Trời tuyết rơi (truyện ngắn)
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, Mông Cổ là quốc gia đầu tiên vùng Đông Bắc Á ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. NHân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (11/1954 - 11/2024), xin giới thiệu truyện ngắn “Trời tuyết rơi” của tác giả Lê Toán, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ.
Mưa tuyết rơi trĩu cành. Cây bá hương rung cành cho tuyết rơi lả tả. Đó là cử chỉ dịu dàng để cây kể lại mối tình được ủ kín trong thớ gỗ 40 năm đã qua.
Sau thời kỳ Việt Nam thống nhất đất nước, thủ đô Ulanbato đón đoàn chuyên gia đến từ nước Việt Nam. Đó là những chàng trai sinh viên mới rời ghế giảng đường. Họ đi trên đường phố thủ đô Ulanbato. Hình dáng của họ khác hẳn trai Mông Cổ to béo.
Trong số hơn mười chuyên gia, có một chàng trai được các cô gái trẻ Mông Cổ để mắt tới. Chàng trai mang nét văn hóa lịch lãm của người Hà Nội. Nói tiếng Khaan - tiếng phổ thông của người Mông Cổ cũng nhỏ nhẹ. Cụ cựu chiến binh Mông Cổ ở ngôi nhà tập thể cuối dãy phố rất cảm tình với chàng trai Việt Nam này. Chiều chiều, cụ chống gậy ra công viên, ngồi hút thuốc lá. Bộ quân phục thời trước năm đất nước Mông Cổ giành độc lập (1921 - TG). Bộ quân phục bạc phếch trên tấm lưng còng. Cụ giới thiệu với chàng trai Việt Nam, mình tham gia đội quân giành độc lập cho đất nước từ trước năm 1921. Cụ rít thuốc lá như người lính hít gió trên thảo nguyên. Cụ thân mật hỏi:
- Đồng chí tên là gì, đến từ vùng nào của Việt Nam?
Chàng trai trả lời bằng tiếng Khaan chưa rành sỏi:
- Thưa đồng chí cựu chiến binh, chúng tôi đến từ thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam. Tên tôi là Nguyễn Hưng.
Cụ cựu chiến binh nhả làn khói thuốc. Đôi mắt sụp mí nhìn người cưỡi ngựa phóng nhanh trên đường phố. Cụ trầm tư, chậm rãi nói:
- Thời gian phóng nhanh như con ngựa trên thảo nguyên, nhanh quá! Vây là chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử thế giới mấy chục năm rồi. Tôi nhớ như in mốc thời gian này. Bởi, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được đến thủ đô Hà Nội. Còn tên tôi là Ukhannagia.
- Đồng chí Ukhannagia đã tới Hà Nội rồi ư?
- Tôi vinh dự được tới Hà Nội trong đoàn đại biểu nước Mông Cổ, tới Việt Nam ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước chúng ta. Nhân thể, xin hỏi đồng chí sang Mông Cổ giúp đất nước tôi việc gì vậy?
- Chúng tôi tới Mông Cổ trùng tu một ngôi chùa. Ngôi chùa giáp biên giới với nước Nga, theo Hiệp định ký kết về văn hóa giữa hai nước Việt Nam và Mông Cổ. Ngôi chùa này là báu vật trên thảo nguyên Mông Cổ.
- Lịch sử văn hóa ngàn năm của Mông Cổ ngưng đọng trong hơn ba nghìn ngôi chùa và dinh thự cổ. Đó là di sản văn hóa của đất nước thảo nguyên. Các đồng chí Việt Nam trẻ tuổi nhưng đang tạo dựng cổ tích trên đất nước tôi đó.
Cụ Ukhannagia bắt tay Nguyễn Hưng kiểu quân nhân tại ngũ. Cụ mời chào chân thành:
- Tôi ở ngôi nhà tập thể cuối đường phố này. Rất vui được đón đồng chí ghé chơi. Nhà tôi có hai ông cháu.
Ngày chủ nhật, đoàn chuyên gia Việt Nam được nghỉ ngơi. Nếu ai muốn đi thăm thắng cảnh thủ đô Ulanbato phải được sự đồng ý của trưởng đoàn. Nguyễn Hưng trình bày với trưởng đoàn:
- Tôi cần đến thăm cụ Ukhannagia. Cụ là cựu chiến binh tham gia giành độc lập cho đất nước Mông Cổ năm 1921. Cụ đã tới Việt Nam trong đoàn đại biểu nước Mông Cổ, tham gia ký kết thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ, tháng 11 năm 1954.
Minh họa của Ngô Xuân Khôi
Trưởng đoàn là cựu chiến binh thời chống Pháp, từng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông coi những cựu chiến binh trên thế giới từng cầm súng đánh đuổi thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc đều là đồng đội của nhau. Nghe Nguyễn Hưng trình bày lý do, ông bèn đứng nghiêm trong phòng theo tư thế quân nhân, dõng dạc nói:
- Đồng ý với đề xuất. Cho một cựu chiến binh Việt Nam gửi lời chào tới cựu chiến binh Mông Cổ.
Nguyễn Hưng đã trịnh trọng chuyển lời chào.
Cụ Ukhannagai giới thiệu về quê hương tận miền tây nước Mông Cổ. Cô Anhteeteeg là cháu nội của cụ. Cô là sinh viên ngành chăn nuôi gia súc. Dáng cô cao, đầy đặn. Mái tóc óng ả như nắng vàng. Đôi mắt to, màu xám ẩn dưới hàng mi
cong, đặc trưng đôi mắt thiếu nữ vùng Trung Á. Gương mặt trong trẻo như nước hồ Khuvgul được gọi là “Biển mẹ” của nước Mông Cổ.
Trên bàn ăn bày đầy cơi những đĩa thịt lạc đà, thịt ngựa luộc; những âu lớn món sườn cừu và món dê hầm... Bữa ăn ngon miệng đến nỗi đĩa thịt lạc đà luộc không còn miếng cuối cùng. Cô Anhteeteeg mủm mỉm cười nhìn Nguyễn Hưng ăn uống hào hùng. Cô nhận xét:
- Cái sự ăn uống nói rõ sức khỏe. Anh Nguyễn Hưng là con ngựa giống tốt trên thảo nguyên đó!
Cụ Ukhannagia nhấp ly trà sữa bốc khói. Cụ kể về kỷ niệm những ngày thăm Hà Nội vào tháng 11 năm 1954. Cụ khoe đã thưởng thức món đậu phụ chấm mắm tôm mà người dân Hà Nội đùa vui là món “tiên tắm bùn”.
Trên tường nhà treo trang trọng chiếc mũ nan buộc ngụy trang bằng vải dù của Pháp. Đó là chiếc mũ của đồng chí bộ đội Việt Nam từ Điện Biên Phủ tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội. Đồng chí bộ đội đã tặng đồng chí Ukhannagia chiếc mũ nan và một cây sáo trúc. Dự ngày lễ Quốc khánh Mông Cổ, cựu chiến binh Ukhannagai đều đội mũ nan kháng chiến chống Pháp của bộ đội Việt Nam...
Chiều tối đến đường phố Ulanbato chậm rãi như bầy cừu thong dong trở về chuồng. Gian nhà thắp bóng điện tròn 36W. Ánh điện tỏa sáng khắp căn phòng hơn cả chục đĩa thắp sáng bằng mỡ cừu. Mèo nâu nằm trên bệ bếp lò tót xuống cùng cô Anhteeteeg tiễn khách. Mèo nép bên cánh cửa nên không biết hai người thầm nắm tay nhau cuối cầu thang.
Nguyễn Hưng trở về văn phòng lúc Đài Tiếng nói Việt Nam đang phát chương trình “Sân khấu truyền thanh”. Cảm xúc buổi thăm gia đình cụ Ukhannagai lâng lâng. Dáng điệu Anhteeteeg như con ngựa cái tơ hiện lên cả trong giấc ngủ.
Chủ nhật tuần tiếp theo, Nguyễn Hưng ấp úng xin phép trưởng đoàn lại được đến thăm cụ cựu chiến binh. Trưởng đoàn mới nhận được thư nhà nên lòng vui như gió chạy trên thảo nguyên.
Nhưng hôm nay, cụ cựu chiến binh đi về nông thôn. Người thủ đô Ulanbato đi về các vùng thảo nguyên đều gọi là “Đi về nông thôn”. Nông thôn là ngọn nguồn của thành thị. Các vùng nông thôn đang rộn rịch lễ hội. Lễ hội là hồn cốt văn hóa thảo nguyên, với ngọn nguồn đắm đuối tình con người. Do vậy, về nông thôn, chẳng mấy ai định rõ thời gian chuyến đi. Anhteeteeg tủm tỉm nói với Nguyễn Hưng chuyến chương trình về nông thôn của ông nội. Ông nội ghé thăm các cựu chiến binh nên chẳng định rõ ngày về thủ đô.
Mèo nâu vẫn lười biếng nằm trên bếp lò. Nó meo meo đánh tiếng như báo rằng, trong nhà này không chỉ có cô Anhteeteeg. Nhưng cô chủ chẳng để ý tới mèo kêu meo meo. Cô đang bất ngờ về chiếc khăn lụa Vạn Phúc mềm mại mà Nguyễn Hưng tự tay quàng lụa màu thiên thanh quàng lên mái tóc vàng óng. Bàn tay của
người con trai ngập ngừng, lúng túng lùa vào lọn tóc con gái. Người con gái bối rối. Lúm đồng tiền trên má đong đầy sự xấu hổ và hạnh phúc.
Nguyễn Hưng nhấm trà sữa Mông Cổ. Tỷ lệ sữa nhiều hơn trà. Chẳng hiểu sao, chàng trai lại kể về những đồi chè Thái Nguyên, những chén chè đặc quánh không hề pha sữa. Nguyễn Hưng nói bằng tiếng Mông Cổ, miêu tả màu xanh nương chè nối nhau, bát ngát dưới bầu trời xanh mùa thu.
Trong mỗi câu chuyện của mình kể, cô sinh viên ngành chăn nuôi gia súc thường lấy ví dụ về đàn dê nằm lẫn trong đàn cừu lông dày để được ủ ấm...
Hai người vào bếp làm bữa ăn. Cô Anhteeteeg chế biến các món ăn truyền thống của Mông Cổ mới khéo làm sao. Hương vị của món sườn cừu rán phả khắp gian bếp. Mèo nâu tóp tép miệng thể hiện sự hiện diện của mình trong gian bếp. Trong lòng cô chủ đang rộn tiếng chim điêu gọi đàn trên bầu trời thảo nguyên. Cô vén mái tóc vàng trên bờ vai. Bất chợt, không gian trong căn nhà bếp thấp thoáng nắng vàng. Nguyễn Hưng trổ tài thái thịt lạc đà luộc. Anh đặt thớt ngay trên bệ bếp lò. Mèo nâu ngước cặp mắt xanh nhìn. Bàn tay dừng lại, đưa tận mũi mèo nâu mấy miếng thịt lạc đà thơm phức. Mèo nâu đưa chân trước, chộp lấy miếng ăn và không quên meo meo như thể:
Từ bây giờ, các người có khịt khịt ngửi mũi nhau, ta cũng không để mắt tới đâu!
Do không để mắt tới hai người nên mèo nâu không biết rằng cô chủ đưa miếng thịt lạc đà luộc tận miệng khách, như khách vừa đưa tận mõm mèo trên bệ bếp lò. Họ còn tay trong tay rất lâu. Họ ngửi mũi nhau khịt khịt như mèo con. Tai mèo nâu còn nghe tiếng miệng hai người chạm vào nhau chóp chép...
Chủ nhật nào Nguyễn Hưng cũng có lý do hợp lý để đến thăm cụ cựu chiến binh, mặc dù cụ vẫn ở nông thôn, chưa định ngày về thủ đô. Vừa bước vào cửa gian nhà tập thể, cô Anhteeteeg đã ôm chầm lấy Nguyễn Hưng. Cô dụi mái tóc vàng vào cổ chàng trai hệt con ngựa cái tơ dụi mõm âu yếm vào bờm con ngựa đực vậy. Chưa một lần yêu trong đời nên chàng trai bối rối trước tình cảm nồng nhiệt của cô gái. Hôm nay, Anhteeteeg diện bộ váy mỏng trong nhà. Váy màu cỏ non trên thảo nguyên. Cánh tay trần nuột nà. Mái tóc buông lơi trên bờ vai. Chàng trai khẽ hít một hơi dài hương thơm từ người con gái. Bỗng nhiên, thấy mình đang rơi vào khoảng không chơi vơi...
Chiều chủ nhật cuối tháng. Tuyết rơi lả tả trên đường phố. Trưởng đoàn bố
trí cho mọi thành viên ăn cơm sớm, đi xem phim rạp. Người nào cũng xấp xấp nước lã chải tóc cho mượt. Trưởng đoàn lấy đầu que tăm chấm nước hoa lên ve áo từng người cho tăng phần lịch lãm.
Mọi người ra khỏi phòng ở một lát thì Anhteeteeg tới. Cô ôm ghì Nguyễn Hưng kiểu ghì cổ con ngựa. Hôn chụt chụt. Hổn hển:
- Em nhớ anh quá!
- Anh cũng rất nhớ... nhớ em!
Hai người quấn vào nhau trong thế giới riêng tư...
Sau khi vuốt qua quýt tấm ga trải giường, hai người cầm tay nhau ra công viên. Hai người ngồi dưới gốc cây bá hương. Dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn điện. Chùm lá cây bá hương xào xạc với gió:
Cô gái là hiện thân của công chúa thảo nguyên bát ngát!
Tâm hồn trong trẻo nên cô hiểu tiếng nói của lá cây bá hương. Nhưng lúc này, trái tim cô ngập ngừng, đập thình thịch. Cây bá hương nghe thấy tiếng nói về điều lạ, khác thường:
- Anh ơi! em nói với anh một điều hệ trọng. Điều này hệ trọng hơn gia đình thêm một đàn cừu đông tới mức miệng người có hai lưỡi cũng không đếm hết số cừu trong buổi sáng!
Chàng trai âu yếm vuốt mái tóc dài. Trái tim đàn ông linh cảm thấy điều gì đó sinh sôi của âm dương giao hòa trong mưa tuyết trắng xóa. Cây bá hương nghe rất rõ lời cô gái:
- Hạt giống đàn ông của anh đang nảy mầm trong người em rồi đó!
Tình yêu bồng bột, sâu lắng khiến chàng trai luống cuống ôm chặt cô gái, ôm cả hạt giống nảy mầm trong người cô.
Gần bốn mươi năm sau buổi tối ấy, cây bá hương tạc hình bóng hai người trong lõi thân cây. Quả thật, thời gian vèo qua như vó ngựa phóng qua con đường nhỏ. Thân cây kể lại câu chuyện với lứa quả đang tách hạt. Gió thảo nguyên đưa những hạt nhỏ mang câu chuyện của đôi trai gái bay trong không gian...
Lần này đến Ulanbato, thời gian ghi trong hộ chiếu của Nguyễn Hưng chỉ có một tuần lễ. Anh lãng đãng đi siêu thị mua găng tay da và áo len Casơmia. Đó là những món quà độc đáo của đất nước thảo nguyên, khách du lịch nào cũng muốn mua làm quà. Trên đường tới siêu thị nhưng bước chân lại hướng về căn nhà tập thể cuối dãy phố. Hình ảnh cụ cựu chiến binh và cô Anhteeteeg như đang chờ trước cửa. Một người mẹ trẻ bế con nhỏ trên tay, mở cửa. Nguyễn Hưng nói bằng tiếng Mông Cổ:
- Tôi từ Việt Nam sang. Tôi muốn hỏi thăm cụ cựu chiến binh Ukhannagia và cô Anhteeteeg ở căn hộ này?
Chủ nhà mừng rỡ, nói bằng tiếng Việt Nam:
- Chào chú! Cháu từng là sinh viên học đại học ở Hà Nội. Mời chú vào chơi nhà ạ!
Người mẹ trẻ quay vào nhà gọi to:
- Anh ơi! Nhà mình có khách quý từ Việt Nam!
Người đàn ông mặc tạp dề từ trong bếp chạy ra đón chào khách. Đôi vợ chồng trẻ đón tiếp với truyền thống trọng khách của người Mông Cổ. Thoắng mắt, trên bàn ăn đã bày đầy các món thịt cừu, thịt lạc đà, thịt dê, thịt bò thơm phức, chai rượu bọc da in hình vua Thành Cát Tư Hãn. Hai vợ chồng trẻ hào hứng khoe chương trình trở về trường đại học Hà Nội trong tháng 11, nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11.
Nguyễn Hưng quan sát căn hộ vẫn cảm giác thân quen. Trên tường treo cây sáo trúc nhưng không thấy chiếc mũ nan buộc dù ngụy trang? Đâu đây vẫn đọng tiếng cười của cô Anhteeteeg, lẫn tiếng meo meo của mèo nâu. Có lẽ vị thần thảo nguyên nhập vào người mà Nguyễn Hưng kể mối tình với cô Anhteeteeg. Lý do đến căn hộ này là tìm cụ Ukhannagia, cô Anhteeteeg và hạt mầm tình yêu trong người cô.
Chúng cháu về căn hộ này từ khi mới cưới nhau. Chủ nhà trước là kỹ sư xây dựng. Anh chị ấy là chủ nhà thứ năm rồi!
- Các cháu có nghe thấy nói về chủ nhà đầu tiên là cụ Ukhannagia và cô Anhteeteeg bao giờ chưa?
Người chồng nói:
- Mỗi chủ nhà dời đi đều để lại căn hộ này một vài hiện vật kỷ niệm. Cây sáo trúc trên tường khắc tên cụ Ukhannagia. Chỉ còn dấu vết lưu niệm vậy thôi. Và trong giấy tờ chuyển nhượng căn hộ hiện còn lưu lại, nếu cụ ông còn thì cũng 99 tuổi dương và cô Anhteeteeg cũng sang tuổi 60 rồi ạ!
- Hai cháu có nghe về chuyện chồng con của cô Anhteeteeg không?
- Nghe loáng thoáng thì chồng cô ấy công tác tận Hà Nội cơ ạ! Còn trong hộ khẩu lưu lại căn hộ ghi tên con cô ấy là Tumenkhuu - Hưng. Anh ấy sinh năm 1978. Rõ là cái tên ghép rất đẹp ngôn ngữ Mông Cổ và Việt Nam. Tiếc là, cả hai mẹ con không biết hiện nay ở nơi nào trên đất nước Mông Cổ mênh mông...
Nguyễn Hưng bối rối lảng:
- Hơn bốn mươi năm trước, chú cũng lứa tuổi các cháu bây giờ!
Theo chỉ dẫn của đôi vợ chồng trẻ, Nguyễn Hưng tìm đến gia đình cặp vợ chồng kỹ sư xây dựng. Họ rất tự hào khi nhắc đến cụ Ukhannag nổi tiếng. Nhưng
họ cũng chỉ biết cụ và cô cháu gái của cụ trên giấy tờ mà thôi. Nguyễn Hưng tặng đôi vợ chồng kỹ sư xây dựng khăn lụa Vạn Phúc của Việt Nam và lưu luyến chia tay.
Hành trình của Nguyễn Hưng tiếp tục tìm kiếm các chủ hộ có tên trong danh sách chuyển nhượng căn hộ. Một chủ hộ đang sống ở nước ngoài. Tất cả thông tin như gió cô đơn chạy trên thảo nguyên mênh mông...
Ngày cuối cùng ở thủ đô Ulanbato, Nguyễn Hưng bước vô định trên đường phố. Trời đổ mưa tuyết trắng xóa. Anh tìm rất lâu gương mặt Anhteeteeg trong vạn khuôn mặt phụ nữ Mông Cổ trên đường phố. Anh còn mang hình bóng khuôn mặt người con trai của mình ở Hà Nội, rọi vào khuôn mặt những chàng trai Mông Cổ gặp trên đường. Hình như, hạt giống đời mang tên Tumenkhuu - Hưng đang bước đi phía trước.
Buổi tối cuối cùng ở Ulanbato, Nguyễn Hưng bước công viên quen thuộc từ hơn bốn mươi năm trước. Chỉ còn cây bá hương trong công viên là người bạn cũ. Cây bá hương già theo năm tháng. Anh tựa thân mình vào lưng gù của cây bá hương. Cây bá hương thấu hiểu nỗi lòng của anh. Lá cây rì rào nhắc lại câu chuyện anh và cô Anhteeteeg. Lần cuối cùng tới công viên, tay cô dắt một bé trai. Bé trai chạy tung tăng quanh gốc cây. Cô thầm thì nói với cây bá hương về ngày mai. Ngày mai, cô sẽ dắt bé trai, túi trước ngực đeo hài cốt cụ Ukhannagai. Hành trình của cô xa nghìn dặm, trở về quê hương nơi chôn rau, cắt rốn của cụ nội, tận miền viễn tây của đất nước Mông Cổ bao la. Nguyễn Hưng xin khắc bốn trái tim kết vào nhau trên thân cây. Cây bá hương rung cành nặng trĩu tuyết, làm rơi lả tả cơn mưa bông tuyết trắng tinh khôi trong góc công viên. Những bông hoa tuyết xòe cánh cổ tích rơi xuống vai người đàn ông...
Ulanbato, đầu mùa đông

Làng Đức Xá quê Vòm, nằm ngay sát con sông Giang Hạ, nước bên đục bên trong do phía thượng nguồn người dân đào vàng,...
Bình luận