Văn hóa gia đình và những giá trị nhân văn bền vững

Văn hóa gia đình là những giá trị chân chính về đạo đức, nhân phẩm, khuôn mẫu, nghi thức, lễ nghĩa và những giá trị nhân văn truyền thống trong gia đình người Việt có cấu trúc hệ thống nhà, làng, nước (tục nhà, lệ làng, phép nước).

Ở nước ta, đời nào cha ông cũng coi trọng văn hóa gia đình, mặc dù các bậc tiền nhân không gọi đích danh. Gia pháp nhà Trần rất nghiêm về danh phận trên - dưới, kỷ cương trong - ngoài. Tác giả “Việt sử tiêu án” viết rằng: “Gốc thiên hạ ở tại gia đình, có dạy bảo được gia đình, nhiên hậu mới dạy được người trong nước. Xem như như Vua Anh Tôn thờ cha mẹ kính cẩn, xử với họ hàng hòa thuận, Vua Nhân Tôn khen có hiếu. Vua Minh Tôn noi theo nếp ấy, trong nước được văn minh thịnh trị, dân được giàu có thuần hậu; đó chẳng phải gốc tu thân tề gia là gì?”.

Văn hóa gia đình và những giá trị nhân văn bền vững - 1

Ảnh minh họa

Ở đời Lê, Nguyễn Trãi là người có hiểu nổi tiếng, mang nặng lòng canh cánh lời dặn của cha ở ải Nam Quan, ngày đêm nuôi chí lớn phục thù, việc ông soạn “Gia Huấn Ca” là một hiện tượng hợp logic. Trong tập sách này có sáu bài viết theo thể loại lục bát, có câu bảy chữ dễ đọc, dễ thuộc: “Dạy vợ con”; “Dạy con ở cho có đức”; “Dạy con gái”; “Vợ khuyên chồng, dạy học trò ở cho có đạo”; “Khuyên học trò phải chăm học”.

Văn hóa gia đình cũng được coi trọng ở nhiều nước. Để có một gia đình hạnh phúc, một xã hội ổn định thì Nhà nước không chỉ xây dựng chương trình lương thực, kế hoạch dân số, việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường sinh thái.... mà còn phải tiến hành đấu tranh chống mọi tệ nạn xã hội, giữ gìn bản sắc và bản lĩnh văn hóa dân tộc, tức là việc tu rèn đạo đức cá nhân (tu thân), xây dựng kỷ cương gia pháp (tể gia) là điểm khởi đầu, để quản lý Nhà nước (trị quốc).

Không phải ngẫu nhiên mà một quốc đảo nhỏ chỉ trên năm triệu dân trở thành một nước giàu, ổn định, có mức sốn cao như Singapore lại vận dụng năm phạm trù trung hiếu, nhân ái, lễ nghĩa, liêm sỉ của Nho giáo để biến thành những chuẩn tắc hành động cụ thể cho từng người dân, từng gia đình, được các chủng tộc chấp nhận. Với quan niệm đó, người ta đặt quốc gia trên hết, xã hội đầu tiên; gia đình là gốc, xã hội là thân (Quốc gia chí thượng, xã hội vi tiên; gia đình vi căn, nhân dân vi bản).

Ở các nước Tây Âu, thay vì xu hướng gia đình không dựa trên cơ sở hôn nhân phát triển vào những năm 60,70 của thế kỉ XX, hiện nay người ta có xu hướng quay trở lại những giá trị truyền thống, đề cao trách nhiệm giáo dục gia đình.

Ở nước ta, văn hóa gia đình được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra rất sớm. Tháng 01/1959, trong bài nói tại Hội nghị dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, Người nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội... gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình…”.

Sau này, Bác Hồ vẫn tiếp tục chú ý đến chữ hiếu đối với bố mẹ, trong quan hệ trung với nước, hiếu với dân, khuyên nên học tập cách giáo dục của cha ông. Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa gia đình, Đảng đã có nhiều văn bản về văn hóa gia đình và xây dựng gia đình văn hóa. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng ghi rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của gai đình trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng cũng ghi: “Nêu cao trách nhiệm của gia đình trong việc xây dựng và bồi dưỡng các thành viên có lối sống văn hóa, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Văn hóa gia đình có nhiều đặc điểm

Tính huyết thống

Câu hành xử của người xưa đúc kết: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” là biểu tượng truyền thống tốt đẹp của một gia đình, một dòng họ, rộng hơn là một làng. Ở vùng Sơn Nam Thượng và xứ Đoài ngày xưa, nhiều gia đình có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao. Phan Huy Ích, một vị đại thần của vua Quang Trung, người của hai quê: Hà Tĩnh và Hà Tây (nay thuộc là Hà Nội), là con nhà tông, có “dòng văn ba đời”.

Hai anh em ông và cha đỗ đại khoa, cả hai con ông đều là danh sĩ. Khảo sát truyền thống, văn chương dòng họ Ngô Thì, ta thấy huyết thống đó có ba đời, bắt nguồn từ đời Ngô Thì Ức (ông), Ngô Thì Sĩ (cha) đến Ngô Thì Nhậm (con) đời nọ nối tiếp đời kia là một hiện tượng rất hiếm ở nước ta. Trong lịch sử Trung Quốc, dòng họ Tô Đông Pha ở Mỹ Sơn đời Tống mới có thể sánh ngang với dòng họ Ngô Thì.

Truyền thống hiếu học, trọng học, trọng tài không chỉ có ở Hà Tĩnh. Nhưng ở Hà Tĩnh, xứ Nghệ nói chung, hiếu học đi liền với khổ học. Gia đình giàu có cho con đi học đã đành, nhà nghèo, thậm chí rất nghèo cũng có tâm lý muốn con minh bằng người, bởi con học giỏi, đỗ đạt là vinh hạnh cho cha mẹ, gia đình. Ngạn ngữ vùng này có câu: “Nửa bụng chữ bằng một hũ vàng"- biểu tượng của lòng ham học, ham hiểu biết. Ở làng Trung Lễ (Đức Thọ), một số gia đình có từ ba đến bốn tiến sĩ, cả làng có khoảng hàng chục tiến sĩ. Ở Sơn Hà (Hương Sơn) có khoảng 20 giáo sư - tiến sĩ, nhiều cử nhân; một số gia đình có nhiều con đỗ đạt cao. Đó là nét đẹp lấp lánh của gia đình.

Các giá trị văn hóa gia đình được lưu giữ bền vững hơn ngoài xã hội

Thờ Tổ tiên là một ví dụ: Thờ tổ tiên là một mỹ tục của người Việt Nam, một hiện tượng "đạo nhà” (Nguyễn Đình Chiểu) được phổ biến từ nhiều thế kỉ. Sách Trung Dung có câu: "Thờ cha mẹ lúc chết rồi cũng như lúc còn sống, ấy là điều hiểu rất mực vậy”. Các nhà Nho chính thống không nói linh hồn bất tử mà chú trọng thờ Tổ tiên ông bà bên cạnh thờ thần linh. Thờ Tổ tiên là một hiện tượng hiếu để làm gương cho con cháu đời sau.

Cứ mỗi lần đứng trước bàn thờ Tổ tiên - ông bà, con cháu chắp tay trước ngực để cầu khấn cho linh hồn các bậc siêu thoát, cũng đồng thời mong muốn các cụ phù hộ độ trì cho con cháu gặp may mắn. Nghi thức thờ cúng, lễ vật hiến dâng người đã khuất, ở mỗi nhà một kiểu, nhưng đều gặp nhau ở lòng thành. Mong cho người đã khuất mồ yên mả đẹp, cầu cho người sống an khang, thịnh vượng. Thờ Tổ tiên là tục lệ ăn sâu vào tâm tư, tình cảm người Việt Nam. Chính vì vậy mà dù vật đổi sao dời, đất nước hòa bình hay loạn lạc thì việc thờ cúng Tổ tiên vẫn canh cánh bên lòng người con hiếu thảo, nhất là vào ngày rằm, mồng một, giỗ chạp.

Trong vòng 50 năm trở lại đây, có thử nhìn vào một gia đình trung lưu ở bất cứ nơi nào mà xem: Nội dung câu khấn, thiết chế thờ cúng, nghi thức bái lạy, lễ vật cúng tiễn như hương, hoa, trà, quả, v.v... đều rất ít thay đổi. Những câu thành ngữ được đúc kết từ lâu đời vẫn tồn tại bền vững cho đến nay và có thể cả mai sau; trong quan hệ với con cái là “Gọi dạ bảo vâng”, “Đi thưa về trình”; trong quan hệ của người bề dưới, đối với bề trên là “Kính lão đắc thọ”; cách ứng xử của anh, chị là “Kính trên nhường dưới”, “Chị ngã em nâng”; trong quan hệ vợ chồng là “Một điều nhịn chín điều lành”, “Thuận vợ, thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

Gia phong, gia lễ trong sự tương quan với các lĩnh vực khác của xã hội được nhận biết như sau

Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, vấn đề gia phong, gia lễ của từng gia định bị chi phối bởi các nhân tố: Kinh tế, văn hóa vật chất, pháp luật, lối sống, chất lượng sống, vấn đề công danh, mưu sinh lập nghiệp, thị hiếu và giải trí. Sự bộc lộ mâu thuẫn giữa các thành viên, các thế hệ trong gia đình thể hiện công khai hơn, dễ nhận thấy hơn. Nhưng, cách giải quyết lại thỏa đáng hơn nhờ lòng bao dung, “sự thể tất” rất tâm lý của cả hai phía.

Nếu như trước đây, phương thức giải quyết mẫu thuẫn giữa cha mẹ và con cái thường đi đến kết cục thắng - bại mà phần thắng thuộc về bề trên; thì ngày nay, phương thức giải quyết áp đặt, nhất là bằng bạo lực gia đình, ít tỏ ra có tác dụng, trừ khi xung đột xảy ra phải nhờ pháp luật. Các thế hệ trong gia đình hầu như đều biết nắm giữ lợi thế và phần thắng của mình. Ngay cả một đứa con phạm tội nghiêm trọng cũng chưa chắc bị cha mẹ chối bỏ như trước đây.

Mặt khác, cha mẹ, ông bà cũng cần có những suy nghĩ mới bằng những phương thức giáo dục mới có sức thuyết phục, làm gương cho con cháu noi theo. Việc xây dựng gia phong, gia lễ của tưng gia đình nên bắt đầu bằng việc giáo dục bậc làm cha, làm mẹ. K.Marx nói: Những người giáo dục cũng cần được giáo dục. Thương yêu, tôn trọng, phê phán, nhắc nhở, thậm chí răn đe là điều cần thiết, nhưng tuyệt đối không nên dùng bạo lực, lăng nhục, nhất là đối với trẻ em.

Ở Mỹ, có một số tổ chức phi chính phủ làm nhiệm vụ giáo dục trẻ em cơ nhỡ, lang thang bị cha mẹ ruồng bỏ. Tại đây, có những buổi giáo dục những bậc cha mẹ đã đánh đập con cái do cảnh sát phát hiện. Khi phạm lỗi, các vị đó bị phạt làm không công cho một tổ chức từ thiện và phải đi học lớp bồi dưỡng cách giáo dục con cái; cuối khóa phải có giấy chứng nhận mới được xuất lớp.

Văn hóa gia đình và những giá trị nhân văn bền vững - 2

Ảnh minh họa

Sau đây là những giải pháp “mở” cho việc ứng xử văn hóa gia đình

Về nội dung giáo dục

Ở từng gia đình nên có những bộ sách đạo đức học kiểu mới, trong đó có phần đạo đức gia đình. Ở nước ta cũng như ở một số nước có nhiều cuốn sách nổi tiếng về tu dưỡng đạo đức công dân và văn hóa gia đình như: “Gia huấn ca”, “Đạo đức kinh”, “Ethique” (của Spinoza), “Ethique à Nicomaque” (của Aristote). Đây là những cuốn sách tổng kết có tính chất mẫu mực bền vững vượt qua không gian và thời gian trong việc giáo dục đạo đức gia đình.

Về đối tượng giáo dục văn hóa gia đình

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, theo chúng tôi nên chú ý hàng đầu tới thế hệ vị thành niên trong gia đình. Vì sao vậy? Để trả lời câu hỏi, chúng ta chú ý tới đặc điểm về tâm - sinh lý của lứa tuổi này. Trong sự phát triển của đời người, tuổi vị thành niên là giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, đột biến. Sự tăng trưởng xảy ra không chỉ ở thể xác (chiều cao, trọng lượng); mà còn ở tâm lý (sự bùng nổ về tâm lý thất thường, đầy mặc cảm của mâu thuẫn); ở tình cảm (khẳng định cái tôi, ý thức chủ quan về tình bạn, tình yêu).

Lại nữa, thực trạng lối sống của số đông vị thành niên, nhất là ở đô thị, thật đáng lo ngại. Sự tự do buông thả trong tình dục, tình yêu, thiếu vòng tay ấm áp của gia đình là những điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ phá thai ở tuổi vị thành niên ở Hà Nội và cả nước vào loại cao nhất thế giới (mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo phá thai. Hà Nội chiếm 70.000ca). Nhạc trẻ tung ra trên các cơ quan thông tin đại chúng thiếu định hướng.

Những yếu tố tiêu cực của thể loại nhạc trẻ như lời ca rên rỉ, ảo não, gầm rú la hét, tâm trạng ủy mị chán chường, thái độ sống gấp, vô cảm, v.v.... là trái với đạo lý làm người, làm hoen ố gia phong, gia lễ. “Công nghệ lăng xê" một số ca sĩ có tiền, nhưng không có tài diễn xuất, không có chất giọng; sự bắt chước vô duyên lối ăn mặc, cung cách biểu diễn phương Tây đã “lỗi mốt” hàng chục năm là những hiện tượng lố lăng ảnh hưởng để thị hiếu, lối sống của vị thành niên. Điều đáng trách là một vài tờ báo dành cho lứa tuổi vị thành niên vẫn có những bài khai thác đời tư, “ngôi sao” về cách sống, ăn mặc, hát những bài hát của “sao”.

Còn các bậc làm cha, làm mẹ làm nghề nhạc thì lo lắng: “Tôi sợ nhạc trẻ một thời đánh mất tất cả" như nhạc sĩ nổi tiếng Nguyễn Văn Tý đã nói to trên báo một thời. Mà một bộ phận không ít vị thanh niên đang đánh mất thật: Nghiêng ngả về lý tưởng sống, xáo trộn về tình cảm, băng hoại về đạo đức, v.v....

Văn hóa gia đình và những mối quan hệ xã hội

Văn hóa gia đình trong điều kiện lịch sử xã hội nào cũng đều liên quan tới lối sống của cộng đồng làng, xã, đô thị; liên quan tới nhiều thế hệ: già và trẻ, trên và dưới; liên quan tới nhiều giá trị mà bản sắc dân tộc, cốt cách dân tộc đóng vai trò trung tâm. Để giải quyết những mối quan hệ tất yếu và phức tạp này cần chú ý các quan hệ sau:

- Quan hệ giữa cái vật chất và cái tinh thần: Coi trọng đúng mức lợi ích kinh tế ngang với giá trị tinh thần. Nếu chỉ quan tâm tới vật chất thì dễ sinh ra lối sống hưởng thụ, tâm lý chạy theo đồng tiền, coi đồng tiền là mục đích. Ngược lại, chỉ chú ý đến tinh thần thì xã hội sẽ nghèo khó, gia đình sẽ không yên ổn. Đời sống kinh tế của một gia đình không cao, nhưng có thể có lối sống đẹp. Cha ông ta có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng lại có câu: “Giấy rách phải giữ lấy lề”, hoặc “Đói cho sạch rách cho thơm”.

- Quan hệ giữa bề trên và kẻ dưới: “Kính trên nhường dưới”, “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền” là những câu đúc kết về mối quan hệ này. Đối với bề trên cần đề phòng tâm lý bảo thủ, không thức thời; còn bề dưới thì cảnh giác trước những hiện tượng mất gốc, lãng quên quá khứ v.v...

- Quan hệ giữa cái kế thừa và cái phát triển: Trong quan hệ này thì tín ngưỡng, phong tục, phong hóa là phức tạp hơn cả, xét về bình diện lối sống. Tất cả chúng cầu có mặt trái, mặt không ổn định, mặt phát triển. Bốn nội dung sâu sắc được Bác Hồ diễn đạt có thể phù hợp đối với văn hóa gia đình: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ....Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm... Cái gì mới mà hay, thì phải làm... Đó là mục đích đời sống mới” (Hồ Chí Minh toàn tập).

- Quan hệ giữa tự nguyện và bắt buộc: Tự nguyện thuộc về tâm lý, tình cảm; bắt buộc thuộc kỷ cương, quy ước, gia phong. Bất cứ một sự khuyên bảo, một hành vi giáo dục nào đối với lớp trẻ đều cần sự kết hợp đồng bộ giữa các mặt. Ngược lại, lòng khoan dung, hành vi hòa hiếu của ông bà, cha mẹ trong một gia đình không chỉ là phương tiện, mà còn là mục đích. Bởi suy cho cùng, bản chất của văn hóa là hòa giải. Văn hóa gia đình không vượt ra khỏi bản chất đó của văn hóa nói chung.

Hồ Sỹ Vịnh

Tin liên quan

Tin mới nhất