Những điều bố mẹ buôn chuyện, nói xấu người khác ở nhà tưởng vô hại nhưng ảnh hưởng lớn đến nhân cách con
Việc bố mẹ bàn luận về người khác trước mặt trẻ có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển.
Nhiều bậc phụ huynh bàn luận chuyện cá nhân, vấn đề của người khác như một cách để giải tỏa cảm xúc. Đôi khi họ cảm thấy căng thẳng hoặc bực bội về một tình huống nào đó và việc nói ra có thể giúp bản thân nhẹ nhõm hơn. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc trẻ tiếp nhận những thông điệp tiêu cực.
Việc bố mẹ bàn luận về chuyện cá nhân và nói xấu người khác, bao gồm cả người thân, hàng xóm, hay bạn bè, trước mặt trẻ là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.
Nhiều bậc phụ huynh có thể chưa nhận thức được tác động của những cuộc trò chuyện hàng ngày, nhưng thực tế, những cuộc đối thoại này có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ.
Ảnh minh họa.
Trẻ em có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn. Khi trẻ thấy bố mẹ thể hiện thái độ tiêu cực, dễ học theo và bắt đầu hành xử tương tự. Điều này tạo ra thói quen xấu, dẫn đến việc trẻ trở thành những người thiếu kiên nhẫn, hay phê phán và khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ tích cực với bạn bè.
Để tránh những tác động tiêu cực này, bố mẹ nên chú ý đến cách thức họ giao tiếp và những chủ đề mình bàn luận. Bố mẹ có thể thay thế các cuộc thảo luận tiêu cực bằng những câu chuyện tích cực về lòng tốt, sự giúp đỡ và sự hỗ trợ lẫn nhau. Hãy khuyến khích trẻ thể hiện sự đồng cảm và tôn trọng đối với người khác, hiểu rằng mỗi người đều có những điểm mạnh và điểm yếu.
Về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui sẽ đưa ra phân tích sâu sắc hơn.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Vui.
Bố mẹ thường xuyên bàn luận chuyện cái nhân của người khác theo hướng tiêu cực trước mặt trẻ, trẻ sẽ nhìn nhận về bố mẹ thế nào? và điều này tác động đến tính cách của trẻ ra sao?
Khi bố mẹ đưa ra lời trách móc, chê bai người khác trước mặt trẻ sẽ tạo ra một số tác động. Đối với trẻ nhỏ, càng dễ tin những nhận định đó là đúng. Ví dụ "Bác tám hàng xóm rất tệ" "Bà ngoại thiên vị bé B" "Hàng xóm bên đường rất vô ý thức"... Khi trẻ càng dễ tin những điều này, có nghĩa bố mẹ đang vô tình cài cắm điều tiêu cực lên trẻ.
Đối với trẻ lớn hơn, lứa tuổi dậy thì bắt đầu nhìn nhận mọi vấn đề theo hướng tổng quan, có nhận thức riêng nên dần bớt tin vào quan điểm của người lớn. Nếu bố mẹ tiếp tục bàn luận chuyện cá nhân của người khác, ở giai đoạn này có thể tạo ra phản ứng ngược, trẻ nhận thấy bố mẹ "nhiều chuyện", "hóng drama", thiếu tư cách... Từ đó, dễ có cái nhìn gay gắt đối với bố mẹ.
Rõ ràng, cả hai điều này đều tác động tiêu cực đến tính cách của trẻ. Đầu tiên, trẻ có xu hướng bắt chước, học theo cách bố mẹ làm, tập nhiễm hành vi này.
Thứ hai, bố mẹ tạo cho trẻ niềm tin về thế giới không an toàn, trẻ nhận định rằng ngay cả trong gia đình thường xuyên đánh giá người khác, vì vậy những vấn đề của bản thân mình cũng dễ trở thành chủ đề bị bàn tán.
Nếu trẻ thấy bố mẹ thường xuyên chỉ trích người khác, trẻ có thể phát triển những hành vi tương tự trong cách cư xử với bạn bè và người lớn không?
Trong trường hợp này câu trả lời là "Có", trẻ càng nhỏ thì hành vi tập nhiễm, bắt chước theo càng mạnh mẽ hơn. Cho nên, việc trẻ chứng kiến bố mẹ chỉ trích, phàn nàn về người khác, sẽ tạo ra hệ lụy là trẻ có xu hướng làm theo cách hành xử đó. Thậm chí, những môi trường sống mà người lớn thường xuyên nói bậy, thô lỗ, bạo lực... trẻ cũng sẽ học hỏi theo vô thức.
Điều này dẫn đến việc trẻ trở nên thiếu kiên nhẫn, dễ nổi giận, và khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ tích cực. Trẻ cũng dễ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dễ bị tổn thương hoặc tạo ra xung đột với người khác.
Có những chủ đề nào là an toàn và thích hợp để bàn luận trước mặt trẻ mà không gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ?
Điều này phụ thuộc phần lớn vào bố mẹ. Phụ huynh nên xác định được giá trị mà mình đang hướng đến là gì.
Ví dụ, bố mẹ quan tâm đến hàng xóm, bố mẹ là người con hiếu thảo, có trách nhiệm trong công việc... Khi bố mẹ hình thành các chuẩn mực, giá trị đúng, hiển nhiên những chủ đề bàn luận tại gia đình sẽ tập trung theo hướng tích cực.
Ví dụ như mẹ kể với trẻ "Nhà bác tám có người ốm, chiều nay mẹ đã ghé thăm" "Ở cơ quan mẹ có cô lao ăn uống tiết kiệm, nhìn nhà mình đầy đủ nên mẹ rất thương cô ấy!"... hệ giá trị tốt sẽ tạo ra tác động tích cực đến trẻ.
Tuy nhiên, cách giao tiếp của nhiều gia đình hiện nay tập trung vào việc "Tôi cần được thể hiện con người thật" "Tôi ghét ai đó, sẽ mang chuyện cá nhân của họ ra kể"... Nếu bố mẹ đắm chìm vào sự ganh đua, chê bai và phê phán, trẻ sẽ hấp thụ những giá trị tiêu cực này.
Khi trẻ lớn lên với những niềm tin cốt lõi không lành mạnh, sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với bản thân cũng như mọi người xung quanh. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tâm lý, như cảm giác cô đơn, thiếu tự tin và khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh.
Nếu bố mẹ nhận ra rằng mình thường xuyên bàn luận về người khác sẽ tác động tiêu cực đến trẻ, họ nên bắt đầu thay đổi thái độ và hành vi này từ đâu?
Chúng ta cần xác định rõ rằng việc bàn luận về người khác sẽ không tác động tiêu cực đến trẻ, thậm chí bàn luận tích cực, thể hiện sự quan tâm... sẽ mang lại giá trị lành mạnh. Chỉ khi bố mẹ chỉ trích, phàn nàn, soi mói, có hành vi thiếu chuẩn mực.
Bố mẹ cần nhận định được đâu là điều mình đang sai, vấn đề này có thay đổi được không. Trường hợp nếu không thể thay đổi, bố mẹ nên tách biệt không gian trò chuyện, nên trò chuyện riêng với nhau.
Thỉnh thoảng bố mẹ cần thảo luận một số vấn đề với trẻ, điều quan trọng là thông điệp truyền tải, nhằm giúp trẻ hình thành tư duy tích cực, giá trị đạo đức tốt. Khi truyền tải thông điệp một cách khéo léo, trẻ sẽ học được cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ.
Bình luận