Một sự kiện đáng nhớ

Từ năm 1944 đến quá nửa năm 1945 có thể nói là những năm vận hạn, cực kì khó khăn của dân tộc Việt Nam. Một cổ người dân Việt hai tròng thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Thời gian này, Pháp tỏ ra yếu thế trên đất nước ta, triều đình nhà Nguyễn luôn tỏ ra nhu nhược cùng những sự cung phụng đối với Nhật. Riêng ở miền Bắc năm 1944, đội quân của Nhật lên đến 100 nghìn người. Trong hoàn cảnh nông nghiệp ở miền Bắc mất mùa vì thời tiết và vì diện tích trồng lúa bị thu hẹp lại để trồng đay (1940 mới có 5.000ha đay thì đến năm 1944, do cưỡng bức của Nhật, diện tích này đã tăng vọt lên 45.000ha).

Một sự kiện đáng nhớ - 1

Trại Giáp Bát, Hà Nội, nơi tập trung những nạn nhân đói năm 1945. Ảnh tư liệu.

Gạo từ miền Nam bị Pháp, Nhật cấm vận chuyển ra Bắc. Năm 1942, số gạo miền Nam đưa ra Bắc là 126.670 tấn thì đến năm 1944 số lượng này chỉ còn 6.830 tấn. Số gạo của các điền chủ Nam Bộ dư ra bị ép bán giá rẻ lên đến hơn 55.000 tấn. Đa số thóc này bị dùng đốt thành than thay cho nhiên liệu.

Trong khi đó Pháp và triều đình nhà Nguyễn phải cấp tới 900.000 tấn cho phát xít Nhật nuôi 100.000 quân ở miền Bắc. Đó là chưa kể người Nhật còn áp dụng một chính sách dã man để thu mua gạo của nông dân miền Bắc. Giá gạo tăng vọt từ 31 đồng Đông Dương (giá chợ đen là 57 đồng) năm 1943 tăng lên 53 đồng (giá chợ đen từ 700-800 đồng), nhưng người Nhật ép nông dân chỉ bán với giá 25 đồng… Tất cả những chính sách dã man, tàn khốc đó của Nhật đã khiến miền Bắc nước ta xảy ra nạn đói khủng khiếp làm chết trong năm 1945 hơn 2 triệu người.

Trong khi đất nước và dân tộc Việt Nam gặp nhiều khó khăn như vậy thì tình hình thế giới có nhiều chuyển biến đáng mừng cho công cuộc giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 7/5/1945, Đại chiến thế giới lần thứ hai đi vào giai đoạn cuối. Phát xít Đức đại bại và đầu hàng vô điều kiện. 3 giờ sáng ngày 10/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito đọc diễn văn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện phe Đồng minh.

Trong đường hướng chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Bác Hồ rất quan tâm đến lực lượng vũ trang. Tháng 6/1940, khi giới thiệu Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng) và Dương Hoài Nam (anh Văn - Võ Nguyên Giáp) vào học quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An, Bác dặn Nam “Cố học thêm quân sự”. Ngày 28/1/1941, trước khi về nước, Bác Hồ lại dặn “Chú Văn phải chú trọng đến quân sự”.

Tháng 10/1941, khi đã ở trong nước Bác giao cho Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm thành lập đội vũ trang quân sự. Ngày 22/12/1944, ở rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình, Cao Bằng) theo lệnh của Bác, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời do Hoàng Sâm làm Đội trưởng, Xích Thắng - Chính trị viên và Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy.

Đội tuyên truyền có ba tiểu đội, số vũ khí vô cùng thiếu thốn và thô sơ với 2 súng thất cửu, 17 súng trường, 14 súng kíp, ngoài ra toàn súng gỗ và gậy tre. Mà phương thức vận hành của mấy loại vũ khí này rất thô sơ như nhận sét của nhân viên đội biệt động “Con nai” của Mỹ khi hợp tác với ta đã nhận mô tả “súng kíp đánh lửa, phải châm ngòi để khởi động, ngòi súng mới khai hoả. Một số súng nạp đạn đằng trước, nhồi thuốc súng đặt một dầu que diêm vào ngòi nổ và bóp cò gần giống như súng bắn gà tây ở hội chợ ở một số nước châu Âu”.

Vì Bác nắm được tình hình thế giới đang có nhiều chiều hướng có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Tình hình trong nước sau nạn đói, nhân dân rất cực khổ nhưng lòng căm thù giặc càng được dâng cao. Lòng dân hướng về Việt Minh ngày càng lớn.

Các tổ chức quần chúng tự nguyện ra đời ủng hộ Việt Minh phát triển mạnh như tổ chức “Thanh niên xung phong” mới ra đời từ tháng 5/1945 mà đến tháng 8/1945 đã có hơn 1 triệu người tham gia, trong đó riêng Sài Gòn lên đến 20 vạn người. Bác nhận ra điều nan giải nhất là lực lượng vũ trang của Việt Minh và vũ khí, kĩ chiến thuật quân sự cần phải nhanh chóng được cải thiện, trang bị tốt để làm hạt nhân và cũng tạo niềm tin cho nhân dân. Việc này tự thân Việt Minh không thể làm nổi mà cần dựa vào những lực lượng thiện cùng chí hướng đánh Nhật …

Bác đang lao tâm khổ tứ để tìm ra giải pháp lớn cho cách mạng thì cuối tháng 11/1944, Bác nghe tin Trung uý William Shaw - phi công phân đội tiêm kích chiến thuật 51 thuộc Không đoàn 14 do Tướng Claire Chennault của Mỹ -  đại diện cho phe đồng minh đóng ở Côn Minh, Trung Quốc bị Nhật bắn rơi, nhảy dù xuống bản Ngần, xã Đề Thám, Hoà An, Cao Bằng.

Không đoàn 14 của phi công Shaw có nhiệm vụ phá hoại cơ sở vật chất, những đoàn tàu hoả cũng như các đơn vị của Nhật vận tải hàng từ Hà Nội lên Trung Quốc. Qua nghiên cứu tài liệu, Bác được biết Tướng Chennault là vị tướng tài, là một trong những phi công đầu tiên của Mỹ có biệt tài cho máy bay nhào lộn, và không đoàn của ông còn có biệt hiệu “Hổ bay”.

Trong thời gian ngắn đã hạ hơn 200 và làm tê liệt hơn 100 máy bay Mitsubishi khác của Nhật. Vì thế Bác đã chỉ thị cho du kích đối xử tốt với trung uý Shaw, rồi đưa anh ta lên gặp Bác, để Bác trực tiếp đưa viên phi công này về Côn Minh trao trả cho tướng Chennault.

Bằng tất cả sự chân tình trong đối xử của Bác và anh em du kích, cộng với việc nói chuyện trực tiếp với Shaw bằng tiếng Anh trong quá trình ở chiến khu và đi đường qua hàng nghìn cây số (trong chuyến đi dài gần nghìn cây số nhiều đoạn đường Bác nhường cho phi công Shaw cưỡi ngựa, Bác đi bộ). Cùng với việc được đọc bản “Chương trình Việt Minh” bằng tiếng Anh do Bác dịch và tặng, trung uý Shaw dần dần gạt bỏ được những dư luận khiến anh ta hiểu lầm về Việt Minh. Sau hơn ba tháng sinh hoạt, đi lại trên đường Shaw ngày càng khâm phục và có cảm tình với Bác và đồng đội của Bác.

Khi trở lại Không đoàn, những lời nhận xét tốt của Trung uý Charles Fenn - nhân viên cơ quan tình báo OSS (tiền thân của CIA) phụ trách Đông Dương và nhất là phi công Shaw về Bác Hồ và Việt Minh. Đồng thời khi tiếp xúc với Bác Hồ, Tướng Claire Chennault khâm phục khi Bác không nhận vàng, tiền của không đoàn trả ơn cứu mạng phi công Sa theo luật định, Bác chỉ nhận thuốc chữa bệnh.

Thêm vào đó qua trao đổi với Bác, Tướng Chennault đã nhận ra Bác và tổ chức Việt Minh là những người yêu nước chân chính, những người bạn cùng chiến tuyến chống Nhật nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn về vũ khí và khí tài quân sự. Chính vì thế, Tướng Claire Chennault đã cùng với Bác đi đến thoả thuận với Việt Minh những điều khoản có lợi cho các mạng Việt Nam giai đoạn chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Về phía Mỹ, Tướng Chennault sẽ viện trợ vũ khí, điện đài đồng thời thành lập Đội biệt động “Con Nai” (thuộc tổ chức tình báo OSS - tiền thân của CIA sau này) để sang vùng chiến khu Tân Trào dậy kĩ, chiến thuật quân sự và cả việc sử dụng điện đài cho du kích, quân đội Việt Minh. Phía Việt Minh thông qua điện đài được Mỹ cấp sẽ cung cấp tin thời tiết khu vực miền Bắc và những hoạt động, biến động của quân Nhật. Chính Bác Hồ cũng nhận làm một nhân viên cung cấp tin tức này dưới biệt danh Licius.

Có thể nói, việc đưa phi công Shaw trực tiếp trở lại đã là một cầu nối giữa Hồ Chí Minh và vị tướng chủ chốt của Không đoàn 14, thành chìa khoá thần kì mở toang cánh cửa kiên cố và xa lạ là Mỹ - một trong những lực lượng chính của phe Đồng minh. Cũng trong cuộc gặp mặt này, theo đề nghị của Hồ Chí Minh, tướng Claire Chennault đã tặng bác Hồ chân dung của ông với dòng đề tặng “Tặng bạn chân thành của tôi”. Chính bức ảnh này đã mang lại uy tín lớn cho Bác và Việt Minh trong Đại hội Quốc dân Tân Trào khi các đại biểu nhiều tư tưởng tin “Việt Minh và Hồ Chí Minh đã được Đồng minh ủng hộ”.

Tháng 7/1945, biệt đội “Con Nai” cùng với các chuyến máy bay chở vũ khí, điện đài của Không đoàn 14 đã đến Tân Trào. Bác Hồ chiêu đãi biệt đội bằng món bê thui ngon miệng. Sau đó vào ngày 19/7, Bác cùng Thiếu tá Allison K. Thomas đội trưởng đội “Con Nai” tuyển chọn binh sĩ cho đồng minh huấn luyện (trong đó có anh Văn, Đàm Quang Trung…).

Một sự kiện đáng nhớ - 2

Nhóm Con Nai chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước đó Bác lệnh cho Lê Giản, Lê Quảng Ba làm gấp sân bay dã chiến ở Lũng Cò (Sơn Dương, Tuyên Quang). Và ngay sau khi đón tiếp biệt đội và vũ khí Bác đã ra lệnh thành lập Đại đội Việt Mỹ do Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng và Thiếu tá Archimedes L.A. Patti làm tham mưu trưởng.

Chỉ tính riêng ba chuyến máy bay Dakota thả dù vũ khí cho đánh quân giải phóng  đã là 1 đại liên, 2 súng cối 60mm,4 súng chống tăng Bazoka ,8 trung liên Breno, 20 tiểu liên Thompson, 60 ca bin, 20 súng ngắn Col, một số ống nhòm… Ngoài ra còn có các bộ điện đài đủ cho Bác quyết định thành lập 3 trạm điện đài ở Hà Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng...

Nhưng cũng trong giai đoạn này, Hồ Chí Minh phần vì tuổi cao phần vì vất vả sau chuyến đi dòng dã hàng nghìn cây số để đưa phi công Shaw về Côn Minh đã đổ bệnh. Rất may được sự nhiệt tình cứu chữa của vài thầy lang dân tộc và nhất là Hoagland y sĩ của biệt động “Con Nai” với những loại thuốc tây đặc chủng chữa sốt rét thời đó như kí ninh, sulfa, thuốc trị đại tràng…

Nên sau gần một tháng Bác đã đi lại được. Thời gian Bác ốm, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 là lúc diễn ra các đại hội Đảng toàn quốc và Quốc dân Tân Trào. Một số đồng chí trong Trung ương lo tình hình sức khoẻ của Bác nhưng trên giường bệnh Bác đã hạ quyết tâm: “Thời cơ đã đến không làm tổng khởi nghĩa sẽ có tội với dân tộc, sức khoẻ của Bác sẽ bình phục. Dù thế nào vẫn phải làm, dù phải đốt cháy rẫy Trường Sơn cũng phải dành được độc lập, tự do”.

Mặc dù Đại hội Đảng toàn quốc họp hai ngày 14-15/8 Bác vắng mặt vì sức khoẻ. Nhưng ngay ngày sau đó, vào ngày 16/8 đến Đại hội Quốc dân Tân Trào mặc dù còn mệt Bác vẫn đến dự để được Đại hội nhất trí đề cử là Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam (như Chính phủ lâm thời) và với vị trí lãnh đạo cao nhất Bác đã ra lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa theo tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc và Tổng hội Vịệt Minh.

Ngay sau đó, vào lúc 14 giờ cùng ngày Bác đã lệnh cho anh Văn đưa quân giải phóng đi đường Thái Nguyên về Hà Nội chuẩn bị đón đoàn “Con Nai “do Đội trưởng Patti dẫn đầu. Trong quá trình về, qua Thái Nguyên gặp nhiều sự ngăn cản của tàn quân Nhật.

Một sự kiện đáng nhớ - 3

“Nhóm Con Nai” huấn luyện du kích Việt Minh. Ảnh tư liệu

Song với sự phối hợp với một số nhân viên “Con Nai” trong chi đội 4 Quân giải phóng với vũ khí Bazoka đã tiêu diệt mọi sự ngăn cản của Nhật. Đặc biệt trong ngày 20/8, quân Nhật kháng cự dữ dội, Quân Giải phóng một mặt tấn công mạnh, mặt khác Thiếu tá Patti đã gửi thư bằng tiếng Anh khuyên Nhật đầu hàng.

Cùng với vai trò của thiếu tá là đội trưởng biệt đội “Con Nai”, Tham mưu trưởng của Đại đội Việt Mỹ, cũng là người bạn tâm đầu ý hợp của anh Văn, Thiếu tá Archimedes L.A. Patti xứng danh là cố vấn quân sự đầu tiên của lực lượng Việt Minh là vậy.

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.