Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại? (2)

LTS: Nhà báo Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng có ý định xuất bản một cuốn sách với tựa đề “Tinh hoa Tỏa sáng đất trời Nam” với 45 chân dung danh nhân đương thời bằng những mẩu chuyện, những bài viết và những ảnh chụp họ mà ông được biết, được tiếp xúc trong bốn chục năm qua. Đây chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng ngàn nhân tài lớn của đất nước. Qua bài viết của ông, ta thấy rõ tấm lòng của ông, góc nhìn của ông về những người mà ông đã gặp, yêu quý và ngưỡng mộ. Thời báo Văn học nghệ thuật sẽ lần lượt giới thiệu các chân dung danh nhân dưới ngòi bút của tác giả với bạn đọc.

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại (1)

Một giai đoạn bi hùng trong cuộc đời

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tâm hồn Văn Cao như bay bổng, luôn ở trạng thái như người mất trọng lượng. Sự nghiệp sáng tác càng thăng hoa, tài năng càng phát lộ. Sau Quốc ca là Hải quân Việt Nam, Không quân Việt Nam, Bắc Sơn, Chiến sĩ Việt Nam (1945), Làng tôi, Ngày mai, Thăng Long hành khúc ca, Tiến về Hà Nội, Tình ca Trung du, Trường ca sông Lô (1947), Ngày mùa (1948)... Ngoài văn thơ, hội họa, Văn Cao tự học và đến với âm nhạc như cơm ăn nước uống hàng ngày trong sinh hoạt.

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại? (2) - 1

Nhạc sĩ Văn Cao

Văn Cao khóc vì sung sướng. Sự kiện đó đến với ông quá bất ngờ. Tâm hồn lúc nào cũng cảm thấy như đang hát. Ở tuổi 21, sáng tác của mình được cụ Hồ Chí Minh đích thân tuyển chọn làm Quốc ca Việt Nam. Đồng bào cả nước đều hát Quốc ca. Hát Quốc ca trong Đại lễ kỷ niệm, hát Quốc ca và chào cờ trong trường học, hát Quốc ca trước khi bộ đội ra trận, hát Quốc ca khi thi đấu bóng đá... nhưng một “tai bay vạ gió” bất thần ập đến.

Năm 1958, xuất hiện Tạp chí Nhân văn giai phẩm do ông Trần Thiếu Bảo và bà Thụy An chủ trương. Tạp chí ra được đến số thứ 6 thì lập tức bị đình bản vì đi sai đường lối văn nghệ của Đảng, vì kêu gọi và kích động nhân dân biểu tình. Công nhân nhà in báo cáo lên cấp trên. Một số người trong tòa soạn bị bắt giam vì cầm đầu nhóm Nhân văn giai phẩm.

Ông Văn Cao chỉ là cộng tác viên được mời cộng tác, có in thơ. Nhưng bất kể ai có tên và in bài trong Nhân văn giai phẩm đều bị liệt kê vào danh sách trong nhóm Nhân văn giai phẩm. Ông Văn Cao không bị bắt nhưng bị “treo bút”. Từ đấy, bạn bè xa lánh, sợ bị liên lụy. Trừ một số bạn chí cốt, biết Văn Cao bị oan mà không thanh minh được, họ vẫn thường xuyên đến thăm, an ủi. Văn Cao thực sự buồn mà không khóc.

Bài Quốc ca vẫn được cử hành trọng thể ở khắp mọi nơi, kể cả khi đón nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam. Văn Cao tạm ngừng không sáng tác nhạc, không làm thơ nữa mà chuyển sang vẽ minh họa truyện ngắn cho các báo, làm bìa sách cho các nhà xuất bản, nhận thiết kế sân khấu, viết nhạc cho phim... để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình đỡ khó khăn và chỉ được ký tên là “VĂN” mà không có chữ “CAO” nữa! Ông biết mình bị oan nhưng vẫn bình tâm. Ông hy vọng, ông tin vào lịch sử và thời gian phán xét công bằng lắm.

Cụ Hồ Chí Minh đã nói:

“Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi, trắng tựa bông”

Nhưng cái án vô hình Nhân văn giai phẩm vẫn treo lơ lửng trên đầu và kéo dài không thời hạn. Như trên đã nói: Văn Cao khóc vì sung sướng, cảm động, hạnh phúc vì vinh quang tột đỉnh, nhưng khi buồn phiền hoặc bị oan lại bình tâm suy nghĩ mà không khóc.

Số là đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi tổ chức có chủ trương thay “Quốc ca” bằng cách tổ chức cuộc thi sáng tác và tuyển chọn quốc ca mới. Nhà văn hóa lớn, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện có bài viết đăng trên tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) viết về “Số phận của một bài Quốc ca”. Ông đề cập đến bài Quốc ca Pháp nổi tiếng thế giới, được viết bởi  một tác giả tài năng, bằng lòng dũng cảm, bằng sự kiện vĩ đại của cuộc Cách mạng Pháp, bằng sự đổ máu của toàn thể nhân dân lao động Pháp nên bài Quốc ca đó vẫn sống mãi với lịch sử và nhân dân Pháp.

Bài Quốc ca Việt Nam cũng ra đời như vậy đấy! Ý tác giả không đồng tình với chủ trương này. Trong tầng lớp trí thức biết tin họ băn khoăn. Nhưng cuộc thi Quốc ca vẫn được thực hiện: Vẫn có một số nhạc sĩ nổi tiếng tham gia, vẫn có những bài thơ từ các địa phương gửi về Đài tiếng nói Việt Nam nhờ Trưởng ban ca nhạc - nhạc sỹ Phạm Tuyên phổ nhạc nhưng ông từ chối và cũng không tham gia sáng tác với lý do: Bài quốc ca Việt Nam trước được viết trong máu lửa của cuộc chiến tranh Cách mạng cứu nước, giành tự do độc lập của dân tộc, đã được cụ Hồ Chí Minh đích thân tuyển chọn, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa khóa I (1946) nhất trí thông qua. Toàn thể nhân dân Việt Nam thừa nhận.

Đầu năm 1991, đột nhiên có bài viết do ông Đỗ Huy Ích nhờ báo Tiền phong loan tin: Quốc ca Việt Nam, nhạc Văn Cao, lời Đỗ Huy Ích và là đồng tác giả. Tiếp đến có bài của tác giả Tô Hải Vân tung hỏa mù rằng: Quốc ca Việt Nam, nhạc Văn Cao, lời phải chăng của Đỗ Hữu Ích? Đọc xong tôi bật cười và thì thào: Đỗ Hữu Ích cũng trở thành Đỗ Vô Ích!

Tuy còn sớm, nhưng tôi vẫn tin là Quốc ca Việt Nam: Nhạc và lời là của Văn Cao. Có một nhà khoa học liều mạng xông vào để tìm ra phải trái. Ông dùng máy cát-sét, máy ghi âm đi phỏng vấn đến gần 100 nhân vật, trong đó có tôi. Ông là nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải, vừa mới qua đời nhưng nhớ lại mấy chục năm trước, ông cũng đứng ra giới thiệu và bảo vệ Ông Trưởng Cần ở làng Ngọc Hà (Hà Nội) có khả năng chữa bệnh bằng nhân điện “Trường sinh học”; lập tức bị xóa phiên hiệu nhà khoa học đến mấy chục năm sau, mặc dù Ông Trưởng Cần cũng đã chữa nhiều người khỏi bệnh.

Chiếc cát - sét phỏng vấn của ông Nguyễn Phúc Giác Hải được gửi lên Quốc hội để xem xét, xác minh. Một thời gian sau nhận được thông tin qua báo chí và kết luận: Quốc ca Việt Nam, nhạc và lời Văn Cao. Thật là hết chỗ nói! Trước khi trắng - đen - phải - trái chưa tỏ, bà Băng, phu nhân của nhạc sĩ Văn Cao đến tuần báo Văn nghệ lĩnh nhuận bút cho chồng mình. Gặp tôi, bà nói: Hồi này anh Văn Cao không được khỏe và buồn vì cô đơn. Anh Đáng thỉnh thoảng đến thăm anh Cao nhé, rồi bà nói cho hả giận: muốn gì thì gì, khi bài Quốc ca của anh Cao được cử hành, mọi người trong cả nước, bất kể ai, đều phải đứng nghiêm, kính cẩn! Mọi người trong toà soạn nghe thấy đều cười vui.

Khi ông Văn Cao bị “gạo đem vào giã bao đau đớn” đã “trắng tựa bông” rồi tôi mới sang chúc mừng ông và hỏi sự thể giữa Văn Cao và Đỗ Hữu Ích là như thế nào? Ông Văn Cao mời tôi chén rượu do bà Thúy Băng tiếp. Ông khẽ gật đầu và nói nhỏ nhẹ, chậm rãi:

- Có gì đâu và cũng tại tôi cả. Hồi còn trẻ ở Hải Phòng, mình và Đỗ Hữu Ích là bạn học cùng trường Bonnal (nay là Trường Ngô Quyền). Nhà Ích giàu có, lại có cửa hàng ăn uống giải khát. Ích rất quý mình và Nguyễn Đình Thi. Nói đúng ra Ích ta cũng “biết người biết của”, quý trọng tài năng, thường hay cho bọn mình uống cà phê, ăn sáng miễn phí. Có khi còn mời ăn rất sang, rượu say bí tỉ. Đỗ Hữu Ích còn ngỏ lời gả em gái cho mình. Một hôm được mời ăn ngon, rượu say, mình rất xúc động và ngẫu hứng:

“Này anh Đỗ Hữu Ích! Bài Tiến quân ca nhạc Văn Cao - Lời Đỗ Hữu Ích, xong chưa?”.

Đỗ Hữu Ích rất cảm động. Mắt sáng lên, xiết chặt tay và ôm tôi thật chặt. Thời ấy, Đỗ Hữu Ích đã làm quen với công việc in ấn xuất bản, có lúc còn làm Tổng biên tập tờ báo Bạch Đằng ở Hải Phòng.

Bỗng một hôm thấy xuất hiện bài Tiến quân ca in rất sang trọng và đề: Nhạc Văn Cao, lời Đỗ Hữu Ích. Biết là mình bị “hớ” nhưng mà thôi. Mọi sự diễn ra đã đến hồi kết. Cái sự rắc rối này tựu trung cũng tại tôi mở lòng, nhẹ dạ! Thế đấy!               

               

***

            Tôi tạm dừng nói về Văn Cao và có đôi dòng về Trịnh Công Sơn. Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên: ông biết tiếng và tài năng Trịnh Công Sơn đã từ lâu. Ông Phạm Tuyên đã hát nhiều lần và chủ động đến thăm Trịnh Công Sơn. Sau giải phóng, Trịnh Công Sơn rất muốn đến với Cách mạng như một số sĩ phu ở Huế. Ở Hà Nội họ cũng ngại gặp Trịnh Công Sơn vì anh ở Sài Gòn trước giải phóng, ở phía bên kia, bên chính quyền Sài Gòn. Khi Phạm Tuyên đến gặp Trịnh Công Sơn, anh cảm động lắm và liền loan tin: nhạc sĩ tài năng và nổi tiếng của Bắc Hà Phạm Tuyên vừa đến thăm Sơn. Phạm Tuyên nói về Văn Cao cho Trịnh Công Sơn biết về những điều ít ai biết.

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại? (2) - 2

Nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn và Nhạc sĩ Văn Cao tại Đại hội III Hội Nhạc sĩ Việt Nam 22/10/1983. Ảnh Hoàng Kim Đáng

Gặp Văn Cao đôi lần, Trịnh Công Sơn viết về Văn Cao: “Anh đi qua cuộc đời và hát”. Viết rất ngắn, chừng chưa đầy hai trăm từ, nhưng anh khắc họa, anh dựng tượng chân dung một Văn Cao ở thập kỷ 90, từ mùa thu năm ấy. Trịnh Công Sơn gõ cửa vào lúc 8 giờ sáng và nhìn thấy nhạc sĩ Văn Cao:

“Anh ngồi trước chiếc bàn có tẩu thuốc lào và ly rượu. Anh Văn ngồi trên sạp gỗ cũ kỹ như đã ngồi hàng trăm năm, ngồi tóc bạc phơ (khi mới ngoài 60 tuổi). Chỗ ngồi đã mòn. Lưng dựa đã mòn. Sơn chợt nghĩ: ngồi như thế ích gì anh Văn? Thoáng thấy Sơn, ông Văn Cao nói với vợ, bà Thúy Băng: “Lấy cái ly sạch cho Sơn đi bà”. Trịnh Công Sơn viết tiếp: “Buổi sáng mùa thu ngồi uống rượu với anh Văn và nghĩ ngợi:

Có những con đường anh Văn đã đi.

Có những con đường tôi cũng đã qua.

Những con đường ấy có lúc gặp nhau, có lúc chia lìa.

Trong âm nhạc: Văn Cao sang trọng như một ông Hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ. Mặt trời là con diều giấy thả chơi, tôi cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong thân phận riêng tư.

...Anh Văn gầy yếu không dựng nổi một mùa Xuân. Nhưng tôi nghe trong nhạc anh gió vẫn chuyển và cây thay lá! Quanh anh là tranh. Là thơ. Là nhạc. Quanh tôi cũng là tranh. Là thơ. Là nhạc nhưng nhỏ nhắn vô cùng. Anh và tôi đi trên một con đường nhưng anh là anh, tôi vẫn là tôi. Cái rộng lớn vô cùng và cái nhỏ bé cũng vô cùng...thế mà vẫn gặp. Sự gặp gỡ muộn màng giờ đây tôi muốn hát cho anh nghe. Khúc hát trễ tràng, giấu kín những điều thầm lặng. Thật đấy!

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại? (2) - 3

Ông Văn Cao và Sơn muốn uống rượu trong không khí im lặng. Rất ít nói nhưng “sôi động” vô cùng. Hình như Sơn đang cười chua chát, khẽ lắc đầu và nhìn chằm chằm vào Văn Cao. Trịnh Công Sơn lại viết tiếp và viết rất ngắn:

Anh hát anh và tôi hát tôi Anh đi qua cuộc đời và hát Tôi cũng đi qua cuộc đời và hát Hát cho người và hát cho mình! Thế thì anh muốn gì hỡi Hoàng tử bé - Petit - Pince - Râu tóc bạc phơ? Đời sống gọn gàng, bé nhỏ. Đôi khi(?) rộng lớn vô cùng. Anh bé nhỏ và anh rộng lớn Văn Cao... Văn Cao Anh sống và anh cười thầm lặng.

Cái chua xót ẩn kín đằng sau những nếp nhăn Anh biết và anh biết hết Nhưng anh cũng khờ khạo như trẻ thơ Anh ngủ yên nhưng anh tỉnh thức. Thi ca và triết học trên hai bàn tay anh như nâng đỡ cuộc đời. Sống chết là số phận con người. Anh đâu biết. Anh đã từng nhiều năm nặng nợ với âm nhạc, thi ca, hội họa. Điều ấy có thật nhưng nhiều khi tôi vẫn băn khoăn tự hỏi: Anh là ai mà lưu lạc giữa chốn Thiên Thai này?”.

Thập kỷ 90 ông Văn Cao vẫn còn ký tên tác giả là “VĂN” nhưng đã có nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài viết về ông, đánh giá ông, ca ngợi ông, tôn vinh ông đúng mức.

Ở lĩnh vực hội họa, Văn Cao xuất hiện không nhiều nhưng các thế hệ họa sĩ đều tôn trọng tài năng hội họa Văn Cao kể cả các bậc đàn anh “tứ trụ” như Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Họa sĩ Đinh Cường viết: “Anh vẽ nhanh và nét bút vung mạnh, rất “thần” và rất “thiền”. Anh có một tình yêu và một đam mê không hề chia lìa giữa cuộc sống này, đó là âm nhạc, thi ca, hội họa và “rượu”!

Cùng trong thập kỷ 90, Ban biên tập báo Văn nghệ chủ trương thay măng-sét mới. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Tổng biên tập cử tôi phụ trách tổ Mỹ thuật tổng hợp của báo đến trường Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam đặt hàng chục tác giả trình bày măng-sét Văn Nghệ mới. Hôm tôi mang mẫu măng-sét về tòa soạn, Ban biên tập thành lập Hội đồng trọng tài hẳn hoi (thực chất là Ban giám khảo) xem xét và quyết định.

Đến giờ chót “mẫu cũ” của cụ Văn Cao vẫn đứng vững, không anh nào thắng nổi! Các tác giả có mẫu dự thi chỉ được thanh toán tiền thù lao mà thôi. Tính đến nay cái măng-sét do Văn Cao vẽ đã có tuổi thọ đến hơn nửa thế kỷ. Ở lĩnh vực thi ca, các nhà thơ hàng đầu thời ấy như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên... cũng đều trân trọng thành tựu thi ca Văn Cao.

Các thi sỹ đương đại như Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha... luôn là “những người bạn đường” trong nghệ thuật cùng thời và thừa nhận Văn Cao là bậc đàn anh đáng kính vẫn đang cùng chúng ta tiến bước!

Thanh Thảo viết: “...với Văn Cao, thơ là cái lặng lẽ của con hổ? “có lúc ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt”. Ngay con hổ cũng có lúc giật mình vì một tiếng lá rụng... Thơ là “Nước mắt không thể chảy ra ngoài được”...

Còn Nguyễn Thụy Kha khẳng định: “Văn Cao - Một bản lĩnh thơ được anh phân định ra làm ba thời kỳ. Thơ Văn Cao thực sự chín như một trái cây còn sót lại. Đây là những khoảng sáng hắt lên dằn vặt đắng cay, đớn đau giữa sai - đúng - tốt xấu - thật giả - trung thực và phản bội. Bản chất yêu thi ca mãnh liệt đã tạo nên một bản lĩnh thơ anh...”.

Đánh giá sự nghiệp chung của Văn Cao, Thụy Kha viết: “Văn Cao đã tiếp cận được hầu hết các trường phái nghệ thuật thế giới. Đây là cổ điển, lãng mạn, cận đại trong âm nhạc. Đây là tượng trưng, siêu thực trong thơ và ấn tượng, lập thể trong hội họa v.v...”

Hoàng Phủ Ngọc Tường (cây viết được mệnh danh là Nguyễn Tuân của miền Trung) khi viết “Cảm nhận Văn Cao”, bài viết kéo dài gần hết cả trang báo Văn Nghệ mà vẫn chưa muốn dừng bút!”.

Đọc cuốn Nhạc sĩ Văn Cao của tác giả Diệu Ân, tôi thích đoạn phỏng vấn xoay quanh nội dung “Một lớp người”. Vâng, một lớp người đáng kính, những tấm gương sáng, soi cho mọi thế hệ. Lớp người ấy còn lại không nhiều nhưng lớn tuổi. Họ đã già và cũng sắp sửa lần lượt ra đi.

Tôi muốn nói đến Thầy Văn Cao, Thầy Tô Ngọc Vân. Người đề cập đến “Một lớp người” đó là Giáo sư Tiến sĩ khoa học, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian, nhà nghiên cứu âm nhạc Tô Ngọc Thanh, là con cả của danh họa Tô Ngọc Vân, cụ đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến chống Pháp. Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.

Tô Ngọc Thanh cũng là một người thầy đáng kính, được giới trí thức, các nhà nghiên cứu khoa học trong Hội Văn nghệ dân gian bầu thày Tô Ngọc Thanh tới 6 khóa liền. 30 năm làm Tổng thư ký, làm Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian. Trong cuộc trả lời phỏng vấn ông chỉ xoay quanh vị trí một lớp người và ông nhiều lần nhắc đến thầy Văn Cao. Thầy không qua trường đào tạo chính quy về âm nhạc nhưng thầy đủ tài, đủ tầm cùng với thầy Nguyễn Hữu Hiếu lập ra Trường âm nhạc của Cách mạng Việt Nam.

Tôi học thầy ở khóa đầu tiên ấy (1951). Thầy là người đi trước thời đại. Thời ấy họ đang sùng bái nhạc Tây. Họ cho rằng nền âm nhạc cổ truyền của ta là thế này, thế nọ. Nhưng thầy Văn Cao vẫn mời thầy dạy nhạc Tây lại mời nghệ nhân chèo số một của Việt Nam thời ấy là thầy Năm Ngũ và cô Dịu Hương (cũng đã mất). Đó là công lao rất lớn của thầy Văn Cao, là người rất sáng suốt, có tầm nhìn xa.

Đột nhiên nhà báo Diệu Ân hỏi: nhạc sĩ Văn Cao, sự nghiệp sáng tác âm nhạc, thi ca, hội họa lớn đến như vậy nhưng lại “dính” đến “Nhân văn giai phẩm”. Vậy cụ Văn Cao có những khuyết điểm gì?

- Tôi không thấy. Tất nhiên là con người không ai hoàn hảo cả nhưng tôi thấy thầy là con người vĩ đại, làm mọi việc có cái tầm khác thường, có tầm nhìn xa, rất xa.

- Vậy thì Giáo sư Thanh học được những gì ở nhạc sĩ Văn Cao?

- Tôi không học được về sáng tác, vì sáng tác, cụ là vĩ nhân vĩ đại rồi nhưng tôi học được những lời khuyên cốt tử từ chính cuộc đời của thầy!

Năm 1988, gia đình nghệ sĩ Văn Cao được vợ chồng ông Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương) đến thăm và chúc Tết. Như vậy, kể từ đấy cái án “Nhân văn giai phẩm” mới được xóa bỏ, nhưng thời gian cũng đã kéo dài cuộc sống khó khăn (cả tinh thần và vật chất) tới 30 năm (1958 - 1988). Và cũng năm 1988, Văn Cao được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Ba. Năm năm sau (1993) ông được tặng thưởng tiếp Huân chương Độc lập Hạng Nhất.

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại? (2) - 4

Nghệ sĩ Văn Cao ông là thiên tài hay vĩ nhân thời đại

Ông về cõi thiên thai ngày 10/7/1995 trong niềm tiếc thương và kính trọng của nhân dân Việt Nam. Mỗi khi "Quốc ca" được cử hành, họ lại nhớ đến sự kiện: Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân ký lệnh tặng thưởng Huân Chương Kháng chiến Hạng Nhất cho bài “Tiến quân ca” trở thành Quốc ca Việt Nam. Năm 1996, sau khi ông mất, ông được Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” đợt I cho 77 cụm công trình tác phẩm đặc biệt xuất sắc, trong đó có tác giả Văn Cao. Hiện tên tuổi Văn Cao được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và Nam Định... quê hương ông.

Nhân dân Việt Nam đủ mọi thế hệ đều biết tên ông, kính trọng ông. Vậy ông là nghệ sĩ thiên tài hay vĩ nhân thời đại?   

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày