Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn

Trước mặt chúng tôi là một người đàn ông dáng người thấp đậm, tóc bạc trắng, da đỏ au, đi lại nhanh nhẹn hoạt bát. Đoàn trưởng Trại sáng tác báo Văn Nghệ giới thiệu ông Lê Văn Tam Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn Thanh Hóa (LASUCO), rồi lần lượt giới thiệu từng nhà văn trong đoàn với chủ nhà. Ông Tam tươi cười bắt tay từng người rồi trở về chỗ ngồi. Sau đôi lời phi lộ của trưởng đoàn về mục đích yêu cầu chuyến đi thực tế, ông Tam đề nghị được làm việc ngay vì 5 giờ chiều lại phải tiếp một đoàn khách khác.

Chủ nhà không để mất thời gian cho việc giới thiệu lịch sử công ty mà đi thẳng vào dự án quy hoạch tổng thể vùng mía đường Lam Sơn theo hướng công nghệ cao và phát triển bền vững gắn với việc xây dựng vùng nông nghiệp tập trung đường Hồ Chí Minh. Theo ông thì đây là một dự án mang tính chiến lược của địa phương, tạo ra mối liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp trong vùng, tạo ra sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức cạnh tranh hội nhập, trong đó LASUCO có vai trò trung tâm kết nối.

Để thực hiện dự án chiến lược này, ngay từ bây giờ LASUCO đã đồng thời triển khai 5 chương trình trọng điểm, đó là chương trình Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn; chương trình Đầu tư phát triển vùng rau hoa quả; chương trình xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao R&D; chương trình Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao; cuối cùng là chương trình Phát triển trồng rừng với các loại cây giá trị kinh tế cao như tre luồng, cây Macca, cây quế, các loại gỗ quý như lim, lát…

Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn - 1Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng thành viên LASUCO.

Ông Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, mà thực chất là một tập đoàn kinh tế lớn, còn say sưa thuyết trình về tương lai không xa khi năm dự án trên triển khai thành công thì vùng kinh tế Lam Sơn sẽ trở thành một vùng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tiềm năng của tỉnh Thanh Hóa và của cả nước.

Rồi ông quay lại chủ điểm cây mía và hạt đường Lam Sơn. Ông bảo, cây mía đường, loại cây công nghiệp một nắng hai sương được trồng quy mô lớn đầu tiên ở đây, đã từng lập nên những chiến công hiển hách góp phần đánh thức tiềm năng một vùng rừng núi hoang sơ phía tây Thanh Hóa chuyển mình trở thành vùng kinh tế giàu có và trọng điểm, đem đến cuộc đổi đời cho hàng vạn hộ nông dân nghèo khổ, bởi thế trong các chương trình trọng điểm được triển khai đồng bộ trên thì chương trình thứ nhất, chương trình Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn được coi là quan trọng hơn cả. Chương trình này triển khai là nhằm tiếp tục khẳng định thương hiệu hàng đầu của cây mía đường xứ Thanh, và Lam Sơn tiếp tục là vùng trọng điểm sản xuất mía đường của cả nước.

Cách nói chuyện của ông chủ tịch cũng khác thường. Mọi vấn đề kinh tế xã hội phức tạp qua diễn giải của ông đều trở nên giản đơn dễ hiểu và luôn lôi cuốn người nghe. Không giấy tờ sổ sách, nhưng dường như tất cả tình hình và con số đều được sắp xếp gọn gàng theo chương mục đâu đấy trong bộ nhớ của ông. Thật đáng ngạc nhiên và nể phục! Và có lẽ bạn đọc sẽ còn ngạc nhiên nể phục hơn khi biết ông năm nay đã sắp bước vào tuổi 81. Điều gì đã khiến một người đã đủ tuổi nghỉ hưu từ hai chục năm trước lại có thể vẫn tiếp tục có được một nội lực làm việc dẻo dai, sáng suốt và hiệu quả đến như vậy?

Trên thực tế, tên tuổi ông đã luôn gắn kết với mọi bước đi và thành công lớn nhỏ của công ty cũng như của cả vùng mía Lam Sơn này mấy chục năm qua. Danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà Nhà nước trao tặng cho cá nhân ông năm 1999 là danh hiệu đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến nay của cả tỉnh Thanh Hóa, phần nào cũng đã nói lên công lao của ông với công ty và nhân dân cả vùng kinh tế rộng lớn này.

Quay trở lại chủ điểm cây mía và hạt đường, vẫn cách diễn giải khúc chiết đi thẳng vào những điều cốt lõi của vấn đề, ông bảo, cây mía Lam Sơn sau ba thập kỷ liên tục được chăm chút cải tạo đã thay đổi hẳn về chất. Thời kỳ đầu 1980 chất lượng mía thấp, tỷ lệ mía/đường nhiều nơi lên tới trên dưới 20M/Đ, tức là 20kg mía mới được 1kg đường. Giống mía mới và công nghệ mới dần áp dụng đã nâng lên mức bình quân 16M/Đ vào những năm 1989 - 1990. Sau biết bao vật lộn trong công cuộc cải tạo, tỷ lệ đó nay đã đạt bình quân trên dưới 10M/Đ. Cố đến thế nhưng chưa thấm vào đâu với thế giới, ví dụ ở Úc, tỷ lệ mía/đường hiện nay là 6,5M/Đ. Năng suất mía cũng vướng vào tình trạng tương tự. Thời kỳ 1980 - 1989 năng suất mía Lam Sơn bình quân chỉ 22 tấn/ha, thời kỳ 1990 - 1999 tăng vọt lên gấp đôi ở mức 50 tấn/ha, sang thời kỳ 2000 - 2015 tăng lên mức bình quân 56,8 tấn/ha. Nhưng như thế vẫn kém xa nhiều nước khu vực, ví dụ Thái Lan hiện bình quân ở mức 75 tấn/ha.

Bước vào thời kỳ hội nhập sâu như hiện nay thì cây mía và hạt đường Lam Sơn với năng suất chất lượng như vậy sẽ không thể cạnh tranh nổi. Làm mới, suy cho cùng là nhắm tới cái đích nâng cao năng suất và chất lượng cây mía, làm cơ sở vững chắc cho việc hạ giá thành hạt đường nhanh hơn nữa nhiều hơn nữa trước cuộc chiến cạnh tranh giá cả và chất lượng cận kề.

Căn cứ vào dự đoán khả năng chuyển động của ngành sản xuất mía đường khu vực và thế giới cũng như năng lực thực tế tối đa có thể khai thác của công ty và của các hộ trồng mía vùng Lam Sơn, LASUCO xác định mục tiêu phát triển cho cây mía Lam Sơn đến năm 2020 theo hướng: Dồn điền đổi thửa, giảm diện tích nhỏ lẻ manh mún, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào canh tác diện rộng, áp dụng quy trình sản xuất công nghệ cao, đẩy nhanh tăng năng suất cây trồng, tăng sản lượng, nâng cao chất lượng cây mía.

Mục tiêu được thể hiện thành các chỉ tiêu cụ thể như sau:

-  Diện tích trồng mía giảm xuống 13.000 ha ( hiện nay là 18.000 ha).

-  Năng suất cây mía đạt bình quân 100 tấn/ha ( hiện nay bình quân 55 tấn/ha).

-  Sản lượng mía đạt 1,3 triệu tấn (hiện nay là 1 triệu tấn).

-  Chất lượng mía đạt bình quân 12 độ CCS (hiện nay bình quân là 9 CCS)

-  Tỷ lệ mía/đường đạt bình quân 8,5 M/Đ (hiện nay bình quân 10 M/Đ).

Mục tiêu có rồi, chỉ tiêu tiên tiến được xác định rồi, nhưng phải bắt đầu từ đâu để có được cái kết có hậu đó? Ông Tam nêu lên câu hỏi rồi tự trả lời: Tất cả những yếu tố công nghệ cao để làm mới cây mía hạt đường, có thể nói LASUCO đã chuẩn bị, đã từng bước đưa vào áp dụng từ nhiều năm và hiện nay luôn luôn trong tư thế sẵn sàng ở một quy mô lớn hơn, cấp độ cao hơn.

Trung tâm Công nghệ cao R&D của công ty đã nghiên cứu và nhân giống thành công các loại mía cao sản chất lượng cao của thế giới như IT006, TQ1… đủ sức cung cấp giống mía mới cũng như các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ cho tất cả cơ sở sản xuất; đủ sức đưa cơ giới vào các khâu canh tác và thu hoạch mía để giải phóng sức lao động và nâng cao năng suất, đủ sức đưa công nghệ tưới nước nhỏ giọt kiểu Israen phủ kín các cánh đồng mẫu lớn…

Nói tóm lại là công ty đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện vật chất cần thiết giúp nông dân trong cuộc cạnh tranh mới. Nhưng sản xuất đường mía mà nguồn nguyên liệu chính lại phụ thuộc hoàn toàn vào các hộ nông dân như hiện nay, thì sự nỗ lực chủ quan của doanh nghiệp cũng chỉ mới là một nửa, nửa còn lại phụ thuộc vào sự đối ứng sẵn sàng của hàng vạn hộ nông dân, những doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động độc lập mang nặng tính tự do tản mạn và ngẫu hứng. Cái khó chính là ở chỗ này, mà thành bại cũng chính là ở chỗ này!

Trầm ngâm hồi lâu ông Tam chuyển sang trao đổi với chúng tôi về cái phần mà theo ông là khó nhất của nghiệp làm mía đường. Ông bảo Thanh Hóa mới đang trong quá trình hình thành Tứ Sơn: Khu kinh tế Nghi Sơn, khu công nghiệp Bỉm Sơn, vùng kinh tế Lam Sơn, vùng kinh tế Trung tâm gồm thành phố Thanh Hóa và biển Sầm Sơn, tất cả mới còn đang trong quá trình khởi đầu thế mà lao động, ngay cả lao động phổ thông đã thấy thiếu nghiêm trọng.

Lam Sơn vào vụ thu hoạch, lao động chặt mía thiếu, giá nhân công tăng vọt gấp đôi gấp ba so với ngày thường. Một lượng lớn lao động từ Nghệ An, Hà Tĩnh được hút về đây nhiều khi cũng không đủ. Mía đến ngày thu hoạch không có người chặt, độ đường giảm nhanh như bị đánh cắp. Tình trạng này đã được khắc phục cơ bản nhờ máy móc đã được đưa vào hoạt động trên những cánh đồng mẫu lớn, nhưng vẫn cứ tồn tại ở những hộ nông dân sở hữu những chân ruộng nhỏ lẻ manh mún, mà những hộ này hiện còn chiếm khoảng 1/3 số hộ trồng mía cả vùng. Số lượng lao động thì thế, chất lượng lao động thì sao? Đa phần thanh niên trai tráng đi bộ đội, đi học, vào nhà máy công trường.

Ở lại làm mía không ít người đã có tuổi, người già, phụ nữ, thậm chí trẻ em. Tình hình lao động như thế quả là một điều đáng quan ngại cho quá trình làm mới cây mía hạt đường Lam Sơn trước ngưỡng cửa hội nhập và cạnh tranh. Sau lao động lại là những hạn chế của thực trạng ruộng đất. Trên 13 ngàn hộ nông dân trồng mía hiện nay, họ chỉ dành được 18 ngàn ha đất cho cây mía, bình quân mỗi hộ chỉ già 1,3 ha, trong đó các hộ quản lý dưới 1 ha chiếm khoảng 35% hộ trồng mía, số còn lại cũng chỉ một hai ha mỗi hộ, số hộ nắm giữ trên dưới 10 ha chiếm rất ít.

Manh mún như thế, nhỏ lẻ như thế thì cơ giới hóa làm sao, khoa học kỹ thuật làm sao, công nghệ cao làm sao, năng suất và chất lượng làm sao đây?Sự hạn chế về lao động và ruộng đất từ lâu đã trở thành những vật cản khiến cây mía và hạt đường Lam Sơn dần bộc lộ sự đuối sức trong cuộc cạnh tranh mất còn.

Hai vấn đề này, về cơ bản thuộc quyền hạn và trách nhiệm trực tiếp của những hộ nông dân, tức là những đối tác bạn hàng sản xuất cung ứng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường của LASUCO. Thấu hiểu những thế mạnh thế yếu của đối tác bạn hàng đặc biệt này, hàng chục năm qua, LASUCO luôn là người bạn đồng hành thủy chung giúp đỡ hỗ trợ mọi điều kiện tốt nhất có thể để các hộ trồng mía yên tâm và ổn định sản xuất lâu dài.

Từ một vùng đất hoang sơ, nông dân đa số là các hộ nghèo, sau ba thập kỷ làm mía, số hộ nông dân giàu có khá giả nắm nhiều ruộng đất, có vốn đầu tư máy móc và tưới tiêu tự động chiếm tới 30%, số còn lại một nửa là trung bình khá, một nửa là nghèo. Điều tra thống kê cho thấy những hộ nghèo đa số lại là những hộ ít đất, phần lớn chỉ dưới 1 ha.

Từ nhiều năm nay công ty đã có những hỗ trợ ưu tiên giúp đỡ các hộ nghèo trồng mía, đồng thời vận động họ dồn điền đổi thửa hoặc hợp tác liên gia để hình thành những cánh đồng mẫu lớn do một đầu mối đại diện giao dịch với công ty. Nhưng tất cả những cố gắng đó cũng không thay đổi được bao nhiêu. Chính bởi thực tế này mà trong chương trình hành động của mình, LASUCO thấy rằng muốn làm mới cây mía hạt đường Lam Sơn thì trước hết phải làm mới đối tác làm ăn của mình, tức là phải có một giải pháp mạnh mẽ trong sắp xếp và cơ cấu lại đối tác hộ nông dân theo hướng mở rộng cánh đồng mẫu lớn và giảm đầu mối giao dịch.

Song song với biện pháp tiếp tục vận động các hộ nông dân dồn điền đổi thửa hình thành những cánh đồng mẫu lớn, nhanh chóng đưa cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất, thì trước mắt LASUCO sẽ thực hiện một quy định mới, đó là sẽ không ký kết hợp đồng mua bán trực tiếp với các hộ có diện tích trồng mía dưới 1 ha đất, dần dần sẽ là các hộ có dưới 2 ha cũng không còn là đối tác trực tiếp nữa. Các hộ nhỏ lẻ sẽ phải tự nguyện liên kết với nhau dưới hình thức một đầu mối thích hợp.

Làm mới cây mía và hạt đường Lam Sơn - 2Tác giả Nguyễn Đắc Như và ông nông dân Đào Văn Đường trên cánh đồng mía Thọ Lâm, Thọ Xuân ven sông Chu Thanh Hóa.

Nghe và nhìn ông Chủ tịch Hội đồng thành viên Lê Văn Tam nói chuyện tôi chỉ còn biết miệt mài ghi chép. Tôi biết rồi đây mình còn phải tìm hiểu thêm tình hình qua các báo cáo, các tài liệu khác, nhưng những điều được rút ruột nói ra của một người tổng chỉ huy đầy tâm huyết và hiểu việc thì chắc chắn không một tài liệu sổ sách nào có được.

Theo kế hoạch đã định, đoàn nhà văn còn lưu lại Lam Sơn làm việc vài ngày nên trước khi tạm biệt để sang tiếp đoàn khách mới, ông Tam ân cần dặn chúng tôi nên tìm hiểu hoạt động của một vài nơi là đơn vị thành viên của LASUCO ví dụ như Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, hoặc tranh thủ đến với các hộ nông dân trồng mía, cũng là để xem họ chuẩn bị như thế nào cho cạnh tranh hội nhập theo cách của họ.

Theo gợi ý của ông Tam và được sự giúp đỡ hướng dẫn tận tình của cán bộ công ty như anh Chinh chánh văn phòng LASUCO, anh Thiêm phó giám đốc công ty Nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, anh Ky giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao LASUCO… những ngày sau đó, chúng tôi đã tới thăm và khảo sát nhiều đơn vị cơ sở công ty. Ở đâu cũng một không khí làm việc khẩn trương, nghiêm túc trước những yêu cầu khắt khe của quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Ngày hôm sau chúng tôi có dịp đến tham quan một số cánh đồng trồng mía của một số hộ nông dân. Nơi đầu tiên là đồng mía của ông Đào Văn Đường, thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân. Chúng tôi hẹn gặp ông chủ mía ngay trên cánh đồng của gia đình ở bên bờ sông Chu. Người nông dân gần sáu mươi tuổi có nước da đen bóng và nét mặt hiền hậu tươi cười đón chúng tôi ngay bên bờ ruộng. Ông cho biết gia đình mình hiện có 15 ha đất trồng mía tập trung. Tất cả việc trồng trọt canh tác thu hoạch mía hầu như đã được cơ giới hóa, việc tưới tiêu cho cánh đồng mía cũng được tự động. Chỉ riêng hệ thống tưới nhỏ giọt theo mô hình Israen gia đình ông đã đầu tư với mức gần 7 trăm triệu đồng (450 triệu đồng cho 10 ha). Ông bảo từ việc cày bừa xới xáo và thu hoạch mía cho đến phân bón thuốc bảo vệ cây trồng đều do công ty dịch vụ hỗ trợ. Chỉ có cây giống mía là gia đình ông tự nhân giống, giống gốc IT006 và TQ1 và kỹ thuật nhân giống cũng đều do công ty giúp sức bảo trợ. Việc lớn việc nhỏ tất tật đều có sự hỗ trợ của công ty, thế mà số lao động thường xuyên chăm sóc đồng mía của nhà ông lúc nào cũng phải trên 50 người, những ngày vào vụ hoặc thu hoạch thì lượng thuê mướn có khi phải gấp đôi.

Cũng nhờ có ruộng đồng tập trung cơ giới hóa canh tác và tự động hóa tưới tiêu, lại nhờ giống mía tốt được trồng trọt theo quy trình công nghệ khép kín được kiểm soát từ đầu nên mía nhà ông luôn đạt loại thượng thặng, tức là phẩm chất cao nhất.

Vụ vừa qua năng suất mía nhà ông Đường bình quân xấp xỉ 100 tấn/ha/vụ (mỗi năm 1 vụ cho đất nghỉ ngơi). Chất lượng mía bao giờ cũng đạt từ 9 đến 10 độ CCS. Tỷ lệ mía/đường bình quân là 8 M/Đ. Nhờ chất lượng cao nên giá bán cho công ty luôn cao nhất, vụ vừa qua là 900 đồng/kg mía, trong khi có loại mía công ty chỉ mua với giá 600 đồng. Với mức đầu tư, khấu hao, chi phí và doanh thu như trên, mức lãi ròng gia đình thu về bình quân cũng được 35 triệu/ha. 15 ha cũng có số lãi ổn định khoảng năm sáu trăm triệu mỗi năm. Tôi hỏi ông, mô hình sản xuất đạt cỡ như nhà mình trong huyện này có nhiều không, ông bảo cũng được vài chục, diện tích, năng suất chất lượng cũng tựa như nhà ông cả. Mô hình này mà nhân ra được vài trăm thì cây mía Lam Sơn lúc ấy chắc chắn sẽ dẫn đầu cả nước.

Đang trò chuyện thì trời đổ cơn mưa to, giữa đồng chẳng có nơi trú ẩn, ông Đường bảo chúng tôi lên xe kẻo ướt, khi nào tiện thì lại xuống thăm đồng mía của ông lần nữa. Tôi tỏ ra ái ngại cho ông giữa trời mưa, ông hiểu ý cười xòa mà rằng, nông dân chúng tôi đầu đội trời chân đạp đất sống khác nào cây mía, mưa nắng là chuyện bình thường, các bác các chú đừng phải lo!

Vâng, thưa với bác lão nông chi điền Đào Văn Đường chúng tôi không có gì phải lo lắng cả, khi mà chúng tôi đã được mục sở thị, đã mắt thấy tai nghe những gì đã và đang diễn ra ở vùng đất này. Sự chuyển động mạnh mẽ trong nghĩ suy và cách làm ăn mới mẻ, trong sự phối hợp gắn kết giữa những nhà quản lý, những nhà doanh nghiệp, những nhà khoa học, những người nông dân ở đây diễn ra thật hài hòa, nhịp nhàng và khéo léo, tất cả những điều đó đã cho chúng tôi một sự tin tưởng chương trình làm mới cây mía và hạt đường ở Lam Sơn rồi đây sẽ thành công tốt đẹp. Và cây mía đường Lam Sơn sẽ mãi mãi là niềm tự hào, tiếp tục đồng hành cùng đất và người Lam Sơn trong sự nghiệp làm giàu cho vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Văn học với mùa xuân thống nhất đất nước 1975

Chiến dịch mùa xuân năm 1975 và đại thắng 30/4 đã qua đi nhưng dư âm vẫn còn ngân vang mãi, trong văn học đương đại, đây là đề tài luôn giữ vị trí quan trọng, tạo nên một trong những dòng chủ lưu của nền văn học dân tộc và hiện đại.