Nguyễn Đình Thi qua con mắt của các thế hệ trí thức, nhà văn và bạn đọc thế kỷ 21
Ngày 20/12, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024) để một lần nữa nhìn lại con người Nguyễn Đình Thi, sự nghiệp Nguyễn Đình Thi bằng con mắt của các thế hệ trí thức, nhà văn và bạn đọc thế kỷ 21.
Tại buổi lễ, các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình đã khẳng định sự đóng góp to lớn trên nhiều phương diện của Nguyễn Đình Thi đối với nền văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh những sáng tạo và tư tưởng của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Đông đảo nhà văn, nhà thơ và bạn đọc tham dự Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Thi tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Vào ngày 20 tháng 12 của 100 năm trước, một con người ra đời và mang tên Nguyễn Đình Thi. Con người đó lớn lên làm người và sáng tạo ra những vẻ đẹp cho con người của xứ sở mình”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đình Thi là một nhân vật đặc biệt trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, ông mang tới những giá trị đa tầng của văn xuôi, ông mở ra tư duy mới về thơ ca, ông mang tới độ sâu tư tưởng trong sân khấu và đóng góp thêm những vẻ đẹp cho âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh sức sống lâu dài trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Thi.
Nguyễn Đình Thi cũng là một trong những người đặt một nền tảng cơ bản về triết học trong sáng tác văn học nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng đây là một điều vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính sống còn đối với bất kỳ nền văn học nghệ thuật nào muốn phát triển và tạo ra những giá trị có tầm vóc.
“Những tác phẩm văn xuôi, thơ ca, sân khấu và âm nhạc của ông có một sức sống lâu dài, bởi ngoài những cảm xúc của thời đại ông sống, ngoài những giấc mơ đẹp đẽ mà ông mang trong những trang viết của mình thì triết học đã giúp ông làm nên tư tưởng các tác phẩm của ông, làm nên sức sống lâu dài của các tác phẩm đó trong nhiều thời đại khác nhau”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.
Dù làm thơ, viết tiểu thuyết, truyện ký, sáng tác kịch, viết lý luận phê bình văn nghệ, hay sáng tác ca khúc thì Nguyễn Đình Thi cũng có những sáng tạo độc đáo, xác lập những thành tựu riêng, từ đó góp phần vào sự vận động của các thể loại và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.
Trưng bày một số tác phẩm của Nguyễn Đình Thi tại sự kiện.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho rằng, bản lĩnh của Nguyễn Đình Thi, cốt cách của Nguyễn Đình Thi được hun đúc lên qua các sáng tác của ông và đã đạt đỉnh ở nhiều lĩnh vực. Câu thơ “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người” của Nguyễn Đình Thi chính là chìa khóa để đi vào nghệ thuật của ông. “Kiêu hãnh làm người” chính là ý thức của một người trí thức.
“Nguyễn Đình Thi đi qua âm nhạc với chỉ vài bản nhạc nhưng có những bài đã trở thành bất tử, ông đi qua cuộc tranh luận về thơ 1949 để khẳng định những mở đường của ông, những vở kịch của ông nói đến cái ‘ưu thời mẫn thế’ của trí thức trong những cái ngặt nghèo của lịch sử… tất cả gắn liền với bản lĩnh và thể hiện sự kiêu hãnh của người trí thức”, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp cho hay.
Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp khẳng định bản lĩnh trí thức của Nguyễn Đình Thi.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng khẳng định: “Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, hiếm có, càng hiếm khó hơn là ở tất cả các binh chủng nghệ thuật anh đều có những tác phẩm đỉnh cao, vươn tới tầm thời đại, có sức sống vượt thời gian. Nguyễn Đình Thi thật sự xứng đáng là một nhà văn hóa lớn trong thời đại Hồ Chí Minh”.
Vừa là một nghệ sĩ, vừa là một nhà cách mạng, Nguyễn Đình Thi có những năm tháng sống thiết tha, mãnh liệt, hòa nhịp với những chặng đường đi của dân tộc trong một giai đoạn lịch sử sôi nổi, hào hùng.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyễn Đình Thi đã tham gia hoạt động cách mạng từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, từng trải qua những cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt với bọn phản động để bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền non trẻ, trải qua những năm mặc áo lính xả thân cuộc chiến tranh nên bản lĩnh chính trị của Nguyễn Đình Thi là điều đã được kiểm nghiệm và khẳng định dứt khoát.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, hiếm có.
Nguyễn Đình Thi còn là một nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ tài ba, xuất sắc. Ông tham gia cùng các cơ quan, đơn vị giúp Đảng, Nhà nước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện đường lối văn hóa, văn nghệ kháng chiến, kiến quốc.
Nhất là trên các cương vị Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, Tổng thư ký Hội Văn nghệ, Tổng thư ký Hội Nhà văn, Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ông đã thể hiện tầm tư duy, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược và khả năng nắm bắt hơi thở đời sống.
Bằng tư duy sắc sảo, phong cách đặc sắc, khả năng nhìn nhận khoáng đạt mà sâu sắc, Nguyễn Đình Thi đã góp phần vào việc định hình và phát triển tư tưởng lý luận văn nghệ cách mạng Việt Nam ở những giai đoạn quan trọng. Chính những định hướng này đã giúp nền văn nghệ cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu to lớn.
Nhà văn, dịch giả người Pháp Dominique De Miscault và nhà thơ Bằng Việt tặng Hội Nhà văn Việt Nam tập thơ song ngữ Việt - Pháp gồm 50 bài thơ của Nguyễn Đình Thi.
Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Đình Thi không chỉ là dịp để tưởng nhớ đến một con người nghệ sỹ, một nhà văn hóa đã có những đóng góp vô cùng to lớn đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà mà còn mở ra những cánh cửa mới để các nhà văn, các nhà nghiên cứu, bạn đọc thế kỷ 21 tiếp tục bước vào trong thế giới sáng tạo rộng lớn, nhiều tầng lớp và nhiều gợi mở của ông trong một thời đại mới của đất nước và của văn học nghệ thuật.
Tại Lễ kỷ niệm, nhà thơ Vũ Quần Phương đã đọc bài thơ ông viết để tưởng nhớ Nguyễn Đình Thi:
Nói đến Nguyễn Đình Thi là nói đến một nhà văn hoá lớn, một tài năng lớn, cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng...
Bình luận