Phú Thọ - Cái nôi văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp

Trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mảnh đất Phú Thọ được coi là vùng tự do. Trên địa bàn tỉnh chỉ có một số địa phương thuộc huyện Hạc Trì thời ấy là bị giặc chiếm đóng, còn những nơi khác đều được giải phóng sau một thời gian ngắn. Là cửa ngõ của hai vùng Tây Bắc, Việt Bắc với đồi núi hiểm trở, cây rừng rậm rạp. Khi kháng chiến nổ ra hai huyện Hạ Hòa và Thanh Ba của Phú Thọ có nhiều cơ quan Trung ương, Liên khu X, quân đội, trường học đóng trụ sở, đặc biệt các đoàn văn nghệ sĩ, lên tham gia kháng chiến, phục vụ kháng chiến. Nhiều người dân Hà Nội cũng tản cư về đây lập những phố nhỏ ở Hanh Cù, Vũ Ẻn, Ấm Thượng hình thành cuộc sống phố thị kháng chiến với nhiều cửa hàng cửa hiệu đông vui. Chính những điều kiện này mà Phú Thọ được là cái nôi của nền văn nghệ cả nước.

Những địa danh lịch sử

Đoàn Văn hóa kháng chiến (làng Xuân Áng)

Kháng chiến chống thực dân Pháp tại Hà Nội diễn ra ngày càng ác liệt với khẩu hiệu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giữ từng con đường, từng góc phố. Tuy vậy lực lượng ta lúc này chưa đủ mạnh, Trung ương quyết định chuyển các cơ quan lên Việt Bắc để lập chiến khu cách mạng và thực hiện kháng chiến trường kỳ.

Biết được lợi thế của sức mạnh tinh thần Đảng chủ trương tập hợp lực lượng văn nghệ sĩ yêu nước đi theo phục vụ cho kháng chiến. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được phân công làm nhiệm vụ này. Ông đã liên hệ với Tổng bộ Việt Minh ở Phú Thọ tìm địa điểm để lên đóng trụ sở, rồi cử nhà văn Nguyễn Văn Mãi về Hà Nội tập hợp lực lượng, vận động văn nghệ sĩ đưa cả gia đình đi tham gia kháng chiến, phục vụ kháng chiến lúc này có Thế Lữ, Song Kim, Phan Khôi, Tô Ngọc Vân, Tô Hoài, Tạ Mỹ Duật, Bùi Huy Phồn và các gia đình Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận...

Điểm đến đầu tiên của đoàn ở Ba Thá (Hà Tây), lúc này Pháp chiếm Hà Nội và đang mở rộng ra xung quanh. Đoàn khẩn trương gồng gánh đi bộ lên Sơn Tây và đi dọc sông Hồng lên Phú Thọ rồi tiếp tục đi tàu hỏa lên Vĩnh Chân. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Thành Thế Vỹ, các họa sĩ Phan Kế An, Mai Văn Hiến đón đoàn ở sân ga, nghỉ lại vài ngày cho lại sức rồi đoàn tiếp tục đi về nơi đóng trụ sở ở làng Xuân Áng (Hạ Hòa).

Miền đất mang đậm màu sắc Trung du dân làng quần tụ đông vui trù phú lại cách sông Thao vài cây số. Nhiều gian nhà gỗ rộng được dành làm chỗ ở và làm việc cho các văn nghệ sĩ tên tuổi như: Thế Lữ, Song Kim, Tạ Mỹ Duật, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Phan Khôi, Bùi Huy Phồn, Tô Hoài, Thanh Tịnh, Ngô Huy Quỳnh, Nguyễn Khang… do họa sĩ Tô Ngọc Vân làm trưởng đoàn, sau này ông còn đưa cả một lớp sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do ông dạy về đây để tiếp tục học.

Hội Văn nghệ Việt Nam (trụ sở Gia Điền 1947 - 1948)

Mùa thu năm 1947, Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao nhiệm vụ cho đồng chí Tố Hữu lên Việt Bắc cùng với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi phụ trách công tác văn nghệ. Thời điểm này quân Pháp mở chiến dịch lớn tiến đánh các căn cứ kháng chiến nhằm vây bắt và cô lập các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ở Việt Bắc.

Với lợi thế của một vùng đồi núi cây cối rậm rạp, Gia Điền (Hạ Hòa) được chọn đóng trụ sở của Hội Văn nghệ Việt Nam và trụ sở của tạp chí Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ Việt Nam do nhà thơ Tố Hữu làm Thư ký tòa soạn, cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận...

Số tạp chí Văn nghệ đầu tiên ra đời tháng 3/1948. Ở đây còn đóng trụ sở đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm Giám đốc. Trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn nhưng với nhiệt huyết của các văn nghệ sĩ, nhiều đầu sách được ra đời. Trong đó có những cuốn “Những người ở lại” của Nguyễn Huy Tưởng, “Vượt lên bão táp” của Nam Cao, “Phố mới” của Kim Lân, “Dãy người” thơ của Nguyên Hồng, “Vỡ tỉnh” của Tô Hoài, “Nhận đường” tùy bút của Nguyễn Đình Thi, “Núi yên ngựa” của Ngô Tất Tố, “Văn Lỗ Tấn” của Phan Khôi dịch... Tại đây, Hội Văn nghệ Việt Nam cũng làm những công việc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam.

Phú Thọ - Cái nôi văn nghệ thời kháng chiến chống Pháp - 1

Nhà thơ Tố Hữu và phu nhân cùng các nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, Hữu Thỉnh với văn nghệ sĩ Phú Thọ trong chuyến trở về nguồn năm 1998.

Đại hội Văn hóa toàn quốc (từ 16 - 20/7/1948 tại Đào Giã - Thanh Ba)

Đại hội Văn hóa toàn quốc họp các ngày 16, 17, 18, 19, 20/7/1948 tại Đào Giã - Thanh Ba (Phú Thọ). Đây là Đại hội có tầm cỡ và quy mô lớn bàn về văn hóa (theo nghĩa rộng) thống nhất thành lập Hội Văn hóa Việt Nam thay cho Hội Văn hóa cứu quốc không còn phù hợp với tình hình mới của cách mạng.

Đồng chí Trường Chinh đến dự và có bài phát biểu quan trọng với tiêu đề “Chủ nghĩa Mác và vấn đề Văn hóa Việt Nam”. Đại hội đã bầu Hồ Chủ tịch là Hội trưởng danh dự và một Ban Chấp hành gồm: Ban Thường vụ Hội trưởng là Đặng Thai Mai, Tổng thư ký là Hoài Thanh, các ủy viên Ngụy Như Kon Tum, Tô Ngọc Vân, Trần Huy Liệu, Đoàn Phú Tứ, Trần Văn Giáp và các Ủy viên Ban Chấp hành gồm Trần Đại Nghĩa, Phạm Đình Ái, Đặng Phúc Thông, Tôn Thất Tùng (ngành Khoa học tự nhiên); Nguyễn Khánh Hoài, Trần Công Tường (ngành Khoa học xã hội); Nguyên Công Mỹ, Phạm Thiều, Bà Thục Viên (ngành Giáo dục); Hoàng Xuân Nhị, Đỗ Đức Dục (ngành Nghệ thuật); Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Nguyễn Cao Luyện (ngành Văn học).

Trước đó, Hội Văn hóa cứu quốc thành lập năm 1943, tiền thân của Hội Văn hóa Việt Nam đã họp Đại hội tại Hà Nội trong 3 ngày tháng 10/1946 có trên 80 đại biểu các vùng miền đến dự. Bầu Ban Chấp hành gồm 14 người do nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, nhà phê bình Hoài Thanh làm Tổng thư ký cùng các Phó Tổng thư ký: Nhà thơ Tố Hữu, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, nhà thơ Xuân Diệu, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà văn Nguyễn Đình Thi...

Đại hội Văn hóa cứu quốc khai mạc tại Nhà hát lớn ngày 24/11/1946 có trên 200 đại biểu từ khắp đất nước về dự. Lúc này chiến sự diễn ra ở nhiều nơi; Pháp đánh Hải Phòng nên Đại hội chỉ họp trong 1 ngày, Hồ Chủ tịch đến dự và nói chuyện với Đại hội buổi chiều bầu Ủy ban Văn hóa toàn quốc.

Đại hội Văn nghệ toàn quốc (Yên Kỳ - Hạ Hòa)

Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức vào các ngày 23, 24, 25/7/1948 tại xã Yên Kỳ (Hạ Hòa - Phú Thọ) có 80 văn nghệ sĩ cả nước về dự Đại hội. Đại biểu dự Đại hội gồm có: Đặng Thai Mai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Văn Tỵ, Võ Liên Sơn, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Đôn, Chu Ngọc, Xuân Sanh, Hải Triều, Lê Đại Thanh, Hoàng Công Khánh, Phan Huy, Bùi Công Kỳ, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Phúc, Văn Cao, Trần Văn Cẩu, Trần Đình Tho, Phan Kế An, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sáng, Lê Phả, Bửu Tiến, Trần Đăng, Ngô Quang Châu, Anh Thơ, Bắc Sơn, Phan Thanh, Phương Hoa, Nguyễn Đình Thi, Tố Hữu, Hoài Thanh, Như Phong, Xuân Thủy, Hải Như, Xuân Diệu, Tô Ngọc Vân, Hồng Tranh, Phan Khôi, Nguyễn Đình Lạp, Chu Ngọc, Thanh Tịnh, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Cao Luyện, Lưu Hữu Phước, Lê Hữu Kiều (Sơn Tùng), Trương Tửu cùng một số văn nghệ sĩ khác. Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm: Hoài Thanh, Tố Hữu, Tô Ngọc Vân; Đoàn thư ký gồm: Lê Đại Thanh, Trần Lê Văn, Xuân Diệu.

Đại hội đã bầu 17 người vào Ban Chấp hành; Ban Thường vụ có Nguyễn Tuân - Tổng thư ký, Tố Hữu - Phó Tổng thư ký, Võ Đức Diên (phụ trách kinh tế), Ngô Quang Chân (phụ trách quản trị), Xuân Diệu (phụ trách tổ chức kiểm tra). Các Ủy viên Ban Chấp hành Trần Văn Cẩn (ngành Mỹ thuật), Thế Lữ (ngành Sân khấu), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước (ngành Âm nhạc), Ngô Tất Tố (phụ trách khu I), Lê Hữu Kiều (phụ trách khu III), Trương Bửu, Lưu Trọng Lư (phụ trách khu IV), Tạ Mỹ Duật (phụ trách khu X), Nguyễn Đỗ Cung (phụ trách Nam Trung Bộ), Hoàng Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm (phụ trách Nam Bộ).

Trong Đại hội còn quyết định thành lập: Đoàn Nhạc sĩ với Ban Chấp hành gồm Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Thi. Đoàn Sân khấu với Ban Chấp hành: Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Khoa (Thường vụ), Võ Đức Diên, Nguyễn Huy Tưởng, Chu Ngọc, Phạm Văn Đôn, Trần Hoạt, Lê Đại Thanh, Bửu Tiến, Trần Huyền Trân. Đại hội cũng quy định các khu thành lập chi hội văn nghệ, các tỉnh thành lập phân hội văn nghệ.

Những chuyến đi trở về nguồn

Từ những năm 1998 đến nay liên tục có nhiều chuyến trở về thăm lại cái nôi của nền văn nghệ Việt Nam, nơi các văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước đã có những năm tháng sống và sáng tác trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn nhưng tác phẩm của họ lại sống mãi cùng năm tháng, làm nên một thời kỳ huy hoàng của văn nghệ Việt Nam. Đó là các chuyến trở về của gia đình Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Cù Huy Cận, Xuân Sanh, Kim Lân, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Tô Hoài, Tô Ngọc Vân, Lưu Quang Vũ...

Những chuyến trở về nguồn của các thế hệ văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Báo Văn nghệ, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ… cùng với các hoạt động tình nghĩa như tặng quà, sách báo, những suất học bổng cho quỹ khuyến học cho các xã nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 30/5/2023, đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam do PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp làm Trưởng đoàn đã có chuyến trở về nguồn, cùng đi có TS Nguyễn Thành Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp; PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam; nhà văn, nhà báo Hoàng Dự - Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật cùng nhiều lãnh đạo các Hội chuyên ngành Trung ương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ và đoàn làm phim của VTV.

Đoàn đã thăm lại một số điểm đặt bia lưu niệm trên đồi chè nơi tổ chức Đại hội đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam ở xã Yên Kỳ; thăm bia lưu niệm tại xã Gia Điền (nhà bà Bủ Gái năm xưa tại gốc gạo năm nào đã nhường nhà cho Hội Văn nghệ làm nơi ở, làm việc; số tạp chí Văn nghệ đầu tiên cũng được ra đời tại đây…).

Trưởng đoàn, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bày tỏ niềm xúc động, biết ơn những thành quả mà các bậc tiền bối đi trước đã để lại. Hứa với các bậc tiền nhân, các thế hệ văn nghệ sĩ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống văn nghệ cách mạng, tích cực sáng tác tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, đoàn tặng nhiều ấn phẩm sách, báo cho các xã Yên Kỳ và Gia Điền.

Ở cương vị Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Phú Thọ gần 3 nhiệm kỳ, được tháp tùng nhiều đoàn văn nghệ sĩ trở về nguồn, tôi hiểu rõ hơn về một thời của văn nghệ kháng chiến. Thôn Dộc Phát, ngự trên đồi chè xanh mướt có tấm bia ghi “Nơi họp Đại hội Văn nghệ kháng chiến toàn quốc thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam trong các ngày 23, 24, 25/7/1948”. Chính nhà thơ Tố Hữu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh... đã đến Dộc Phát chỉ đạo dựng bia để đánh dấu nơi diễn ra sự kiện trọng đại này.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã có nhiều bài nghiên cứu về sự ra đời của nền văn nghệ kháng chiến chống Pháp ở Phú Thọ giai đoạn 1945 - 1954. Qua tìm hiểu tôi được biết: Xã Yên Kỳ cùng với các xã Văn Lang, Chuế Lưu, Minh Hạc, Đại Phạm... là những xã của huyện Hạ Hoà có phong trào khá toàn diện về mọi mặt kinh tế - xã hội. Riêng Đảng bộ Yên Kỳ nhiều năm liền đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”. Những năm chống Pháp đã có lần giặc mon men vào Dộc Phát bị dân quân du kích và bộ đội địa phương đánh cho thua chạy.

Được biết nhà văn Lê Minh (con cụ Nguyễn Công Hoan) cùng chồng là ông Trần Diệp Hàm lên Yên Kỳ viếng mộ cha là Lê Đức Linh. Cụ Linh là bạn dạy học và là người giác ngộ cách mạng cho nhà văn Nguyễn Công Hoan. Trước cách mạng cụ Linh được Tổng Bí thư Trường Chinh cử ra nước ngoài hoạt động. Khởi nghĩa tháng Tám thành công cụ Linh được Trung ương điều về Tân Trào công tác. Khi cụ mất, hài cốt được đưa về mai táng ở Yên Kỳ - quê ngoại. Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp về Yên Kỳ gắn bia mộ cho cụ và chỉ thị cho huyện Phù Ninh, đổi tên Phú Hộ thành xã Nhuận Chi là bí danh của cụ Linh vì ở Phú Hộ cụ lập đồn điền làm trụ sở hoạt động bí mật của Đảng...

Rồi xã Chu Hưng, nơi đã in đậm dấu ấn đoàn kịch của Thế Lữ. Chu Hưng cũng là nơi đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh của các họa sĩ Việt Bắc. Lớp nhạc do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận dạy ở đầm Ao Châu cũng thường xuống Chu Hưng biểu diễn. Những lớp học sinh thời ấy bây giờ đã trở thành các nhạc sĩ nổi tiếng. Đứng trên quả đồi cao ở Chu Hưng, ta sẽ nhìn trọn vùng đất từng là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô văn nghệ Việt Nam hồi đầu thành lập.

Phía trên là Ấm Hạ, Ấm Thượng, nơi có đầm Ao Châu 99 ngách in dấu chân Vua Hùng tìm đất đóng đô. Bên kia là Xuân Áng, năm 1946 có khoảng một nghìn người dân Hà Nội tản cư lên. Đó cũng là trụ sở của Đoàn Văn hóa kháng chiến do họa sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Các họa sĩ đã vẽ tranh, vẽ tem, vẽ các mẫu tiền và bằng khen, huân, huy chương cho Chính phủ Kháng chiến tại nơi này.

Từ Xuân Áng, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã sáng tác bài “Tiếng chuông nhà thờ” nổi tiếng. Cũng từ Xuân Áng, nhà văn Bùi Huy Phồn đã viết kịch bản để Thế Lữ dàn dựng cho đoàn kịch. Diễn viên chính lại là Thế Lữ, vợ ông là NSND Song Kim, rồi nhà văn Bùi Huy Phồn, Thanh Tịnh và có khi cả Nguyễn Xuân Khoát cũng phải vào vai. Từ đây nhà thơ Thanh Tịnh đã sáng tạo tấu một thể loại mới của sân khấu.

Chính ở vùng đầm Ao Châu đêm 19/8/1948, Đoàn kịch kháng chiến từ Xuân Áng sang đã công diễn đêm đầu tiên với hai vở “Tay người đàn bà” - kịch Bùi Huy Phồn và “Cụ Đạo ông sử” - kịch của Thế Lữ. Đoàn kịch được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đổi tên là Đoàn kịch Quyết Thắng. Diễn từ Xuân Áng sang Hạ Hoà. Thanh Ba đến các vùng tự do của Phú Thọ rồi đi diễn ở Tuyên Quang, Thái Nguyên đến các tỉnh Tây Bắc - Việt Bắc. Xuân Áng, Hạ Hoà là đại bản doanh của Đoàn kịch Kháng chiến.

Tôi cũng đã có dịp cùng nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đến nơi đây tìm hiểu viết bài, gặp gỡ các nhân chứng sống là ông Đặng Văn Khai và Bùi Kim Duyệt là những cán bộ địa phương đã từng tham gia học diễn tấu với Thanh Tịnh và Đoàn kịch kháng chiến. Nhà ông Bùi Văn Luận là nơi gia đình họa sĩ Tô Ngọc Vân ở và làm việc, tận mắt nhìn thấy bàn gỗ và quả lô bằng đá nặng hàng chục ký dùng để in tranh tuyên truyền của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Ông Luận được họa sĩ Tô Ngọc Vân nhận vào làm ở xưởng in của Đoàn Văn nghệ kháng chiến. Sau này đoàn chuyển sang Ấm Hạ và lên Thái Nguyên ông cũng lên theo. GS.TS Tô Ngọc Thanh cũng đã về thăm lại nơi này để ôn lại những kỷ niệm thời trẻ ông đã cùng gia đình mình ở đây.

Gia Điền, cái tên nghe thân thương đối với văn nghệ sĩ nhiều lắm. Gia Điền đã đổi khác, không còn nghèo nàn như ngày nào nhà thơ Tố Hữu về nữa. Hệ thống điện, đường, trường trạm được Nhà nước đầu tư mạnh. Nhân dân Gia Điền đang thực hiện dự án chè để làm giàu cho nhân dân. Dân quanh vùng thưởng có câu “Lắm thóc Gia Điền, lắm tiền Chu Hưng” vì lắm thóc nên Hội Văn nghệ Việt Nam, cùng nhiều cơ quan Trung ương, Chính phủ và Liên khu X mới về đóng ở Gia Điền và quanh vùng.

Hội Phụ nữ xã Gia Điền ngày ấy mở nhiều hàng quán ven đường để phục vụ không thu tiền từ cốc nước chè xanh đến hoa quả, đồng quà tấm bánh của cán bộ và bộ đội qua làng. Chúng tôi đứng chụp ảnh bên tấm bia lịch sử của Hội Văn nghệ Việt Nam hồi đầu năm 1947, 1948, vào ngôi nhà làm trên nền cũ của nhà bà cụ Gái mà các ông Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Văn Cao đã ở từ những năm 1947. Ở đây đêm đêm nghe bà cụ Gái khóc vì nhớ con trai đi vệ quốc quân, anh em đã yêu cầu nhà thơ Tố Hữu làm bài thơ “Bầm ơi” giả làm thư của con trai gửi về cho bà Gái. Bà Gái tưởng thật, luôn nhờ nhà thơ đọc lại “Bức thư” này cho nghe.

Và ở chiến trường các chiến sĩ cũng đua nhau chép bài thơ “Bầm ơi” gửi cho mẹ mình. Từ nhà bà cụ Gái này, nhà văn Kim Lân đã hoàn thành truyện ngắn “Làng” nổi tiếng. Nguyễn Huy Tưởng viết kịch “Người ở lại”. Nguyên Hồng viết “Ấp đồi cháy”. Văn Cao hoàn thành “Trường ca Sông Lô”. Bản nhạc này được nhạc sĩ Lương Ngọc Trác dàn dựng cho Đoàn quân nhạc để công diễn đầu tiên ở làng Vĩnh Chân, Hạ Hoà trong đại hội việc tập luyện do tướng Bằng Giang phụ trách. Cũng dịp này, Đỗ Nhuận hoàn thành bản “Du kích Sông Thao” được công diễn đầu tiên ở Hạ Hoà.

Nơi đây, đặt tấm bia “Tại thôn Gia Điền trong kháng chiến chống Pháp đã đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam (1948 - 1949) cùng với cơ quan Thường trực Hội, có cơ quan Tạp chí Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn nghệ”. Trong “Văn nghệ những ngày đầu”  - Nhà thơ Tố Hữu có viết: “... Lại tạt qua Việt Trì lên Phú Thọ... còn văn nghệ thì vào thôn Gia Điền. Từ đây, thực sự bắt đầu công việc văn nghệ kháng chiến. Đó là một xã nghèo đói, chỉ mấy mảnh ruộng bằng tấm chiếu trải giữa những đồi cọ xác xơ. Nhà chúng tôi đến chỉ có một bà cụ già có một con trai đã vào bộ đội. Lỏng chỏng hai cái giường tre đủ cho 4 người nằm và một bộ phản gỗ làm bàn cho “Tòa soạn” một Tạp chí sắp ra đời... phải ra Tạp chí Văn nghệ ngay, giấy bản còn dính cả rơm nhưng vừa đủ mấy khuôn chữ bỏ cặp mang theo. Nhưng ra báo là sướng rồi. Gay nhất là bài vở thế nào cho hay, anh bò ra mà viết, nhờ có gió chiến thắng, hào hứng nổi lên, có đủ tiểu luận, truyện ngắn, thơ, nhạc... Một tạp chí đã ra đời, mặt mũi khôi ngô, tinh thần rất mạnh, bắt đầu có khí sắc kháng chiến”.

Và những số đầu của Tạp chí Văn nghệ đã được biên tập và phát hành ở Gia Điền. Tháng 3/1948, các số 2, 3, 4, 5 cũng được biên tập ở Gia Điền trong những tháng tiếp theo do nhà thơ Xuân Diệu đi in ở Báo Cứu quốc ở đồi Gò Bông cạnh xóm Gạo xã Gia Điền.

Mỗi chuyến trở về nguồn, chúng tôi thường được lãnh đạo huyện Hạ Hòa bố trí nghỉ đêm tại thị trấn của huyện. Những đêm đầu hè yên tĩnh ấy, gió sông Thao vi vu nhè nhẹ khiến mỗi người đều liên tưởng đến những năm tháng sống, sáng tác của lớp văn nghệ sĩ hàng đầu đất nước, trong thiếu thốn, khó khăn nhưng đầy huy hoàng và tự hào của giới văn nghệ sĩ Việt Nam. Sẽ còn vang vọng mãi những “Bà bủ”, “Bầm ơi” của Tố Hữu, “Trường ca sông Lô” của Văn Cao; “Du kích Sông Thao” của Đỗ Nhuận và biết bao tác phẩm bất hủ khác.

Đỗ Ngọc Dũng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm hè miền Bắc giản dị mà cực hấp dẫn

Mâm cơm mùa hè miền Bắc thường có sự kết hợp giữa món mặn, rau xanh, bát canh thanh mát và hoa quả theo mùa. Cà pháo muối, dưa chua, các món nộm,... giúp giải ngán, kích thích vị giác cũng rất được ưa chuộng.

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết

Kỷ niệm với NSND Tường Vi - một đồng nghiệp, một đồng đội thân thiết

Cuối năm 1955, ca sỹ Kim Ngọc của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (nay là Đoàn Ca múa Quân đội) chúng tôi qua Quân y viện 108, bất giác nghe được giọng hát của cô y tá Tường Vy đang say sưa hát cho thương binh nghe ở ngay đầu giường bệnh. Đó là giọng ca của cô gái miền Trung vừa theo bộ đội khu V tập kết ra Bắc.