Mẹ đảm miền Tây mê nấu ăn, khoe những bữa cơm nhà từ 50-100 nghìn đồng dân dã nhưng cực ngon
Những mâm cơm chị Phan Phương nấu không cầu kỳ mà đều rất giản dị, gần gũi nhưng ai nhìn thấy cũng muốn nếm thử.
Từng quen tay với những lọ sơn móng tay, chiếc dũa... chị Phan Phương (40 tuổi, Long An) - bà chủ tiệm nail cần mẫn ngày nào nay đã lui về căn bếp nhỏ sau khi sinh bé thứ hai. Ở nhà chăm con, quán xuyến việc gia đình, chị dần tìm thấy niềm vui nơi những bữa cơm giản dị, đậm đà hương vị. Không còn những ngày tất bật ở tiệm, cuộc sống của chị giờ đây xoay quanh tiếng cười trẻ nhỏ và mâm cơm nhà ấm áp, nơi đam mê nấu nướng được vun đắp từng ngày bằng tình yêu dành cho chồng con.
Mê nấu ăn, vun vén cho gia đình qua từng bữa cơm giản dị
Từ nhỏ, Chị Phan Phương đã có niềm yêu thích đặc biệt với việc nấu ăn. Khi còn trẻ, chị thường tự mày mò, tìm hiểu công thức, rồi vào bếp thử làm đủ món theo cách riêng của mình. Đến khi sinh bé thứ hai cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2021, chị có nhiều thời gian hơn để ở nhà và tham gia vào các nhóm nấu ăn trên mạng. Nhờ vậy, chị được giao lưu, học hỏi thêm từ các chị em cùng đam mê. Từ đó đến nay, mỗi bữa ăn chị nấu không chỉ ngon miệng mà còn được chăm chút sao cho thật đẹp, để lưu giữ thành những bức ảnh kỷ niệm đầy ý nghĩa.
Hiện tại, gia đình chị Phương có 4 thành viên, nhưng bé lớn đang ở quê, vừa học xong đại học, còn bé nhỏ vẫn đang trong giai đoạn ăn cháo. Thành ra, bữa cơm mỗi ngày trong nhà thường chỉ có hai vợ chồng cùng ngồi lại. Chồng chị đi làm cả ngày, đến chiều mới về ăn cơm, nhưng chính bữa cơm ấy lại là khoảng thời gian đầm ấm nhất trong ngày.
“Anh ấy chỉ ăn một buổi chiều làm về thôi, nhưng buổi cơm đó rất ấm áp, ngon như ở quê, như thời xa xưa được ba mẹ ở quê nấu cho ăn mình” chị nói.
Thời gian này, chị là mẹ bỉm ở nhà toàn thời gian, không có thu nhập riêng. Mọi chi tiêu trong nhà đều do một tay chồng chị lo liệu. Hiểu được sự vất vả của chồng, chị càng cố gắng vun vén cho gia đình bằng những bữa cơm đơn giản nhưng đủ đầy. “Buổi cơm của mình đi chợ bữa thì 100 nghìn đổ lại là bữa đó thịnh soạn nhất, còn thường thì chỉ 50 nghìn đổ lại thôi,” chị kể.
Rồi chị lấy ví dụ, có bữa chỉ cần 40 nghìn giò heo, 5 nghìn bắp cải, cà rốt đậu que 8 nghìn, 20 nghìn thịt vậy là có đủ món cho hai vợ chồng ăn rồi. Mỗi món ăn, mỗi mâm cơm của chị đều là sự gói ghém từ tình yêu thương, từ sự tảo tần của một người phụ nữ dành trọn tâm ý cho mái ấm nhỏ của mình.
Bữa cơm gia đình gắn kết yêu thương
Để bữa cơm gia đình luôn ngon miệng và không bị lặp lại nhàm chán, chị Phương có thói quen thay đổi thực đơn mỗi ngày. Mỗi tối trước khi đi ngủ, chị thường tranh thủ hỏi cả nhà mai thích ăn gì, hoặc chị sẽ gợi ý vài món rồi cùng nhau chọn. Nhờ vậy, mâm cơm mỗi ngày không chỉ đủ dinh dưỡng mà còn mang lại cảm giác mới mẻ, hào hứng, dù nguyên liệu giản dị, chi phí tiết kiệm, nhưng luôn đầy đủ sắc hương và tình cảm.
Vào dịp cuối tuần, khi không bị gò bó về thời gian, chị Phương thường vào bếp chuẩn bị những món ăn khác lạ hơn ngày thường một chút để đổi vị cho cả nhà. Chị còn tự tay làm các món bánh xèo, bánh bò, bánh khọt... để nhâm nhi.
“Mình thường làm những món nướng, chiên, xào, hấp như ở quán nhậu để cả nhà cùng ăn vào dịp cuối tuần”, chị chia sẻ. Có lẽ, những món đậm đà, hấp dẫn ấy không chỉ giúp bữa cơm thêm phần ngon miệng mà còn tạo cảm giác mới mẻ, vui vẻ cho gia đình chị sau một tuần làm việc, chăm con bận rộn. Đó cũng là cách chị mang đến sự gắn kết nhẹ nhàng, ấm áp trong những ngày quây quần hiếm hoi của cả nhà.
Không chỉ nấu ăn cho gia đình, chị Phan Phương còn hay chia sẻ món ngon với hàng xóm láng giềng xung quanh. Mỗi khi làm món gì lạ miệng hay nấu dư một chút, chị lại mời bà con hàng xóm sang ăn cho vui.
“Thường mình nấu ăn cũng hay mời hàng xóm ăn, mọi người thường khen ngon” chị kể. Nhờ vậy, chị càng có thêm động lực để vào bếp mỗi ngày. Lâu dần, ai trong xóm có tiệc tùng nhỏ hay giỗ chạp đơn giản cũng thường tìm đến nhờ chị nấu giúp. Không cầu kỳ kiểu nhà hàng, nhưng mâm cơm chị nấu luôn đậm đà, vừa miệng, hấp dẫn người thưởng thức.
Với chị Phương, bữa cơm nhà không chỉ để no bụng mà còn là khoảng thời gian quý giá để cả gia đình sum họp. Sau một ngày tất bật, ai cũng có những mỏi mệt riêng, và chính mâm cơm ấm cúng là nơi xoa dịu, kết nối lại những thành viên trong nhà.
“Bữa cơm gia đình không chỉ giúp chăm sóc sức khỏe, mà còn làm cho tình cảm vợ chồng, cha mẹ con cái thêm gần gũi” chị chia sẻ. Ngồi lại bên nhau, cùng ăn, cùng trò chuyện, đôi khi chỉ vài câu hỏi thăm cũng đủ làm lòng người dịu lại, tiếp thêm động lực cho ngày mai.
Bình luận