Trà nghệ gia Đỗ Công: Khi cuộc đời là một tác phẩm cần mẫn và tĩnh lặng
Trong một thế giới đề cao tốc độ và kết quả tức thời, Trà nghệ gia Đỗ Công lại chọn con đường thầm lặng, cẩn trọng vun đắp từng khoảnh khắc, từng không gian, từng phẩm trà thành những "tác phẩm" mang dấu ấn riêng. Xuất thân từ lĩnh vực báo chí nghiên cứu về con người và các giá trị văn hóa cốt lõi, anh mang đến một góc nhìn độc đáo về sự sáng tạo, ý nghĩa của việc lao động thể chất và về một "đời sống nghệ thuật" không nằm ngoài cuộc đời mà ẩn chứa ngay trong những điều bình dị nhất. Nhân dịp anh vừa hoàn thiện một không gian đặc biệt, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh về những chiêm nghiệm sâu sắc này.
Thư Trà Quán Liễu Giai – Nơi trà khách được thưởng thức trà miễn phí
Phóng viên: Chào Trà nghệ gia Đỗ Công, chúng tôi được biết anh vừa hoàn thiện một "công trình kỷ niệm" đặc biệt, anh gọi đó là nơi hợp nhất những "tác phẩm" của mình. Anh có thể chia sẻ rõ hơn khái niệm "tác phẩm" trong cách nhìn của anh không?
Đỗ Công: Vâng, chúng ta đang ở trong một nơi mà tôi gọi đó là một không gian hợp nhất những "tác phẩm" của mình. Chúng ta thường giới hạn khái niệm "tác phẩm" trong khuôn khổ các loại hình nghệ thuật truyền thống: bức tranh, pho tượng, cuốn sách, bản nhạc... Nhưng với tôi, "tác phẩm" là bất cứ thứ gì được tạo ra bằng sự chú tâm, bằng bàn tay, khối óc, bằng cả trái tim người tạo tác, mang theo dấu ấn năng lượng và ý niệm của họ.
Như người họa sĩ bày la liệt màu sắc, toan, cọ... xung quanh, không chỉ để vẽ, mà còn để kiến tạo nên một thế giới riêng trên mặt phẳng đó. Hay như tôi, một trà nhân; không chỉ bày đồ trà, mà còn có thêm vài bức tranh, bức thư pháp, bình hoa, món đồ gốm, bộ bàn ghế... Tất cả được sắp đặt để tạo tác nên một không gian sống và trải nghiệm. Không gian đó, với năng lượng ý niệm mà tôi đưa vào, có lẽ cũng xứng đáng được gọi là một "tác phẩm". Nó không chỉ để ngắm nhìn, mà còn để cảm nhận, để tương tác, để sống trong đó.
Hay như việc được cầm trên tay những búp trà tươi, tôi học cách quan sát sự chuyển hóa của chúng qua từng công đoạn: sấy, vò, ủ... Đó không chỉ là kỹ thuật. Đó là việc sử dụng bàn tay và cả sự cảm nhận tinh tế để chuyển hóa nguyên liệu thô sơ thành một phẩm trà hoàn chỉnh. Mỗi phẩm trà làm ra, với hương, sắc, vị, khí của nó, với năng lượng mà tôi truyền vào trong quá trình làm, sẽ là một tác phẩm của riêng tôi. Nó mang dấu ấn đất trời nơi búp trà sinh ra, và dấu ấn của chính tôi – người đã cùng nó đi qua quá trình chuyển hóa đó.
Phóng viên: Việc tự tay làm, tự tay tạo tác có ý nghĩa đặc biệt thế nào với anh, một người từng làm báo, tiếp xúc nhiều với việc nghiên cứu, phân tích thông tin?
Đỗ Công: Công việc báo chí trước đây cho tôi cơ hội tư duy, phân tích, tổng hợp. Tôi cũng có cơ hội được đi học nước ngoài, giao lưu văn hoá với quốc tế, học hỏi những góc nhìn mới về đời sống, văn hoá và con người. Nhưng việc tự tay làm những thứ cụ thể - từ làm trà, sửa chữa đồ đạc, sơn tường, sắp xếp bàn ghế đến làm vườn hay thậm chí là những việc lao động chân tay khác mà tôi từng trải nghiệm - mang lại một sự “tiếp đất” rất cần thiết.
Nó buộc tôi phải có mặt trọn vẹn trong từng khoảnh khắc, trong từng thao tác. Nó dạy cho tôi sự tỉ mỉ, cẩn trọng. Quan trọng hơn, nó mang lại một niềm hạnh phúc rất thực, rất giản dị, cái niềm vui của việc tạo ra một cái gì đó hữu hình, có giá trị sử dụng hoặc giá trị cảm xúc, một nguồn năng lượng tích cực. Nó khác với niềm vui khi phân tích thành công một vấn đề phức tạp, nhưng nó mang lại sự cân bằng và sự hài lòng sâu sắc ở một tầng khác.
Phóng viên: Anh gọi đó là "đời sống nghệ thuật" hay "đời sống tần số năng lượng cao". Anh có thể giải thích rõ hơn khái niệm này không?
Đỗ Công: Tôi thấy, khi chúng ta sống một cách chủ động tạo tác, với sự chú tâm và tình yêu đặt vào những gì mình làm, dù việc lớn hay nhỏ, khi ấy chúng ta đang sống một đời sống nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây không chỉ là viết, vẽ hay ca hát, mà là cách chúng ta "điêu khắc" nên bức tranh cuộc đời mình từng ngày, từng giờ.
Khi sống như vậy, năng lượng của chúng ta dường như cũng được nâng cao lên. Đó là cái mà tôi gọi là "đời sống tần số năng lượng cao". Nó không phải là sự hưng phấn nhất thời. Nó là trạng thái được nuôi dưỡng bởi sự bình yên nội tại, sự hài lòng với quá trình lao động sáng tạo, sự kết nối với những giá trị chân thực. Đặc biệt, khi những "tác phẩm" đó được yêu mến hay trân quý bởi những người thưởng lãm nó, năng lượng lại càng được khuếch đại, lan tỏa. Đó là niềm hạnh phúc kép, giúp tôi liên tục bồi đắp năng lượng tích cực.
Khi chúng ta chú tâm vào những gì mình làm, là đang sống một đời sống nghệ thuật
Phóng viên: Điều này liên quan thế nào đến con đường mà anh đang đi – sử dụng các chất liệu văn hóa cổ truyền để làm mới những căn tập thể cũ ở Hà Nội và kiến tạo không gian trà?
Đỗ Công: Tôi không rao giảng về lý thuyết hay nói lại những thứ mình nghe được hay đọc được. Tôi tạo ra những trải nghiệm thực tế bằng chính bàn tay mình. Khi người khác bước vào không gian do tôi tạo tác, hoặc thưởng thức phẩm trà do tôi làm ra, họ không chỉ đơn thuần là dùng một món đồ hay tận hưởng một căn phòng. Họ đang tương tác với một năng lượng, một ý niệm, một "Pháp".
Thông qua sự tĩnh lặng của không gian, năng lượng của phẩm trà, sự chú tâm trong từng động tác pha trà, tôi hy vọng có thể giúp họ chậm lại, lắng nghe chính mình, và từ đó có thể khai mở "Tuệ" cho họ một góc nhìn khác về sự bình yên, về giá trị của sự có mặt trọn vẹn, về vẻ đẹp của sự giản dị và cẩn trọng. Đó chính là cách tôi thực hành "Tuệ Pháp", pháp danh của tôi, thông qua đời sống tạo tác của mình.
Thư Trà Quán Ngọc Khánh là nơi hợp nhất trà, tranh thư pháp, gốm và các chất liệu truyền thống
Phóng viên: "Công trình kỷ niệm" của anh liên quan đến 50 năm Ngày Thống nhất đất nước và 7 năm Thư Trà Quán là nơi hợp nhất những "tác phẩm" của anh. Ý nghĩa của sự hợp nhất này là gì?
Đỗ Công: Thư Trà Quán ra đời cách đây 7 năm (2018) là điểm khởi đầu cho con đường "sống chậm, sống lành" bằng văn hóa cổ truyền của tôi. Trong 7 năm qua, tôi đã làm rất nhiều thứ, trải nghiệm ở nhiều khía cạnh khác nhau, tạo ra những "tác phẩm" riêng lẻ: những phẩm trà, những không gian nhỏ, những buổi chia sẻ... Năm nay cũng là dấu mốc 10 năm tôi chơi trà, đi sâu hơn với trà.
Không gian mới này là sự tổng hợp của toàn bộ hành trình đó. Nó sẽ là một không gian lớn hơn, nơi tôi có thể hợp nhất những gì mình đã làm, đã chiêm nghiệm – từ trà, tranh, thư pháp, không gian sắp đặt, cho đến cả những triết lý về cuộc sống, về con người được đúc kết từ cả quá khứ làm báo lẫn hiện tại của đời sống trà nhân. Tôi muốn tạo ra một nơi mà ở đó, mọi người có thể thực sự sống trong "tác phẩm" của tôi, trải nghiệm một cách trọn vẹn đời sống năng lượng cao mà tôi tin tưởng.
Việc hoàn thành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thống nhất đất nước mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là mốc son về hòa bình, về sự toàn vẹn, thống nhất của đất nước. Đối với cá nhân tôi, đó cũng là sự hợp nhất, sự toàn vẹn trong chính hành trình nội tại của mình sau những năm tháng tìm tòi, trải nghiệm ở nhiều "mặt trận" khác nhau – từ gai góc đến tĩnh lặng.
Thư Trà Quán tại các căn tập thể cũ Hà Nội - không gian trải nghiệm đời sống nghệ thuật với các chất liệu văn hóa truyền thống
Phóng viên: Anh muốn thông qua những "tác phẩm" không gian của mình để chia sẻ thông điệp gì đến mọi người?
Đỗ Công: Tôi muốn nói rằng, cuộc sống của chính chúng ta, từng ngày trôi qua, đều có thể là một tác phẩm nghệ thuật. Đừng nghĩ rằng phải làm điều gì đó vĩ đại mới là sáng tạo. Sự chú tâm vào việc mình làm, sự tỉ mỉ trong từng thao tác, việc đặt trái tim vào đó – dù là pha một ấm trà, viết một bức thư pháp, chăm sóc một chậu cây, hay đơn giản là chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình – tất cả đều là những hành động tạo tác tuyệt vời. Cuộc đời là một tác phẩm đang được tạo ra, mỗi ngày, bởi chính bạn.
Phóng viên: Cảm ơn Trà nghệ gia Đỗ Công. Chúc Thư Trà Quán của anh luôn phát triển và lan tỏa được nhiều năng lượng tích cực đến cộng đồng.
Đỗ Công: Cảm ơn anh. Mời anh uống trà, ngắm tranh và cùng cảm nhận năng lượng không gian này.
Bình luận