Tạ Hữu Yên: Nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc

Trước khi đến với thơ, nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên (1927 - 2013) học làm ca dao. Những bài ca dao cổ gợi cho ông nhiều vẻ đẹp về các tứ thơ, từ ngữ, hình ảnh, liên tưởng ẩn dụ... và đặc biệt là âm điệu. m điệu của ca dao dễ vào nhạc. Ông có "duyên" làm thơ phổ nhạc, một phần là do ông giữ được vần điệu của thơ. Nhiều bài thơ của ông gần như những lời ca dao mà nhiều độc giả yêu thích, yêu thích đến mức thuộc, có thể đọc diễn cảm ngay.

Thơ Tạ Hữu Yên được phổ nhạc từ buổi đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước khi mất, ông đã để lại cho đời sau gần một trăm năm mươi ca khúc có lời thơ của ông. Một trong những bài đầu tiên để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho người nghe là “Đôi dép Bác Hồ” do nhạc sĩ, đại tá Văn An phổ thơ. Tiếp liền đó là bài “Nghe giọng hát Bác Hồ” viết cho thiếu nhi mà nhạc sĩ, trung tá quân đội Thanh Phúc phổ nhạc đạt hiệu quả nghệ thuật cao.

Tạ Hữu Yên: Nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc - 1

Nhà thơ Tạ Hữu Yên

Thơ Tạ Hữu Yên in báo khá nhiều. Các nhạc sĩ tự chọn bài của ông để chuyển thành ca khúc. Nhà thơ tâm sự rằng, mỗi bài thơ ông cố gắng tìm ra một cái tứ. Tứ càng mới, càng sâu thì dễ gợi cho giai điệu nhạc. Còn câu chữ, bất cứ thể loại nào, ông cũng giữ đúng luật lệ, rất ít phá cách. Như vậy, mỗi bài thơ ông đều làm do hứng thú, làm trên cơ sở cảm xúc chín muồi, không cố ý là làm để phổ nhạc. Cũng có bài, thi sĩ cùng nhạc sĩ bàn bạc trước, thí dụ như bài “Việt Nam! Việt Nam!” dự thi sáng tác âm nhạc về Quốc ca, Tạ Hữu Yên và Văn An suy nghĩ khá chín rồi tác giả thơ mới viết lời ca - lời ca vẫn là một bài thơ chuẩn nghĩa. Tác phẩm này cùng một số ít tác phẩm khác được lọt vào vòng 2 cuộc thi tầm cỡ này.

Người viết bài này đã đôi ba lần đến thăm ông tại nhà riêng ở khu tập thể Trương Định, Hà Nội, viết bài về ông (dùng bút danh Phan Điệp Anh). Tạ Hữu Yên cho biết: Ông tâm đắc với khá nhiều các khúc phổ thơ ông. Thí dụ: “Đôi dép Bác Hồ”, “Trên đường hạnh phúc”, “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” do nhạc sĩ Văn An phổ, đã được đánh giá cao, có bài đã in đĩa. Thanh Phúc với “Nghe giọng hát Bác Hồ”, giải A do Ủy ban Thiếu niên nhi đồng trao tặng, “Trăng trong thơ Bác” và “Vào trận mới” đã trở thành những bài hát quen thuộc.

Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phổ hai bài “Ô cửa sổ” và “Mùa hoa cộng sản” đều đứng lâu dài được. Nhạc sĩ Huy Du phổ bài “Người chiến sĩ trung kiên” được trao giải trong cuộc vận động viết về đề tài thương binh, liệt sĩ. Anh Nguyễn Thành, một nhạc sĩ quân đội, đã được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải A cho ca khúc phổ nhạc bài thơ “Cảm xúc tháng Mười” của Tạ Hữu Yên, bài dự thi nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày giải phóng thủ đô. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ bài thơ “Đất nước” thành công. Bài thơ này đăng trên báo Sài Gòn giải phóng số chủ nhật.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã có lời trân trọng cảm ơn các nhạc sĩ đã phổ nhạc thơ ông, đó là: Văn An, Thanh Phúc, Huy Du, Lương Ngọc Trác, Trọng Loan, Văn Thắng, Nguyễn Thành, Phạm Minh Tuấn, Lê Yên, Lê Lôi, Lê Anh, Lê Lan, Hồ Bắc, Nguyễn Đức Toàn, Văn Chừng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Ngọc Thiện, Huy Sô, Ngọc Thủy, Trần Viết Nghĩa, Vũ Hoàng, Hoàng Hiệp và nữ nhạc sĩ Mông Lệ Chung...

Sinh thời, khi trò chuyện với phóng viên, Tạ Hữu Yên đã tâm sự: Thơ và nhạc thường thường có mối giao hòa khá đẹp. Thơ gợi giai điệu độc đáo cho nhạc và nhạc nâng cánh cho thơ bay cao, bay xa. Xin chớ có ý kiến định sẵn "làm thơ để phổ nhạc", bởi nếu thế thì thơ sẽ ngô nghê, nhạt nhẽo và điều nguy hại nhất là thơ sẽ không có hồn. Kinh nghiệm của riêng ông: tứ thơ sâu thì sẽ gợi cho giai điệu nhạc, vần điệu chỉnh thì dễ phù hợp đối với ca từ và câu thơ càng giàu hình ảnh thì nét nhạc càng bay bổng, mượt mà. Ông tự nhủ mình: khiêm tốn và âm thầm, nỗ lực sáng tạo để may ra có một bài thơ nào đó được các nhạc sĩ yêu mến phổ nhạc; tác phẩm đó hẳn sẽ đánh dấu một nét mới trong công việc rất nặng nhọc của ông - một nhà thơ quân đội cầm bút sau một thời kỳ đã từng cầm súng.

Nhà thơ Tạ Hữu Yên đã qua đời cách nay mười năm, đồng thời một số nhạc sĩ chắp cánh cho thơ ông cũng đã cách biệt dương thế, nhưng những bài hát phổ thơ Tạ Hữu Yên vẫn mãi mãi còn ngân vang trên không gian thực tại và trong lòng bao người yêu nhạc, yêu thơ.   

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất