Chuyện Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ

Tôi quen biết Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ hơi muộn, sau giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Trước đó chỉ biết qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và những sáng tác thơ văn trên các báo. Trong hai người tôi thân với Xuân Quỳnh hơn. Chúng tôi cùng cơ quan Báo Văn Nghệ và hoàn cảnh cũng sóng gió, chẳng sung sướng gì. Quỳnh cũng như tôi: mồ côi mẹ từ năm ba bốn tuổi. Mẹ Quỳnh khi mất mới 31 tuổi. Mẹ tôi cũng chỉ sống đến 39 tuổi thôi. Quỳnh quá thương mẹ chỉ được sống ở trên đời này hơn 30 năm, thiệt thòi quá. Mỗi khi nói về mẹ, Quỳnh lại sụt sùi khóc và kể khi nước mắt vòng quanh. Mẹ tôi mất được sáu tháng, bố tôi đã lấy vợ theo sự thúc ép của bà nội. Từ đấy Quỳnh sống trong cảnh dì ghẻ con chồng. Bố Quỳnh với đồng lương công chức phải nuôi một vợ bốn con còn chưa đủ, làm sao nuôi được hai chị em tôi. Năm 1950 bố tôi đưa bốn con và vợ bé vào Nam sinh sống. Ở lại với bà nội, hai chị em Quỳnh sống trong cô đơn và túng thiếu. Quỳnh học văn hóa chỉ hết lớp 6. Năm 1955, hòa bình lập lại trên miền Bắc Việt Nam, khi Quỳnh mới 13 tuổi. Nhận được thông báo tuyển văn công, Quỳnh mạnh dạn đi tuyển và trúng tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương, Quỳnh mừng như bắt được vàng.

Xuân Quỳnh tuổi ngựa, sinh ngày 6 tháng 10 năm 1942 tại La Khê, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội). Nếu còn sống, bà đã bước qua tuổi “Bát tuần-80” rồi.

Ở tuổi 17 mới lớn lên, chưa tiếp xúc nhiều và quan niệm về tình yêu hạnh phúc còn đơn giản lắm. So với những đối tượng theo đuổi Quỳnh thì Tuấn (nhạc công) hơn hẳn họ là có mã đẹp trai, hiền lành, tình cảm chân thật, Quỳnh đã xúc động trước tình yêu của Tuấn. Sống với nhau một thời gian, đã có con, Quỳnh nhận thấy Tuấn là người tốt nhưng trong khi Quỳnh là một thiếu nữ xinh đẹp, có tâm hồn nhạy cảm, tế nhị, có tình yêu mãnh liệt thì đâu đã là đủ. Bước vào ngành nghệ thuật múa, Xuân Quỳnh và Chu Thúy Quỳnh sớm nổi tiếng là “Hai con thiên nga tuyệt mỹ” trong ngành múa Việt Nam thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Sau này Chu Thúy Quỳnh trở thành Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam nhiều khóa. Xuân Quỳnh rẽ ngang, trở thành nhà thơ nữ tài năng và thành đạt nhất trong các nhà thơ nữ Việt Nam.

Chuyện Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ - 1

Nữ sĩ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Tuấn Anh khi còn bé. Ảnh tư liệu.

Hoạt động trong ngành múa, Xuân Quỳnh đã từng được đi biểu diễn ở 13 quốc gia trên thế giới, được đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới tại Viên (thủ đô nước Áo), tiếng nổi như cồn. Mặc dù vậy, văn học vẫn đang vẫy gọi, vẫn ngự trị trong tâm chí Quỳnh và Quỳnh đã quyết định đoạn tuyệt với ngành nghệ thuật múa, “chuyển làn” sang lĩnh vực văn học, nhất là thơ. Quỳnh say sưa đọc và “nghiện” thơ của Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Ngân Giang, Anh Thơ… Quỳnh cảm thấy ở trong thơ những điều kỳ diệu. Quỳnh cho rằng các nhà thơ là những vị Thánh! Thơ là một loại hình nghệ thuật siêu đẳng, nhưng khó mà đi tới và dù có chết, Quỳnh nhất quyết không bao giờ bỏ được thơ.

Chuyện Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ - 2

Nữ sĩ Quỳnh Quỳnh thời xuân sắc

Xuân Quỳnh đoạn tuyệt với nghệ thuật múa Việt Nam và cũng đoạn tuyệt luôn tình yêu với Tuấn. Quỳnh rất thương con nhưng biết làm sao được. Hụt hẫng và hụt hẫng! Giữa lúc ấy có một nhà thơ đang nổi tiếng, đẹp trai, lịch lãm xuất hiện, Quỳnh lao vào như con thiêu thân, nhưng cũng là lúc Quỳnh chợt nhận ra, phát hiện kịp thời. Tất cả những gì anh ta đã có cũng chỉ là cái vỏ rỗng tuếch, một kẻ quá tầm thường! Nếu Quỳnh bập vào yêu sớm hơn sẽ lại là một sai lầm chết người. Quỳnh chào vĩnh viễn với một con người những tưởng mình là “vĩ nhân thời đại” ấy. Sau đấy Quỳnh tạm nghỉ yêu một thời gian, dồn tâm sức, trí tuệ và sáng tác và các tập thơ lần lượt ra đời như: “Tơ tằm – Chồi biếc”; “Hoa dọc chiến hào”; “Gió Lào cát trắng”; “Sân ga chiều em đi”; “Bầu trời trong quả trứng” (thơ thiếu nhi)… Và Quỳnh lại tiếp tục tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc đích thực. Trong bài “Thơ viết tặng anh”, Quỳnh thổ lộ tình cảm, tâm trạng:

Núi cao biển rộng, sông dài

Tôi đi khắp chốn tìm người tôi yêu.

Trong ngôi nhà tập thể dành cho văn nghệ sĩ ở 96 phố Huế có một người con nối nghiệp cha – nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, người quê xứ Quảng. Người con đó chính là Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ cũng đang hụt hẫng. Tài năng đang phát lộ. Có tài nhưng có tật. Là quân nhân nhưng tự do, phóng khoáng. Kỷ luật quân nhân thời chiến không thể chấp nhận, Lưu Quang Vũ buộc phải ra quân và cũng mất luôn người vợ trẻ xinh đẹp, đang là ngôi sao sáng trong điện ảnh Việt Nam – Tố Uyên, trong vai “Con chim Vành Khuyên”.

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ cùng trong ngôi nhà tập thể ấy. Hai người quen biết nhau đã lâu. Ở gần nhau, phục tài nhau và thường xuyên trao đổi nghề nghiệp. Xuân Quỳnh hơn Quang Vũ 6 tuổi. Trong tình cảm, cả hai đều đang hụt hẫng. Xuân Quỳnh đã đi làm, có lương, còn Lưu Quang Vũ mất vợ, đang là lính “phòng không”. Không tiền bạc để duy trì sự sống. Với Xuân Quỳnh, Quỳnh thương Vũ, muốn được cùng nhau chia sẻ. Mặc dù phiêu lưu nhưng với tình yêu chân chính họ tự nguyện đến với nhau, trong cảnh “con em, con anh” và một suất lương của Xuân Quỳnh làm sao duy trì sự sống của bốn năm nhân mạng nhưng lực hút của tình yêu mãnh liệt đã vượt qua tất cả, đã gắn kết họ thành một tổ ấm, một tình yêu đích thực.

Chuyện Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ - 3

Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thời trẻ.

Trong bài thơ “Bàn tay em” Quỳnh viết: “Gia tài em chỉ có bàn tay/ Bàn tay em ngón chẳng thon dài/ Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả/ Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ/ Hái rau dền, rau dệu nấu canh/ Tập vá may, Tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ/ Đường tít tắp không gian như bể/ Anh chờ em cho em vịn bàn tay/ Trong tay anh, tay của em đây/ Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ / Trời mưa lạnh, tay em khép cửa/ Em phơi mền, vá áo cho anh/ Tay cắm hoa, tay để treo tranh/ Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc/ Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc/ Bàn tay em dừng trên vừng trán lo âu/ Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau/ Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả/ Khi vắng anh bàn tay em biết nhớ/ Lấy thời gian đan thành áo mong chờ/ Lấy thời gian em viết những dòng thơ/ Để thấy được chúng mình không cách trở/ Bàn tay em, gia tài bé nhỏ/ Em trao anh cùng với cuộc đời em”.

Đọc xong là ta đủ biết Quỳnh viết tặng ai rồi. Từ giờ phút ấy, hai trái tim đã hòa chung nhịp đập. Một thông tin họ sẽ cưới nhau gây chấn động dư luận. Mẹ đẻ Lưu Quang Vũ kịch liệt phản đối. Chị gái Xuân Quỳnh nhất quyết không thể chấp nhận. Tuổi tác quá chênh lệch. Kinh tế cực kỳ khó khăn. Thời gian sớm muộn họ cũng đào thải nhau thôi. Bạn bè phản đối công khai, cũng có nhưng cười thầm và lắc đầu thì nhiều. Họ lo cho gia đình có cái “biệt thự” chỉ 6m2 chứa đựng bốn năm con người làm nơi ăn chốn ngủ và chỗ nào, thời gian nào để sáng tác? Họ thương Quỳnh và lo cho Quỳnh sẽ không có đường ra. Những bài thơ “Bàn tay em” là niềm tin, là quyết tâm sắt đá của trái tim Xuân Quỳnh.

Nhà văn Bùi Bình Thi viết về “Quỳnh và Vũ” ngắn mà hàm xúc: “Với Vũ, cứ mỗi lần tôi leo lên cầu thang tối và nhớp nháp của căn nhà tập thể 96 phố Huế, tôi lại không thể quên được cái hồi Vũ mới ra khỏi bộ đội kiếm sống bằng cách nhận về nhà để vẽ những tấm Pano quảng cáo. Khi là một khối vải hình chữ nhật viết nắn nót bằng màu, chữ in bảng nội quy của cơ quan nào đó, khi là một lớp trung cấp y khoa đặt Vũ vẽ… Còn Vũ lúc ấy từ đầu đến chân dính đầy mầu. Vũ có được những công việc ấy phần lớn đều do tài ngoại giao mà kiếm việc của Xuân Quỳnh. Khi thôi vẽ, Xuân Quỳnh lại xin cho việc làm ở Tạp chí Sân khấu, nhờ đấy mà Vũ có được những bài viết chân dung các nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng. Vũ viết rất hay, nhiều nơi biết tiếng đến nhà đặt bài. Tôi đến, bận gì thì bận, hoặc như các bạn Bằng Việt, Đỗ Chu… đến, anh đều ngừng tay, lấy khay chén ra pha trà và trò chuyện với một giọng bao giờ cũng dịu dàng ân cần. Xen vào giữa những công việc để kiếm sống ấy, Vũ làm thơ, viết truyện ngắn gửi cho các báo. Thế rồi Vũ viết kịch, đúng hơn là “sản xuất” kịch! Căn nhà Vũ và Quỳnh ở hẹp đến nỗi mỗi lần tôi đến chơi, cứ phải ngần ngừ ở ngoài để ngó xem trong cái gian bé nhỏ như một cái hộp ấy, tôi có thể ngồi đâu và tôi nhớ, cho dù căn buồng có hẹp cũng ba bề sách chất lên đến trần. Còn mé ngoài một chỗ nữa, nhỏ hơn, lát gỗ treo thẻo đảnh bốn vách là những mảnh gỗ đóng tạm bợ, cứ khiến tôi có cảm giác như chỗ ấy chỉ cần cái thằng nặng cân như tôi mà đặt chân vào là tất cả đồng loạt “rụng” xuống tầng một như chơi. Chỗ ấy cũng là bếp. Tôi thường gặp Quỳnh ở đây. Quỳnh nấu nướng làm món ăn cho chồng con. Tính Quỳnh cũng lạ. Ở cơ quan thích nói cười vừa sắc sảo, vừa duyên dáng và cũng thích ồn ào, thích những chỗ vui, nhưng khi về nhà thì lại lặng lẽ làm đủ mọi thứ việc bếp núc mà trông vẫn cái vẻ nhàn nhã cứ như không…

Tôi có cảm giác Quỳnh không phải là tay làm bếp, nhặt rau, vo gạo, thái miếng thịt bé bằng cái lưỡi mèo… mà như Quỳnh đang chăm chú đọc bản thảo vậy. Ở Xuân Quỳnh là tôi thấy vừa đầy đủ vừa trọn vẹn. Quỳnh là một người đàn bà tài năng, tốt tính mà lại đẹp. Ở Quỳnh như có các tiêu chuẩn mà các tiêu chuẩn ấy vừa đến độ để hội tụ vào con người Xuân Quỳnh… Gia đình con cái ba bề (mọi người thường nói “con anh, con em, con chúng ta”) mà đứa nào Quỳnh cũng chu tất. Quỳnh cũng cư xử với ba con theo tâm lý và tính tình của từng đứa. Rồi chạy ăn hàng ngày, lo đi học ngoại ngữ, lo viết truyện thiếu nhi, còn thơ là việc chính rồi. Chưa hết, có lần là biên tập mà lại là biên tập văn xuôi, một công việc nặng nhất của khâu biên tập. Cái năm tôi viết cuốn “Hành lang phía đông” Quỳnh là người động viên tôi nhiều nhất và nhận lấy khâu biên tập. Chừng hai tháng sau Quỳnh đã biên tập xong bản thảo của tôi. Quỳnh đọc rất kỹ và góp ý đến từng chi tiết nhỏ. Quỳnh rất am hiểu văn xuôi, hiểu kết cấu của tiểu thuyết và am hiểu cuộc đời, đón bắt được những vấn đề đời sống đang đặt ra. Có thể nói trong đời viết của tôi, Quỳnh là một người biên tập mà tôi quý mến và nể trọng nhất. 

Còn với Lưu Quang Vũ, trong cảnh sống khó khăn và chật chội như vậy mà Vũ lại là người viết nhiều nhất, viết khỏe nhất. Trong vòng 10 năm Vũ viết đến trên năm chục vở kịch và có nhiều lúc mấy chục đoàn kịch cùng công diễn mấy chục vở của anh. Trong căn buồng ấy Vũ ơi, Vũ ngồi ở chỗ nào để viết hả Vũ? Điều lớn lao nhất tôi học được ở Vũ là sức làm việc, ham làm việc, biết làm việc một cách khoa học. Vũ đã để lại cho tôi các tấm gương lớn lao nhất là như vậy đấy.

Am hiểu, cảm phục và thương yêu Xuân Quỳnh nhất là chị gái Nguyễn Thị Đông Mai qua hồi ức: “Xuân Quỳnh-Một nửa cuộc đời tôi” thật quá xúc động. Bà Vũ Thị Khánh (vợ nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, mẹ đẻ của Lưu Quang Vũ, sau này là mẹ chồng Xuân Quỳnh) khi biết con mình thật lòng thương yêu và muốn sống cùng Xuân Quỳnh, lúc đầu bà không ủng hộ, thậm chí còn phản đối nhưng trước tài năng, sắc đẹp, đức độ và những gì Quỳnh vun đắp cho hạnh phúc gia đình, bù đắp cho Lưu Quang Vũ, hết lòng thương yêu các cháu của bà.

Chuyện Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ - 4

Gia đình sum họp đầm ấm.

Bà Khánh thổ lộ: “...tâm lý của một người mẹ thấy con trai mình đã một lần dang dở hạnh phúc với người vợ là diễn viên, nay lại lấy một người vợ văn nghệ sĩ nữa, không biết rồi sẽ sống ra sao? Hơn nữa lại quá chênh lệch về tuổi tác. Dư luận nhiều người phản đối và tỏ ý nghi ngờ sự bền vững của mối tình sóng gió này. Nhưng bất chấp tất cả, Vũ và Quỳnh vẫn quyết định lấy nhau. “Đám cưới” của hai người được tổ chức đơn giản ở cửa hàng ăn Mỹ Kinh phố Hàng Buồm. Hôm đó ngoài cô dâu chú rể, chỉ có tôi, nhà tôi – Ông Lưu Quang Thuận và mấy đứa em của Vũ. Nhà tôi rất thương Xuân Quỳnh. Ông kiên trì thuyết phục tôi chấp nhận để hai con có một gia đình riêng cho đỡ tội nghiệp. Thời gian đầu về sống với nhau, vợ chồng Quỳnh Vũ nghèo lắm. “Tài sản” có giá trị nhất trong nhà là một cái phích Trung Quốc. Hai vợ chồng không có cả giường nằm. Lúc rời bỏ gia đình cũ, cả hai ra đi với hai bàn tay trắng. Để tạm sống cho qua ngày, Vũ phải làm đủ nghề. Bài “Những ngày ấy” Quỳnh viết: “Củi thì thiếu và dầu cũng thiếu/ Điện tắt ban ngày, điện tắt ban đêm/ Nhiều người mua nhưng ít cửa hàng/ Giờ thì ít, xếp hàng lâu phát cáu/ Nhất là ở cửa hàng bánh mỳ mùa đông.

Những ngày ấy tài năng và sự nghiệp của cả hai đã đang tỏa sáng.

Tôi rất thương vì hai vợ chồng nghèo túng quá, nhưng vẫn thấy yên tâm vì Vũ và Quỳnh sống với nhau rất đầm ấm, hạnh phúc. Vũ có vẻ rất thoải mái và làm được nhiều việc hơn. Cả gia đình Vũ ở trong một căn phòng diện tích chỉ 6m2. Hai vợ chồng và ba con ở. Mùa hè nóng nực đến không thể chịu nổi. Ban đêm, cả nhà phải kéo nhau lên sân thượng để ngủ. Ba anh em, con của Vũ-Quỳnh tuy không cùng bố cùng mẹ nhưng sống rất hòa thuận và rất quý mến nhau. Mi (tên gọi thân mật của Lưu Quỳnh Thơ) được cả nhà yêu lắm. Ngay từ nhỏ cháu đã sớm bộc lộ tài năng. Mi thông minh, học giỏi, vẽ đẹp, đàn hay, viết truyện cũng hay. Mới lên ba tuổi, Mi đã đoạt giải thưởng cuộc thi vẽ tranh quốc tế với chủ đề “Năm 2000 em sẽ sống như thế nào?”. Mi là nhân vật chính trong rất nhiều câu chuyện, bài thơ của mẹ Quỳnh và bố Vũ. Khi còn ở Báo Văn Nghệ, tôi đã mang máy ảnh sang chụp tranh của Lưu Quỳnh Thơ in trang nhất cho số báo Trung Thu và số Thiếu nhi mồng một tháng 6.

Sau này bà Khánh nói về con dâu thế này: “Quỳnh là một phụ nữ tài năng, thông minh và yêu thương chồng con hết mực. Ban ngày vất vả với công việc cơ quan, công việc gia đình, lo chợ búa cơm nước, giặt giũ, học hành cho ba đứa con, Quỳnh chỉ có thời gian sáng tác thường là vào khoảng sau mười một giờ đêm, khi các con đã ngủ yên, Quỳnh mới ngồi bệt trên nền nhà, kê giấy lên đầu gối làm “bàn” để viết. Cả nhà chỉ có một cái bàn cỏn con “ưu tiên” cho Vũ ngồi làm việc. Thế nhưng tình yêu và sự chăm sóc chu đáo của Quỳnh đã giúp đỡ cho Vũ viết được nhiều, được tốt như thế. Đặc biệt là qua đợt Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, Vũ có 8 vở tham dự thì 6 vở được Huy Chương Vàng, 2 vở được Huy Chương Bạc và nhà viết kịch Tào Mạt có bộ ba vở chèo “Bài ca giữ nước” đoạt Huy Chương Vàng với số phiếu cao nhất, 100%.

Ở Báo Văn Nghệ, hết giờ làm việc, trên đường về tôi gặp Vũ nhiệt liệt chúc mừng và hỏi cảm nghĩ của anh với tác giả Tào Mạt. Không hề đắn đo, mặc dù thắng lớn như vậy nhưng Vũ vẫn thừa nhận và tôn vinh: “Chú Tào Mạt là bậc thầy trên nhiều lĩnh vực”.

Họa sĩ, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Mỹ thuật Nguyễn Quân quen biết Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ từ năm 1971. Ông cũng là người hóm hỉnh tiếu lâm có hạng khi nhận xét người khác nhưng cũng phải phục lăn Xuân Quỳnh về cái tài đối đáp và châm biếm. Có người thì chị bảo là loại “trâu luộc cả con”, người khác chị nói anh ta thuộc loại “chó lai Tây”, người thì chị bảo là “chuột ngày”, người khác thì anh ta thuộc loại “rửa tay vòi nước này rồi sang tráng lại ở vòi nước kia”. Về một dịch giả, nhà thơ trẻ hay khoe khoang thì chị chê “Anh ta còn đang tập nói cho đúng ngữ pháp”!

Báo Văn Nghệ ở 17 phố Trần Quốc Toản thời ấy còn khá chật, chỉ có một phòng làm việc cho các phóng viên. Phòng làm ảnh của tôi cũng chỉ 4m2, ở trong cái phòng đó. Tôi thường để cửa khép hờ, nghe rất rõ. Đến ngày Xuân Quỳnh và nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú trực tòa soạn, tôi thường được nghe những nhận xét tương tự như Nguyễn Quân đã kể. Có hôm đọc xong tập thơ của một anh chàng Việt Kiều nào đó, Xuân Quỳnh phá lên cười với Ngọc Tú, kèm theo một nhận xét: “Thơ với thẩn dở hơi và thối như cục c, thế mà lại có cái dòng in đậm: “Nghiêm cấm không được in lại nếu không được tác giả cho phép!”. Quỳnh lại phá lên cười. Anh ta có biếu tiền cũng không ai thèm nhận, huống chi in lại thơ ấy!

Thời điểm ấy trong túi của Xuân Quỳnh (và của nhiều người) không mấy khi có tiền. Quỳnh thường phải vay nóng, cả người trong và ngoài cơ quan nhưng trả nhanh và rất sòng phẳng. Chỉ riêng tôi là Quỳnh “tha” bởi Quỳnh biết gia đình tôi có 5 người sống thời bao cấp ở Hà Nội và chỉ một mình tôi có hộ khẩu. Thế nhưng sau những chuyến đi công tác ở miền Nam hay nước ngoài về, Quỳnh vẫn dành dụm tiền để có quà cho chồng con, cho bạn bè, dù nhiều dù ít. Quỳnh còn mua cả áo tặng cho con gái tôi, thật là cảm động. Mỗi khi xuất bản sách hay có vé xem kịch Lưu Quang Vũ, Quỳnh đều nhớ đến tôi.

Cuộc sống gia đình Quỳnh-Vũ là như thế. Sự nghiệp của cả hai đều đang thăng hoa, tỏa sáng rực rỡ. Quỳnh đã thông báo một tin vui với bạn bè rằng: “vợ chồng mình đã được phân nhà! Sau đợt xuống Hải Phòng làm việc, kết hợp đi nghỉ mát trở về sẽ dọn lên nhà mới, kết thúc cái thời khốn khổ ấy”!.

Nhưng quái ác thay, nhà mới chưa được ở, cái ngày 29 tháng 8 năm 1988 định mệnh ấy đã cướp đi sự sống, một tai nạn giao thông tại đầu cầu Phú Lương, thị xã Hải Dương (tỉnh Hải Hưng) đã kết thúc sự nghiệp đang vinh quang chói lọi của thi sĩ Xuân Quỳnh, nhà văn-nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và con trai út, cháu Lưu Quỳnh Thơ (mới 13 tuổi) đẹp như một hoàng tử, tài năng đang bắt đầu phát triển.

Thông tin ấy được phát ra gây chấn động dư luận cả nước, không ai muốn tin đó là sự thật. Ngày 29 tháng 8 năm nay 2023 tin đau xót đó tròn 35 năm, nhưng sự nghiệp thơ văn và cuộc đời của Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.