Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 diễn ra sáng 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã tôn vinh 389 nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc.

NSND, NSƯT là “vốn quý của đất nước”

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, sự nghiệp đổi mới gần 40 năm qua và những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước chính là nguồn cảm hứng bất tận và là động lực lớn lao cho đội ngũ nghệ sĩ tài năng, mẫn cảm, luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo nghệ thuật phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, chinh phục được nhiều đối tượng công chúng. Các nghệ sĩ ở mỗi loại hình nghệ thuật với ngôn ngữ, phương thức biểu đạt riêng đã tạo nên nhiều tác phẩm hay làm cho đời sống văn hóa nghệ thuật ngày càng giàu màu sắc, phản ánh sinh động thực tiễn đổi mới vĩ đại của đất nước, nuôi dưỡng tâm hồn, hướng con người đến các giá trị tốt đẹp chân, thiện mỹ, góp phần quan trọng xây dựng nền tảng tinh thần xã hội.

“Các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thực sự là “vốn quý của đất nước”, dù ở lứa tuổi nào, thành phần dân tộc nào cũng đều đã đóng góp quý báu cho nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà - 1

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Ảnh: Báo Văn hóa

Theo Chủ tịch nước, trong bối cảnh mới, đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật phải không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm các phương thức biểu đạt mới phù hợp với văn hóa Việt Nam, vươn tầm khu vực và thế giới, có nhiều tác phẩm hay, truyền tải những giá trị nhân văn, tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa; góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị, các cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương, tiếp tục nhận thức sâu sắc về vai trò của văn hóa nghệ thuật và các nghệ sĩ; tiếp tục quan tâm, động viên, khích lệ đội ngũ hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà phát huy tài năng, sáng tạo nghệ thuật, say mê cống hiến với ý thức đầy đủ về khó khăn, thách thức và cơ hội trong phát triển, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà - 2

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10. Ảnh: Báo Văn hóa

Đồng thời có chính sách phù hợp để chăm lo các nghệ sĩ, đảm bảo để các nghệ sĩ có thể sống được bằng nghề. Coi trọng công tác bồi dưỡng tài năng trẻ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt lớp kế cận. Tôn trọng đặc trưng sáng tạo nghệ thuật, tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh.

Cùng với đó, cần kịp thời tôn vinh, khen thưởng xứng đáng với cống hiến, lao động của người nghệ sĩ. Rà soát kỹ lưỡng để xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, xứng đáng nhưng chưa được vinh danh.

Tôn vinh gần 400 tài năng nghệ thuật xuất sắc

Đánh giá về quá trình triển khai xét tặng danh hiệu, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội đồng cấp Nhà nước cho biết, công tác xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục hồ sơ quy định tại Nghị định số 89/2014/NĐ-CP ngày 29/9/2014 và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 của Chính phủ. Các hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện qua 03 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở; Hội đồng cấp Bộ/Tỉnh và Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp trên chỉ xét các hồ sơ do Hội đồng cấp dưới trình.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm, trong quá trình tổ chức họp Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng cấp Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không nhận được đơn thư, khiếu nại nào về quy trình, thủ tục xét tặng, chỉ có một số đơn thư kiến nghị liên quan đến hồ sơ. Bộ đã triển khai xem xét đơn thư theo đúng quy định: kiểm tra hồ sơ của cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu; yêu cầu Hội đồng cấp bộ/tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước báo cáo, giải trình và trả lời cá nhân có đơn thư, kiến nghị theo đúng quy định hiện hành.

Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà - 3

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu.

"Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, công tác xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Theo đó, Chủ tịch nước ký Quyết định tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cho 125 Nghệ sĩ Ưu tú; tặng, truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho 264 Nghệ sĩ", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.

Các nghệ sĩ có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT dịp này là những gương mặt nghệ sĩ tài năng, thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, điện ảnh, múa, phát thanh - truyền hình, sân khấu… của các tỉnh, thành trên cả nước.

Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà - 4

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao danh hiệu NSND cho các nghệ sĩ. Ảnh: TTXVN

Có 5 Nghệ sĩ được truy tặng danh hiệu NSND gồm: NSND Lê Gia Hội (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), NSND Hồ Quang (Công ty cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam), NSND Thanh Kim Huệ (TP Hồ Chí Minh), NSND Võ Thị Tuyết Mai (Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định), NSND Chanh Sa Thea (tỉnh Sóc Trăng).

Các NSND gồm những cái tên quen thuộc như NSND: Trần Lực, Quốc Khánh, Hà Thủy, Bùi Công Duy, Đức Trung, Trung Đức, Trần Đức, Khương Đức Thuận, Thu Huyền, Ngọc Huyền, Hương Dung, Thanh Lam, Phạm Phương Thảo, Xuân Bắc, Trịnh Kim Chi, Mỹ Uyên, Đạt Tăng, Tấn Minh, Thanh Thúy…

Vinh danh những tinh hoa nghệ thuật của nước nhà - 5

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao danh hiệu NSND cho NSND Xuân Bắc. Ảnh: TTXVN

Trong đó, NSND cao tuổi nhất là NSND Hùng Minh - Diễn viên cải lương Thành phố Hồ Chí Minh, sinh năm 1930 (94 tuổi); NSND trẻ tuổi nhất là NSND Hoài Thu - Diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Hồ Ngọc Trinh - Diễn viên Nhà hát Cải lương Long An, sinh năm 1984 (40 tuổi).

Về NSƯT, nghệ sĩ cao tuổi nhất được phong tặng đối với nam là NSƯT Nguyễn Quý Hải, Nhà hát Kịch nói Quân đội, sinh năm 1932 (92 tuổi); đối với nữ là NSƯT Lê Mai, Nhà hát Kịch Hà Nội sinh năm 1939 (85 tuổi). Trẻ tuổi nhất đối với nam là NSƯT Vũ Thanh Tuấn, Diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam sinh năm 1990 (34 tuổi); đối với nữ là NSƯT Phạm Khánh Ngọc, Diễn viên Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh sinh năm 1988 (36 tuổi).

Gần 400 nghệ sĩ được vinh danh trong Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10 là những tinh hoa của nước nhà, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Đây cũng là dịp công chúng, khán giả bày tỏ sự ủng hộ, tình cảm yêu thương dành cho những gương mặt nghệ sĩ đã góp phần làm nên nhiều tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nữ doanh nhân tài sắc Ellis Đậu Tuyết tâm huyết với hoạt động xã hội

Nữ doanh nhân tài sắc Ellis Đậu Tuyết tâm huyết với hoạt động xã hội

Sinh ra ở Quảng Bình, lớn lên tại Bình Phước, Ellis Đậu Tuyết mang trong mình một tâm hồn nghệ sĩ, ngọn lửa đam mê nghệ thuật luôn cháy bỏng từ thuở thiếu thời, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, cô đành tạm gác lại để theo đuổi con đường kinh tế. Tuy nhiên, nghệ thuật vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô.

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

TS. Phạm Việt Long, văn nhân nặng lòng với văn hóa dân tộc

Tôi đến tư gia thăm nhà văn, TS. Phạm Việt Long sau ngày cơ quan cũ của ông tổ chức ra mắt “Tín ngưỡng thờ mẫu từ góc nhìn văn hóa”, NXB Dân Trí năm 2024. Ông tặng tôi tập sách, hay nói đúng tầm là công trình nghiên cứu này. Sách dày đến gần 600 trang, bìa cứng, trang trọng.