Lại nói chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”

Sự cộng tác giữa nhạc sĩ và nhà thơ nếu bền chặt, hợp “gu” và hợp “cạ” thì luôn là điều cần thiết và tốt đẹp. Mong sao mối quan hệ này luôn mặn nồng, thắm thiết, lịch sự và tế nhị để không bao giờ xảy ra những chuyện kém vui.

Xưa nay, trong sáng tạo nghệ thuật, vẫn thường diễn ra việc các chủ thể cộng tác, liên đới với nhau để cho ra tác phẩm. Đạo diễn xây dựng bộ phim từ kịch bản có sẵn, có khi giữ nguyên, có khi sửa chữa, thay đổi và trở thành liên danh cùng nhà biên kịch ở phần tác giả kịch bản. Lĩnh vực sân khấu cũng như vậy. Trong sáng tác ca khúc, thường thì ở nước ta, nhạc sĩ tự viết lời. Nhưng cũng có nhiều khi phổ thơ. Có thể phổ hoàn toàn tức 100% ca từ là lời thơ. Có thể chỉ lấy ý hoặc một vài khổ thơ nào đó mà thêm thắt, làm lời khác.

Lại nói chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” - 1

Trong trường hợp này, hoặc nhạc sĩ đề là “phỏng theo thơ…” của nhà thơ, hoặc liên danh phần lời tức là lời của cả hai người. Nhưng dứt khoát phải có sự xuất hiện tên nhà thơ, không thể “ỉm” như vẫn thường xảy ra ở một số người làm ca khúc vô ý hoặc cố tình.

Điều này hẳn là đã rõ, không có gì phải bàn cãi thêm. Nhưng vấn đề sẽ đơn giản hơn khi trước đây, chưa có chuyện tác quyền, càng không có hoặc ít quyền lợi vật chất liên quan đến tác phẩm. Thành thử nếu người làm thơ bị “bỏ quên” trong những ca khúc mà nhạc sĩ không hoàn toàn tạo nên phần lời thì chỉ bị tổn thất về tinh thần, danh tiếng.

Lại nói chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” - 2

Sau này, khi vấn đề bản quyền được đặt ra, nhất là có sự ra đời của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thì vấn đề đã trở nên phức tạp hơn. Không rắc rối sao được khi mà thỉnh thoảng, nhạc sĩ lại được nhận những khoản tiền do Hãng này trả do thu được từ tiền tác quyền mà nhiều bài hát của họ lại có công sức ít nhiều của người làm thơ trong việc tạo nên phần lời. Đương nhiên là những tác giả phần lời (dù làm toàn bộ hay chỉ chút ít) phải được hưởng “hoa lợi”. Nhưng tỷ lệ “ăn chia” sao đây?

Hãng trên có một tỷ lệ chung cho tất cả những tác giả phần lời là 30% tổng số tiền trả cho ca khúc. Nhưng như trên đã nói, không phải bài nào cũng là phổ thơ nguyên si (như các bài “Đóng nhanh thóc tốt” của Lê Lôi phổ thơ Huyền Tâm, hoặc “Màu cờ tôi yêu” của Phạm Tuyên phổ thơ Diệp Minh Tuyền).

Phần nhiều hơn là “phỏng” hoặc nhạc sĩ làm thêm lời khá nhiều. Lại không hiếm những trường hợp “tế nhị”, nhạc sĩ làm toàn bộ phần ca từ, nhưng đã đề tên người khác ở phần tác giả lời để thêm tình thân thiết, gắn bó hoặc để “tâm lý”, “lấy lòng” nhau. Ở những trường hợp này, chỉ có hai người biết. Thường thì “tác giả” lời không để ý gì đến quyền lợi vật chất vì họ thừa biết sự thật mình chẳng có chút công sức gì, chẳng qua nhạc sĩ quý mình mà ghi như vậy.

Tuy nhiên, đến khi bài hát được tôn vinh, lại gắn với một khoản thưởng lớn nào đó về vật chất thì có người nổi lòng tham, không còn giữ được nghĩa khí để tôn trọng sự thật mà đã kiện tụng khi thấy nhạc sĩ nhận hết mọi quyền lợi. Lý do họ làm việc này chỉ vì lâu nay, ai cũng thấy là có liên danh trên mọi văn bản và lời giới thiệu tác phẩm.

Sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao từng là nạn nhân của vụ kiện đòi quyền liên đới tác giả bài “Quốc ca” của một người có tên Đỗ Hữu Ích. Các cơ quan chức năng cũng rất đau đầu vì vụ này. Sự thật là sau khi bài hát nổi tiếng của Văn Cao ra đời, ông Đỗ Hữu Ích đã tỏ ra sẵn sàng nhiệt tình giúp nhạc sĩ in ấn tác phẩm này. Để công việc được diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, Văn Cao đã không tiếc gì để đề tên ông Ích ở phần tác giả lời ca.

Quả là sau đó, mọi văn bản ca khúc này đều có sự liên danh, xuất hiện tên Đỗ Hữu Ích mà chẳng ai biết ông ta là ai. Rất nhiều năm tháng về sau, khi nhắc đến “Tiến quân ca” (Quốc ca), người ta chỉ nhắc đến Văn Cao – nhạc sĩ quá nổi tiếng gắn với hàng loạt bài hát trước đó. Không thấy ông Ích có ý kiến gì về việc mình bị “bỏ quên”. Điều này cũng dễ hiểu vì sự thật, ông ta không có chút lao động gì can dự vào tác phẩm bất hủ. Nhưng đến khi bài này có triển vọng được Nhà nước thưởng to, mới thấy ông ta lên tiếng và chính thức… kiện!

Lại nói chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” - 3

Nhiều nhà thơ vốn dĩ ít nghĩ đến tiền bạc mà trọng cái tình, mối quan hệ tốt đẹp giữa mình và nhạc sĩ mà dẫu thực sự có công ở phần lời nhưng đến khi ca khúc có quyền lợi về vật chất cũng sẵn sàng không nhận, mà nhường cho tác giả phần âm nhạc, chỉ với ý nghĩ: Bài thơ của mình không có gì đặc biệt, nhờ bài hát nên công chúng mới biết đến. Trong khi đó, nhạc sĩ cứ yêu cầu nhà thơ nhận chút tỷ lệ nhuận bút theo thông lệ. Đó là mối quan hệ thật đẹp, lịch sự và chuẩn xác.

Tuy nhiên, không ít trường hợp, về lý thì đúng, nhưng về tình thì có điều gợn. Ví như vừa làm xong bài thơ, tác giả đã sốt sắng, nhiệt tình tìm kiếm bằng được người nhạc sĩ mà mình có chút quen biết, bày tỏ nguyện vọng muốn được phổ nhạc. Nghe bài thơ, nhạc sĩ thấy không có gì đặc biệt và điều quan trọng là không có sự đồng cảm gì về nội dung, ý tứ, cảm xúc giữa mình và nhà thơ nên không có ý phổ. Nhưng nhà thơ vẫn tỏ ra quá nhiệt tình khiến nhạc sĩ nể mà cuối cùng đã thực hiện.

Song, thực ra, phần lời chỉ chừng 10-20%, còn lại do nhạc sĩ làm cả. Và bài hát trở nên nổi tiếng. Ở trên các đài phát thanh và truyền hình, các sân khấu biểu diễn, khi bài hát này xuất hiện, người ta đã không nhắc gì đến tên nhà thơ kia. Không biết do họ hay nhạc sĩ đã quên không ghi tên nhà thơ ở phần làm lời. Thế là vị nhà thơ bèn gặp gỡ chỗ này, chỗ nọ để tìm cách đính chính, đòi bằng được phải có sự xuất hiện tên của mình, dẫu chỉ là “phỏng thơ của…”.

Và tất nhiên là vị trách cứ nhạc sĩ đã cố tình “lờ” mình. Trong trường hợp này, về lý thì đúng là nhà thơ có đóng góp chút ít do có một, hai câu thơ được nhạc sĩ phổ nên phải ghi là “phỏng thơ…”. Nhưng về tình thì sự thực chỉ vì nhạc sĩ quá nể mà phổ, chứ bản thân họ có thừa khả năng làm lời hay. Bằng chứng là nhạc sĩ này hầu như tự làm lời ở tất cả những bài nổi tiếng nhất của mình. Hãn hữu lắm mới phổ thơ, đều ở vào những trường hợp ông muốn có kỷ niệm bạn bè với nhà thơ mà phổ.

Hầu như người làm thơ nào khi được một người làm nhạc – chưa hẳn là nhạc sĩ - phổ thơ của mình cũng đều sẵn sàng. Họ sẽ càng lấy làm vui thích khi đó là một nhạc sĩ nổi tiếng có nhiều bài hát được công chúng ái mộ. Nhưng lại có một vài trường hợp sau đây không mấy tốt đẹp. Một nhạc sĩ chưa có tên tuổi phổ thơ của một nhà thơ khá nổi tiếng (tự ý, không ngỏ lời trước).

Lúc bài hát mới được phát lần đầu tiên ở trên đài phát thanh, có thể do chưa tìm được ca sĩ phù hợp, hát chưa “ra” được bài mà nhà thơ chưa cảm nhận được cái hay, giá trị của bài hát. Ông tỏ ý không hài lòng và ở đâu cũng phàn nàn đại ý: Thơ người ta hay, phổ nhạc dở làm hỏng cả bài thơ. Nhưng chẳng may (thực ra là may), sau đó, khi thu thanh giọng hát khác, bài hát trở nên nổi tiếng, có sức lan tỏa rộng rãi. Chắc mỗi khi nhớ lại lời mình nói trước đây, nhà thơ hẳn là sẽ thấy ngượng về sự hồ đồ và ít nhiều tự phụ của mình. Đó cũng là một biểu hiện của những bữa ăn mà cơm không lành, canh chẳng ngọt.

Lại nói chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” - 4

Nếu ở các nước khác trên thế giới có nền âm nhạc, trong đó có ca khúc phát triển, nhạc sĩ chuyên nghiệp sáng tác bài hát thường cặp đôi với một nhà thơ lo viết lời ca, tạo thành ê-kíp sáng tạo hiệu quả thì ở nước ta, phần nhiều nhạc sĩ tự làm luôn ca từ và không ít người viết lời rất hay không thua kém bất cứ nhà thơ tài năng nào.

Tuy nhiên, sự cộng tác giữa nhạc sĩ và nhà thơ nếu bền chặt, hợp “gu” và hợp “cạ” thì luôn là điều cần thiết và tốt đẹp. Mong sao mối quan hệ này luôn mặn nồng, thắm thiết, lịch sự và tế nhị để không bao giờ xảy ra những chuyện kém vui như đã nói ở trên mà người viết bài này không thể dẫn cụ thể tên những tác giả, để tất cả chỉ còn vì duy nhất một tiêu chí: Hướng đến công chúng, tạo ra chất lượng thẩm mỹ tối đa của tác phẩm ./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân