Chuyên gia: Chìa khóa để trẻ lớn lên thành người xuất sắc nằm ở cách bố mẹ khen ngợi con
Có 3 kiểu khen ngợi phù hợp, giúp tạo thêm động lực, niềm tin cho trẻ tiến bộ.
Với việc chú trọng giáo dục, ngày càng nhiều bậc bố mẹ nhận thấy cần khen ngợi con nhiều hơn. Tuy nhiên, khen quá nhiều, hoặc khen sai cách sẽ gây phản tác dụng.
Mục đích của việc khen ngợi là khiến trẻ chăm chỉ, nhưng khen ngợi với mục đích thao túng sẽ vô tình lấy đi động lực bên trong. Những câu “Con biết đi ngủ sớm, con ngoan lắm”, “Học được nhiều thứ cùng một lúc thật tuyệt vời!”, “Con thật thông minh, bố biết không có gì làm khó con”… Lúc đầu, trẻ sẽ rất vui khi nghe những lời khen ngợi này.
Một chuyên gia tâm lý cho biết, nếu chúng ta nói những điều tốt đẹp để đạt được một mục đích nhất định (trao đổi lợi ích), khó xây dựng mối quan hệ tin cậy? Tuy nhiên, nhiều bậc bố mẹ sẽ vô tình khen ngợi với mục đích “để con làm theo ý mình” .
Khen ngợi ai đó rất dễ dàng, ngay cả khi không có ý, vẫn dễ bày tỏ điều đó một cách dễ dàng. Tuy nhiên, việc khen ngợi với những động cơ thầm kín sẽ để lại một số tổn thương tiềm ẩn trong tâm trí trẻ.
Khi lời khen trở nên phổ biến, trẻ sẽ không hài lòng nếu không được khen. Điều này là tự nhiên. Giống như khi đến ngày lãnh lương và sếp đột nhiên thông báo rằng tháng này sẽ không được trả lương. Chắc hẵn chúng ta bị sốc, sau đó là tức giận và lẩm bẩm "tại sao?"
Nếu bố mẹ thường xuyên khen ngợi từ việc đánh giá kết quả, chẳng hạn như: “Con biết đánh răng trước khi đi ngủ là trẻ ngoan”, “Con đạt giải xuất sắc thật tuyệt vời”, “Hôm nay con không đi học muộn, giỏi quá”, "Con đạt điểm cao nhất kỳ thi, xứng đáng là con của mẹ", ... khiến trẻ không nhận thức được giá trị của bản thân, khó suy nghĩ độc lập hay dũng khí chấp nhận thử thách...
Vậy lời khen như thế nào mới thực sự giúp ích được cho trẻ và làm thế nào để nắm bắt được mức độ này? Các chuyên gia gợi ý 3 cách sau, phụ huynh có thể tham khảo.
Thể hiện sự đồng cảm khi khen ngợi
Tình yêu sâu sắc nhất của bố mẹ là nhận ra và trân trọng con người thật của trẻ. Điều này không chỉ đơn thuần là nhìn nhận những thành tựu hay điểm số mà trẻ đạt được, mà còn là việc hiểu và chấp nhận từng khía cạnh trong tính cách và cảm xúc của trẻ.
Trẻ là một cá nhân độc lập, với những ước mơ, nỗi sợ hãi và cảm xúc riêng biệt. Điều trẻ cần là sự tin tưởng, chấp nhận và tôn trọng, thay vì dán nhãn cho hành vi hoặc kết quả mà trẻ tạo ra.
Trong quá trình phát triển, trẻ thường phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực. Khi trẻ thể hiện tốt trong một môn thể thao, đạt 10 điểm trong một bài kiểm tra hay thành công vượt qua thử thách, bố mẹ nên quan tâm trước tiên đến cảm xúc của trẻ. Vì vậy, khi khen ngợi, hãy chú trọng đến việc thể hiện sự đồng cảm.
Thể hiện sự đồng cảm khi khen ngợi
Ví dụ, khi trẻ đã vượt qua được nỗi sợ hãi và học cách leo lên thanh thăng bằng, bố mẹ có thể nói: "Con yêu, con thật dũng cảm. Con đã tự mình làm được điều đó." Câu nói này nhấn mạnh sự dũng cảm và nỗ lực mà trẻ đã bỏ ra để đạt được điều đó.
Một ví dụ khác là khi trẻ chơi thể thao và có thể không đạt được kết quả tốt nhất, bố mẹ có thể nói: “Lần này con đã chơi tốt hơn rất nhiều, mẹ thấy con rất vui. Con đã dành thời gian luyện tập và sẽ có kết quả.” Những lời này ghi nhận nỗ lực, khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng.
So với những lời khen ngợi chung chung, việc có sự đồng cảm, thấu hiểu cảm xúc, ghi nhận sự tiến bộ có thể động viên trẻ nhiều hơn.
Lời khen nhẹ nhàng và vừa phải
Thực tế quá nhiều khen ngợi sẽ có tác dụng ngược lại. Khi trẻ thành công, hầu hết các bố mẹ không ngần ngại công nhận thành tích của con. Tuy nhiên, khi trẻ làm không tốt, ít phụ huynh thông cảm cho cảm xúc của trẻ. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ cảm thấy áp lực và lo lắng về việc phải duy trì thành tích cao.
Những lời khen như “Con trai mình thật tuyệt vời, đạt điểm tối đa trong kỳ thi” có thể mang lại cảm giác hãnh diện ban đầu, nhưng đồng thời cũng tạo ra một áp lực tâm lý. Trẻ có thể nghĩ: “Bố mẹ mình rất vui vì mình làm tốt điều này. Nhưng nếu mình không làm tốt, họ sẽ không vui.” Sự lo lắng này khiến trẻ cảm thấy bị gò bó và không dám thử sức với những điều mới mẻ, vì sợ rằng thất bại sẽ khiến bố mẹ thất vọng.
Vì vậy, khi khen ngợi, bố cần kiểm soát cường độ. Những lời khen nên được đưa ra một cách hợp lý và chân thành. Hãy nêu sự thật, đánh giá quá trình và ghi nhận nỗ lực của con.
Lời khen nhẹ nhàng và vừa phải.
Ví dụ, thay vì “Con được 100 điểm trong bài thi,” hãy nói: “Mẹ thực sự tự hào về con! Những ngày này, mẹ nhận thấy con đang học tập nghiêm túc và sự chăm chỉ đã được đền đáp xứng đáng.” Cách tiếp cận này khích lệ trẻ, nhận ra rằng nỗ lực và quá trình cố gắng là điều quan trọng hơn cả kết quả cuối cùng.
Bố mẹ nên truyền đi thông điệp rằng “dù tốt hay xấu, bố mẹ đều chấp nhận con người thật của con.” Khi một đứa trẻ nhận ra rằng mình luôn xứng đáng được yêu thương, dù có thành công hay thất bại, sẽ phát triển lòng tự tin và khả năng tự đứng dậy sau những vấp ngã.
Khi trẻ làm không tốt, hãy tìm kiếm điểm sáng
Khi trẻ thành công, cần sự công nhận. Khi thất bại, cũng cần sự hỗ trợ và khẳng định từ bố mẹ để tìm thấy chính mình một cách an toàn. Trong những khoảnh khắc khó khăn, khi trẻ làm không tốt hoặc mắc lỗi, sẽ trải qua nhiều cảm xúc hối hận, tức giận, lo lắng và tội lỗi.
Vì vậy, lúc này, bố mẹ cần tìm ra điểm sáng trong những tình huống khó khăn . Hãy phân tích lý do dẫn đến kết quả không mong muốn (hoặc đề xuất những chỗ cần sửa chữa) và cuối cùng là động viên trẻ.
Ví dụ, có một câu chuyện về cô bé 3 tuổi múa trên sân khấu lần thứ hai. Cô bé rất rụt rè và không thực hiện được nhiều động tác. Trên đường về nhà, cô bé nói với mẹ: “Mẹ ơi, cô giáo nói chỉ những ai có thể bộc lộ bản thân một cách cởi mở mới là xuất sắc. Con không đủ tốt à?" Lời nói này cho thấy cô bé đang cảm thấy tự ti và cần sự khẳng định từ mẹ.
Khi trẻ làm không tốt, hãy tìm kiếm điểm sáng.
Người mẹ đã đáp lại bằng sự thông cảm và động viên: “Mẹ nhớ lần đầu tiên con múa trên sân khấu, không dám di chuyển nhiều và chỉ thực hiện một vài động tác. Lần này, con đã chủ động thực hiện nhều động tác và kiên trì hơn. Mẹ nhận thấy con đã sẵn sàng vượt qua khó khăn từng chút một. Mẹ tin rằng con sẽ ngày càng tiến bộ hơn.” Những lời động viên khẳng định sự nỗ lực, giúp cô bé cảm thấy an toàn và được yêu thương, bất kể kết quả ra sao.
Khi tình yêu tuôn chảy, sức mạnh bên trong của đứa trẻ sẽ lớn dần. Sự khẳng định và động viên từ bố mẹ sẽ khuyến khích trẻ dám đối diện với thử thách, không sợ hãi khi thất bại.
Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, hãy phát hiện ra những thay đổi tích cực ở con mình. Những điều nhỏ bé nhưng đáng quý, từ việc trẻ dám thử sức đến những nỗ lực cải thiện, đều cần được ghi nhận.
Bình luận