Bàn giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa
Tại Hội thảo toàn quốc bàn giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 22/5 tại Hà Nội, đã có nhiều đề xuất, sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo toàn quốc bàn giải pháp đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa. Ảnh: Nam Nguyễn
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, và địa phương, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia văn hóa.
TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đại diện Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tham dự Hội thảo.
Hội thảo diễn ra trực tiếp tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Hà Nội) và trực tuyến đến các điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, sức mạnh văn hóa được ví như "quyền lực mềm" được nhiều quốc gia sử dụng thành công để truyền bá hình ảnh của mình ra thế giới, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, văn hiến lâu đời, có bề dày truyền thống hàng nghìn năm. Nền văn hóa đó có hệ giá trị và bản sắc riêng, không bị đồng hóa bởi bất kỳ thế lực ngoại xâm nào. Hệ giá trị và bản sắc đó, cùng với sự tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới đã tạo nên sức mạnh mềm của Việt Nam. Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một thành tố quan trọng cấu thành nên sức mạnh tổng hợp quốc gia và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, trên cơ sở những thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng 80 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cùng gần 40 năm đổi mới, chưa bao giờ đất nước ta lại có "cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế" như ngày nay. Đứng trước thời điểm lịch sử, khi thế giới đang trải qua những thay đổi mang tính thời đại, chưa bao giờ ý chí quyết tâm và khát vọng vươn lên của toàn Đảng, toàn dân tộc lại mạnh mẽ như hiện nay nhằm “thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Chính vì vậy, để tự tin bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đặt ra đối với toàn Đảng, toàn dân ta là nâng tầm, mở rộng "sự đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ của nhân loại", để từ đó vươn lên, khẳng định Việt Nam "có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại".
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung phát biểu, tham luận, làm rõ các vấn đề liên quan đến đề án về đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa, nhất là vấn đề tên gọi của đề án và những nội hàm liên quan.
Các tham luận cũng đề xuất nhiều sáng kiến cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu quảng bá văn hóa Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa quốc tế như: phát triển công nghiệp văn hóa, văn hóa số; xây dựng đội ngũ sáng tạo và cán bộ văn hóa đối ngoại; hỗ trợ doanh nghiệp và nghệ sĩ tham gia vào chuỗi giá trị văn hóa toàn cầu; tăng cường đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa; phát triển các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; và đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò chiến lược của văn hóa trong phát triển bền vững và nâng cao sức mạnh mềm quốc gia.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn
Tham luận tại Hội thảo, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam bày tỏ sự đồng thuận sâu sắc và đánh giá cao sáng kiến của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng và tổ chức Hội thảo toàn quốc nhằm hoàn thiện Đề án “Quốc tế hoá văn hoá Việt Nam và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế”. Đồng thời nhấn mạnh, đây là một chủ trương lớn, mang tính chiến lược, thể hiện tầm nhìn đổi mới và hành động kịp thời trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuyển đổi số và cạnh tranh về “sức mạnh mềm” giữa các quốc gia ngày càng gia tăng.
“Đề án được xây dựng bài bản, có cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc, bám sát tinh thần các Nghị quyết Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, cũng như các nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia và phát triển công nghệ. Với hệ thống mục tiêu rõ ràng, các giải pháp cụ thể, Đề án đáp ứng kịp thời yêu cầu nâng tầm văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập và phát triển bền vững”, TS. Đoàn Thanh Nô nhận định.
Khẳng định vai trò đặc biệt của văn học nghệ thuật trong hội nhập văn hóa quốc tế, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã chỉ ra các đặc trưng của các chuyên ngành văn học nghệ thuật, cũng như những ưu điểm, hạn chế, rào cản của từng lĩnh vực khi tham gia vào quá trình hội nhập văn hóa quốc tế.
Để đẩy mạnh vai trò của văn học nghệ thuật trong quá trình quốc tế hoá văn hoá và Việt Nam hoá văn hoá quốc tế, TS. Đoàn Thanh Nô đã đưa ra một số giải pháp như: Xây dựng Chiến lược Quốc gia về quốc tế hoá văn học nghệ thuật, do Chính phủ chủ trì, các Bộ và Liên hiệp phối hợp thực hiện; Thành lập Quỹ hỗ trợ quốc tế hoá văn học nghệ thuật, ưu tiên chuyển ngữ, triển lãm, xuất bản, điện ảnh, nghệ thuật số…; Ứng dụng công nghệ số, AI, dữ liệu lớn trong sáng tác và quảng bá; số hoá và định danh tác phẩm qua Blockchain, NFT…; Phát triển chuỗi tuần lễ, liên hoan văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại các nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, ASEAN; Xây dựng mô hình Đại sứ nghệ thuật và Trung tâm sáng tạo nghệ thuật quốc tế, làm điểm đến giao lưu giữa nghệ sĩ Việt và quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn
Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu, xác đáng của các chuyên gia, nhà khoa học đối với đề án về đẩy mạnh hội nhập quốc tế về văn hóa. Các ý kiến cùng hướng tới mong muốn lớn nhất làm sao để phát triển văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh mềm, là cầu nối hữu nghị đến với bạn bè quốc tế, ngược lại cũng tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm phong phú thêm văn hóa Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, những người quan tâm đến lĩnh vực văn hóa sẽ cùng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể và từng giai đoạn về cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện mục tiêu hội nhập quốc tế về văn hóa, chuyển từ "gặp gỡ, giao lưu" sang "hợp tác đích thực".
Hội thảo cũng thống nhất nhận định, những năm qua Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, vì vậy đã lan tỏa được vai trò, vị trí, sứ mệnh của văn hóa, nhận thức về văn hóa ngày càng được nâng cao; Nhân dân phấn khởi, tự hào và tin tưởng thực hiện các quyết sách về văn hóa, đồng thời cũng là những chủ thể tích cực sáng tạo văn hóa.
Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam, chúng ta kiên định mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với các đặc trưng nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của Việt Nam đã được lan tỏa ra thế giới. Trong đó nhiều giá trị tiêu biểu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, trở thành thành tố nổi bật và hòa vào dòng chảy chung, làm phong phú thêm nền văn minh của nhân loại.
Đồng thời, cùng với quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, Việt Nam đang từng bước trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế, chủ động tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua các thách thức để giữ gìn bản sắc, làm giàu có thêm nền văn hóa dân tộc và đưa văn hóa dân tộc lên tầm cao mới.

Ngày 25/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội,...
Bình luận