Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường bị ảnh hưởng bão lũ tổ chức dạy học linh hoạt
Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Ngày 19/9, Bộ GD&ĐT có Công văn gửi các sở GD&ĐT về việc tổ chức dạy học đối với các trường thiệt hại do bão lũ.
Theo đó, tình hình mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các trường học, học sinh tại một số địa phương phải nghỉ học nhiều ngày.
Ngay trong quá trình nước rút, các địa phương, nhà trường đã nỗ lực thực hiện kịp thời các giải pháp khắc phục để đón học sinh đến trường học tập.
Một số nơi vẫn còn bị ngập lụt. (Ảnh: VNN).
Tuy nhiên, vẫn còn có một số trường, điểm trường bị hư hỏng quá nặng hoặc bị chia cắt nên chưa thể tiếp tục tổ chức dạy học.
Để bảo đảm duy trì việc học cho tất cả học sinh và hoàn thành chương trình năm học theo kế hoạch, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường thực hiện các giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học nhưng không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 16/9, ngành giáo dục 18 tỉnh, thành thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Học sinh ở 18 tỉnh, thành phía Bắc mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa do lũ lụt.
Bão Yagi và hoàn lưu của bão còn khiến 52 học sinh, trẻ em và 3 giáo viên tử vong; một số học sinh, giáo viên bị mất tích hoặc bị thương; 17 trường học không thể khôi phục, phải xây mới trong thời gian tới; 99 trường chưa xác định được thời gian mở cửa đón học sinh học trực tiếp.
Ngày 19/9, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành công điện về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão.
Công điện gửi Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố nói trên theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; trực ban 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương để có phương án ứng phó kịp thời.
Lên phương án di dời tài sản, máy móc, thiết bị, bàn ghế đến nơi an toàn, đảm bảo không hư hại, hỏng hóc; các trường học, cơ sở giáo dục không tổ chức hoạt động ngoại khóa tại các vùng ven biển và vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Cân nhắc cho học sinh nghỉ học khi cần thiết, đặc biệt ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng do mưa bão. Đảm bảo thông tin về lịch học và sự an toàn của học sinh được truyền đạt đầy đủ đến phụ huynh.
Bình luận