Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới

Ngày 12/12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đến dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan văn hóa, văn nghệ Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, các nhà quản lý, nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong cả nước.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 1

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Công tác lý luận, phê bình trong 50 năm qua

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, chủ đề của Hội thảo là sự tập hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng qua các thời kỳ; của các nhà quản lý, các nhà khoa học; được Ban Bí thư và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đồng tình và khích lệ.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 2

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã đưa đất nước ta bước sang một trang sử mới - trang sử hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển, đồng thời cũng mở ra cho văn hóa, văn nghệ nước nhà một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn văn hóa, văn nghệ thống nhất, giao hòa, phát triển và từng bước hoàn thiện theo xu hướng hòa hợp dân tộc, chủ nghĩa xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ, 50 năm cũng là khoảng thời gian cho phép chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về những ưu điểm, kết quả, thành tựu và những hạn chế, bất cập, non kém của đời sống văn hóa, văn nghệ nước nhà, trong đó có công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ; hơn nữa còn là một bộ phận trong công tác lý luận chính trị của Đảng.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 3

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Huyền Thương

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhận định, gần năm mươi năm qua, dưới ánh sáng đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn của Đảng, những khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với văn học, nghệ thuật từng bước được tháo gỡ; môi trường hoạt động sáng tác, sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật không ngừng được đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho văn học, nghệ thuật Việt Nam tiếp biến, hội nhập với văn học, nghệ thuật thế giới.

Tuy nhiên, đời sống văn nghệ vẫn chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng của đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, những hạn chế, bất cập này cần phải được nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác, từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, hiệu quả để khắc phục, điều chỉnh kịp thời.

Đồng chí mong muốn, tại Hội thảo, các nhà văn hoá, văn nghệ, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ có những trao đổi thẳng thắn để làm rõ những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm về phát triển văn hoá, văn nghệ, về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật qua gần 50 năm thống nhất đất nước và gần 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới; phân tích, dự báo được bối cảnh mới, cơ chế tác động và đề xuất tầm nhìn, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để chấn hưng và phát triển văn hoá, văn nghệ; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 4

Đại biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Tham luận tại Hội thảo, GS. Trần Đình Sử cho rằng, lý luận phê bình văn học sau Đổi mới có một số đặc điểm: Một là, được phát triển theo quy luật tự thân, tức “tự luật”. Hai là, lý luận văn học một thời bị chính trị hóa, dựa vào triết học, phản ánh luận từng được quá mức đề cao, ngự ở vùng trung tâm, nay đã dần dần ra vùng ngoại biên. Ba là, nếu giai đoạn trước vai trò lý luận thuộc về một số đồng chí lãnh đạo, thì nay vai trò đó thuộc về các cá nhân nhà lý luận. Bốn là, thay vì thuyết minh các nguyên lý chính thống, các lý thuyết khoa học nhân văn được phát triển mà không bị gây bất cứ cản trở nào.

GS. Phong Lê thì nhận định: “Thực trạng phê bình văn học hiện nay gắn bó trực tiếp với hoạt động báo chí, còn phê bình trong đời sống nghiên cứu và giảng dạy ở các viện và học đường thì ít có tác động đến công chúng bạn đọc”.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 5

GS. Phong Lê đưa ra đánh giá về thực trạng phê bình văn học hiện nay. Ảnh: Huyền Thương

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

Khẳng định “lý luận phê bình văn học, nghệ thuật góp phần làm giàu tâm hồn người lính”, nhà văn Phùng Văn Khai cho biết, trau dồi và có được nền tảng tri thức sâu sắc trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chiến sĩ và nhân dân là nhiệm vụ và nghĩa vụ của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội.

Để các tác phẩm văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ trong quân đội có đóng góp nhiều hơn cho xã hội, cho quân đội nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng lý luận, phê bình phải đi được vào quần chúng nhân dân, đi được vào đời sống bộ đội.

“Những tác phẩm hay sẽ còn mãi đọng lại, soi rọi và khơi gợi sự nhân văn của con người trong đó có người chiến sĩ. Văn hóa, văn học, nghệ thuật của quân đội trước hết phải là văn hóa cách mạng, đó chính là cái mới, cái tiến bộ, là ánh sáng, phải tiếp tục góp phần làm giàu tâm hồn người chiến sĩ. Đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội phải luôn là lá cờ đầu trong xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật cách mạng như các thế hệ trước đã từng thực hiện”, nhà văn Phùng Văn Khai nhấn mạnh.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 6

Nhà văn Phùng Văn Khai phát biểu tham luận. Ảnh: Huyền Thương

Đối với lý luận, phê bình trong lĩnh vực văn học dân tộc thiểu số, miền núi, nhà văn Cao Duy Sơn chia sẻ, những sáng tác của các tác giả dân tộc thiểu số, miền núi 50 năm qua đã có đóng góp quan trọng cho văn học nước nhà. Mỗi tác phẩm đã đem đến cho bạn đọc một vẻ đẹp riêng của tâm hồn tộc người, không gian văn hóa vùng miền khắp cả nước nhưng văn học dân tộc thiểu số, miền núi lại nhận được rất ít sự quan tâm của các nhà lý luận, phê bình.

Nhà văn Cao Duy Sơn đề nghị, cần phải xem lại và có bước đi cụ thể, thực hành cụ thể. Bên cạnh đó, lý luận phê bình cũng không thể bỏ qua những tác giả người Kinh viết về đề tài dân tộc thiểu số.

“Phải có hẳn chuyên đề hội thảo những tác phẩm viết về đề tài dân tộc thiểu số do người Kinh viết. Có như thế mới thấu đáo và công bằng. Bởi những sáng tác của họ với mảng đề tài là vô cùng lớn, có giá trị. Là một phần không thể thiếu của văn học dân tộc thiểu số và miền núi trước đây, ngày nay và mai sau”, nhà văn Cao Duy Sơn cho hay.

Còn trong lĩnh vực sân khấu, theo NSND Lê Tiến Thọ, công tác lý luận, phê bình dường như đang đứng ngoài cuộc, có rất ít các bài viết đánh giá chất lượng các liên hoan, cuộc thi sân khấu, rất ít ý kiến nhận xét về chất lượng giải thưởng, chất lượng công tác tổ chức, thành phần ban giám khảo,…

Bên cạnh đó là thực trạng những người có kinh nghiệm được đào tạo tại các nước có nền văn học nghệ thuật phát triển đã cao tuổi, lớp trẻ không sống được bằng nghề nên thiếu vắng, khiến cho đội ngũ những nhà phê bình sân khấu trong những năm gần đây “mỏng”, lại có tâm lý “thương cảm” những đơn vị nghệ thuật, dẫn tới những bài viết theo tỉ lệ “7 khen, 3 góp ý” để không bị mất lòng.

Để giải quyết vấn đề này, theo NSND Lê Tiến Thọ, cần phải đưa ra nhận thức về sự cần thiết, phải nhận diện đánh giá, phải có tiếng nói khoa học, định hướng lại sáng tác, tổ chức lại liên hoan để hoạt động sân khấu đi vào nề nếp.

Mở rộng đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, NSND Lê Tiến Thọ cũng đề xuất một số giải pháp như: Cần xác định rõ vai trò quan trọng của lý luận phê bình trong đời sống văn học nghệ thuật, có đề án quy hoạch và phát triển công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật (trong đó có nghệ thuật sân khấu), để có cơ sở đào tạo đội ngũ lý luận phê bình có đủ trình độ năng lực gánh vác trọng trách nặng nề.

Có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút cho những bài viết, những tác phẩm lý luận phê bình có chất lượng. Xét giải thưởng hàng năm của lý luận phê bình phải được đánh giá và đầu tư thích đáng.

Các cơ quan quản lý Nhà nước, các Hội chuyên ngành cần có cơ chế bảo vệ những nhà lý luận phê bình để có những ý kiến phản biện xã hội đại diện cho các Hội chuyên ngành và chính kiến của cá nhân trước dư luận xã hội.

Cần kiện toàn tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả của lý luận phê bình ở các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương. Có kế hoạch hàng năm phối hợp với Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Tổng kết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới - 7

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu kết luận Hội nghị, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định đây là một Hội thảo mang tầm vóc quốc gia, qua Hội thảo, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất