa Lộ thôi, rồi quặt về đánh đồng bằng các anh ạ?”. Nghe lính ta cứ kháo nhau to nhỏ, thầm thì thế, một cán bộ ra chiều là Chính trị viên đại đội dõng dạc nói to trước hàng quân:

- Đã là lính cách mạng, thì đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi!

Câu nói ấy của người chỉ huy như tia chớp đi thẳng vào trái tim Đỗ Nhuận, rồi cứ vang vang bên tai anh suốt chặng đường dài: “Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”. Một bài hát dành cho người lính, dành cho Trần Đình bỗng vang lên theo bước hành quân của anh.

Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ

Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi

Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước

Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi

Bởi những giai điệu âm nhạc dân tộc đã ngấm sâu trong người, và Đỗ Nhuận cũng luôn ý thức khi viết bài hát phải luôn mang âm hưởng dân tộc, nên giai điệu bài hát anh đang sáng tác theo âm điệu Son dân tộc (Sol, la, đô, rê, mi), với một đoạn đơn, gồm bốn câu, vuông vắn, mỗi câu bốn phách, anh nghĩ bộ đội sẽ rất dễ thuộc, dễ hát.

Khi bài hát hoàn thành, nhạc sĩ liền hướng dẫn ngay cho anh em đại đội súng cối:

- Các cậu ơi, mình có bài hát mới. Xin phổ biến cho anh em để hành quân thêm khí thế, vừa đi vừa hát nhé.

Chiến sĩ ta phấn khởi lắm, vừa vỗ tay vừa hát theo hướng dẫn của nhạc sĩ, chẳng mấy chốc mà nhập tâm, thuộc lòng, rồi vừa hành quân vừa hát vang trên những dốc cao, đèo sâu:

Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ

Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi

Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước

Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi

Tiếng hát như ngọn lửa, lan truyền qua những hàng quân, chả mấy chốc cà tiểu đoàn, cả trung đoàn cùng thuộc, cùng hát vang trên con đường hành quân vào Trần Đình, khí thế vô cùng...

Bài hát “Hành quân xa” đã ra đời như thế nào? - 2

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận thời trẻ

Qua nhiều ngày nhiều đêm hành quân, căng chăn làm lán, lấy lá trên rừng làm chiếu, khi đến đoạn đường rẽ lên Sơn La, Đỗ Nhuận xiết bao xúc động với đường xưa lối cũ. Con đường  mười năm trước đây, bởi tham gia cách mạng, anh bị kết án tù ba năm. Cùng bao chiến sĩ cách mạng nổi tiếng khác, từ nhà tù  Hỏa Lò, bị đày lên nhà tù Sơn La. Tay bị xích đi trên đường,  tiếng chân đi ngày ấy âm thầm lặng lẽ, nhưng đã xiết bao hùng dũng báo hiệu một ngày mai..

Đêm đó, trời sáng giăng, khi qua khu nhà tù Sơn La, Đỗ Nhuận vạch cỏ lau đi qua nhà công sứ đã bị ta phá sập, tìm lên khu nhà sàn tù đổ nát. Anh ngồi lặng đi, nhớ về bao kỷ niệm nơi này. Chiếc áo len anh tặng và đồng chí Hoàng Văn Thụ đã mặc nó buổi ra pháp trường. Cây đào Tô Hiệu và bài hát Du kích ca anh đã sáng tác ở đây dưới vầng trăng Sơn La buổi ấy. Và hôm nay, anh lại trở lại Sơn La trên đường đi chiến dịch, khi đang là một người lính vệ quốc quân, một anh “Bộ đội Cụ Hồ”. “Kia đồng bào đang mắt đỏ chờ ta”. Ngay trên bậc thềm nhà tù Sơn La ấy, trên đúng bệ xi măng trại D năm xưa đã từng giam giữ các anh, người tù ngày ấy hôm nay lại cất lên tiếng hát cho một bài ca cách mạng mới, với những cảm xúc mạnh mẽ và đầy khí thế cách mạng, thêm một lời ba cho khúc hát “Hành quân xa”:

Bọn xâm lăng kia nó gây nhiều đau khổ 

Kia đồng bào đang mắt đỏ chờ ta

Hỡi giai cấp chí căm thù đợi lệnh truyền ra ta quyết chiến

Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam làm việc với Đoàn Học viện Nghệ thuật Quảng Tây

Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam làm việc với Đoàn Học viện Nghệ thuật Quảng Tây

Sáng 26/11, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội), lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi làm việc với Đoàn Học viện Nghệ thuật Quảng Tây do ông Tạ Nhân Mẫn, Phó Hiệu trưởng Học viện Nghệ thuật Quảng Tây làm trưởng đoàn.