Thầy lang Vòm (truyện ngắn)

Làng Đức Xá quê Vòm, nằm ngay sát con sông Giang Hạ, nước bên đục bên trong do phía thượng nguồn người dân đào vàng, khai khoáng. Làng có hơn một trăm hộ dân phần lớn thuần nông, quanh năm “bán lưng cho đất bán mặt cho trời”. Cả thôn chỉ có vài ba người học hành đỗ đạt làm quan, còn lại đa phần thanh niên ở nhà làm ruộng, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Năm ấy, cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt nhất, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, Vòm tạm biệt vợ con lên đường nhập ngũ. Sau khóa huấn luyện tân binh gấp rút, Vòm theo đơn vị vào Nam chiến đấu.

Hôm nay, sau bao năm xa quê nhà, Vòm xuất ngũ về làng với tấm thẻ thương binh hạng 3/4. Trời tháng năm nóng như đổ lửa, sau khi xuống xe, xốc lại chiếc ba lô, Vòm khập khễnh bước chân trở về nhà. Vừa vào cổng, con chó mực thấy người lạ, từ góc sân nhảy xổ ra sủa ầm ỹ. Một người đàn bà trung tuổi, mồ hôi nhễ nhại từ trong nhà chạy ra, quát chó nằm im, ngỡ ngàng nhận ra chồng mình đang đứng trước mặt. 

- Ôi! Anh về sao không báo trước để em ra đón.

Nói rồi chị ta vội chạy lại đỡ chiếc ba lô nặng trĩu trên vai chồng đặt xuống ghế. Vòm nhìn vợ âu yếm:

- Con đâu em? 

- Nó chạy sang nhà hàng xóm chơi, để em sang gọi con về.

Vợ đi rồi, Vòm đưa mắt quan sát, ngôi nhà xưa vẫn không mấy đổi khác, chỉ khác là đồ đạc bày biện lộn xộn và toàn bộ tường loang lổ ẩm mốc. Phòng tiếp khách vẫn sử dụng bộ sofa cũ mèm ngày ấy. Thậm chí cái tủ bích phê ọp ẹp đằng kia bị gãy mất một chân có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Duy nhất cái ảnh đen trắng chụp vợ chồng Vòm cùng cậu con trai, lồng khung mica vẫn được treo trên tường.

Thầy lang Vòm (truyện ngắn) - 1

Minh họa của Ngô Xuân Khôi

Từ ngoài sân, vợ Vòm dẫn con về, thấy chồng đứng hồi lâu bên cái ảnh, liền lên tiếng:

- Nam vào chào bố Vòm đi. 

Thằng Nam từ ngoài sân chạy vào ôm chầm lấy Vòm, dụi cái đầu trọc lốc vào lòng bố phụng phịu:

- Bố đi đâu lâu vậy, sao mãi hôm nay mới về! 

Vòm xoa đầu thằng bé, không nói gì. Sau bao năm trở về, nhìn con trai lớn tướng, nhưng Vòm có cảm giác nó quá xa lạ với mình. Còn nhớ, lần trước về phép, Vòm bế thằng Nam ra sân kho hợp tác chơi, nhiều người nói bóng gió thằng bé chẳng có nét nào giống bố, khiến Vòm thấy chạnh lòng.                                                    

Cho đến một ngày, vết thương ở chân Vòm tái phát, vợ Vòm gọi xe đưa chồng nhập viện. Được vài ngày đầu, chị ta còn đều đặn vào thăm chồng rồi sau đó thưa dần, lấy lý do ở nhà còn thuê người làm dở mấy sào ruộng phần trăm.                                 

Ngày xuất viện, chờ mãi không thấy vợ vào đón, Vòm đành tự gọi xe về nhà. Vừa đặt túi xách xuống ghế, Vòm thấy một lá thư để trên bàn. Linh tính mách bảo có điềm gì chẳng lành đang xảy ra với mình. Lần giở ra xem, Vòm mới tá hỏa, ả ta đã tuyệt tình dắt theo thằng con trai bỏ nhà ra đi. Trong thư ả nói Vòm bất tài, đồng lương thương tật không đủ nuôi vợ con. Điều đau đớn hơn là ả còn cho biết sự thật đứa con mà bấy lâu nay Vòm yêu thương lại không phải là con đẻ của mình. Buồn chán, Vòm mượn rượu giải sầu cố quên đi cô vợ bạc tình và thề với lòng mình sẽ không bao giờ tin đàn bà nữa. Sau ngày ấy, Vòm nát rượu, thi thoảng lại ra sân chửi đổng rồi sau đó bỏ đi đâu biệt tăm, người làng cũng không ai biết.

Đùng một cái, vào đúng hôm làng khánh thành trùng tu ngôi đình cổ, Vòm trở về, mang theo cô vợ trẻ người dân tộc và cậu con trai sáu tuổi. Được nửa tháng, Vòm gọi thợ xây đến phá bỏ ngôi nhà cũ thay vào đó là một ngôi nhà mới đẹp nhất làng. Bên ngoài cổng chưng biển hiệu: “Ông Lang Vòm chuyên thuốc nam bắt mạch kê đơn”.

Nhiều người thấy lạ là xưa nay Vòm nghèo đến mức bữa ăn còn chẳng đủ no, sau nhiều năm xiêu bạt trở về lại có tiền xây nhà mới, mở hiệu bốc thuốc. Người tốt thì nói: “Cha Vòm lấy được cô vợ người Dao giàu có, kém ông ấy gần hai chục tuổi, có nghề thuốc gia truyền”. Kẻ ác ý lại đặt điều: “Chắc hắn buôn bán hàng cấm nên mới có nhiều tiền đến như thế”. Mặc cho thiên hạ đồn thổi, Vòm chẳng mảy may quan tâm. Ngược lại, nhiều người dân trong làng còn hết lời ca ngợi, bởi mỗi lần ốm đau đến bốc thuốc vợ Vòm đều tính giá rẻ.

Đặc biệt, những hộ nghèo, vợ chồng ông còn cho tặng mà không hề tính toán. Tiếng lành đồn xa, ông lang Vòm chữa bách bệnh lan truyền khắp nơi, khiến con đường vào làng lúc nào cũng nhộn nhịp người xe qua lại.

Sáng nay, ông Vòm cùng mấy người giúp việc đang làm thuốc, bỗng ngoài cổng có tiếng chó sủa. Ông tất tưởi chạy ra thì thấy ngoài cổng một người đàn ông hớt hải chạy vào, phía sau là một thanh niên cõng trên vai người đàn bà mặt tái mét.

- Bác ơi, cứu nhà em với! - Người đàn ông giọng khẩn khoản.

Ông Vòm mở rộng cửa, ra hiệu cho người thanh niên đưa người bệnh vào. Nhìn vết thương ở chân bệnh nhân, ông hỏi ngay:

- Cô ấy bị rắn cắn lâu chưa?

- Nhà em đi phát cỏ tranh trên nương bị rắn cắn cách đây 20 phút ạ. 

Sau khi xem kỹ vết thương rồi sát trùng để tránh nọc độc ngấm gây đông máu, ông Vòm nói với người đàn ông:

- Cô ấy bị một con rắn độc cắn gây tụt huyết áp, nhịp tim nhanh. Tôi đã xử lý vết thương và rịt thuốc. Anh đưa cô ấy về nhà chăm sóc, hai ngày sau đến tôi kiểm tra lại. May mà bệnh nhân đưa đến kịp, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Khách đi rồi, ông Vòm mới thở phào nhẹ nhõm. Gần đây, thấy tiệm thuốc của ông lúc nào cũng đông bệnh nhân, một số kẻ xấu lợi dụng tung tin vợ chồng ông là thầy lang rởm chữa bệnh lừa tiền thiên hạ. Ông Vòm nghe tức lắm, muốn tìm đập vào mặt kẻ nào tung tin hại vợ chồng mình. Nhưng rồi ông lại tự nhủ “người quân tử không chấp kẻ tiểu nhân, mình làm thuốc cứu giúp người nghèo, ông trời chắc sẽ không phụ vợ chồng mình”.

Còn nhớ tháng trước, ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã đến nhờ ông cho một vài hội viên nghèo vào làm ở tiệm thuốc kiếm thêm thu nhập, ông đã rộng lòng giúp đỡ. Chính vì vậy mà nhiều năm, ông được Hội Cựu chiến binh xã biểu dương hội viên xuất sắc làm làm kinh tế giỏi. Vinh dự hơn, năm đó ông còn được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Hội Cựu chiến binh toàn tỉnh.

Một ngày đầu hạ, bầu trời cao xanh vời vợi, bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo đến rồi sấm chớp ầm ầm, mưa như trút nước xuống hạ giới. Làng Đức Xá, chẳng mấy chốc đã biến thành một biển nước trắng xóa. Nhiều nhà dân bị dòng nước cuốn trôi toàn bộ hoa màu, đồ đạc, gia súc, có gia đình còn mất cả người thân. Trước cảnh dân tình hoạn nạn, ông Vòm bàn với vợ dành toàn bộ gian phòng làm thuốc đón người già và con trẻ trong làng đến tạm trú. Ông còn sai người giúp việc lo cơm cháo, giường ngủ cho họ chu đáo. Những người ốm, cảm lạnh do ngâm mình dưới nước được ông bà bắt mạch kê đơn, sắc thuốc uống tại chỗ. 

Nhá nhem chiều hôm đó, ông Vòm đang ngồi trên bậu cửa hút thuốc lào, bỗng có tiếng người kêu cứu thất thanh vọng về từ phía bờ sông. Khoác vội cái áo tơi, ông khập khễnh chạy ra thì thấy dưới lòng sông một người đàn bà đang ôm đứa con gái chơi vơi giữa biển nước. Không chần chừ, ông bơi ra vật lộn với dòng nước xoáy, vất vả lắm mới dìu được hai mẹ con lên bờ. Lúc này, vết thương cũ ở bàn chân bị ngâm nước lâu trở nên sưng tấy đau nhức, loay hoay mãi ông mới túm được một bụi cây trên bờ, cố gắng trèo lên nhưng do sức lực cạn kiệt nên ông ngã vật xuống, bị dòng nước hung dữ cuốn trôi đi. Nhìn người đàn ông vừa cứu mình đang ngoi ngóp giữa làn nước xiết, chị sợ hãi gọi líu cả lưỡi:

- Có ai đó không? Cứu! Cứu!

Tiếng kêu cứu thất thanh vô vọng của người đàn bà chìm trong màn chiều hoang vắng. Hôm đó, trầy trật mãi, hai mẹ con chị mới lê bước về đến nhà. Khi đã hoàn hồn chị mới nhận ra người đàn ông cứu mình không ai khác là ông Vòm thương binh, tiệm thuốc nam cuối làng Đức Xá. Ngay lập tức, chị nói chồng đến báo ngay sự việc trên cho vợ ông Vòm biết.

Sáng nay, sau khi vào ban thờ thắp nhang cho chồng, bà Chén dắt tay cậu con trai bước lên sân thượng, nơi mà sáng nào ông Vòm cũng lên đó tập thể dục. Bồi hồi, bà nhớ lại những ngày ông xiêu bạt lên vùng núi, hai người gặp nhau rồi bén duyên chồng vợ. Vậy mà thấm thoát, thằng con trai cũng đã mười lăm tuổi, học hành sáng dạ, chăm ngoan, chắc dưới suối vàng ông ấy cũng mãn nguyện. Nhìn làng quê mới ngày nào còn đẹp như  tranh vẽ, giờ trở nên xơ xác tiêu điều và dòng sông hung dữ, vừa cướp đi tính mạng người chồng yêu thương mà nước mắt bà nhòa đi. Dưới sân nhà, con chó mực, nhớ chủ sủa lên mấy tiếng nghe buồn não nề. 

                   

Phạm Công Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất