Tan học trẻ được đón về sớm và muộn, đâu mới là đứa trẻ có tương lai hơn? Câu trả lời của chuyên gia khiến hội phụ huynh bất ngờ
Sau khi tan trường, đứa trẻ được bố mẹ đón về sớm và đón muộn sẽ có sự khác biệt rõ rệt khi trưởng thành.
Trong thời đại ngày nay, áp lực và trăn trở về tình hình kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai của nhiều cặp vợ chồng trẻ, đặc biệt là sau khi gia đình chào đón một thành viên mới. Cuộc sống ngày càng trở nên căng thẳng hơn, khi con cái bước vào tuổi đến trường.
Đối với một số gia đình, nếu may mắn thì sẽ có sự hỗ trợ từ phía ông bà. Còn ngược lại, khi trong nhà có cả bố và mẹ đều phải đi làm, thì việc đón con từ trường sau giờ học trở thành một nỗi lo lắng không tưởng.
Trường mầm non và cấp 1 thường kết thúc ngày học vào khoảng 4 giờ - 5 giờ chiều, trong khi giờ tan làm của bố mẹ thường rơi vào khoảng 5 giờ - 7 giờ tối. Trong một số trường hợp, bố mẹ vẫn bận rộn với hàng tá công việc và nhiệm vụ vào thời điểm cuối ngày, không thể có mặt đón con đúng giờ.
Điều này dẫn đến việc đón con muộn trở thành một thực tế không thể tránh khỏi trong cuộc sống của nhiều gia đình. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà cuộc sống diễn ra nhanh hơn, và thời gian được xem như một tài sản quý giá.
Bố mẹ đón con sớm hay muộn đều sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của trẻ (Ảnh minh hoạ).
Theo một nghiên cứu nước ngoài được Sohu trích dẫn, những đứa trẻ được đón sớm từ trường thường phát triển tự tin. Trái lại, những đứa trẻ bị đón muộn thường có xu hướng nhạy cảm hơn.
Tuy nhiên, những đặc điểm này thường xuất hiện sau 10 năm, khi đó bố mẹ có thể lầm tưởng đó là bản chất của con cái mình đã có từ khi sinh ra, mà không biết rằng chính vấn đề đón con sớm hay muộn khi con còn nhỏ đã ít nhiều để lại những hậu quả về sau cho trẻ.
Trước "bài toán" nan giải mà nhiều ông bố bà mẹ vẫn chưa tìm được đáp án thoả đáng, chuyên gia Tâm lý học Quang Thị Mộng Chi có những chia sẻ, bày tỏ quan điểm ở góc nhìn tâm lý về vấn đề này, nhằm giúp các bậc phụ huynh có sự tiếp cận sát sao và bao quát hơn.
Như vậy thì bố mẹ mới có thể đưa ra những quyết định phù hợp, và có lợi hơn đối với quá trình hình thành nhân cách, lối sống và tâm sinh lý của trẻ.
Thạc sĩ Tâm lý, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học KHXH&NV ĐHQG - TPHCM.
Thưa chuyên gia, việc bố mẹ đón con muộn sẽ ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Việc đưa đón con đi học cũng là việc đau đầu với nhiều bậc bố mẹ đi làm, đôi khi vì không thể về sớm đón con nên nhiều khi họ cũng có trong mình cảm giác có lỗi với con. Những đứa trẻ sau một ngày ở trường thì thường mong được về nhà cùng ba mẹ, đặc biệt là những trẻ mầm non hoặc trẻ đầu tiểu học.
Tâm lý mong ngóng cha mẹ đón sớm càng nhiều khi các bạn cùng lớp đã được ba mẹ đón, và trẻ sẽ rất buồn nếu mình là đứa trẻ cuối cùng rời khỏi trường.
Đồng thời, trẻ cũng sẽ tổn thương nhiều hơn khi việc bố mẹ đón muộn lặp lại thường xuyên, nhưng lại không nhận được lời giải thích hợp lý nào từ phía bố mẹ. Trong tình huống này, hầu như đứa trẻ nào cũng sẽ cảm thấy tủi thân, bị bỏ rơi và giận dỗi bố mẹ.
Nguyên nhân vì sao việc bố mẹ đón con sớm lại quan trọng với trẻ?
Việc được đón sớm, rồi bố mẹ ngồi đó nhìn con chơi ở sân trường cùng các bạn làm trẻ cảm thấy ấm áp và an tâm, vì trẻ biết trẻ quan trọng với bố mẹ và được bố mẹ dành thời gian cho mình. Việc đón sớm cũng giúp con được gặp bố mẹ, và chia sẻ về một ngày học tập ở trường ra sao, chơi với các bạn thế nào?
Với một số trẻ, việc được khoe với các bạn về việc mình được bố mẹ đón về sớm cũng khiến trẻ rất hãnh diện. Đồng thời, việc đón sớm sẽ loại trừ suy nghĩ của trẻ là mình không quan trọng hay mình bị bố mẹ bỏ rơi. Do đó, việc được đón sớm vô cùng ý nghĩa với trẻ.
Khác biệt trong quá trình hình thành nhân cách, lối sống giữa trẻ được đón sớm và đón muộn là gì?
Như trên đã phân tích, một đứa trẻ khi được bố mẹ đón sớm sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm từ bố mẹ, bé thấy mình quan trọng và có giá trị trong mắt bố mẹ nên cảm thấy an toàn. Đồng thời, trẻ sẽ tự tin, mạnh dạn bước ra ngoài khám phá thế giới và an tâm là luôn có bố mẹ bên cạnh khi cần. Sự tự tin, ham học hỏi và khám phá giúp trẻ phát triển nhận thức và các kỹ năng xã hội tốt hơn, còn sự an toàn sẽ giúp trẻ ổn định cảm xúc, lành mạnh về tinh thần.
Ngược lại, những đứa trẻ ở trường hợp mà bố mẹ đón muộn thường xuyên, lại không có những lời giải thích hợp lý thì trẻ thường có những suy diễn, rằng bố mẹ không cần mình, mình bị bỏ rơi, mình không xứng đáng được yêu thương,… Chính những suy nghĩ này khiến trẻ ít tự tin, dễ thu mình lại trong các mối quan hệ và giao tiếp xã hội, luôn lo sợ những tình huống mới, có nhu cầu bám dính bố mẹ hơn, đặc biệt là khi con còn nhỏ.
Tất cả những điều này, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của trẻ. Ngoài ra, một số trẻ hướng ngoại sẽ cảm thấy tức giận bố mẹ, gây rạn nứt mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, khép mình trong việc chia sẻ những khó khăn, khúc mắc của con với bố mẹ. Điều này có thể dẫn đến những hiểu lầm và thiếu gắn kết trong gia đình, dễ đẩy trẻ đến các mối quan hệ không lành mạnh ở bên ngoài, đặc biệt khi trẻ đến tuổi vị thành niên.
Trong trường hợp bất khả kháng không thể đón con, bố mẹ nên giải quyết tình huống như thế nào là phù hợp?
Bố mẹ nào cũng đều sẽ muốn đón con sớm để có nhiều thời gian gần gũi với con hơn, tuy nhiên vì bận rộn với công việc hoặc một lý do bất khả kháng nên không thể đón con sớm như đã định. Trong những trường hợp như vậy, thì bố mẹ nên nhờ các mối quan hệ thân thiết để đón con đúng giờ.
Nếu không thể nhờ ai khác thay mình đón con, bố mẹ nên gọi điện thoại trao đổi với cô giáo chia sẻ về việc khó khăn về thời gian đón con, nhờ cô hỗ trợ trông bé trong thời gian mình chưa đến đón kịp, sau đó nhờ cô thông báo với con về việc bố mẹ kẹt công việc không thể đón con sớm, dặn con giữ an toàn.
Sau khi đã đón con rồi thì cần giải thích rõ lý do mà bố mẹ không thể đón con sớm để con hiểu, từ đó mới có thể khiến con không hình thành những suy diễn tiêu cực, hoặc cảm thấy buồn hay thất vọng về bố mẹ. Ngược lại, con sẽ cảm thấy được tôn trọng, yêu thương và biết thông cảm cho hoàn cảnh lúc đó của bố mẹ hơn.
Bình luận