Phát huy nguồn lực văn hóa – “Sức mạnh mềm” của Thành phố Hồ Chí Minh

Để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, việc huy động sức mạnh, sức sáng tạo của mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Thành phố Hồ Chí Minh cùng với vai trò đầu tàu kinh tế còn được xác định mục tiêu phát triển trở thành trung tâm văn hóa của cả nước trong “Chiến lược phát triển văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2035”. ThS. Lâm Thị Thu Hiền, Trường Đại học Văn Lang đã hệ thống những nội dung khái quát về nguồn lực văn hóa, sức mạnh nội sinh - sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, từ đó, luận bàn về một số giải pháp cụ thể chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa xứng tầm vị thế của TP Hồ Chí Minh.

Thu phục, cảm hóa người khác

Nguồn lực văn hóa - “Sức mạnh mềm” (Soft Power) là khái niệm do giáo sư người Mỹ Joseph Nye, nguyên Hiệu trưởng Trường Quản trị công J.F. Kennedy, thuộc Đại học Harvard (Mỹ), chính thức đưa ra lần đầu tiên vào năm 1990 trong cuốn sách “Giới hạn dẫn đường: bản chất đang thay đổi của sức mạnh Mỹ”.

Ông khẳng định: “Sức mạnh mềm” là khả năng tác động, thu phục, cảm hóa để người khác làm theo ý muốn của mình một cách tự nguyện, hay khả năng ảnh hưởng, lôi cuốn của một quốc gia đối với các quốc gia khác thông qua các phương thức mang tính phi cưỡng chế trong quan hệ quốc tế. Theo đó, “sức mạnh mềm” là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà mình muốn.

Khác với “sức mạnh cứng” (Hard Power) “áp đặt” thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự... Sức mạnh mềm và sức mạnh cứng củng cố, bổ sung và tăng cường sức mạnh cho nhau, và khi được kết hợp một cách hiệu quả sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia. Do vậy, khi bàn về sức mạnh mềm, cần đặt khái niệm này trong tổng thể sức mạnh quốc gia và trong mối quan hệ với sức mạnh cứng.

Phát huy nguồn lực văn hóa – “Sức mạnh mềm” của Thành phố Hồ Chí Minh - 1

Ảnh minh họa 

Theo giáo sư Joseph Nye, sức mạnh mềm của quốc gia thường xuất phát từ ba nguồn: sự hấp dẫn về văn hóa; tư tưởng chính trị; các chính sách - đặc biệt là chính sách đối ngoại của quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, xu thế hòa bình, hợp tác vẫn là nét chủ đạo thì sức mạnh mềm càng đóng vai trò quan trọng trong giữ vững ổn định quốc gia, tăng cường hội nhập quốc tế, cũng như phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia đó trên thế giới.

Trong ba nguồn lực cơ bản của sức mạnh mềm thì nguồn lực văn hóa giữ vai trò quan trọng, chưa kể hai nguồn lực còn lại, nếu hiểu theo nghĩa rộng, xét cho cùng cũng là văn hóa. Có thể nói, văn hóa là nguồn tài nguyên quan trọng hàng đầu và có vai trò quyết định sức mạnh mềm của quốc gia.

Việt Nam có lợi thế để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa

Sự chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng Việt Nam đã từng được Joseph Nye - cha đẻ của học thuyết sức mạnh mềm, khẳng định là một quốc gia có nhiều điều kiện, cơ hội và lợi thế để gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong quan hệ quốc tế.

Năm 2007, trong một cuộc phỏng vấn của báo chí Việt Nam, ông từng nhận định Việt Nam có nhiều thứ có thể thu hút, lôi kéo các quốc gia khác như: sự nổi danh từ lịch sử đấu tranh giành độc lập bảo vệ chủ quyền; tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc; sự chuyển đổi thành công sang một nền kinh tế có mức tăng trưởng ấn tượng... Ông cho rằng, những điều này sẽ giúp gia tăng sức mạnh mềm của Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam có một nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, có bề dày truyền thống. Văn hóa Việt Nam có những giá trị được thế giới biết đến và công nhận. Điều này được thể hiện rất rõ qua hệ thống các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, trong đó có những di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO vinh danh, những giá trị văn hóa lâu đời, độc đáo, đa sắc màu của 54 dân tộc anh em; sự tinh tế, phong phú của ẩm thực Việt Nam; sự độc đáo của sản phẩm các làng nghề truyền thống…

Đó là những nguồn tài nguyên nhân văn vô tận để chúng ta khai thác, phát huy trong phát triển du lịch, quảng bá văn hóa, hấp dẫn thế giới bên ngoài.

Phát huy nguồn lực văn hóa – “Sức mạnh mềm” của Thành phố Hồ Chí Minh - 2

Ảnh minh họa 

Việt Nam là quốc gia có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng ngàn năm. Trong lịch sử phát triển của mình, các triều đại phong kiến Việt Nam đã sớm có ý thức tạo lập và phát huy sức mạnh văn hóa của đất nước. Việt Nam đã luôn đối mặt và chiến thắng những kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự, kinh tế (sức mạnh cứng) lớn gấp nhiều lần. Đó chính là biểu hiện của việc vận dụng sức mạnh mềm văn hóa của Việt Nam.

Thái độ thân thiện, mến khách của người Việt Nam cũng luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Đó là những giá trị tốt đẹp và bền vững, nếu chúng ta biết phát huy đúng cách, sẽ có khả năng lan tỏa và sức thuyết phục, chiếm được thiện cảm, tình yêu mến của cộng đồng thế giới.

Thứ hai, văn hóa Việt Nam là một nền văn hóa mở: trải qua bao thăng trầm của lịch sử, văn hóa Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để nâng tầm, hoàn thiện văn hóa Việt Nam. Đây là những nhân tố tích cực tạo tiền đề để chúng ta dễ dàng hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa thế giới và được quốc tế công nhận.

Thứ ba, con người Việt Nam có tài năng sáng tạo và năng lực thích ứng cao: tài năng sáng tạo của các thế hệ trước đã được thể hiện rất rõ qua những thành tựu văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần. Ngày nay, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, tăng trưởng nhanh, hiếu học, năng động, sáng tạo, ngày càng xuất hiện nhiều tài năng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Con người Việt Nam có khả năng thích ứng cao, giao lưu, tiếp biến văn hóa tốt và đặc biệt nhanh trong kết nối toàn cầu.

Thứ tư, mức độ hội nhập công nghệ thông tin tốt: Việt Nam đang có những cải thiện vượt bậc về cơ sở hạ tầng thông tin - truyền thông. Mức độ sử dụng Internet, số hóa ở Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Tính đến tháng 1 năm 2020, theo “Báo cáo Digital 2020: Global Digital Yearbook” của We are social, Việt Nam có 96,9 triệu dân thì số người dùng Internet là 68,17 triệu (chiếm 70% dân số). Đây là những tiền đề quan trọng về cơ sở khoa học công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và truyền thông văn hóa.

Phát huy nguồn lực văn hóa – “Sức mạnh mềm” của Thành phố Hồ Chí Minh - 3

Ảnh minh họa 

Thứ năm, có sự cải thiện về thể chế, môi trường pháp lý: Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, quyết sách lớn, đề cao vai trò của văn hóa trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia.

Tuy nhiên, để chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa Việt Nam thành sức mạnh mềm văn hóa phải xác lập được cơ chế và vận hành tốt, phát huy sức mạnh mềm văn hóa hiệu quả trong điều kiện thực tế của một quốc gia đang phát triển, tiềm lực cạnh tranh về kinh tế còn hạn chế.

Để xứng đáng với tầm vóc của một đô thị đặc biệt, với mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á (tầm nhìn đến năm 2045 trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP bình quân) của thành phố khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu), TP.HCM xây dựng Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh đến năm 2035” với định hướng phấn đấu là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020–2025 đã xác định phương hướng: “Xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.

Theo ThS. Lâm Thị Thu Hiền, không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến với thành phố sẽ cảm nhận đây là thành phố mang tên Bác. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, con người Hồ Chí Minh thấm sâu vào con người thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người ở một thành phố được vinh dự mang tên Bác. Cần phải phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, lấy giá trị văn hóa, con người là nền tảng- sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững.   

Như Ngọc

Tin liên quan

Tin mới nhất

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Đường lên Điện Biên hào hùng và đầy xúc cảm qua 70 tác phẩm mỹ thuật

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2024), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm “Đường lên Điện Biên”, giới thiệu tới công chúng 70 tác phẩm hội họa, đồ hoạ, điêu khắc, ký hoạ, áp phích, sáng tác trong giai đoạn 1949 - 2009 của 34 tác giả, được lựa chọn trong bộ sưu tập của Bảo tàng.