Văn học - nghệ thuật không đứng yên trong khung kính

Một chiều lang thang trong một không gian nghệ thuật nhỏ giữa lòng đô thị, nghe một nhóm bạn trẻ đang đọc thơ. Không phải trên bục cao, không ánh đèn sân khấu lộng lẫy. Chỉ vài chiếc ghế mây, nền gạch bông cũ, tiếng guitar khe khẽ đệm phía sau. Một bạn gái tóc ngắn, giọng nhẹ như gió lướt mặt hồ, đọc câu thơ của chính mình: “Tôi không viết để được khen hay. Tôi viết để giữ lại chút gì khỏi trôi…”.

Câu thơ như níu lại những bước chân đang vội. Một vài người khách dừng lại. Một vài ánh mắt nhìn nhau. Không ai vỗ tay, nhưng lòng ai cũng lặng.

Ra khỏi quán nhỏ ấy, nghĩ mãi. Phải chăng, văn học - nghệ thuật (VHNT) hôm nay không còn đứng yên trong khung kính, cũng không chỉ sống trong rạp hát, phòng trưng bày, thư viện… mà đang tìm một hình hài mới, gần hơn, sống động hơn, người hơn?

Chẳng ai còn ngồi yên chờ một tập thơ. Nhưng người ta có thể dừng lại nghe nhà thơ kể chuyện thơ, đọc một câu thơ viết trên tường quán cà phê. Người ta cũng muốn nghe một bài hát xưa được phối lại, một đoạn cải lương được đăng trên mạng, một bức tranh được vẽ ngay trên vỉa hè.“Nghệ thuật không chỉ để ngắm, mà để sống cùng. Không chỉ để trưng bày, mà để lan toả”.

Văn học - nghệ thuật không đứng yên trong khung kính - 1

Đoàn văn nghệ sĩ diễu hành tại Lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025). Ảnh: TTXVN

VHNT không còn là một giáo trình đóng kín

Từng có thời, nghệ thuật là “văn cao, nhạc chọn, hoạ sang”, ai yêu nghệ thuật thì phải đi rạp, đi bảo tàng, đọc sách dày. Nhưng ngày nay, công chúng đã thay đổi, không phải vì họ thờ ơ,  mà vì nhịp sống đổi khác, công cụ tiếp cận đổi khác.

Có cô học trò lớp 10 từng nói trong buổi thảo luận về văn học: “Thầy ơi, em thích thơ, nhưng đọc thơ trong sách giáo khoa… thấy buồn ngủ lắm. Nhưng nếu thầy mở podcast đọc thơ mỗi tối, em sẽ nghe”.

Câu nói tưởng đơn giản, nhưng gợi mở cả một hướng đi. Không phải công chúng không yêu nghệ thuật, mà là họ đang chờ nghệ thuật đến đúng cách, đúng nhịp, đúng lòng.

Văn học nghệ thuật lan toả qua những lối đi mới

Từ “đóng” sang “mở” - từ “một chiều” sang “đa chiều”

Ngày xưa, nhà văn viết - độc giả đọc. Nhạc sĩ sáng tác - khán giả nghe.

Ngày nay, người đọc có thể tương tác, đồng sáng tạo, phản hồi, kể lại.

Văn học mạng, truyện ngắn tương tác, thơ Instagram, blog Substack…

Tranh số, vẽ trên iPad, ký hoạ trực tiếp qua livestream.

Trình diễn thơ đa phương tiện, sân khấu mini, cải lương TikTok…

Như vậy tác phẩm không còn là điểm đến. Tác phẩm là hành trình đồng hành với người thưởng thức.

Từ không gian hàn lâm đến không gian thường nhật

Có nhóm nghệ sĩ biểu diễn cải lương ở… chợ quê. Một lát sau, người bán rau, người mua cá, cả trẻ em cũng dừng lại. Có nhóm nhạc trẻ mang dân ca phối theo jazz, chơi trong quán cà phê, người nghe ban đầu tò mò, sau lại ngồi lặng, ngân nga theo giai điệu quê. Hình như đã có gì đó khác trước: “Không chỉ kéo công chúng về rạp, mà mang nghệ thuật đến nơi người dân sống”.

Từ cá nhân đơn độc đến cộng đồng nghệ thuật mở

Nghệ sĩ không còn là người đơn độc. Họ tạo cộng đồng, nhóm sáng tạo đa ngành, tổ chức workshop, cùng làm triển lãm, cùng đi tới trường học, vùng sâu.

Nhà văn trở thành podcaster.

Họa sĩ cộng tác với nhà thiết kế, nhà giáo dục.

Nhạc sĩ làm series chữa lành bằng âm nhạc.

Nghệ thuật không còn là cái tôi độc tấu, mà là bản hòa ca của nhiều tâm hồn.

Văn học nghệ thuật thích ứng, nhưng không đánh mất mình

Thích ứng không có nghĩa là “chạy theo thị hiếu”.

Làm mới là để đến gần công chúng, nhưng giữ gốc là để không lạc mình. 

Có nghệ sĩ cải lương nói trong một buổi giao lưu: “Tôi không diễn để “trẻ hoá” tuồng cổ, tôi diễn để trẻ hiểu vì sao ông bà mình yêu tuồng đến thế”. Câu nói ấy đáng giá hơn trăm bài diễn thuyết: “Nghệ thuật không mất giá trị vì đổi mới, chỉ mất giá trị khi đánh mất bản chất”.

Nghệ sĩ - Nhà văn - Người làm nghệ thuật và hướng tiếp cận mới

Không cần quá nhiều đầu tư, nhưng cần hệ sinh thái hỗ trợ để sống và sáng tạo.

Không gian nhỏ để biểu diễn, trưng bày, thử nghiệm.

Chính sách cởi mở để hợp tác liên ngành, giáo dục cộng đồng.

Kết nối giữa nghệ thuật và công nghệ, giữa sáng tác và giáo dục, giữa truyền thống và hiện đại.

Chính sách cũng cần kết nối

Đưa nghệ thuật vào trường học không chỉ qua sách vở, mà qua trải nghiệm sống: mời nghệ sĩ đến lớp, tổ chức sân khấu học đường, dạy học qua kịch, qua tranh.

Phát triển “nhà sáng tạo cộng đồng” ở địa phương, hội quán văn hoá mở cửa cho nghệ sĩ, thanh niên, người dân cùng tham gia.

Xây dựng mô hình kinh tế sáng tạo nông thôn: làm mới nghề truyền thống, kể lại truyện cổ bằng thiết kế, tạo sản phẩm gắn bản sắc vùng miền.

Mỗi tác phẩm văn học - nghệ thuật đều có lối đi riêng để thổi hồn vào cuộc sống, khơi gợi những điều tích cực trong xã hội, khiến con người tỉnh thức.

Những điều lắng đọng

May mắn được quen với ba người. Một là giáo sư. Một là nhạc sư. Hai người đã quá cố ở tuổi trên dưới 100. Người còn lại là giảng viên đại học. Cả ba quen biết nhau vì một lẽ: đam mê âm nhạc truyền thống. Cách nhau một thế hệ, nhưng họ đều đồng tâm trong trăn trỡ, làm sao thế hệ trẻ không quay lưng lại  với tinh hoa dân tộc.

Nghệ thuật dân gian phải sống ở nơi mà nó sinh ra. Đó là ruộng đồng, nơi khung cảnh thiên nhiên đều tự nhiên: hàng dừa xào xạt, bông sen dưới ao đong đưa theo gió, chiếc xuồng ba lá chồng chềnh trên mặt nước. Muốn thế hệ trẻ yêu âm nhạc truyền thống thì phải phân tích cái hay, cái sâu lắng của từng cung điệu.

Xây nhà hát, bảo tàng mà người nghe, người xem không cảm thụ được thì sẽ trống vắng. Văn học nghệ thuật không chỉ tạo ra những tác phẩm hay, mà còn có sứng mệnh cao cả là giáo dục chân - thiện - mỹ cho con người, nhất là những người trẻ đang “chạm và lướt” điện thoại hàng giờ.

Không ai có thể giới thiệu cái hay, cái đẹp, ẩn sâu trong mỗi tác phẩm bằng người tạo ra nó. Hội Văn học nghệ thuật địa phương có thể tổ chức các không gian kể chuyện nghệ thuật, truyền cảm hứng, kích hoạt khả năng sáng tạo, năng khiếu cho lớp trẻ. Đó chính là hành trình gieo hạt, ươm mầm để mai này quê hương có những vườn hoa nghệ thuật khoe sắc.

Văn học nghệ thuật phải được sống, chứ không chỉ được nhớ

Văn học nghệ thuật không chỉ để lưu giữ quá khứ, mà để đánh thức hiện tại và gieo hạt cho tương lai. Hôm nay, nếu nghệ thuật còn đủ sức lay động lòng người, thì dù trên bức tường cũ, trong quán nhỏ, trong podcast đêm, nghệ thuật vẫn sống.

Nếu thơ còn khiến người trẻ dừng lại, nếu cải lương còn làm người già rơi lệ, nếu một câu chuyện kể trong xóm nhỏ khiến ai đó nhớ về nguồn cội, thì văn học, nghệ thuật không bao giờ chết. Bởi cuối cùng, nghệ thuật không sống nhờ bảo tàng. Nghệ thuật sống nhờ trái tim con người - vẫn còn biết rung động, biết sẻ chia, biết lắng nghe.

Mỗi thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn. Văn học - Nghệ thuật trong thời đại trí tuệ nhân tạo và truyền thông đa phương tiện buộc phải lựa chọn con đường đi cho mình, từ chối thay đổi, hoặc chủ động thích ứng. Đang đứng trước ngã rẻ, mỗi người sẽ tự quyết định định con đường nào đi đến trái tim công chúng nhanh nhất.

Lê Minh Hoan (sưu tầm, và có thể còn những ý kiến khác nhau vì tác giả đứng ngoài không gian Văn học - Nghệ thuật)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Trường THCS Kiều Phú, huyện Quốc Oai – Điểm sáng giáo dục toàn diện của Thủ đô

Trường THCS Kiều Phú, huyện Quốc Oai – Điểm sáng giáo dục toàn diện của Thủ đô

Ngày 24/5, trường THCS Kiều Phú (huyện Quốc Oai, Hà Nội) tổ chức Lễ Tổng kết và tuyên dương, khen thưởng năm học. Khép lại năm học 2024–2025, Trường THCS Kiều Phú tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những cơ sở giáo dục tiêu biểu của Thủ đô với những bước tiến toàn diện cả về chất lượng dạy và học, đội ngũ giáo viên cũng như phong trào thi đua.

Người giàu đang chi tiền vào đâu?

Người giàu đang chi tiền vào đâu?

Dù toàn ngành hàng xa xỉ đang đối mặt với sự chững lại, giới siêu giàu vẫn không ngần ngại chi tiêu cho những món trang sức đắt giá. Tuy nhiên, họ ngày càng khắt khe trong lựa chọn, chỉ tin tưởng những thương hiệu hàng đầu. Điều này mang lại lợi thế cho Richemont – tập đoàn Thụy Sĩ sở hữu loạt tên tuổi đình đám như Cartier, Van Cleef & Arpels.