Tài năng và danh phận
Ánh sáng thì tỏa xa chứ không sáng chân đèn nên mới có câu “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Dẫu trọng dẫu khinh thì đèn vẫn sáng, chứ đèn tù mù thì tung hô mấy cũng không sáng được. Ở đây, tôi chỉ bàn đến việc đứng gần những ngọn đèn sáng mà thôi. Xung quanh việc này cũng có nhiều cách ứng xử.
Đứng bằng đôi chân của chính mình
Được gần các vĩ nhân đương nhiên là một điều vinh hạnh. Bởi vì ta có thể học được những phẩm chất tốt đẹp của họ. Tuy nhiên, các vĩ nhân thật thì thường giấu mình đi. Ánh sáng thì tỏa xa chứ không sáng chân đèn nên mới có câu “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Dẫu trọng dẫu khinh thì đèn vẫn sáng, chứ đèn tù mù thì tung hô mấy cũng không sáng được. Ở đây, tôi chỉ bàn đến việc đứng gần những ngọn đèn sáng mà thôi. Xung quanh việc này cũng có nhiều cách ứng xử. Từ những cách ứng xử ấy, sẽ biết anh là người như thế nào.
Khi được gần các vĩ nhân, những người có nhân cách thường không lợi dụng các vĩ nhân để làm lợi cho mình. Bởi họ hiểu mỗi người có một sự nghiệp riêng, một vị trí riêng trong cuộc đời. Vị trí trong lịch sử không quyết định ở ngôi vị cao thấp, mà được xác định bởi anh có “tỏa hương” thơm thực hay không? Không thể lợi dụng ai để thay đổi vị trí của mình được, nên họ thường lặng lẽ, chỉ coi đó là một kỷ niệm đẹp.

Hàng đầu từ trái: Nguyễn Đình Thi - Kim Lân - Nguyên Hồng - Nam Cao. Hàng sau từ trái: Nguyễn Đỗ Cung - Học Phi - Nguyễn Xuân Sanh - Chế Lan Viên - Hoàng Trung Thông -Nguyễn Huy Tưởng - Tô Hoài. Ảnh: Trần Văn Lưu
Một số khác thì nhân đấy khuếch trương cho mình, tạo thanh thế và lợi dụng nó để kiếm chác. Nhớ thời kỳ đầu Đổi mới, các “đại gia” thường tìm cách tiếp cận các vĩ nhân rồi thuê người chụp ảnh treo ở phòng làm việc để mượn oai hùm. Tất nhiên, đấy chỉ là cách thô thiển dọa người yếu bóng vía.
Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật cũng có những hiện tượng này.
Khi viết về các nhà văn, nhà thơ lớn, một số người với thái độ trân trọng tôn kính kể lại kỷ niệm một cách khách quan, chiếu ánh sáng làm nổi rõ các vĩ nhân, còn mình thì lặng lẽ khuất đi. Nhưng chính sự ẩn giấu mình này mà nhân cách người viết lại tỏa sáng. Một số khác thì khoe khoang như mình là bạn thân thiết, được vĩ nhân khen này khen nọ, tưởng nhờ vĩ nhân đề cao mình (mà phần nhiều là bịa ra) để mong được người đời tôn kính. Nhưng thường gặt hái được kết quả ngược lại, bởi công chúng đông đảo đâu dễ bị đánh lừa.
Tôi được đọc nhiều bài thơ tưởng nhớ, trò chuyện cùng các vĩ nhân. Một số là tình thực đáng quý. Nhưng đa số cố đánh đu với tên tuổi người xưa như cách trồng cây lưu niệm hoặc gắn biển vào danh thắng “tôi đã đến đây ngày… tháng… năm”... Rất buồn cười!
Các nhà thơ lớn Xuân Diệu, Chế Lan Viên thường viết về các cây bút trẻ. Vậy các ông tựa vào đâu? Họ tựa vào chính phẩm chất và tài năng của mình. Khen những người kém hơn mình, phải là người có bản lĩnh. Còn thi sĩ Tố Hữu, người được sống gần Bác nhiều năm và được Bác rất yêu quý, nhưng ông cũng thành thực kể rằng thơ của mình không mấy khi được Bác khen hay, Người chỉ động viên khi bài thơ có tác dụng tốt cho cách mạng.
Một số người thì khi được gần các vĩ nhân cũng tưởng mình là vĩ nhân. Tôi vừa được xem truyền hình cuộc trao đổi giữa một nhà thơ nổi tiếng với một giảng viên không tên tuổi về một nhà thơ lớn. Nhà thơ nổi tiếng thì trình bày chân thực các giá trị thơ ca của nhà thơ lớn kia. Trong khi đó vị giảng viên không tên tuổi lại cứ cướp lời lấn át và cố tình chê bai nhà thơ lớn nọ, làm như thể ý kiến của mình mới là phát hiện cao siêu. Hạ thấp các vĩ nhân, tưởng mình ngang hàng với họ cũng là cách bộc lộ của những người văn hóa thấp.
Vẫn biết lịch sử cũng không phải hoàn toàn công bằng. Dẫu thời gian lùi xa thì vẫn có một số sự kiện và con người bị ẩn khuất, một số được trưng diện quá đáng, và một số bị nhầm lẫn. Nhưng đa số là được thời gian làm sáng tỏ, đánh giá công bằng. Vì vậy, sự trung thực là vô cùng cần thiết. Hãy là chính mình, đừng mượn áo của ai, đừng dựa vào ai cả. Mỗi con người có một giá trị riêng không thể thay thế. Dựa vào các vĩ nhân cũng không thể sáng hơn, không thể thơm hơn.
Tuy nhiên, xung quanh các vĩ nhân bao giờ cũng có nhiều người. Viết về họ cũng là chuyện thường tình. Bởi các vĩ nhân thường tập trung nhiều phẩm chất tốt đẹp dồn nén lại, viết về họ sẽ rút ra được nhiều bài học cho mọi người. Nhưng viết như thế nào mới là điều cần quan tâm. Đến như Xuân Diệu, người ngầm ví mình như đỉnh Himalaya “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, khi viết về ba thi hào dân tộc: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, không ai bảo rằng ông ngầm so sánh với tiền nhân để đề cao mình. Thậm chí, khi nói về Nguyễn Du, nhà thơ Tố Hữu còn viết: “Khúc vui xin lại so dây cùng Người”, thì ta cũng chỉ thấy đấy là tiếng của dân tộc, tiếng của thời đại đang nói với đại thi hào, chứ không ai nghĩ Tố Hữu có ẩn ý riêng.
Tâm sáng thì mọi thứ sẽ sáng. Đứng gần vĩ nhân hay đứng gần thường dân cũng vậy thôi. Hãy chân thực thì khuôn mặt mình sẽ sáng rõ, dẫu dưới ánh sáng mặt trời hay dưới ánh sáng mặt trăng.
Sự tự tinLàm công việc gì cũng cần sự tự tin. Không tự tin vào mục tiêu và kết quả sẽ đạt được thì làm gì có đủ nghị lực và quyết tâm mang hết tài năng và sức lực để thực hiện, thì sao có kết quả được? Nhưng tôi thấy giới văn nghệ sĩ hình như có sự tự tin hơn bình thường. Đó là một điều tốt. Hơi thái quá một chút thì không sao, nó sẽ cho ta thêm sức mạnh. Nhưng nếu thực sự thái quá thì lại là ảo tưởng, hão huyền mà không bao giờ đi được đến đích.
Tuy nhiên, mỗi người tự tin một cách khác nhau. Có người tự tin nói ra lời, và có người tự tin nhưng không nói ra mà âm thầm phấn đấu cho kỳ được mục đích của mình.
Nhà thơ Lý Bạch của nước Trung Hoa có sự tự tin vào tài năng của mình mà tôi chưa thấy trong lịch sử văn chương nhân loại có ai tự tin được hơn ông. Bằng hình tượng văn chương, ông tự ví mình như một trái núi lớn sừng sững giữa đất trời ngàn năm: “Bao nhiêu mây nổi bay đi hết/ Chỉ còn núi Kính Đình và ta”. Đồng thời, ông cũng nói thẳng ra lời về tài năng của mình: “Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng” (Trời sinh ta tài tất có dùng). Và quả thực, do tài thơ của mình ông đã có lúc được vua Đường Minh Hoàng rất trọng dụng. Riêng tôi, rất khâm phục sự tự tin của ông khi ông không tranh tài với nhà thơ Thôi Hiệu lúc ông đến lầu Hoàng Hạc thấy Thôi Hiệu đã đề thơ ở đó. Người tự biết mình là người tự tin nhất. Trước bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu, Lý Bạch đã buông bút: “Nhãn tiền hữu cảnh họa bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu” (Trước mắt có cảnh đẹp mà không làm thơ được/ Bởi Thôi Hiệu đề thơ ở trên đầu mất rồi). Người có tài là người nhìn thấy đúng tài năng của người khác. Tự tin về tài năng của mình như Lý Bạch, nhưng ông cũng tự biết trong trường hợp này thì mình không thể tài bằng Thôi Hiệu được. Sự tự biết ấy là một tài năng. Lịch sử văn chương đến nay đã chứng minh sự tự tin, tự biết này của thi tiên Lý Bạch là hoàn toàn đúng. Mười ba thế kỷ đã trôi qua, từ khi có lời đánh giá của Lý Bạch, vẫn chưa có bài thơ nào về lầu Hoàng Hạc sánh được với bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của Thôi Hiệu.
Nhà thơ Maiacopxki của Nga cũng có một sự kiêu hãnh, tự tin vào tài năng của mình: “Ta từ trên một trời thơ bước xuống”. “Một trời thơ” thì quả là vĩ đại. Có một giai thoại cũng ghi nhận sự tự tin của Maia. Đó là, có một nhà thơ thời đó không thích thơ Maia và đố kỵ với ông, có nhận xét rằng thơ Maia không thể sống lâu được. Maia đã cười mỉm mà rằng: “Một nghìn năm sau nếu ông sống lại, ông sẽ thấy tôi ngồi chờ ở đó rồi!”.
Chúng ta vẫn thường nói về sự khiêm tốn của Nguyễn Du khi ông kết thúc “Truyện Kiều” bằng câu thơ: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Vậy Nguyễn Du có tự tin vào tài năng của mình không? Ông có tự tin vào sức sống của “Truyện Kiều” không? Điều này thật khó có thể đưa ra lời kết. Nhưng tôi thấy Nguyễn Du đã trò chuyện với thi thánh Đỗ Phủ rất thành thực: “Tôi và ông ở hai thời đại khác nhau, thương nhau luống rơi nước mắt”. Nếu ông không tự tin vào tài thơ của mình có thể trường tồn, sánh với người đối thoại thì chả lẽ ông đã “thấy người sang bắt quàng làm họ” hay sao? Tôi nghiêng về ý cho rằng đại thi hào dân tộc Nguyễn Du tự tin vào tài năng của mình một cách âm thầm.
Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, thi sĩ Chế Lan Viên đã thể hiện sự tự tin của mình: “Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên” (Từ thế chi ca). Còn thi sĩ Tố Hữu có phải cũng gửi lòng mình qua đề tài dân ca Quan họ: “Ai về, ai nhớ ai quên/ Mình về đến hẹn lại lên cùng người”. Vâng, “đến hẹn lại lên” có phải không chỉ là lên hội, mà còn cả ngầm ý lên Thi sơn cùng người chăng?
NoneBình luận