Người Việt đón tết cổ truyền nơi tuyết trắng

Ngắm tờ lịch treo tường vừa được một công ty người Việt tại Mát-xcơ-va tặng, có ghi cả ngày âm lịch kèm theo, nhẩm tính Tết Nguyên đán vẫn còn cách hơn 2 tháng nữa, nhưng Tết dương lịch thì lại rất gần.

Sống ở một đất nước ăn Tết năm mới theo dương lịch, người Việt dần dần cũng coi đó là Tết chính của mình. Trên các đường phố Mát-xcơ-va và các thành phố khác của nước Nga, mới đầu tháng 11 dương lịch, đã thấy những cây thông cao hàng chục mét rực rỡ ánh đèn nhấp nháy, dựng ở các quảng trường để đón mừng năm mới và ngày lễ Giáng sinh. (Người Nga đón lễ Giáng sinh sau năm mới, vào ngày mồng 7 tháng 1). Tiết trời băng giá đến âm 15-20 độ, người Nga vẫn nô nức đi chợ và các siêu thị mua sắm. Khi người Nga đi sắm Tết thì đó là mùa vui, mùa thu hoạch lớn trong năm của người Việt buôn bán tại Nga. Mười ngày nghỉ Tết, người Nga rượu chè vui chơi xả láng, người Việt kinh doanh ngoài chợ chẳng biết bán hàng cho ai, đành phải nghỉ theo, và đón Tết cùng họ.

Đón năm mới cùng dân sở tại, nhưng không thể nào quên Tết Nguyên đán cổ truyền dân tộc. Dẫu ở một phương trời xa lạ, cách Tổ quốc đến hàng vạn dặm, chẳng có sương xuân, chẳng có hoa đào, chẳng có mưa phùn lất phất, nỗi nhớ Tết vẫn cứ đến với mỗi người con đất Việt từ trong tiềm thức. Vì ở xa, nên việc chuẩn bị đón Tết sớm hơn trong nước rất nhiều. Các công ty, các trung tâm thương mại cử người về Hà Nội đặt in lịch treo, lịch để bàn… mang sang tặng cho bà con đang buôn bán trong khu vực mình quản lý. In trong nước, vận chuyển bằng đường máy bay vẫn rẻ hơn in ở Nga, lại in được cả ngày âm lịch, giờ hoàng đạo, người buôn bán rất cần loại lịch này. 

Cánh làm dịch vụ thì lo đặt mứt Tết, gạo nếp, lá dong, lạt giang  từ trong nước gửi sang để gói bánh chưng. 

Người Việt đón tết cổ truyền nơi tuyết trắng - 1

Người Việt ở thành phố Voronhez gói bánh chưng. Ảnh của Thanh Thế - Xuân Hưng.

Nói đến bánh chưng, là nói đến chuyện hồn cốt dân tộc. Những năm 80 của thế kỷ trước, khi cộng đồng người Việt tại Nga chưa hình thành chính thức, có được tấm bánh chưng ngày Tết là điều không ai tưởng tượng nổi. Tôi có anh bạn là sinh viên, được người nhà gửi một chiếc bánh chưng sang qua chị công nhân hợp tác lao động về phép. Hơn chục đứa cùng trường tập trung lại để “thưởng thức” hương vị Tết quê nhà. Mỗi đứa được chia một miếng bé tẹo. Có đứa không dám ăn ngay, đưa miếng bánh lên mũi hít hà mùi đỗ, mùi thịt, mùi hành, còn thoảng cả mùi lá dong, rồi bảo: “Đây là mùi vị của quê hương, là tình cảm của những người thân yêu gửi vào trong đó”. Nghe nó nói mà ai cũng thấy rưng rưng. 

Liên Xô giải thể, cộng đồng người Việt tại Nga chính thức hình thành và các dịch vụ phục vụ đời sống cộng đồng cũng được sinh ra. Anh Trí, thường gọi là Trí Béo, một nghiên cứu sinh ở Đôm 5 - Mát-xcơ-va, với đầu óc nhanh nhạy, từ năm 1992, "đánh" bánh chưng và cành đào từ Việt Nam qua hãng hàng không Aeroflot của Nga sang bán cho bà con. Hàng tấn bánh chưng bán hết vèo trong vài ba ngày. Cộng đồng người Việt thời ấy còn truyền tụng câu ca dao: “Tết này có vẻ khá hơn/ Bánh chưng Trí Béo ăn nhờn cả môi”. Từ khi Hãng hàng không Vietnam Airlines lập đường bay Mát-xcơ-va - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh, người Việt ở Nga cảm thấy quê hương gần gũi hơn bởi các món ăn dân tộc chở sang còn tươi roi rói: Lươn, cua, ốc, ếch, ba ba, rau muống, lá chanh, lá lốt, xương xông, mùi tầu, rau ngổ, măng, miến, mộc nhĩ, v.v...

Người Việt đón tết cổ truyền nơi tuyết trắng - 2

Đại sứ Phan Xuân Sơn (đeo kính) nâng cốc chúc Tết cùng các Văn nghệ sĩ của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại LB Nga. Ảnh của Chí Linh.

Vào bất cứ cửa hàng nào của người Việt ở Mát-xcơ-va, cũng có thể mua những thứ trên một cách dễ dàng. Những người làm dịch vụ nghĩ đến chuyện chuyển gạo nếp, đỗ và lá dong, lạt giang từ trong nước sang gói bánh chưng, giá thành rẻ hơn rất nhiều. Vài năm sau, có người tìm được nguồn gạo nếp và đỗ xanh từ Uzbekistan chuyển về Nga, còn rẻ hơn nữa. Qua mấy vụ, tổng kết lại thấy gạo nếp Uzbekistan không thể ngon bằng, đành phải mua nếp cái hoa vàng từ Việt Nam. Dĩ nhiên, lá dong và lạt giang thì chỉ ở Việt Nam mới có. Người Việt mải làm ăn buôn bán tất bật ngoài chợ, tất cả chuyện Tết trông chờ vào dịch vụ. Những người làm dịch vụ gói bánh chưng có cơ hội kiếm bộn tiền mỗi năm chỉ một dịp Tết mà thôi.

Bánh chưng có thể gọi là “quốc hồn quốc túy” của người Việt. Không có bánh chưng không thể thành ngày Tết. Đã thành lệ, năm nào các Trung tâm Thương mại của ta như Trung tâm Kinh tế Thương mại Quốc Tế, Bến Thành, Sông Hồng, Lion, Togi… cũng đều đặt các nhóm dịch vụ gói hàng ngàn chiếc bánh chưng tặng cho bà con. Trước Tết hai ba ngày, cán bộ các công ty đi từng quầy phát túi quà cho bà con. Kèm theo bánh chưng còn có chai sâm-panh và món quà tinh thần như cuốn lịch treo tường, hoặc tạp chí Đất nước của Đại Sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, hoặc Đoàn kết của Hội người Việt, hoặc Người bạn đường của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga. Những năm gần đây, Đất nước, Đoàn kết ngừng xuất bản, Người bạn đường cũng “năm thì mười họa”, báo Tết trong nước chuyển sang mới là món ăn tinh thần chính thức. Báo Tết trong nước không nằm trong túi quà tặng của các công ty, mà bày bán tự do ở các quầy dịch vụ trong các chợ, các trung tâm thương mại. Hầu như trong nước có báo gì ở Mát-xcơ-va có báo ấy. Người ta chỉ đọc các số Tết thôi, chứ số thường chẳng ai đọc bao giờ. Những tờ được ưu tiên đánh sang với số lượng nhiều là Văn nghệ, Tiền phong, Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động… 

Đặt được bánh chưng, lại được công ty tặng thêm, mua một hai số báo Tết, thế là Tết đã đến ngưỡng cửa rồi. Tết của người Việt tại Nga đơn giản rất nhiều so với trong nước nên không phải bận tâm dành nhiều thời giờ mua sắm. Tết đơn giản bởi đa phần người Việt chỉ ăn Tết có một ngày. Vì sao chỉ có một ngày? Bởi vì hơn 90% người Việt làm ăn buôn bán ngoài chợ. Tết của ta nhưng vẫn là ngày làm việc của Tây, người dân sở tại vẫn đi chợ mua sắm, người Việt vẫn phải mở cửa hàng để phục vụ. Với lại, tiền thuê ki-ốt bán hàng ở chợ hoặc trung tâm thương mại vô cùng đắt, anh nghỉ chợ một ngày là mất không mấy trăm đô tiền thuê chỗ. Bạn hãy hình dung một quầy thuê ở chợ Liu (tên một trung tâm thương mại bên cạnh ga tàu điện ngầm Liblino, người Việt quen gọi tắt) có diện tích khoảng 15 mét vuông, phải đóng khoảng 2 chục ngàn đô một tháng, áp lực lớn như thế, chẳng ai dám nghỉ nhiều? Ngày nghỉ cũng không được miễn thuế, nghỉ nhiều lòng cứ như lửa đốt.

Ngày 30 Tết, mọi người đóng cửa hàng lúc một hai giờ chiều, về nhà làm cơm đón giao thừa. Nhà nào đông người, thì cử hẳn một người ở nhà chuẩn bị nấu nướng từ sáng, người bán hàng nán lại đến 4-5 giờ chiều mới đóng cửa, tranh thủ kiếm thêm khách. Ngày mồng một Tết, dành trọn vẹn cho việc nghỉ ngơi, mời mọc bạn bè xung quanh. Mồng hai Tết, bố mẹ lại bắt đầu ra chợ bán hàng, trẻ con lại phải cắp sách đến trường. Có gia đình lại đi chợ bán hàng ngày mồng một, với lý do năm nay mồng một đẹp ngày, tốt cho việc khai trương. Người Việt, người Tàu nghỉ cả, mình mở cửa hàng tha hồ đắt khách. Mồng hai người ta đi làm thì mình mới nghỉ ở nhà ăn Tết.

Đại sứ quán, các Hội đoàn, các công ty của cộng đồng người Việt hàng năm vẫn tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp Tết cổ truyền để gắn kết cộng đồng, tạo thêm niềm vui tinh thần cho bà con, giảm áp lực gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên vai họ. Hàng năm, thường cứ vào chiều 27 Tết, tại hội trường Đại sứ quán, có tổ chức gặp gỡ đại diện các Hiệp hội, công ty của người Việt, xem biểu diễn văn nghệ rồi liên hoan với những món cổ truyền dân tộc. Có năm Đại sứ quán còn mời các nghệ sĩ trong nước sang biểu diễn. Có năm Hội người Việt tổ chức thi văn nghệ cộng đồng. Các ký túc xá có đông người Việt sinh sống thì tổ chức liên hoan chung cả ký túc xá chiều 29 Tết. Có nơi, trước đó một hai ngày, chủ công ty là người Việt tổ chức đón Tết chung cho bà con ngay tại chợ. Riêng khối sinh viên thì tổ chức đón Tết tại trường, mời bạn bè quốc tế cùng chung vui để giới thiệu truyền thống văn hóa Việt. Một số gia đình vợ chồng Nga - Việt cũng dẫn con cái đến ký túc xá đón Tết cùng cộng đồng, để thế hệ lai hai dòng máu hiểu được cội nguồn và phong tục Việt Nam.

Tết cổ truyền là dịp người Việt ở Nga được nghỉ xả hơi sau một năm vất vả (dẫu được nghỉ ít ngày), là dịp tưởng nhớ tổ tiên, quê hương đất nước, cha mẹ họ hàng. Ngày Tết cũng là ngày gắn kết của cộng đồng người Việt trên quê hương tuyết trắng. Còn nhiều ngày nữa mới đến Tết, mà lòng người xa xứ trong giá lạnh đã nao nức nghe như những bước chân của mùa xuân đang đến.

Châu Hồng Thủy

Thu qua Phủ Quỳ
Thu qua Phủ Quỳ

Những cánh đồng lúa rộng nghìn mẫu rực vàng như một nỗi day dứt khi vào mùa gặt. Đất trời đang trôi xuôi đến những...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi