Udon Thani thủ phủ của người Việt trên đất Thái

Mỗi khi nhắc đến đất nước “Chùa Vàng”, người ta thường nghĩ ngay tới các địa danh như Bangkok, Chiang Mai, Phuket hay Pattaya..., ít ai nói đến Udon Thani. Riêng đối với tôi, người viết bài này, Udon Thani có một ý nghĩa rất đặc biệt, ăn sâu trong tâm khảm tôi.

Khi tôi bắt đầu biên soạn cuốn sách ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nền ngoại giao cách mạng Việt Nam được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết Lời tựa và ông Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao viết Lời giới thiệu, tôi mới ngỡ ra rằng trong những năm tháng bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín không chỉ hoạt động ở trời Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc... mà Người còn hoạt động một thời gian khá dài ở Udon Thani thuộc vùng Đông Bắc Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 560km.

Udon Thani nằm ở độ cao 187m so với mực nước biển nên không khí ở đây trong lành hơn so với các đô thị sầm uất khác của Thái Lan. Udon Thani còn là trung tâm thương mại lớn của vùng Đông Bắc Thái Lan, chuyên cung cấp các mặt hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp nổi tiếng với công nghệ dệt vải thổ cẩm cổ truyền.

Udon Thani thủ phủ của người Việt trên đất Thái - 1

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani.

Điều đặc biệt, Udon Thani còn có nhiều duyên nợ với Việt Nam, không chỉ tại đây có nhiều người Việt sinh sống mà còn là nơi ông Thầu Chín - Nguyễn Ái Quốc sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng hoạt động cách mạng trong phong trào Việt kiều yêu nước. 

Thật vậy, thể theo nguyện vọng  ngày 25/4/1928, Quốc tế Cộng sản ra quyết định để Nguyễn Ái Quốc về hoạt động ở châu Á. Đầu tháng 6/1928, Nguyễn Ái Quốc đang làm báo cho tờ Die Welt (Thế giới) của Đức, đã nhanh chóng rời thủ đô Berlin với tấm hộ chiếu mang tên một người Hoa Nguyễn Lai, đi Italia đến Milan, rồi từ cảng Napoli (Naples), Người đáp tàu thủy Nhật Bản đi Xiêm (Thái Lan).

Đầu tháng 7/1928, ông Nguyễn đến Bangkok rồi đến bản Noong Bùi, tỉnh Udon Thani. Tại đây ông lấy tên là Thầu Chín (tiếng Thái là ông già), Người hoạt động tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở cách mạng trong bà con Việt kiều. Hiện nay tại đây, được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền và nhân dân bản địa, bà con Việt kiều đã xây nên khu Nghiên cứu và du lịch Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố Udon Thani khoảng 10km, nằm sâu trong một không gian yên tĩnh, gồm một tòa nhà Bảo tàng lớn, trước sân là một bản sao “ngôi nhà ông Thầu Chín (Hồ Chí Minh) từng ở, nơi tổ chức hội họp và cũng là nơi dạy học, huấn luyện quân sự”.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thành phố Udon Thani đã trở thành một trung tâm bận rộn của căn cứ không quân Hoàng gia Thái Lan tham gia giúp quân Mỹ. Ngày nay vẫn còn giữ lại những dấu tích của thời kỳ đó như quán bar, tiệm cà phê, khách sạn...

Udon Thani còn là điểm đến vô cùng lý thú, là một trong những vùng khảo cổ học quan trọng, hấp dẫn nhất, với nhiều di vật của nền văn minh Đồ Đồng đầu tiên trên thế giới, đó là Ban Chiang có niên đại cách nay hơn 5.000 năm và đã được Ủy ban Di sản của UNESCO công nhận là là Di sản Văn hóa thế giới.

Udon Thani còn được mệnh danh là thủ phủ của người Việt trên đất Thái. Vì nơi đây tập trung rất nhiều người Việt đến định cư. Theo thống kê của nhà cầm quyền địa phương hiện có khoảng 40.000 người Việt làm ăn sinh sống tại đây. Đến Udon Thani, du khách không thể không đến tham quan Bảo tàng Ban Chiang và ngôi chùa Wat Pho Sri Nai là nơi lưu giữ các cổ vật quý giá và những di vật khai quật khảo cổ về các vật dùng trong hỏa táng cổ xưa gồm các loại bình gốm sứ, lọ hoa cổ đại...Cuộc tham quan đã cho du khách cơ hội ngược dòng thời gian khám phá những bí ẩn lịch sử và hiểu biết hơn về nền văn minh cổ đại của khu vực này. Mỗi hiện vật trưng bày ở đây đều mang theo câu chuyện của riêng mình, tạo nên một bức tranh sinh động đầy màu sắc.

Nếu có dịp ghé thăm công viên Nong Prajak, đây chính là nơi du khách có thể thư giãn và thưởng thức cảnh hoàng hôn rực rỡ sau cuộc hành trình đầy mệt nhọc. Công viên Nong Prajak được bao quanh bởi những ngôi nhà nhỏ xinh xinh và các trung tâm massage rực rỡ ánh đèn màu muôn sắc nép mình dưới những rặng cây xanh um lá... Một không gian thư thái và bình yên.

Đặc biệt công viên lịch sử Phu Phrabat sở hữu những khối đá khổng lồ, hình thù kỳ quái, trên đó người ta khắc ghi những khoảnh khắc cuộc sống và những hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của người xưa.

Udon Thani thủ phủ của người Việt trên đất Thái - 2

Ngõ 2, đường Srisuk, TP Udon Thani được xem là phố người Việt.

Và sẽ là một thiệt thòi nếu quên đến thăm ngôi đền Phra Phutthabat Bua Bok, ngôi đền thiêng được người dân Thái tôn kính nhất, tọa lạc dưới chân núi Phu Phan cách thành phố Udon Thani 50km. Hàng năm từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 3, ngôi đền này lại tưng bừng tổ chức lễ hội để thể hiện tấm lòng tôn kính của người dân Thái đối với các bậc thánh thần.

Tại ngoại ô thành phố Udon Thani có một hệ thống ao hồ rộng mênh mông, vào những ngày hè nổi lên trên mặt hồ là cả một thảm hoa sen, hoa súng đua nhau khoe sắc đỏ rực một góc trời. Tại đây du khách có thể bơi thuyền dạo quanh hồ giữa một rừng hoa đẹp, tận hưởng không gian yên tĩnh. Những bông sen, bông súng chúm chím xinh đẹp phản chiếu trên mặt nước mang lại cho ta một cảm giác yên bình và tự tại, xua tan mọi căng thẳng nhọc nhằn, bộn bề trong cuộc sống.

Ngoài việc ngắm nhìn những đóa hoa sen hoa súng, còn thời gian mời bạn đến thăm vườn lan Udon Saeng Tawan, nơi nuôi trồng và bán các loài hoa lan của Thái Lan. Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp tràn ngập đủ các loài lan quý như hồ điệp, phi điệp... và ngây ngất hương thơm lan tai trâu của đại ngàn.

Đi thăm Udon Thani, du khách còn được trải nghiệm các hoạt động thường nhật của dân làng Khri Wongkot, một trong những điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở Thái Lan. Các hoạt động chủ yếu ở đây là lái xe địa hình qua vùng nông thôn, qua những cánh đồng ngập nước, qua các con sông  và được tham quan thác nước tuyệt đẹp như một dải lụa trắng giữa rừng xanh đại ngàn.

Như trên đã nói, người Việt sinh sống ở Thái Lan khá nhiều, có trên 60.000 người, riêng Udon Thani chiếm một số lượng khá lớn khoảng 70% (40.000 người). Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, cộng đồng người Thái gốc Việt đã có nhiều đóng góp và giữ một vai trò khá quan trọng trong đời sống xã hội Udon Thani. Bởi vậy, cộng đồng người Thái góc Việt ở đây đã nảy ra ý tưởng thành lập một Khu phố Việt (Vietnam Town) tại tỉnh Udon Thani. Ý tưởng đó được Đại sứ quán ta tại Thái Lan nỗ lực thúc đẩy, đồng thời nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền tỉnh và thành phố Udon Thani lại được ông Lương Xuân Hòa (một người con Quảng Bình tha hương), nguyên là Ủy viên UBTW Mặt trận Tổ quốc khóa X, Chủ tịch  Hội  người Việt Nam tỉnh Udon Thani và là Phó Chủ tịch người Việt Nam toàn Thái Lan,  trực tiếp thực hiện và ý tưởng đó đã trở thành hiện thực.

Khu phố Việt được long trọng khánh thành vào ngày 9/12/2023 và đã đi vào hoạt động. Vietnam Town, ra đời từ những suy nghĩ giản dị ban đầu của ông Lương Xuân Hòa là làm thế nào để 40.000 người Việt tại Udon Thani có một địa điểm tập trung để sinh hoạt cộng đồng, bàn cách làm ăn, kinh doanh và đóng góp  hiệu quả vào nền kinh tế Udon Thani.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất

Người cầm nhiều trái cam trên một bàn tay

Người cầm nhiều trái cam trên một bàn tay

Mỗi khi nghĩ về Nguyễn Đình Thi, tôi lại nhớ tới lời Raxun Gamzatốp nói với Eptusenko (hai nhà thơ nước Nga): "Đừng cầm ba quả cam trên một bàn tay, tất cả sẽ rơi xuống đấy!". Tuy nhiên, tôi không đồng tình với Raxun, mặc dù đấy là chân lý hiển nhiên của cuộc sống, nhưng lại không phải bao giờ cũng đúng trong văn học nghệ thuật.