Nhà lãnh đạo kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn

Với tư duy lý luận, phương pháp luận khoa học và sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận với thực tiễn, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp rất rộng và to lớn trên lĩnh vực công tác tư tưởng – lý luận.

Tư duy lý luận đóng một vai trò hết sức to lớn trong nhận thức và cải tạo thế giới. Nhờ có tư duy lý luận khoa học, con người mới phát hiện được các quy luật vận động và phát triển của hiện thực khách quan, hướng sự vận động đó vào phục vụ lợi ích của con người. Ph.Ăngghen chỉ rõ rằng: “một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận” (C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.720, 489).

Theo đó, một người được gọi là có tư duy lý luận không chỉ là có “tài năng bẩm sinh”, mà còn là quá trình trải nghiệm dài trong thực tiễn công tác, đam mê với việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để rút ra những quy luật vận động của xã hội, hay nói cách khác là tìm ra bản chất, phương thức, bước đi để đạt tới mục tiêu của cách mạng nước ta. Một trong những người có phẩm chất đó là đồng chí Đào Duy Tùng. Ông đã có những đóng góp quan trọng vào việc hình thành tư duy đổi mới của Đảng ta. 

Đánh giá về những cống hiến to lớn, nhân kỷ niệm ngày giỗ đầu đồng chí Đào Duy Tùng, Tổng Bí thư Đỗ Mười viết: “Thời gian công tác dài nhất của đồng chí Đào Duy Tùng là ở cơ quan Trung ương, hơn 30 năm làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, suốt từ tháng 5/1955 đến năm 1998, khi đồng chí vĩnh biệt chúng ta

Trong ngành tuyên huấn, đồng chí đã lần lượt giữ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học, Phó Trưởng ban kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Viện trưởng Viện Mác Lê-nin và Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Đồng chí liên tục được bầu 4 khóa vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, từ Đại hội IV, Đại hội V, Đại hội VI và Đại hội VII, trong đó, 2 khóa được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Hầu hết quãng thời gian hoạt động ở Trung ương, khi được phân công phụ trách tuyên huấn, đồng chí dành nhiều công sức cho nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị và đường lối, quan điểm của Đảng, đấu tranh sắc bén, nghiêm túc, có hiệu quả chống lại các quan điểm trái với đường lối, quan điểm của Đảng.

Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhân vật có tư tưởng đổi mới, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo những nhân tố mới để vượt lên mình. Đồng chí cũng là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, "khoán 100" rồi "khoán 10", đến Cương lĩnh đổi mới sau này” (Trích bài đăng trên báo Nhân Dân).

Như vậy, những đóng góp của đồng chí Đào Duy Tùng trên lĩnh vực công tác tư tưởng – lý luận là rất rộng và to lớn. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin được khoanh lại ở lĩnh vực thông tin - báo chí, văn hóa - văn nghệ.

Nhà lãnh đạo kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn - 1

Tổng Bí thư Đỗ Mười và Đồng chí Đào Duy Tùng thăm và làm việc tại tỉnh An Giang năm 1993 (Ảnh tư liệu)

1. Trong lĩnh vực thông tin – báo chí

Để đổi mới tư duy lý luận, ông đặc biệt quan tâm tới vấn đề thông tin. Ông chỉ rõ, đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng để đổi mới tư duy. Bởi có thông tin đúng mới có suy nghĩ đúng, không được nhận thông tin thì không có gì để suy nghĩ cả. Nếu nhận thông tin sai lệch thì tư duy không thể đúng. Ông nhấn mạnh, công khai, dân chủ trong thông tin là điều kiện phát triển tư duy khoa học, chống lại tình trạng cửa quyền trong tư duy, kịp thời phát hiện tình trạng trì trệ hoặc hư hỏng trong tư duy.

Vì vậy, sau Đại hội VI của Đảng, ông Đào Duy Tùng đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải tiến hoạt động thông tin của Đảng. Theo ông, để đáp ứng yêu cầu cách mạng đang đặt ra, công tác thông tin cần được tiến hành cải tiến theo các hướng: đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; đưa được tiếng nói của nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp; nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, nêu nhân tố tích cực và cả nhân tố tiêu cực; đưa thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động.

Là nhà lãnh đạo tư tưởng, báo chí, tuyên truyền của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng nhiều lần khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi báo chí là một binh chủng rất quan trọng, không thể thiếu được của cách mạng và bất kỳ trong giai đoạn nào, báo chí cũng thể hiện rõ vai trò xung kích của mình trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể xã hội, đồng thời là diễn đàn của nhân dân. Một trong những nội dung quan trọng của báo chí là cổ vũ phong trào toàn dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; phát hiện và biểu dương kịp thời những sáng kiến hay, những việc làm tốt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bồi dưỡng con người Việt Nam cả về trí lực và thể lực, về phẩm chất và trí tuệ. Đi đôi với việc biểu dương cái hay, cái tốt của chế độ mới, báo chí coi trọng việc phê phán cái ác, cái xấu, các tệ tham nhũng, quan liêu; phê phán những kẻ gieo rắc luận điểm hoài nghi, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước… Báo chí không chỉ phản ánh hiện thực xã hội, mà còn có trách nhiệm định hướng đúng đắn dư luận xã hội trước mỗi sự kiện trong nước và quốc tế. 

Với tư cách người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí, đồng chí Đào Duy Tùng có 17 năm (1965 - 1982) trực tiếp làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Với một thời gian dài trực tiếp lãnh đạo Tạp chí Học tập, đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa tạp chí lý luận của Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện. 

2. Trong lĩnh vực văn hóa – văn nghệ

Khi Bộ Chính trị khóa X ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn học, nghệ thuật (năm 2008), tôi tìm đọc những bài viết của ông về vấn đề này. Có thể nói, khá nhiều quan điểm và sự đánh giá của ông đã được Nghị quyết 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” kế thừa và phát triển lên tầm mới. Đọc lại bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI, tôi thật sự kính phục vì nhiều đánh giá của ông vẫn còn giá trị thời sự.

Ví như, từ thực trạng rất đa dạng, phức tạp của tình hình tư tưởng nói chung, văn nghệ nói riêng lúc bấy giờ, ông vẫn khẳng định: Văn học, nghệ thuật nước ta “có bước phát triển mới, có khởi sắc” với mấy biểu hiện nổi rõ: trong sáng tác các loại hình văn nghệ, “đã bắt đầu xuất hiện một số tác phẩm tốt”; “trong lý luận, phê bình, có không ít thảo luận, tranh luận”.

Nhưng đi liền những biểu hiện quan trọng, đáng mừng đó, ông cũng thẳng thắn chỉ ra “những thiếu sót, lệch lạc không thể coi nhẹ”. Ví như, về quan điểm “có tư tưởng phủ nhận những thành tựu văn học giai đoạn trước, cho rằng văn học giai đoạn trước là văn học minh họa, văn học cung đình, văn học quan phương, văn học không đích thực...”. Văn học, nghệ thuật tham gia chống tiêu cực là cần thiết, nhưng “một số bài viết, phim ảnh, vở kịch... mô tả mặt tiêu cực quá mức, không hướng theo tinh thần xây dựng đã gợi ra tâm trạng bi quan, bế tắc”; “khuynh hướng giải trí không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận, chạy theo thị hiếu tầm thường... gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Về tổ chức, ông chỉ rõ, “tình hình mất đoàn kết trong giới văn học, nghệ thuật là vấn đề không thể coi nhẹ”. 

Trong nhiều luận điểm được đề cập nhằm khắc phục những thiếu sót, lệch lạc nói trên ở cả 2 lĩnh vực, với tư duy biện chứng và nắm chắc bản chất tình hình tư tưởng trong giới báo chí và văn hóa, văn nghệ, ông nhấn mạnh mấy giải pháp cơ bản mà đến nay chúng ta vẫn tiếp tục triển khai. Đó là: đảm bảo quyền thu nhận thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; mở rộng dân chủ trong công tác tư tưởng, thực hiện tính công khai trong thông tin, đảm bảo điều kiện để cán bộ, đảng viên và người dân tự do phát biểu ý kiến của mình qua báo, đài; qua các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học v.v… Tôi thấm thía điều ông nhấn mạnh: “Phải mở rộng dân chủ, nhưng dân chủ phải đi đôi với pháp luật, tôn trọng pháp luật. Quá trình mở rộng dân chủ vừa phải đấu tranh với những hành động vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, vừa phải đấu tranh với những khuynh hướng dân chủ cực đoan, dân chủ tư sản, và không để cho kẻ xấu, kẻ địch lợi dụng để chống chế độ ta”.

Nhà lãnh đạo kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn - 2

Tuyển tập Đào Duy Tùng

3. Nhà lý luận kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn

Tôi chưa có điều kiện đọc hết và nghiên cứu sâu những bài viết, bài nói của ông trong cả bề dày công tác, nhưng có một câu chuyện thực tiễn làm tôi cảm phục tư duy và phương pháp luận khoa học của ông. Đó là vào năm 1979-1981, tôi được dự lớp đào tạo lý luận cao cấp, hệ tập trung hai năm tại Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). 

Đây là thời gian Trung ương Đảng chuẩn bị ra Nghị quyết về Khoán sản phẩm đến người lao động (gọi tắt là “Khoán 10”), có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Tôi có dịp được đọc bài tổng kết của đồng chí Đào Duy Tùng tại Hội nghị Trưởng ban nông nghiệp toàn quốc tổ chức ở Hải Phòng từ ngày 23 đến 26/12/1984. Bài viết chỉ có 7 trang, nhưng với tôi và những người làm báo có tác dụng thiết thực trong công tác thông tin báo chí.

Tôi xin tóm lược mấy điểm cơ bản trong bài tổng kết này. Về những điểm mới, tích cực trong phát triển nông nghiệp ba năm qua (1980-1983), ông chỉ ra 3 điểm: đã kết hợp tốt lao động với đất đai nên đã tạo ra bước phát triển nhiều mặt, nổi rõ là thâm canh lúa; xóa bỏ được một khâu của cơ chế quản lý cũ trong hợp tác xã nông nghiệp vốn nhiều năm kìm hãm tính tích cực của xã viên; khắc phục được tình trạng khá nghiêm trọng kéo dài, khôi phục được tính tích cực lao động và lòng tin của người lao động... Cùng với 3 điểm được nêu trên, ông lưu ý: nhiều tiềm năng lao động chưa được khai thác, trên một số mặt, trận địa xã hội chủ nghĩa bị xâm lấn, thậm chí có chỗ giảm sút...

Từ nghiên cứu thực tế “khoán” trong nông nghiệp, ông lần lượt giải đáp thắc mắc, băn khoăn có phần “hóc búa”: khoán có thu nhỏ kinh tế tập thể; có làm tan rã chăn nuôi; có phá vỡ cơ sở vật chất kỹ thuật và tâm lý tư hữu có phát triển không?... Tôi được biết, để có bài tổng kết này, ông đã nhiều lần xuống các hợp tác xã ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hải Hưng..., trực tiếp nghe và đối thoại với cán bộ, xã viên để tìm ra đâu là mặt thuận cơ bản, vấn đề nào còn vướng mắc để đưa ra những giải đáp đầy sức thuyết phục vì sáng rõ tính khoa học và tính thực tiễn. Điều đặc biệt là, đọc các bài viết của ông, tôi thấy ông rất ít trích lời Các Mác, Ăng-ghen, Lênin..., nhưng không vì thế mà những luận điểm ông nêu ra thoát ly những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, chính vì trong mỗi bài viết, ông đã thể hiện sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.

Nhà lãnh đạo kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn - 3

Câu lạc bộ tuyên truyền măng non tuyên truyền cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Đào Duy Tùng bằng hình thức sân khấu hóa. Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Đã tròn 35 năm, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà báo Đào Duy Tùng vĩnh biệt chúng ta. Độ lùi thời gian càng xa, càng ngời lên những đóng góp quan trọng và quý báu của ông trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng. 

Tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng tồ chức tại Hà Nội ngày 13/5/2024, trong diễn văn của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã ôn lại tiểu sử và những đóng góp lớn lao của đồng chí Đào Duy Tùng:

Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Truyền thống gia đình, truyền thống cách mạng của quê hương Cổ Loa, Đông Anh đã hun đúc nên phẩm chất cao đẹp, trí tuệ, tài năng của nhà lãnh đạo cấp cao, nhà tư tưởng - lý luận xuất sắc của Đảng.

Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, người thanh niên Đào Duy Tùng đã hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh ngay trên mảnh đất quê hương, luôn kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội và quần chúng yêu nước tích cực hoạt động, chuẩn bị tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền.

Hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, lần lượt qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở, huyện, tỉnh đến lãnh đạo cấp cao của Đảng là Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, trong bất kỳ hoàn cảnh và cương vị công tác nào đồng chí Đào Duy Tùng cũng luôn giữ gìn phẩm chất của người cộng sản, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, trung thực, khiêm nhường, làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.

Đặc biệt, đồng chí Đào Duy Tùng thể hiện là một chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng trong công tác tư tưởng, lý luận. Đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, các nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ đến công tác nghiên cứu dư luận xã hội và báo chí.

Với công lao to lớn đối với cách mạng, đặc biệt là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

“Đồng chí Đào Duy Tùng - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng - là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô noi theo. Đảng bộ và Nhân dân Hà Nội rất đỗi tự hào vì có đồng chí Đào Duy Tùng, một trong số những người con ưu tú của Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Hồng Vinh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Lợi nhuận Samsung giảm tốc lớn vì lý do này

Lợi nhuận Samsung giảm tốc lớn vì lý do này

Lợi nhuận quý IV của Samsung Electronics, nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu thế giới, dự kiến bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ trong việc cung cấp chip AI cao cấp cho Nvidia. Điều này làm tăng thêm áp lực trong bối cảnh nhu cầu chip truyền thống suy giảm và sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.