Những cánh diều bay mãi

Quê tôi, dải đất miền Trung đầy khắc nghiệt nhưng cũng từ đó mà chất chứa nên vô vàn ký ức trong sâu thẳm tâm hồn. Những chiều hè vàng nắng, những cánh đồng quê im lìm sau vụ gặt, những cánh diều tuổi thơ bay êm đềm trên bầu trời xa xa cứ lửng lơ, chao liệng, cứ bồng bềnh trong mênh mang nỗi nhớ không thôi. Từ dưới bóng tre làng, những cánh diều vút lên mang theo cả một trời mơ ước, một khoảng đời tuổi thơ bay qua cánh diều mê mải, những đôi chân trần xước móng, những cái đầu xém tóc và nước da đen nhẻm... Thế nhưng! Trong tâm hồn thơ ngây trong trắng ấy, vẫn ướp đầy cả những giấc mơ, những khát vọng trong ngần như ánh trăng đêm hè, như tiếng sáo diều ngân lên trên bầu trời quê hương xanh thẳm.

Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy dường như chỉ chực chờ tiếng trống tan trường ngày tổng kết năm học. Khi cánh cổng trường vừa khép lại cũng là lúc mở ra ba tháng hè với biết bao háo hức, chờ đợi của lũ trẻ chúng tôi. Tạm cất đi sách - vở - lớp - trường, những ngày hè thỏa thích với bao nhiêu trò nghịch ngợm chờ đón chúng tôi phía trước. Thả diều, đá bóng, chơi khăng, chơi cù... Tất cả diễn ra trên những bãi đất, đường quê hay cánh đồng đã trống trơ nằm im sau vụ gặt. Tất cả những trò nghịch ngợm tuổi thơ ấy ngỡ đã qua đi theo năm tháng đời người, ngỡ đã chìm sâu xuống dưới những bộn bề, lo toan, hay nhường chỗ cho những niềm say mê của của cuộc sống thực tại. Nhưng không! Với tôi điều đó chẳng bao giờ xảy ra cả, nó luôn hiện hữu trong cảm thức của lòng mình, nó cứ dội về như những làn sóng, những ngọn gió, cứ mơn man, mê mải, ngân nga trong bầu kí ức tuổi thơ tôi.

Những cánh diều bay mãi - 1

Ảnh minh họa.

Với tôi, tuổi thơ gắn liền với đồng quê, cánh diều với nắng hè cháy bỏng. Ngày ấy, quê tôi thật thanh bình. Làng được bao bọc bởi bốn phía tre xanh. Cứ chiều hè đến, gió lào thổi ràn rạt, cánh đồng trơ trọi, đất đai khô quánh lại, chỉ đêm về mới thật lung linh bởi ánh trăng trải vàng mát lịm dưới bầu trời nhấp nháy vạn vì sao. Trên không trung ấy, tiếng sáo diều ai cứ ngân nga, gióng giả… Tiếng sáo diều trong đêm thanh vắng nghe có lúc nhưng tiếng đàn ai réo rắt, lại có lúc nó trầm đục lại như tiếng đàn bầu. Khi tấu lên nhịp đều đặn nghe vi vu trầm bổng, lúc lại bất chợt kêu lên thánh thót vang rền, lúc lại nghe chơi vơi nhấn nhá. Ấy là do ngọn gió, do cánh diều chao liệng lắc lư lúc gió to, lúc chỉ nằm yên bồng bềnh khi cánh diều no gió. Tiếng sáo giọng kim hay giọng bầu còn do chất liệu làm nên miệng sáo từ các loại gỗ, từ vỏ bầu hay kim loại. Lắng tai nghe tiếng sáo diều hình như nó cũng kêu theo nhịp rung ngân của tâm hồn bao la, bất tận. Trên mỗi làng quê, tiếng sáo diều vi vu như mặc định cho sự thanh bình, yên ấm, vui vầy và hạnh phúc. Thả diều luôn là trò chơi hấp dẫn, cuốn hút đám trẻ chúng tôi.

Để làm được một con diều thật không hề đơn giản. Có rất nhiều công đoạn làm nên một cánh diều. Làm được diều rồi thì làm sao để nó bay lên quả là quá khó với những đứa trẻ tóc hãy còn để chỏm. Ngày ấy diều được phết, dán bằng giấy vở học sinh. Vở học về chưa ráo mực đã bị xé ra để lấy giấy dán diều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là công đoạn làm khung diều. Thật kỳ công lắm mới vót được bộ khung diều ưng ý, và phải mất cả mấy buổi trưa hì hục mới hoàn thành xong bộ gọng diều vừa đảm bảo độ dẻo dai vừa chắc bền và thanh nhẹ.

Đến công đoạn phết dán phải làm sao để cân đối đôi bên, nếu không diều sẽ không bay lên được. Làm xong một con diều thấy lòng rộn ràng niềm vui khó tả. Nhưng chưa, phải là lúc thả được diều bay lên mới sướng. bởi không phải lúc nào diều cũng bay lên đâu, phải cân chỉnh bên này bên kia, rồi bên nặng bên nhẹ... tung lên tung xuống bao nhiêu lần nhưng mãi nó vẫn không bay lên. Có lúc bay lên được một quãng lại quay đầu chúi xuống, có lúc lại cứ quay tròn như chong chóng… Vài ba đứa trẻ thay nhau tung diều lên trời, thay nhau cầm lấy dây diều chạy trên ruộng đất cày để kéo diều lên nhưng vẫn không tài nào bay lên được. Đôi khi không may diều bị rơi xuống nước coi như xôi hỏng bỏng không, lại về hì hục làm lại cho bằng được. Thế rồi làm mãi một lúc nào đó, con diều cũng được bay vút lên nền trời xanh thẳm, ấy là lúc niềm vui thật sự vỡ òa. Đám trẻ mắt ngước theo cánh diều cứ từ từ theo gió bay lên. Lúc ấy những đứa trẻ chúng tôi thấy hồn mình bay theo nó. Cánh diều bay cao mang theo cả một bầu tâm hồn mình bay lên trên ấy... nỗi vui mừng khôn xiết, ôi! cánh diều mình đã bay lên, đôi mắt cứ dán mãi lên nền trời. Cánh diều bay lên chở theo tâm trí những đứa trẻ chúng tôi, tâm hồn cũng vút theo cánh diều mà tha hồ bay bổng. Trong tâm trí những đứa trẻ hồn nhiên ấy, cánh diều bay lên như thỏa mãn được khát khao chinh phục bầu trời. 

Cứ thế, suốt những ngày hè chúng tôi chơi diều không chán, hỏng lại làm, làm rồi hỏng, mải mê theo thả diều có lúc quên ăn quên ngủ, giấc ngủ về đêm cũng chập chờn ú ớ cánh diều luôn hiển hiện trong mỗi giấc mơ trẻ thơ. Trên nền trời lộng gió tháng năm, cánh diều nhỏ nhoi cứ bay lên vi vút. Có lúc nó bạt qua những cơn gió ào ào, có lúc nó bồng bềnh trôi qua đám mây bay chầm chậm. Trong ánh nắng chiều hè vàng rực, những mái tóc đỏ hoe, nhưng đôi chân trần đen đúa,  trên lưng trâu vắt vẻo, đám trẻ làng í ới xao động cả một góc làng.

Tuổi thơ tôi bay qua những cánh diều như thế, mặc cho đầu tóc đỏ hoe vì rám nắng, mặc cho mặt mũi đen nhèm, mặc cho những cú ngã trên ruộng cày tướp máu, mặc cho những đòn roi của cha mẹ... một quãng đời tuổi thơ tôi lớn lên và đi qua, êm trôi theo những cánh diều. Những cánh diều bay cao chở theo những khát vọng trong veo, hồn nhiên và đẹp đẽ. Những cánh diều vi vút trên nền trời xanh thẳm ướp mật nuôi lớn tâm hồn tôi.

Ngày nay, lũ trẻ hình như không mấy mặn mà với trò chơi thả diều nữa. Cũng dễ hiểu, chúng nó không biết làm diều ra sao, và cũng không ai dạy chúng nó làm. Bởi chỉ cần ít chục ngàn đồng thôi là lũ trẻ đã có một cánh diều ưng ý. Những cánh diều với đủ kiểu dáng, sắc màu bắt mắt bày bán khắp nơi. Những chiếc diều chỉ cần có gió là bay lên. Không phải nhọc công mày mò, hì hục. Không có niềm khát khao, cuốn hút như lũ trẻ chúng tôi ngày xưa, cánh diều bây giờ chỉ là sự hiếu kỳ bất chợt của trẻ mà thôi. Nó không mang theo được gì, không gửi gắm được gì, vô hồn, vô cảm. Không biết có phải vì thế mà trẻ con chơi diều một lúc đã chán ngay…

Những cánh diều bay mãi - 2

Ảnh minh họa.

Và hình như ba tháng hè của trẻ con bây giờ cũng không trọn vẹn nữa, thời gian các cháu học ở trường, ở nhà, học thêm, ôn luyện… lấp kín hết cả những ngày nghỉ hè. Cuộc sống hình như gấp gáp hơn, những trò chơi trên các nền tảng mạng xã hội, trò chơi điện tử nở rộ. không mấy ai quan tâm đến những trò chơi dân gian xưa cũ. Những trò chơi vốn đã từng là khát khao, mơ ước của thế hệ chúng tôi.

Tôi lần theo ký ức, những cánh diều tuổi thơ vẫn cứ mê mải lửng lơ trong không trung, trong cõi lòng tôi tha thiết. Quê hương chợt hiện về sống động

 …" Quê hương là con diều biếc

Tuổi thơ con thả trên đồng

Quê hương là con đò nhỏ

Êm đềm khua nước ven sông"… 

Trên mỗi bầu trời quê, đâu đó cánh diều luôn hiện hữu. Nhưng trong tôi cánh diều tuổi thơ mà tôi đã đi qua vẫn luôn chao liệng, vi vút, chơi vơi. Những cánh diều bé bỏng bay lượn trên không trung, không biết những cánh diều tuổi thơ ấy đã bay về đâu! Rồi những cánh diều đứt dây buông mình trên mặt ruộng; những cánh diều vướng lại trên ngọn tre làng; những cánh diều gãy cọng nằm buồn xo nơi góc ruộng…những cánh diều ấy nay có còn không!?  Trong kí ức mơ hồ nhòa nhạt, những cánh diều ngày ấy cứ mê mải chao liệng trong bầu ký ức bất khả xâm phạm.

Ôi! Những cánh diều tuổi thơ bay mãi không thôi!

Nam Triều

Trời tuyết rơi (truyện ngắn)
Trời tuyết rơi (truyện ngắn)

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Mông Cổ là quốc gia đầu tiên vùng Đông Bắc Á ký kết thiết lập...

Tin liên quan

Tin mới nhất

Kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học

Kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học

Cho đến nay, đối với văn học nghệ thuật, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động, nó hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và cả trong văn chương. Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, tọa đàm “Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại” đã nhấn mạnh sự hiện diện của Hà Nội trong dòng chảy của văn