Những điều “mắt thấy, tai nghe” ở đất nước “Phù Tang”

Trên thế giới có hàng trăm, hàng ngàn nơi đáng để ta đặt chân đến khám phá. Nếu bạn yêu thích du lịch và có điều kiện, không thể không đến Nhật Bản – ta vẫn quen gọi là xứ “Phù” Tang hay xứ hoa anh đào hoặc đất nước mặt trời mọc. Những tên gọi đó đều rất đỗi quen thuộc đối với người dân trên khắp toàn cầu.

Nhật Bản là một quốc gia nằm ở đông bắc châu Á, là một quần đảo gồm hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ, bốn phía đều là biển. Vậy nên quanh năm gió lộng khiến thời tiết tương đối dễ chịu, không quá nóng như châu Phi cũng như quá rét như Bắc Âu hay các nơi khác. Bên cạnh sự thú vị đó, thiên nhiên lại luôn đem đến cho người dân nơi đây nỗi lo nơm nớp về thảm họa núi lửa, động đất và sóng thần. Đây là quốc gia có động đất nhiều nhất thế giới, trung bình tới 1500 trận trong một năm. Gần như ngày nào cũng có rất nhiều trận động đất ở mức nhỏ và trung bình (từ 1 đến 3 độ richter). Ở mức độ này, người ta sẽ không thấy gì hoặc chỉ thấy đồ đạc trong nhà khẽ rung. Lớn hơn, tức ở mức trung bình từ 4 đến 6 độ richter, nhà cửa đã có thể đổ, cây cối gãy, nhiều công trình xây dựng hư hại. Trên mức đó là khủng khiếp, sức tàn phá là cực lớn, sau thảm hoạ, không còn bất kỳ dấu vết gì, ví như trận động đất ngày 11/3/2011 chẳng hạn, tới 9 độ richter khiến 20 vạn người thiệt mạng. Cả một vùng rộng lớn ở phía đông bắc Nhật Bản bị nhấn chìm trong những cơn sóng thần cao tới 40m. Những trận động đất ở mức lớn, nguy hại khủng khiếp như vậy không nhiều, lâu lâu mới có một lần. Nếu khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng ở Nhật Bản tốt, khiến việc trồng trọt hoa màu, lương thực thuận tiện thì động đất lại là một khó khăn quá lớn khiến người dân Nhật Bản phải “sống chung” mà không thể làm khác.

Những điều “mắt thấy, tai nghe” ở đất nước “Phù Tang” - 1

Tác giả Nguyễn Đình San trước núi Phú Sỹ

Chính sự khắc nghiệt ghê gớm của thiên nhiên như vậy đã hun đúc nên một dân tộc có tính cách đặc biệt khác hẳn người mọi xứ sở khác. Đó là sự cần cù, chịu khó, chịu đựng, nhẫn nại, ham làm việc với tính tổ chức, kỷ luật rất cao. Người Nhật luôn tâm niệm: Hạnh phúc, niềm vui lớn nhất là được làm việc, cống hiến sức mình cho cộng đồng và nỗi buồn, bị “tra tấn” nhất là sự nhàn rỗi, không có công việc gì. Bởi vậy mà ở nước này, không có việc nghỉ hưu. Bất cứ ai, cả nam lẫn nữ, nếu còn sức khoẻ là còn làm việc bất kể ở tuổi nào. Chính vì vậy mà ta luôn thấy ở khắp mọi nơi, nhiều cụ già đã 70 tuổi, thậm chí hơn thế vẫn làm việc một cách rất hăng say, nhanh nhẹn, không thua kém nhiều người trẻ. Họ thường phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, dọn dẹp vệ sinh ở những nơi công cộng.

Tôi chứng kiến những cụ phải đến 80 tuổi dọn, rửa bát đũa trong những nhà hàng, bèn hỏi người quản lý là sao lại sử dụng lao động quá cao tuổi như vậy. Nhật Bản không có Luật Lao động sao, thì được trả lời: Nước họ chỉ quy định tuổi bắt đầu lao động chứ không quy định tuổi phải dừng lao động. Ai còn sức thì cứ việc làm. Vấn đề là hoàn thành tốt công việc, có hiệu quả theo đúng yêu cầu. Họ cho biết người già luôn hoàn thành tốt phận sự. Nếu thấy yếu, không đảm đương được yêu cầu của công việc, sẽ tự xin thôi.

Lại hỏi các cụ đi làm như vậy do nhu cầu về kinh tế hay từ động cơ nào thì được trả lời: Họ không thiếu tiền mà cần có quan hệ cộng đồng, cần được giao lưu và không có mặc cảm mình là người thừa trong xã hội. Đó chính là một nét đặc trưng của tính cách người Nhật là giàu lòng tự trọng. Họ rất không thích nếu bạn tỏ ra ái ngại khi thấy họ già rồi mà vẫn làm việc. Và nếu bạn hỏi thăm hoàn cảnh của họ theo hướng cho rằng họ cần có tiền nên mới phải đi làm như vậy thì họ rất tổn thương. Thay vì cảm động trước sự quan tâm của bạn, họ sẽ tỏ ra khó chịu tuy không bộc lộ rõ vì người Nhật vốn có tính cách ôn hoà và dĩ hoà vi quý. Đây cũng là đặc điểm rất rõ của tính cách người Nhật. Họ rất ngại va chạm, đụng độ nên sẵn sàng chịu nhún nhường, nhận phần thiệt về mình để mọi việc êm thấm (giống như người Việt Nam có câu thành ngữ “Chín bỏ làm mười”).

Tôi từng chứng kiến: Một cậu thanh niên ngồi vô ý duỗi chân kềnh càng giữa lối đi khiến một người khác vấp phải, suýt ngã. Lẽ ra người bạn trẻ kia phải chủ động xin lỗi nhưng đã ngược lại, người bị vấp đã xin lỗi anh ta vì chân mình đá phải chân người vô ý kia. Bạn thử hình dung điều đó mà diễn ra ở Việt Nam thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn là không có chuyện xin lỗi “ngược” như thế mà khả năng nhiều là người bị vấp sẽ sửng cồ và người vô ý duỗi chân sẽ rất dễ tuôn ra câu khó nghe.

Người Nhật luôn chịu khó, cần cù và rất sạch sẽ. Không có chuyện thuê “ô-sin”. Chỉ những gia đình neo đơn, có cha mẹ quá già, bệnh tật phải cần người chăm sóc mới thuê. Tôi cũng thấy, cứ dừng xe ở đâu, dù chỉ ít phút là người tài xế lại lôi chiếc khăn ra lau xe mặc dù vẫn còn rất sạch, sáng bóng. Sự sạch sẽ này thấy rõ ở khắp nơi, cả ở những nơi tưởng như rất khó giữ được như chốn công cộng (đường phố, chợ, bến xe, nhà ga...). Bạn có thể ngồi phệt xuống đất kể cả trên đường, vỉa hè… mà không lấm quần, thấy như là chưa ngồi và tuyệt nhiên không có một cọng rác nhỏ, đầu thuốc lá ở bất cứ đâu.

Ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật và mọi quy định chung của người Nhật vào loại cao nhất thế giới. Từ chỗ xe đỗ vào khách sạn, có đường đi cho khách. Không ít người thấy một quãng rộng đã đi tắt cho nhanh, lập tức bị nhân viên bảo vệ ngăn, bắt phải đi đúng đường quy định. Thì ra đó là đường dành cho xe hơi vào chỗ đỗ. Tuy có nhiều lúc không có xe đi qua nhưng quy định là quy định. Không thể tùy tiện. Trong phòng nghỉ ở khách sạn không được hút thuốc lá đã đành mà bất cứ nơi công cộng nào cũng không được hút trừ chỗ cho phép hút (sẽ có biển báo được hút, trong những phòng riêng chỉ để hút thuốc).

Nhật Bản rất tôn trọng quyền lợi của con người. Họ luôn tạo sự thoải mái, dễ chịu, nhất cho mọi người ở bất cứ đâu từ những chi tiết nhỏ nhất. Không có chuyện cả chục người ngồi ăn chung một mâm quanh chiếc bàn quay tròn. Kể cả khi khách có đông đến mấy, nhà hàng cũng chia riêng từng suất cho từng người. Khách cứ việc cùng ngồi vào bàn nhưng ăn riêng như thế. 

Người Nhật có thói quen luôn đúng giờ trong mọi công việc, sinh hoạt. Họ làm ra làm, chơi ra chơi, xa lạ với cái gọi là “linh động” khi tuân thủ nguyên tắc một cách rất triệt để mà ta vẫn thường cho rằng như vậy là “máy móc”. Ví như giờ ăn sáng ở các khách sạn bắt đầu từ 6g30 thì đúng giờ đó cửa phòng ăn mới mở. Bạn sốt sắng đến trước, đứng ở bên ngoài, dù có là người già, trẻ nhỏ, họ cũng không để ý mà “chiếu cố” mở sớm. Họ đã thông báo như thế nào thì răm rắp thực hiện rất chuẩn mực, trừ khi gặp sự cố bất khả kháng. Không bao giờ có chuyện xe chạy, máy bay cất cánh chậm cả giờ như ở bên ta. Không những chỉ chính xác về thời gian mà mọi thứ cũng đều chính xác, bởi Nhật là một nước công nghiệp tiên tiến đứng top đầu thế giới từ lâu. Ngồi trong xe ô-tô, tôi để ý thấy trước mắt là chiếc barie (chắn đường) hạ xuống mà xe vẫn cứ chạy vun vút, không hề có khuynh hướng giảm tốc độ. Tôi rất lo khả năng xe sẽ đâm gẫy cây chắn đó vì thấy xe đã tiến sát. Nhưng khi mũi xe cách chỉ chưa tới 1 mét, chiếc barie được nhấc lên rất nhanh để xe qua. Ở nhiều nước khác, thanh chắn phải nhấc lên khi xe còn cách phải tới mấy chục mét. Chi tiết này nói rằng ở Nhật, tính tính xác của công nghệ cực kỳ cao là như vậy.

Mức sống người dân ở Nhật rất cao do kinh tế phát triển. Bất cứ ai cũng không thể không thán phục dân tộc này khi có bước tiến vô cùng mạnh mẽ với tốc độ phi mã trong nhiều thập niên qua, chỉ chững lại trong mấy năm gần đây. Nhưng vẫn là nước đứng thứ 4 thế giới về sự phát triển về kinh tế (sau Mỹ, Trung Quốc, Đức). Năm 1945, Nhật hứng chịu 2 trái bom nguyên tử do Mỹ ném xuống, hai thành phố là Hyroshima và Nagasaki bị huỷ diệt tàn khốc, để lại di chứng cho mãi tới bây giờ. Người Nhật ngay sau đó phải bắt đầu lại từ hai bàn tay không. Vậy mà chỉ trong mấy chục năm sau, họ đã vươn lên mạnh mẽ để là một trong những cường quốc trên thế giới.

Sở dĩ họ đạt được như vậy chính là nhờ ở sự cần cù, chịu khó, ham làm việc và một lối giáo dục con người tích cực ngay từ nhỏ. Ở Nhật, mọi học sinh đều được nhà trường dạy rằng đất nước luôn gặp khó khăn, tài nguyên nghèo nàn, cạn kiệt, thiên nhiên, khí hậu rất khắc nghiệt và luôn gặp tai hoạ khủng khiếp bởi núi lửa, động đất. Nếu không cố gắng, nỗ lực đặc biệt, dân tộc sẽ có nguy cơ diệt vong, không thể tồn tại. Điều này là sự thật hiển nhiên và nền giáo dục Nhật Bản đã không né tránh, lại còn luôn nhấn mạnh để kích thích ý chí phấn đấu vươn lên bằng tất cả nghị lực của con người.

Bên cạnh nhiều phẩm chất tốt đẹp rất đáng phải học tập của người Nhật, họ cũng có những nét tính cách có phần tiêu cực. Đó là do lòng tự trọng quá cao, quá đề cao danh dự cá nhân, lại quá ham thích làm việc mà dẫn tới luôn chịu nhiều áp lực từ công việc. Khi không thể chịu nổi, họ đã tìm tới cái chết một cách khá nhẹ nhàng. Nhật là quốc gia có số người tự tử hằng năm luôn cao nhất thế giới. Cách tự tử phổ biến ở Nhật là vào rừng tự treo cổ. Trên đường đến núi Phú Sỹ (ngọn núi cao trên 3000m so với mặt biển, một kỳ quan độc đáo, là điểm du lịch nổi tiếng), có một cánh rừng là nơi luôn xảy ra nhiều vụ tự sát.

Một hạn chế nữa của người Nhật là rất lười kết hôn. Ai đã lập gia đình thì lười sinh con. Rất hiếm thấy ở Nhật, các cặp vợ chồng có 2 con trở lên. Nhiều cặp đã cưới nhau lâu vẫn chưa muốn có con. Trong khi đó thì số người già ngày càng nhiều. Tuổi thọ trung bình của người Nhật hiện nay là 83. Năm 2023, số người trên 80 tuổi ở nước này là 12,69 triệu người. Đây là lần đầu tiên số người trên 80 tuổi chiếm tới hơn 10% trong cơ cấu dân số của Nhật Bản. Với tình trạng lười sinh con như hiện nay thì ước tính đến năm 2060, sẽ có 40% dân số Nhật ở độ tuổi trên 65. Sở dĩ người Nhật sống thọ vì có chế độ ăn uống rất khoa học. Họ không bao giờ ăn quá no, chỉ ăn đến 75% khả năng có thể rồi dừng lại. Dinh dưỡng chủ yếu là chất xơ, sinh tố trong rau, trái cây và chất bột, đạm vừa phải. Ai cũng chỉ ăn một lưng cơm, kèm nhiều thức ăn. Hạn chế ăn đồ chiên, nướng và thức ăn nấu chín sẵn. Luôn sống hiền hoà, thân thiện, vui vẻ với mọi người.

Nếu một lần đến Nhật Bản, hẳn là bạn sẽ lưu giữ được những ấn tượng tốt đẹp về đất nước với nhiều cảnh đẹp ngoạn mục, nhưng chủ yếu vẫn là con người với rất nhiều phẩm chất quý mà chúng ta có thể học tập, noi theo./.

Nguy

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi?

Ông Trump muốn “xóa sổ” Bộ Giáo dục Mỹ, liệu có khả thi?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết sẽ "xóa sổ" Bộ Giáo dục Mỹ để trả quyền quản lý trong lĩnh vực giáo dục về các bang. Tuy nhiên, liệu ông có thực hiện được điều này và nếu thành công, kế hoạch này sẽ mang đến những thay đổi gì cho hệ thống giáo dục Mỹ?

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nicaragua thăm và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nicaragua thăm và làm việc với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Sáng ngày 15/11/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp đã tiếp Ngài Mario José Armengol Campos, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nicaragua tại Việt Nam. Chuyến thăm của ngài Đại sứ Nicaragua Mario José Armengol Campos nhằm kết nối cơ hội hợp tác đôi bên trong lĩnh vực văn hóa, văn học ngh