Thu qua Phủ Quỳ

Những cánh đồng lúa rộng nghìn mẫu rực vàng như một nỗi day dứt khi vào mùa gặt. Đất trời đang trôi xuôi đến những ngày tháng cuối năm. Cái lạnh hằn rõ trong từng ngọn gió, trên những chiếc áo dần sẫm màu của bà mế bản dệt Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cầm liềm gặt ra thăm đồng. Mùa thu đang qua Phủ Quỳ.

Phủ Quỳ hay Phủ Quỳ Châu là danh xưng có từ trăm năm nay, gọi chung cho cả một vùng tây bắc xứ Nghệ. Giờ đây, truyền thông địa phương vẫn ưa gọi tên cũ để nói về cả vùng đất có nhiều điểm chung về đặc thù thổ nhưỡng, kinh tế, văn hóa. Giới nghiên cứu khảo cổ từng tìm thấy dấu hiệu cư trú của người xưa từ hàng vạn năm về trước ở khắp Phủ Quỳ.

Thu qua Phủ Quỳ - 1

Sắc thu trên núi Pù Chông Cha (Quế Phong - Nghệ An) - Ảnh Hồ Phương

Theo thời gian, những dấu xưa dần phai nhạt. Trong suốt hơn nửa thế kỷ xây dựng kinh tế nông trường, nhà máy, doanh nghiệp, trang trại, hầm mỏ và cả những khu đô thị đã mọc lên giữa một miền trập trùng rừng núi trải dài từ Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp qua Quỳ Châu lên đến huyện miền biên giới Quế Phong. Đó là địa vực của Phủ Quỳ tồn tại đến sau cách mạng tháng Tám. Miền đất này là nơi dừng chân của cộng đồng người Thái trong những cuộc di cư từ Điện Biên, Yên Bái vào Thanh Hóa, Nghệ An. Từ đây, người Thái tiếp tục di chuyển đến các huyện Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn ngày nay.

Lâu nay tôi nhận ra đất Phủ Quỳ vào mùa thu có một cung bậc riêng. Những cánh đồng lúa rộng trăm mẫu rực vàng như một nỗi day dứt khi vào mùa gặt. Đất trời đang trôi xuôi đến những ngày tháng cuối năm. Cái lạnh hằn rõ trong từng ngọn gió, trên những chiếc áo dần sẫm màu hơn của bà mế bản dệt Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tay cầm liềm gặt ra thăm đồng chuẩn bị cho vụ gặt.

Thu qua Phủ Quỳ - 2

Mùa vàng trên cánh đồng Hoa Tiến Ảnh: HV

Cái lạnh cũng hằn rõ trên gương mặt người thiếu phụ có chồng là bộ đội đóng quân ở xa. Đã ngót mười năm nay, chị phải xuống ruộng một mình, tự tay làm từ cày bừa, cấy hái, chăm con. Chị than thở rằng, vụ này nhiều nhà làm ruộng nước ở bản Hoa Tiến mất mùa. Lúa đang đẻ nhánh, hai mẫu ruộng nhà chị đã nhiễm bệnh rầy nâu. Hai lần phun thuốc chẳng ăn thua. Năng suất vụ mùa chỉ bằng nửa vụ chiêm.

Cái lạnh đến trong buổi chiều chạng vạng khi tôi đang mải ngắm hàng trăm chiếc cọn nước xoay đều đặn một cách vô ưu dưới dòng suối Nậm Việc. Trên cánh đồng, một vài người chậm rãi gánh lúa ra chiếc xe thồ trong làn nắng nhạt. Những cơn gió lạc loài lang thang trên cánh đồng khiến đám lúa nhẹ nhàng lay động.  Ông lão chăn trâu bên vệ cỏ, cạnh bờ ruộng tỏ ra chẳng quan tâm những ống kính máy ảnh của cánh phóng viên. Người dân nơi này đã quá quen với nhà báo và những đoàn khách du lịch thường bất thình lình xuất hiện và lặng lẽ rời đi. 

Trong một ngôi nhà đầu bản, một phụ nữ trẻ ngồi bên cửa sổ căn nhà sàn gỗ, cắm cúi thêu váy. Bên cạnh là chú bé con chừng lên ba đang bám vào ngực áo vòi vĩnh bú tí. Làng bản về chiều có phần tĩnh lặng. Chỉ nghe thấp thoáng đâu đó tiếng một bà mế gọi gà về chuồng. Mùi rơm mới nhẹ lan trong các ngõ bản với những con đường bê tông nhỏ hẹp. Hoa Tiến không chỉ là một bản Thái cổ với nghề dệt truyền thống có từ trăm năm nay. Đây còn là nơi phát tích của dòng họ Sầm là danh gia vọng tộc của đất Phủ Quỳ. Phong cảnh trong bản còn lăng mộ ông Sầm Văn Phòng, một tri phủ nổi tiếng sống đầu thế kỷ 20. Trong ánh nắng cuối ngày, khu lăng mộ trở nên tĩnh mịch và cô quạnh. Vài chiếc lá thu buông mình trong không trung, thả xuống bên ngôi mộ phủ đầy rêu xanh. 

Vậy là mùa thu ở Phủ Quỳ đã khởi sự.

Trong hành trình trên những tuyến đường dọc ngang ở miền tây xứ Nghệ bất định giữa trời thu đưa tôi dừng bước ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong. Lúc này trời đã tối mịt. Phần lớn đường sá ở khu đô thị nhỏ nhoi này không có đèn chiếu sáng. Sau bữa tối, tôi lặng lẽ tản bộ dọc con đường qua tòa nhà ủy ban và huyện ủy, chợt thấy sực nức mùa hoa sữa. Mùi hương đã trở nên quen thuộc với tôi từ thuở sinh viên. Trong đêm tối, hương hoa sữa càng thêm nồng đượm.

Thu qua Phủ Quỳ - 3

Những thiếu nữ bên cọn nước - Ảnh: HV

Sau một đêm trằn trọc với tiếng cú rúc buồn thiu ở thị trấn Kim Sơn, bước chân phiêu du như một sự tình cờ dẫn chúng tôi đi sâu hơn vào đất trời miền tây. Bình minh bắt đầu bằng một màn sương trắng vắt ngang dải núi phía xa, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Hơn một giờ đồng hồ vượt dốc, chúng tôi đã qua cổng trời đi vào xã vùng biên Nậm Giải. Những cơn mưa bóng mây chợt đến rồi chợt đi khiến bản làng như thêm trầm mặc. Quá trưa, từ một điểm trường ở bản Chà Lấu chợt vang lên tiếng trống giục giã. Bầy trẻ tan học túa ra từ cổng trường như bầy chim non. Chỉ một lúc sau, chúng đã mất hút trong những ngôi nhà lúp xúp. Bên cửa sổ, những cặp mắt trong veo nhìn ra phía những vị khách lạ với ánh mắt vừa tò mò vừa tinh nghịch. Bên chiếc ao nhỏ cạnh ngôi nhà sàn, người cha cùng cậu con trai thảnh thơi ngồi buông câu vẻ thư thái. Nhịp sống nơi đây thật là nhàn tản.

Khi đã trở nên quen thân hơn đôi chút, lũ trẻ mới men lại đòi chụp ảnh. Chúng mạnh bạo xán đến xem những tấm hình vừa chụp xong và cười khúc khích. Căn nhà sàn giữa ban trưa chợt rộn rã tiếng trẻ.

Ô mà chẳng bao lâu nữa là mùa đông đến đó, các bé ạ.

Hữu Vi

Tin liên quan

Tin mới nhất

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 - 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước