Người viết bản tình ca của lúa và hoa

Có một người nhạc sĩ yêu mùa xuân say đắm, ông gửi gắm tiếng lòng của mình qua những giai điệu du dương, khi bổng khi trầm, sau bao lần trăn trở vì sợ ca khúc của mình không xứng đáng với mùa xuân ông đã viết nên một bản tình ca của lúa và hoa, của mùa muân đất nước. Chỉ cần nhắc đến cái tên Ngọc Khuê, cánh cửa ký ức của bao người như mở ra, khiến người ta nghĩ ngay đến hương hoa “rào rạt”, đến Hồ Tây mênh mông trong nắng chiều và bất giác từ trong miền ký ức sẽ chợt ùa về những giai điệu quen thuộc của “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

“Tình ca đơm hoa từ lòng đất”

Với “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, mở đầu bài hát và ngay cả nhan đề nhạc sĩ Ngọc Khuê đã mở ra khung cảnh của lúa và hoa, hai biểu tượng của sự tốt lành, tươi đẹp của vùng đất trù phú, màu mỡ ven sông. Bức tranh xuân cứ thế hiện ra, lúa hoa cộng hưởng với gió xuân nồng nàn đưa cung bậc cảm xúc của tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ ra nhạc, ra thơ. Ông kể rằng lúc đầu ông chỉ có ý định viết về một làng hoa ở ven Hồ Tây vì trong những lần ghé qua nơi đây ông đã bị ấn tượng bởi vẻ đẹp của những dải hoa ngào ngạt hương thơm. Tuy nhiên đã nhiều lần đặt bút nhưng ca từ khó bộc bạch được vì lòng người còn cảm thấy dường như thiếu vắng điều gì đó.

Người viết bản tình ca của lúa và hoa - 1

Ảnh minh họa.

Rồi bỗng nhiên, trong một ngày xuân, dưới khung cảnh hiền hòa ấy, hướng đôi mắt của mình ra xa hơn với một tâm hồn đầy sức sống, ông phát hiện ra phía bên kia Hồ Tây là lúa, những thảm lúa trải dài với những đợt sóng lúa vô cùng sinh động, vui mắt. Một bên là lúa xanh ngát, một bên là hoa rực rỡ sắc màu, dưới vẻ đẹp tinh khôi, căng tràn nhựa sống của mùa xuân, cảm xúc trong ông mới vỡ oà, những câu hát điệp khúc tuôn ra, giai điệu cứ thế nảy lên đầy trong trẻo mà tha thiết:

Lúa ơi! Thơm ngát cho em hát cùng người

Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng

Sóng lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngào ngạt

Hương hoa bay rào rạt làng hoa em gọi mùa

Mùa xuân!

Trước khung cảnh mùa xuân nồng nàn ấy, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã vẽ lên bức tranh tươi đẹp của lúa xanh ngát và của hoa ngào ngạt, tất cả cùng hòa quyện trong gió, phiêu du với hương thơm nồng nàn, nhẹ nhàng của mùa xuân dịu êm.

Người viết bản tình ca của lúa và hoa - 2

Nhạc sĩ Ngọc Khuê đã vẽ lên bức tranh mùa xuân tươi đẹp trong ca khúc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

Tại sao lại là lúa và hoa thì ta sẽ phải gật gù tán thưởng trước ý nghĩ sâu xa mà tác giả muốn gửi gắm. Cùng quay lại thời điểm sáng tác, khi ấy đất nước ta mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh vừa dài vừa gian lao, dân ta còn nghèo, kinh tế còn chưa phát triển. Tác giả đã gửi gắm vào lời bài hát hình ảnh của lúa tươi đẹp, vì “yêu cuộc đời” nên mới “xanh thắm tươi ruộng đồng” để cho phép người ta hy vọng, mơ ước về một cuộc sống ấm no, bình yên và bớt cơ cực. Cuộc sống dù còn nghèo khổ, thiếu thốn cũng không cấm cản người ta vươn tới cái đẹp và tình yêu nghệ thuật - hình ảnh của hoa chính là hiện thân cho những điều tươi đẹp đó.

Kết hợp lúa và hoa tôi muốn nhắc đến cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần, vừa nói đến cái để ăn, vừa nói đến cái để chơi bởi đời sống này luôn luôn song hành như thế, có cái nuôi sống con người thì cũng có cái làm đẹp cho cuộc đời, nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ.

Tiếng nhạc để lại tiếng thơm

Từ “Mùa xuân làng lúa làng hoa” trở đi ông được nhiều người yêu mến, âm nhạc của ông được nhiều người nhận xét, đánh giá. Nhiều ý kiến cho rằng bài hát ra đời vào thời điểm ấy có tiết tấu mới, bởi thời đó đa số thịnh hành tiết tấu nhịp điệu hành khúc chiến đấu thời chống Mỹ, nên “Mùa xuân làng lúa làng hoa” được xem là đã có sự cập nhật cách viết mới trong thời đại bấy giờ. Bài hát được nhạc sĩ Ngọc Khuê viết rất chặt chẽ, cách gieo vần, nhịp điệu khúc triết, logic, có dáng dấp của âm hưởng dân ca Thanh Hoá, của điệu hò sông Mã. Ông cười xòa: Nhìn bản nhạc 6/8, 4 nốt chùm móc đơn này khiến nhiều người phải chịu cái đó.

Người viết bản tình ca của lúa và hoa - 3

Bản nhạc “Mùa xuân làng lúa làng hoa”.

Nhạc sỹ Ngọc Khuê cảm thấy vô cùng may mắn vì có được một dấu ấn trong cuộc đời sáng tác âm nhạc, ông chia sẻ: Đó là dấu mốc rất quan trọng, nếu tôi không có “Mùa xuân làng lúa làng hoa” thì có thể chẳng ai biết đến tôi cả dù tôi có sáng tác nhiều đi nữa. Các nhạc sĩ đều biết, để có thể nổi lên, để in dấu tác phẩm của mình trong lòng khán giả là điều rất khó. Tôi vô cùng chân quý bài hát này bởi nó đã cho tôi một chỗ đứng trong lòng khán giả và với riêng tôi, lòng tôi cũng hài lòng với nó.

Không chỉ làm nên tên tuổi của nhạc sĩ Ngọc Khuê, khán giả đến nay vẫn còn nhớ tới “Mùa xuân làng lúa làng hoa” qua những giọng ca vừa đằm thắm, vừa thiết tha của các nữ ca sĩ Thanh Hoa, Trung Anh, Tố Nga và Anh Thơ. Với ca khúc này, ông nhận được nhiều giải thưởng, ghi danh ông vào những người sáng tác ca khúc hay nhất về mùa xuân Hà Nội. Đặc biệt hơn nữa, một kỷ niệm mà nhạc sĩ Ngọc Khuê nhớ mãi khi có lần ông nhận được phản hồi của một nam khán giả “Nhờ bài hát của chú mà cháu lấy được vợ”, quả là, tiếng nhạc đã để lại tiếng thơm.

Một tâm hồn yêu xuân tha thiết

Từ năm 19 tuổi, trong tâm thế của người lính cao xạ niềm đam mê âm nhạc đã nảy nở trong tâm hồn nhạc sĩ Ngọc Khuê, ông bắt đầu làm bạn với những nốt nhạc từ khi đó. Đến nay gia tài âm nhạc đã có gần 400 ca khúc chủ yếu viết về đề tài người lính và mùa xuân nhưng ông vẫn luôn khao khát và muốn du ngoạn với mùa xuân nhiều hơn nữa.

Người viết bản tình ca của lúa và hoa - 4

Nhạc sĩ Ngọc Khuê thời trẻ.

Mùa xuân làm nên những rung động mãnh liệt cho những tâm hồn nghệ thuật. Nếu người nghệ sĩ nhiếp ảnh hy vọng thu vào ống kính mình những bông hoa lấp lánh dưới ánh nắng xuân ấm áp, nếu những hạt mưa xuân phất phơ gợi niềm cảm hứng cho các nhà thơ thì người nhạc sĩ lại lắng nghe những âm thanh của mùa xuân, gọi những giai điệu từ tim mình rồi thể hiện qua từng nốt nhạc.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê cho rằng, âm nhạc trong mùa xuân mang một sắc thái khác với những âm nhạc khác, từ đất trời, cỏ cây, hoa lá và con người đều như được gội rửa, thôi thúc người ta hướng đến cái mới, cái đẹp, khiến người nhạc sĩ dễ cởi mở lòng mình hơn. Bên cạnh “Mùa xuân làng lúa làng hoa”, nhạc sĩ Ngọc Khuê cũng gom góp cho mùa xuân của âm nhạc nhiều ca khúc như “Khoảnh khắc mùa xuân”; “Chở về mùa xuân”; “Chào xuân”; “Mùa xuân ấm áp”; “Ông đồ”;… Cứ mỗi dịp xuân đến, khi nhựa sống như chảy mãnh liệt hơn ông lại thổ lộ lòng mình với mùa xuân bằng những tác phẩm âm nhạc.

Người viết bản tình ca của lúa và hoa - 5

Trong gia tài âm nhạc của mình, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã có rất nhiều sáng tác về mùa xuân.

Người nhạc sĩ ấy yêu mùa xuân đã từ rất lâu rồi. Ông nhận thấy những ca khúc xuân tưới mát cho tâm hồn, làm cho tâm hồn thêm đẹp đẽ, xua đi cảm giác bí bách, lạnh lẽo của mùa đông. Không những chỉ thời tiết chuyển mùa, mà chính cung bậc cảm xúc của con người cũng chuyển động để hy vọng một năm mới tốt đẹp, an lành. Mùa xuân bao giờ cũng gợi cho người ta cảm xúc khác với những mùa khác, bởi vì nó mang rất nhiều vẻ đẹp gắn liền với đời sống của người Việt. Qua một năm làm việc, đi đây đi đó người ta mong tết, mong chờ được đoàn viên, người ta đi đền chùa mong một năm mới bình an, người ta nô nức đi trẩy hội, du xuân giữ gìn bản sắc văn hóa, lễ hội của quê hương mình.

Dự định sáng tác nhiều ca khúc về mùa xuân, nhưng nhạc sỹ Ngọc Khuê cho rằng, không phải lúc nào, cảm xúc nào, giai điệu nào cũng khiến ông tâm đắc, viết về mùa xuân như thế nào là điều không dễ. Mùa xuân thôi thúc người ta viết, đối với tôi cũng vậy, tôi luôn suy nghĩ sẽ viết kiểu gì, viết như thế nào để thỏa mãn với lòng mình, bởi với tôi mùa xuân là một điều kỳ diệu và âm nhạc không phải là một thứ để bông đùa, với đôi mắt đong đầy cảm xúc, ông chia sẻ.

Huyền Thương

Âm vang những bài ca xuân
Âm vang những bài ca xuân

Ngay từ khi mới hình thành nền tân nhạc Việt Nam (trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), nhiều ca khúc viết về mùa xuân đã...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ