Tại sao ngày càng nhiều người không lắp rèm cửa nữa? 2 thiết kế này được ưa chuộng hơn vì vừa đẹp vừa thiết thực
Ngày nay, thay vì sử dụng rèm vải dày truyền thống, nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn những thiết kế tối giản, tinh tế và dễ ứng dụng, vừa đáp ứng công năng, vừa nâng tầm thẩm mỹ cho không gian sống.
Vì sao ngày càng ít người thích lắp rèm vải?
Sở dĩ nhiều người không lắp rèm vải nữa vì loại rèm này có 4 nhược điểm lớn:
- Giá thành cao
Ban đầu cứ nghĩ rèm cửa là thứ đơn giản, chỉ cần vài trăm nghìn là xong một cửa sổ. Sau khi tìm hiểu mới biết, rèm cửa thực sự rất đắt chứ không rẻ.
Một số loại rèm vải cao cấp có khả năng cản sáng tốt, chỉ riêng vải đã tốn vài trăm mỗi mét. Rèm thường được may gấp đôi để tạo nếp, cộng thêm lớp voan, khiến chi phí tăng gấp bội.
Chưa kể còn phải tính đến viền trang trí, định hình, kiểu may, thanh ray và chi phí lắp đặt. Tổng cộng, một căn phòng có thể tiêu tốn đến tiền triệu cho tiền rèm cửa.
- Vệ sinh phiền phức
Rèm vải thường dày, dễ bám bụi. Sau một thời gian, trên rèm tích tụ lớp bụi dày, rất khó vệ sinh. Rèm to và nặng, tự giặt tại nhà rất bất tiện. Máy giặt gia đình không đủ tải, nếu phải giặt tay lại dễ bị nhăn nhúm do rèm đã qua xử lý nhiệt định hình, sau khi giặt sẽ rất xấu.
Nếu mang ra tiệm giặt khô thì chi phí không hề rẻ. Giá thuê giặt rèm thường dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng/bộ. Nếu nhà có 5 phòng, tổng chi phí một lần giặt có thể lên tới vài triệu đồng, thực sự là rất đắt.
- Nguy cơ chứa formaldehyde
Rèm cửa là khu vực dễ bị ô nhiễm formaldehyde nhất trong nhà, có thể dùng thiết bị đo để kiểm tra, thường sẽ phát hiện nồng độ vượt tiêu chuẩn.
Có người chia sẻ, chỉ sau nửa tiếng lắp xong toàn bộ rèm cửa trong nhà, cổ họng đã bắt đầu thấy khó chịu. Ban đầu không để ý, nhưng đêm đến đóng kín cửa ngủ, sáng hôm sau thức dậy thì buồn nôn vì mùi hăng nồng.
Trong quá trình sản xuất rèm, có thể dùng đến thuốc nhuộm hóa học, những chất này đều chứa formaldehyde, đặc biệt là các loại rèm có màu sắc tươi sáng thì hàm lượng càng cao. Dù giặt vài lần cũng không loại bỏ hoàn toàn, chất này sẽ tiếp tục thải ra từ từ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe gia đình.
- Nhà nuôi thú cưng dễ bị hỏng
Nếu nhà có nuôi chó mèo, rèm cửa rất dễ bị cào rách. Nhiều người chia sẻ rằng chỉ cần hạ rèm xuống là thú cưng sẽ nhào tới cắn, cào, nhất là loại rèm đắt tiền dễ xước thì thiệt hại càng lớn.
Chó mèo xem rèm như đồ chơi, thường cào rách, cào sợi tua tủa, lông thú dính đầy lên vải rèm. Nhiều người phải buộc rèm lại để tránh mèo cào.
Clip: Lý do khiến nhiều người không lắp rèm cửa truyền thống nữa
Vậy hiện nay người ta chuộng thiết kế nào?
Do những hạn chế của rèm vải truyền thống, hiện nay nhiều gia đình trẻ đang chuyển sang dùng các sản phẩm đơn giản, đẹp mắt, dễ vệ sinh hơn.
- Phòng khách chỉ lắp rèm voan
Ngày càng nhiều gia đình chọn bỏ qua rèm vải dày truyền thống trong phòng khách. Thực tế, có nhà lắp rèm cả năm cũng không kéo ra lần nào vì che hết ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó, rèm voan có thể che chắn tầm nhìn từ bên ngoài nhưng vẫn cho ánh sáng xuyên qua, đảm bảo sự riêng tư mà không làm mất đi cảm giác thông thoáng.
Khi có gió, rèm voan tung bay nhẹ nhàng, tạo nên khung cảnh lãng mạn, thi vị. Với cửa sổ kính lớn ở ban công phòng khách, đây là lựa chọn lý tưởng: ban ngày sáng sủa, tinh tế; ban đêm kết hợp ánh đèn, không gian trở nên mềm mại và ấm cúng.
Nếu lo rèm voan quá mỏng, bạn có thể kết hợp thêm rèm vải lanh hoặc voan ảo ảnh, đây là bộ đôi hoàn hảo cho cả tính thẩm mỹ và khả năng điều chỉnh ánh sáng.
- Rèm sáo gỗ
Trong vài năm gần đây, rèm áo gỗ rất thịnh hành. Không chỉ có thể tự điều chỉnh ánh sáng linh hoạt, mà còn mang lại cảm giác ấm áp, gần gũi thiên nhiên, rất hợp với phòng ngủ, phòng làm việc...
Kết hợp rèm sáo gỗ với một lớp rèm voan, bạn sẽ có ngay không khí kiểu Pháp nhẹ nhàng, sang trọng. Phong cách retro hay hiện đại đều có thể phối hợp tốt. Dù là sáng hay chiều, ánh nắng chiếu qua khe lá gỗ in bóng lên sàn, lên tường, cả không gian tràn ngập sự lãng mạn.
Mặc dù rèm sáo gỗ đang ngày càng được ưa chuộng nhờ tính thẩm mỹ cao và khả năng điều chỉnh ánh sáng linh hoạt, nhưng khi lựa chọn loại rèm này, người dùng cần đặc biệt lưu ý một vài điểm quan trọng.
Trước hết, chất liệu gỗ đóng vai trò then chốt. Những loại gỗ kém chất lượng không chỉ dễ thải ra khí độc formaldehyde mà còn có nguy cơ bị cong vênh, nứt nẻ nếu tiếp xúc lâu ngày với ánh nắng. Vì vậy, nên chọn rèm làm từ loại gỗ có thớ rõ ràng, chắc chắn, không có mùi hóa chất nồng.
Tiếp theo, cần xem xét kiểu mở của cửa sổ trước khi lắp đặt. Nếu cửa sổ mở vào trong, bạn phải tính toán kỹ chiều dài của rèm khi kéo lên, để tránh trường hợp sau khi lắp rèm rồi thì không thể mở cửa được. Với cửa sổ mở ra ngoài, vấn đề này không đáng lo ngại.
Cuối cùng, việc vệ sinh định kỳ cũng rất quan trọng để giữ cho rèm luôn sạch sẽ và bền đẹp. Rèm sáo gỗ thực ra không khó làm sạch, chỉ cần 2 đến 3 ngày dùng chổi lông gà phủi bụi một lần là đủ. Thi thoảng có thể sử dụng máy hút bụi mini để làm sạch kỹ hơn bề mặt các lá rèm.
Bình luận