Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc

Tháng Năm, giữa lúc Hải Phòng - thành phố thân yêu của tôi đang rộn ràng những ngày lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng, tôi nhận được giấy của Cục chính trị Bộ tư lệnh Hải quân mời ra thăm đảo do Tổng biên tập Hoàng Dự chuyển đến. Đoàn công tác do Chuẩn Đô đốc Lê Bá Quân, Đảng uỷ viên Quân chủng, Phó Bí thư Đảng uỷ Tư lệnh Vùng 2, Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác số 21 trên con tàu KN 290 hướng ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, cùng hơn 200 đại biểu tham gia. Chuyến đi kéo dài 7 ngày, là hành trình đầy cảm xúc, tự hào và trăn trở về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Đoàn tập trung tại cảng Cát Lái (Thủ Đức - TP. Hồ Chí Minh) Tàu KN 290 - con tàu quen thuộc của lực lượng Hải quân Việt Nam - là phương tiện chính đưa đoàn ra quần đảo Trường Sa. Dưới ánh nắng nhẹ đầu ngày, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, ai nấy đều mang trong mình tâm trạng háo hức, xúc động, nhất là những người lần đầu ra đảo.

Sau khi rời đất liền, đoàn bắt đầu chuỗi ngày lênh đênh giữa biển khơi. Biển Đông tháng 5 tương đối hiền hòa. Ban đêm, giữa không gian bao la chỉ có tiếng sóng và tiếng máy tàu, bầu trời sao dày đặc khiến nhiều người xúc động đến nghẹn ngào. Những buổi giao lưu văn nghệ, chia sẻ giữa các thành viên trong đoàn, các chiến sĩ trên tàu tạo nên tình cảm gắn bó như người thân ruột thịt.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 1

Ngày đầu tiên 13/5, chúng tôi đặt chân lên đảo Đá Thị. Đảo nằm ở Đông Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sơn Ca khoảng 6 hải lý về phía Đông - Đông Bắc. Đảo Đá Thị có hình hơi cong và dẹt về phía 2 đầu. Là đảo đá ngầm dài khoảng 2km, rộng khoảng 1,3km. Khi nước thủy triều lên, toàn bộ đảo nằm dưới mặt nước 0,6m vì vậy người ta thường gọi là đảo chìm. Đảo Đá Thị tuy nhỏ nhưng có vị trí vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trong vùng biển quần đảo Trường Sa. Tiếp chúng tôi là Thượng úy Mai Vũ Thanh Nguyên - đảo trưởng cho biết: “Tuy còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt nhưng cán bộ chiến sỹ trên đảo với lòng yêu Tổ Quốc đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Mấy năm gần đây Đá Thị đã được đầu tư xây dựng nhà 3 tầng kiên cố, hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời để đảo vũng chắc trở thành pháo đài vững chãi giữa biển.

Buổi chiều đoàn có mặt trên Đảo Sinh Tồn. Đảo nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, có chiều dài khoảng 0,39km, rộng 0,11km nằm trên một nền san hô ngập nước. Xung quanh đảo có bờ cát rộng khoảng 10m, phía đầu đảo Đông và Tây có hai đồi cát. Đất trên đảo là cát san hô nên không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như Mù u, Phong Ba, Bàng Vuông, rau Muống biển... Tuy vậy đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh, đảo không có nước ngọt, phụ thuộc vào nước mưa. Với một ngày làm việc kín lịch: Thăm đảo, trao quà, trò chuyện với các chiên sỹ. Buổi tối, chúng tôi ngồi bên nhau, đội văn nghệ của quân khu 7 cùng đốt lửa trại với các chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn. Tiếng hát vang lên hòa cùng tiếng sóng của biển, có cả giọng của mấy chàng lính đảo, hòa vang cùng giọng của những nghệ sĩ từ đất liền, và có cả tiếng của lòng người vang mãi ra xa khơi. Bất chợt trong tôi nghĩ rằng Trường Sa không hề xa, Trường Sa luôn ở trong mỗi người con đất Việt.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 2

Sáng ngày 14/5 buổi tàu KN290 tiếp tục đưa chúng tôi đến đảo Cô Lin. Trước khi đi, đoàn làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin. Trên tầng 3 của tàu ngay giữa lòng biển. Nghi thức trang nghiêm, hoa cúc được gửi từ đất liền ra, và hàng ngàn con hạc giấy được anh chị em trong đoàn gấp vội trong đêm thả xuống làn nước xanh thẳm mang theo lòng biết ơn vô hạn. Không ai nói gì nhiều, nhưng ánh mắt ai cũng nhòe đi lặng nghe nhắc đến tên 64 các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh chiến đấu với kẻ thù để giành lại từng tấc biển của biển đảo yêu thương. Đảo Cô Lin cũng là đảo đá nằm cách đảo Sinh Tồn chừng 7 hải lý về phía Tây Nam, cách bãi đá Gạc Ma (Trung Quốc chiếm đóng trái phép) khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Len Đao khoảng 6,8 hải lý về phía Tây-Tây Nam. Đảo đá Cô Lin có hình tam giác nhưng cạnh hơi cong, mỗi cạnh dài 1 hải lý. Khi thủy triều lên, đảo bị ngập chìm trong nước, khi thủy triều xuống thấp cả đảo chỉ lộ ra một vài hòn đá mồ côi. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, đảo của Tổ Quốc, lực lượng Hải quân đã xây dựng ở đây một nhà lâu bền và một nhà cao chân, hai nhà này cách nhau 100m. Với vị trí tiền tiêu, đảo Cô Lin phối hợp với các đảo khác của quần đảo Trường Sa tạo thành thế trận liên hoàn, vững chắc và là lá chắn vòng ngoài bảo vệ biển, bảo vệ hướng phía Đông của các tỉnh Nam Trung bộ. Khi đang nhìn tấm bảng thông tin phân công lịch trực, một lính trẻ măng độ chừng 20 tuổi đến vui vẻ hỏi tôi: “Chú ơi, tên cháu đây này” - vừa nói cậu vừa chỉ tay về hàng chữ có dòng tên Trung sỹ Nguyễn Đức Linh - KĐT 12.7. Tôi hỏi Linh quê cháu ở đâu. Linh nói cháu quê Long Khánh - Đồng Nai mới ra đảo được 5 tháng, đưa tôi xem cuốn nhật ký, tôi liếc vội dòng ghi: “Ngày đầu ra đảo. Nhớ mẹ. Nhưng không được khóc.”.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 3

Điều làm tôi suy nghĩ mãi mà không giải thích nổi có một sự trùng hợp ngâu nhiên mang dáng dấp tâm linh... Cách đây 46 năm, em trai tôi cũng tên Nguyễn Đức Linh tuổi 20 tại chốt Pha Long, Mường Khương, Lào Cai đã hy sinh anh dũng trong trận chống quân xâm lược phía Bắc. Có lẽ những người lính như Linh ở đây là hiện thân của những người lính trẻ như Linh xưa. Họ học cách sống cùng thiếu thốn, tập yêu lấy từng tấc đất, mảnh san hô, từng tán cây chắn gió. Họ biết rằng phía sau mỗi ca trực, mỗi cơn bão, là sự bình yên của hàng triệu người nơi đất liền, đó là những thanh niên đang viết tiếp lên những bản anh hùng ca mãi mãi tuổi 20 của thời đại Hồ Chí Minh.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 4

Sáng ngày 15/5 đoàn đến đảo Đá Tây A, là một trong ba điểm đảo thuộc đảo chìm Đá tây. Đảo Đá Tây A là đảo chìm mới được tôn tạo và bồi đắp thành đảo nổi, cây xanh trên đảo trồng chủ yếu là bàng vuông. Dân trên đảo còn trồng và thu hoạch được cả dưa hấu, bên cạnh đó còn có khu dịch vụ hậu cần nghề cá và một siêu thị cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân. Đảo có nhà đại đoàn kết, các dân tộc Việt Nam, Chùa Đá Tây A do Giáo hội Phật giáo Việt Nam xây dựng. Tôi vào chùa gióng lên một hồi chuông cùng anh em trong đoàn thắp hương cầu cho quốc thái dân an. Tiếng chuông vang vọng giữa biển trời nghe sao mà linh thiêng. Không khí yên bình, lòng người như được xoa dịu. Một vị sư trụ trì trong đoàn công tác chắp tay cầu nguyện: “Xin cho biển Đông bình yên, cho Trường Sa mãi mãi là của Việt Nam.”. Đảo Tây A càng khiến chúng tôi cảm phục ý chí thép của người lính biển. Các đảo chìm chỉ nhô lên mặt nước khi thủy triều xuống, nhưng vẫn là nơi canh giữ chủ quyền từng ngày, từng giờ. Điều kiện sinh hoạt ở đây rất khắc nghiệt: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, sóng gió bủa vây quanh năm. Nhưng tất cả các chiến sĩ đều luôn lạc quan, yêu đời, có tinh thần thép không hề lay chuyển.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 5

Trường Sa Lớn là điểm cuối chúng tôi thăm các đảo. Trường Sa Lớn hiện ra trong ánh nắng rực rỡ, như một trái tim xanh nằm giữa đại dương. Khi tàu cập đảo, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên nóc nhà chỉ huy, trên chóp chùa, trên nóc trường học. Tôi thấy những đứa trẻ nở nụ cười rạng rỡ, da rám nắng nhưng ánh mắt trong veo. Trên đảo có cây xanh, có vườn rau, có tiếng giảng bài vọng ra từ lớp học đơn sơ - đủ để biết cuộc sống vẫn đang đâm chồi, vươn mầm giữa gian khó.

Chúng tôi đến thăm Đài tưởng niệm các liệt sĩ Trường Sa. Đó là một khoảng sân vuông, hướng thẳng ra biển. Những hàng chữ khắc tên người không tuổi, không quê, chỉ vỏn vẹn còn lại hai từ “Liệt sĩ”. Có những người chưa kịp trở về quê hương, chưa kịp nhìn thấy đứa con vừa chào đời. Họ ở lại Trường Sa - không phải như những nấm mộ - mà như những vì sao giữa biển, vĩnh viễn sáng giữa bầu trời Tổ quốc.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 6

Tôi lặng lẽ thắp nén hương, bàn tay run lên không phải vì gió. Trong một thoáng, tôi thấy mình đứng giữa hai thế giới - một bên là sự sống xanh rờn đang vươn lên, một bên là sự hy sinh bất tử âm thầm. Và ở nơi giao thoa đó, là bóng dáng của lòng yêu nước.

Tôi còn nhớ cách đây 15 năm, (2010) Trường Sa lúc đó còn cực kỳ khó khăn, mọi sinh hoạt đều thiếu thốn. Tôi có ra viết về cô giáo Bùi Thị Nhung hy sinh tuổi xuân của mình đã xung phong ra gieo chữ trên đảo. Với nhãn quan của người làm báo tôi đi tìm khu trường học gặp được Thầy Lê Xuân Hạnh và Thầy Cao Văn Tuyến, họ đều ở Khánh Hòa tình nguyện xin ra dạy học trên Đảo Trường Sa đã vài năm nay. Các thầy cho biết trường mở các lớp từ mầm non đến lớp 5. Trường học bây giờ xây khang trang, sạch đẹp có cả TV cho các cháu sinh hoạt, vui chơi…

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 7

Nhà giàn DK1 là điểm dừng chân cuối trong hành trình. Đó không còn là một hòn đảo - mà là một công trình vững chắc giữa biển sâu - nơi sóng có thể cao tới 10 mét, nơi không có đất, chỉ có ý chí. Từ dưới nhìn lên, nhà giàn DK1 như một cột mốc chủ quyền giữa mênh mông nước. Nhà giàn DK1 - nơi được ví như những “pháo đài thép” giữa thềm lục địa phía Nam. Việc sinh hoạt và công tác trên nhà giàn càng vất vả hơn khi quanh năm chỉ thấy biển trời, không đất liền, không bóng cây. Dù vậy, các chiến sĩ luôn chắc tay súng, bám trụ và canh giữ vùng đặc quyền kinh tế của Tổ Quốc.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 8

Chiến sĩ nhà giàn sống và làm việc trong điều kiện đặc biệt. Có thời điểm bão giật cấp 12, cấp 13, nhà giàn rung lắc dữ dội, mọi hoạt động gần như phải dừng lại - trừ việc trực canh chủ quyền. Các chiến sĩ không có sân để chạy bộ, không có đất để trồng cây, nhưng tuyệt nhiên lòng yêu nước thì chưa bao giờ bị cuốn trôi bởi sóng gió. Tại nhà giàn, đoàn công tác đã tổ chức lễ tưởng niệm trang nghiêm các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ giữ gìn thềm lục địa phía Nam. Họ ngã xuống trong thầm lặng, nhưng ký ức về họ thì vĩnh viễn còn lại giữa sóng biển giữa lòng Tổ Quốc Việt Nam. Chuyến đi kết thúc trong một buổi chiều sẫm nắng. Biển phía sau lặng lẽ trôi, những hòn đảo xa dần, nhưng tôi biết, chúng không rời xa chúng tôi – mà đã ở lại, trong từng trang ký ức, từng nhịp đập trái tim.

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 9

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 10

Trường Sa - Nơi biển gọi tên Tổ quốc - 11

Tôi trở về đất liền, mang theo tiếng sóng, mùi gió và hình ảnh những người lính nơi đảo xa. Trường Sa không chỉ là những hòn đảo ngoài biển, Trường Sa là Tổ Quốc trong hình hài bất khuất. Ai một lần được đặt chân đến đó, đều sẽ hiểu rằng: Tình yêu nước không phải điều gì cao xa - nó bắt đầu từ ánh mắt của một người lính, từ màu rau xanh mọc lên giữa cát, từ lá cờ bay rợp giữa khơi xa.

Tháng 5/2025

Ghi chép Nguyễn Văn Mạnh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người đẹp Việt sinh con ở tuổi đôi mươi rồi làm mẹ đơn thân: Người làm dâu hào môn, người nỗ lực từng ngày vì con

Người đẹp Việt sinh con ở tuổi đôi mươi rồi làm mẹ đơn thân: Người làm dâu hào môn, người nỗ lực từng ngày vì con

Làm mẹ ở tuổi đôi mươi vốn đã là một thử thách lớn, nhưng lựa chọn trở thành mẹ đơn thân lại càng là hành trình nhiều nỗi niềm. Trong showbiz Việt, không ít sao nữ từng đón con đầu lòng khi tuổi đời còn rất trẻ, rồi sau đó một mình nuôi con, đối mặt với những áp lực của dư luận, sự nghiệp và thiên chức làm mẹ.